Các nhà nghiên cứu đến từ trường đại học Twente, Hà Lan mới đây đã công bố một bản báo cáo trong đó chỉ ra rằng khoảng 4 tỷ người trên thế giới đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch ít nhất 1 tháng trong năm, tương đương 2/3 dân số loài người.
Báo cáo cho thấy số lượng người bị ảnh hưởng bởi vấn đề thiếu nước sạch đang gia tăng nhanh chóng và vượt qua mọi dự báo được đưa ra trước đây. Những nghiên cứu trong quá khứ chỉ ra rằng có khoảng 1.7 – 3.1 tỷ người chịu ảnh hưởng bởi thiếu nguồn nước, tuy nhiên chúng không cân nhắc những tác động từ môi trường bên ngoài mà chỉ bao gồm những số liệu ròng qua từng năm.
Lần này, nhóm nghiên cứu đến từ đại học Twente đã thu thập dữ liệu trên cơ sở từng tháng từ năm 1996 đến 2005, trong đó bao gồm cả nhu cầu sử dụng nước trong nông nghiệp, bảo vệ môi trường, của người dân thành thị và nông thôn. Trong 4 tỷ người bị liệt vào danh sách ảnh hưởng, gần một nửa trong số họ sống ở Trung Quốc và Ấn Độ. Những quốc gia khác cũng phải hứng chịu vấn đề thiếu nước sạch đó là Mỹ (130 triệu người), Bangladesh (130 triệu người), Pakistan (120 triệu người) và Nigeria (110 triệu người).
Theo như bản báo cáo, thì vấn đề thiếu nguồn nước trong tương lai sẽ trở nên trầm trọng hơn, một phần là vì dân số tăng nhanh và những thảm họa thiên nhiên như hạn hán, mặt khác do nhu cầu sử dụng nước trong sản xuất thực phẩm cũng đi lên. Nhóm nghiên cứu cho rằng, nguồn nước ở những đô thị hiện đại như London cũng trở nên không bền vững trước mối nguy cơ toàn cầu này. Trong khi đó 2 trong số những quốc gia phải hứng chịu tác động nặng nề nhất là Libya và Somalia, khi mà lần lượt 80% và 90% dân số ở đây thiếu nước sạch nghiêm trọng.
Giáo sư Arjen Hoekstra, người đã gắn bó lâu năm với nghiên cứu, đánh giá thiếu nước sạch đã trở thành một mối lo ngại toàn cầu ảnh hưởng đến tất cả chúng ta và rằng nó là vấn đề về môi trường nghiêm trọng hàng đầu hiện nay. “Mọi người dân trên thế giới đều phải có trách nhiệm giải quyết vấn đề này”, ông Arjen nhận định.
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF 2016) được tổ chức vào tháng 1 vừa rồi, khủng hoảng nguồn nước được đánh giá là một trong ba hiểm họa lớn nhất đối với loài người trong vòng 1 thập kỷ tới, bên cạnh 2 vấn đề khác là biến đổi khí hậu và khủng hoảng nhập cư. Tại một số quốc gia như Syria nơi đang ghi nhận hạn hán, xung đột quân sự và sự bành trướng của các tổ chức khủng bố, người dân đang phải gánh chịu cả 3 mối đe dọa trên.
Giáo sư Arjen đánh giá nhu cầu sử dụng nước sạch cho mục đích cá nhân không phải là gốc rễ của vấn đề: “Sử dụng vòi hoa sen ít hơn không phải là câu trả lời cho bài toán. Thực tế chỉ 1-4% lượng nước mà con người đang dùng là từ những hộ gia đình, trong khi 25% là từ quá trình sản xuất thịt. Sẽ cần khoảng 15 nghìn lít nước để sản xuất 1kg thịt bò, và phần lớn lượng nước này được dùng để tưới cây trồng phục vụ nhu cầu thức ăn cho vật nuôi”. Ngoài ra cũng theo ông Arjen thì thiếu nước sạch có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái, nhất là thế giới động vật dưới lòng nước.
Nghiên cứu từ đại học Twente cũng không quên chỉ ra những giải pháp khả thi cho vấn đề thiếu nước sạch trên thế giới. Các nhà khoa học tham gia vào dự án cho rằng nên có một sự giới hạn nhất định trong việc sử dụng nước sạch vì mục đích công nghiệp, trong khi các doanh nghiệp cần cải thiện công nghệ và năng suất lao động để sử dụng nước tiết kiệm và hợp lý trong quá trình sản xuất. Chính phủ cũng cần hợp tác với khu vực tư nhân trong việc mở rộng các chiến dịch tuyên truyền để người dân hiểu rõ sự nghiêm trọng của vấn đề và cách sử dụng nước tiết kiệm. Bên cạnh đó, trong bối cảnh những dự án giao thông và cơ sở hạ tầng đang tàn phá hệ sinh thái, các nhà đầu tư cũng cần cân nhắc những tác động đến môi trường và nguồn nước trước khi bắt tay vào thực hiện dự án.
“Chỉ khi cả thế giới chung tay hành động một cách có trách nhiệm, chúng ta mới hy vọng giải quyết được vấn đề thiếu nước sạch”, giáo sư Arjen cho hay.
Nguyễn Mai Đức
Sửa lần cuối: