6 bước hàn gắn mối quan hệ của bạn

161680-167400.jpg


Vài năm trước, một nhà trị liệu tâm lý tên là Susan có 40 năm kinh nghiệm, thừa nhận rằng cô cảm thấy mình giống như một nhà cố vấn ly hôn hơn là nhà tư vấn cho các cặp đôi vì cô thấy 90% các cặp đều thừa nhận là đã quá muộn rồi. Cô giải thích rằng mình giống như điểm dừng cuối cùng chứ không phải đầu tiên, vào lúc mà hầu hết các cặp đôi ngồi trên chiếc ghế dài ở chỗ cô, cảnh tượng quen thuộc qua bao nhiêu năm, dường như sự coi thường và thù ghét không che giấu đã thay thế tình yêu và thương mến đã từng tồn tại.

Tuy nhiên, nghiên cứu đã cho thấy rằng, điều này không hẳn là đúng cho tất cả các trường hợp và có những việc chúng ta có thể làm để giảm thiểu sự xuống dốc từng ngày của mối quan hệ thân thương nhất của mình, cho dù với sự giúp đỡ của một nhà trị liệu hoặc tự chúng ta giúp mình. (Mối liên kết tình dục sẽ được đề cập đến ở một bài viết khác)

1. Hãy truyền lại sinh khí cho mối liên kết giữa hai người

Sự buồn chán đóng vai trò quan trọng trong việc làm giảm sự hài lòng trong hôn nhân, dựa theo nghiên cứu của Irene Tsapelas và các nghiên cứu khác phát hiện, việc cảm thấy buồn chán trong mối quan hệ ở ngày hôm nay có thể dự đoán sự bất mãn trong 9 năm tới. Bạn không chỉ chú ý đến sự xung đột mà còn cần chú ý đến mức độ cam kết.

Như vậy, hai bạn làm gì để gần gũi nhau?

Hãy nhớ lại xem bạn đã có cảm giác gì khi mới gặp người yêu của mình lần đầu tiên và niềm vui khám phá người đó ra sao? Đối với nhiều người trong chúng ta, mắc kẹt trong những căng thẳng hằng ngày, bị phân tâm bởi điện thoại di động, email, chúng ta quên mất niềm vui đơn giản khi trò chuyện với nhau đã mang chúng ta lại gần nhau hơn. Arthur Aron và những đồng nghiệp của mình đã thực hiện một loạt thực nghiệm trong đó họ tạo ra cảm giác gần gũi bằng cách mở lòng với nhau. Trong mối quan hệ lâu dài, cuộc trò chuyện kiểu này – là nền tảng liên kết lúc ban đầu – lại thường bị bỏ bê và quên lãng.

Hãy lấy lại cảm giác gần gũi đó bằng cách dành thời gian chia sẻ với nhau. Hãy hỏi nhau những câu hỏi vượt ra ngoài chuyện tầm thường: “Nếu một quả cầu pha lê có thể nói với anh/em sự thật về bản thân, cuộc đời hay bất kỳ điều nào khác, em/anh muốn biết điều gì?” (Câu hỏi này được rút ra từ nghiên cứu của Aron). Nếu làm đúng, đây không cần phải là một trò chơi hỏi đáp.

Một nghiên cứu khác của Aron cho thấy rằng cùng làm điều gì mới mẻ với nhau cũng làm tăng sự gần gũi và cam kết. Thế thì sao lại không thử? Giống như những khu vườn, các mối quan hệ cũng cần được chăm sóc.

2. Hãy chấm dứt những lối mòn trong mối quan hệ

“Y như cũ” là điều một người trong đời tôi đã từng nói một cách tuỳ tiện, trong khi khoanh tay trước ngực mỗi khi tôi đề cập đến chuyện gì làm tôi bực mình. Sự tương tác này có một tên gọi – “đòi hỏi / rút lui” – nó rất đáng chịu tiếng xấu vì là một thứ rất hiệu quả để giết chết mối quan hệ của bạn và là yếu tố dự báo đáng tin cậy về việc ly dị. Nếu đây là một kiểu mẫu trong mối quan hệ của bạn – và bất kì ai có thể đóng hai vai, dù phụ nữ đóng vai “người yêu cầu” và đàn ông đóng vai “người rút lui” thường phổ biến hơn-bạn cần nhận ra nó và nỗ lực chấm dứt nó.

Cãi cọ triền miên có thể được giảm thiểu hết mức nhờ việc giao tiếp có tính xây dựng, theo nghiên cứu của Michael E. Roloff and Rachel M. Reznik. Chìa khoá là từ bỏ thái độ “phải cãi nhau để đạt được một thứ gì đó, hoặc phản ứng trả đũa mà có thể chúng ta không muốn cũng phải làm để đáp lại người khác khi chúng ta thực sự tức giận hoặc đau khổ. Roloff và Reznik tập trung vào những việc cần làm để giảm sự thù địch của đôi bên khiến xung đột tăng lên, những chỉ trích có tính xây dựng càng khó mà gần nhau. Họ đã phác ra một quá trình gồm 3 phần dựa theo nghiên cứu của mình.

• Hãy chấm dứt những tranh luận dài lê thê xoay quanh một vấn đề trước khi nó bắt đầu. Hãy chủ động. Những xung đột này lặp đi lặp lại nên chúng thường có một ngòi nổ có thể đoán trước được, có thể đó là bất đồng trong khi nuôi dạy một đứa con, chuyến đến chơi sắp tới của bố mẹ vợ hoặc bố mẹ chồng hoặc khó khăn chuyện tiền bạc, vì thế, hãy nói chuyện bình tĩnh với nhau trước. Nếu bạn thấy một dấu hiệu nào có mầm mống xung đột, lên giọng hoặc dấu hiệu bằng ngôn ngữ cơ thể, hãy dừng lại và tạm nghỉ. Hãy tạm dừng chừng nào bạn thấy mình cần phải hạ hoả và tiếp tục cuộc thảo luận.

• Hãy học cách biểu lộ bản thân mà không khiến bạn càng lúc càng leo thang. Hãy thay thế bằng những từ ngữ ít khiêu khích hơn và hãy chắc chắn rằng bạn không bắt đầu công kích cá nhân. Roloff và Reznik giải thích: câu nói “Anh thật đã làm em tức giận và anh cần phải thay đổi” chỉ đẩy người khác vào trạng thái phải tự vệ (hoặc xa cách). Thay vào đó, hãy tạo ra một lời mời cho người kia cùng nói chuyện: “Em thấy buồn bực vì quyết định của anh; anh có thể cho em biết lý do sao anh làm vậy không?”

• Cuối cùng, mỗi người trong hai bạn đều phải tự kiểm soát cảm xúc tiêu cực của mình, tìm cách làm sao để lấy lại bình tĩnh và giúp cho người kia cũng có thể lấy lại bình tĩnh. Phải có hai người mới làm cuộc tranh cãi tồi tệ hơn hay giảm sự tồi tệ đó.

3. Hãy thử khám phá lại những âu yếm

Phải chăng những âu yếm, ôm ấp trong mối quan hệ đã bị loại bỏ trong phòng ngủ. Nghiên cứu cho thấy rằng âu yếm nhau, đặc biệt là trong những thời gian stress, không chỉ là cách nguyên thuỷ, trực tiếp nhất để biểu lộ tình thương, tình yêu dành cho người ấy, đó còn là cách tăng cảm giác gắn kết. Theo như những nghiên cứu của Jennifer L. Goetz và những người khác, ấu yếm nằm trong hai quá trình xã hội liên quan đến sự phát triển của tình thương: xoa dịu thương tổn và hình thành mối liên kết từ hai phía. Tình thương giúp bạn ý thức được nỗi đau của bạn đời; những âu yếm sẽ củng cố lại điều đó. Trong khi khổ đau làm tăng sự tập trung vào bản thân (tôi bị tổn thương), tình thương và âu yếm sẽ tạo ra liên kết. Vì những điều gây hại cho sự tương tác trong một mối quan hệ gồm có những hành vi tự vệ và tấn công, chúng đều có hai mặt tách rời về thể chất và tinh thần, âu yếm là cách để thiết lập lại mối liên kết. Và âu yếm ở đây chỉ có nghĩa là những điều tương tự như nắm lấy cánh tay. Khi bạn đến với người ấy, những âu yếm của bạn mang thông điệp gì? Có phải bạn và người bạn đời chẳng bao giờ âu yếm nhau? Hãy thật lòng tự hỏi bản thân những câu hỏi đó và suy nghĩ về nó.

4. Nhận biết những khác biệt của hai bạn

Và đừng theo cách đổ lỗi cho chúng hay cãi cọ mà hãy bằng cách suy nghĩ thấu đáo. Trò chuyện về những khác biệt với tâm thế làm lành có thể giúp bạn giải quyết được những gì đã gây ra. Nghiên cứu đã chỉ ra những người có những gắn bó an toàn, có những mối quan hệ thương yêu và thấu hiểu khi còn nhỏ thường không biểu lộ khuynh hướng đòi hỏi hoặc từ chối nhưng những người có gắn bó không an toàn thì có. Nói chuyện về cách bạn phản ứng và đáp lại khác nhau có thể có tính xây dựng rất cao, chỉ cần bạn không làm việc đó bằng cách chỉ trích hoặc chê trách nhau.

Trong cuốn sách của mình, Why Marriages Succeed or Fail (Tại sao hôn nhân thành công hoặc thất bại), John Gottman cho rằng các cặp đôi mạnh mẽ tìm thấy chiến thắng trong cuộc hôn nhân của họ. Theo nghiên cứu của ông, những cặp đôi đó tìm thấy sức mạnh và ý nghĩa qua những quãng thời gian khó khăn, họ đã vượt qua những khó khăn và nghi ngờ. Khi kể chi tiết những chuyện này, Gottman ghi chú rằng hỗ trợ nhau giúp làm tăng sự chung thuỷ của họ với nhau và với liên kết giữa họ.

5. Hãy củng cố lại những lời thề ước

Điều này không có nghĩa là bạn cần làm một lễ kỷ niệm hoặc thề ước lại với nhau nhưng có nghĩa là nên giảm những biểu hiện mà các nghiên cứu cho rằng sẽ làm mai một ý thức gắn bó với một mối quan hệ. Trong một loạt những thực nghiệm, Gian C. Gonzaga và các cộng sự cho thấy rằng những biểu hiện không lời của tình yêu- ví như nụ cười với phần đuôi mắt nhăn, xoa tay hoặc tựa vào nhau- củng cố tình yêu và sự gắn bó. Khi ở nhà, bạn còn làm những việc này bao nhiêu? (điều này cũng liên quan đến âu yếm) Thường xuyên chỉ trích cũng làm hao mòn sự gắn bó, một chút thứ tha cho những phiền toái không đáng và những hành động thiếu sót vốn làm cuộc sống của chúng ta mệt mỏi và làm chúng ta khó đạt được cảm giác hài lòng. Nếu như bạn muốn đổ lỗi rằng mọi thứ không ổn là do tính cách hoặc nhân cách của người bạn đời –“ Anh quên rằng điều đó là đặc trưng của anh”, hoặc “Em có bao giờ nghĩ tới ai ngoài mình đâu” thế thì bạn đang ở trong vùng nguy hiểm hoặc cần phải chú ý thêm. Theo nghiên cứu cho thấy, những cặp đôi hạnh phúc và hài lòng hơn biết khái quát hoá những vấn đề rắc rối chứ không cá nhân hoá chúng.

6. Lòng biết ơn có tác dụng

Một nghiên cứu phát hiện thấy, bày tỏ lòng biết ơn không chỉ nâng cao quan điểm của người nhận về mối quan hệ mà nó còn mở rộng quan điểm về mối quan hệ của người bày tỏ. Dù có những hạn chế ở nghiên cứu, như các tác giả thừa nhận, thì vẫn có một số hiểu biết đáng giá. Các tác giả chỉ ra, việc bày tỏ lòng biết ơn là một sự truyền đạt đến cả người khác và bản thân; nó làm giảm sự không hoà hợp và những mối liên kết các cảm xúc của chúng ta về những phần tốt đẹp của mối quan hệ của chúng ta. Tất nhiên, một người bạn đời cảm thấy được biết ơn thì có nhiều khả năng cảm thấy được động viên để trở nên yêu thương và hỗ trợ nhiều hơn trong tương lai. Đó cũng là một nền tảng tốt.



Ngô Ngân Hà dịch
Nguồn

Tamlyhoc
 

Thống kê

Chủ đề
101,843
Bài viết
469,194
Thành viên
340,249
Thành viên mới nhất
superkhungs
Top