án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương đông-agatha christie chương 2

CHƯƠNG 2: KHÁCH SẠN TOKATLIAN
Tại khách sạn Takatlian, Hercule Poirot đặt phòng có bồn tắm. Rồi ông tiến đến bàn tiếp tân để hỏi thăm thư từ.
Ba bức thư và một điện tín đang chờ ông. Chân mày ông hơi nhướn lên khi thấy bức điện tín. Nó nằm ngoài dự liệu.
Ông mở nó ra bằng một động tác chậm rãi, chỉn chu thường lệ. Những dòng chữ in hiện lên rõ rệt.
“Điều mà ngài dự đoán ở Kassner Case đã đột ngột diễn ra. Làm ơn trở lại ngay”.
Voilà ce qui est embêtant (Thật là phiền phức).” – Poirot làu bàu. Ông liếc nhìn đồng hồ.
“Tôi phải đi tối nay.” – Ông nói với nhân viên tiếp tân – “chuyến tốc hành Simplon khởi hành lúc mấy giờ vậy nhỉ?”
“Thưa ông, lúc chín giờ.”
“Ông đặt cho tôi một giường nằm nhé!”
“Có ngay thưa ông. Mùa này thì chuyến đó không có gì khó. Tàu lúc nào cũng trống lốc. Hạng nhất hay hạng hai ạ?”
“Hạng nhất.”
Très bien, Monsieur (Tốt lắm, thưa ông). Ông đi đâu ạ?”
“Đi London.”
Bien, Monsieur (Vâng, thưa ông). Tôi sẽ đặt vé cho ông đi London và đăng ký giường nằm trên toa Stamboul-Calais.”
Poirot lại nhìn đồng hồ. Tám giờ kém mười.
“Đã đến giờ ăn chiều chưa nhỉ?”
“Dĩ nhiên, thưa ông.”
Người đàn ông Bỉ nhỏ nhắn gật đầu. Ông hủy việc đặt phòng rồi băng qua đại sảnh hướng về phía nhà hàng.
Giữa lúc ông đang đặt món cho người phục vụ, một bàn tay đặt lên vai ông.
A! Mon vieux (A! Ông bạn thân mến), thật là một bất ngờ thú vị” – Một giọng nói cất lên sau lưng ông.
Đó là một người đàn ông đứng tuổi, thấp bé, tóc cắt kiểu en brosse (húi cua). Ông ta cười một cách sung sướng.
Poirot đứng bật dậy.
“Ông Bouc.”
“Ông Poirot.”
Ông Bouc là một người Bỉ, giám đốc công ty Quốc tế Toa nằm, một người quen lâu năm của cựu ngôi sao Trinh sát Bỉ.
Mon cher (Ông bạn thân mến), ông đi xa nhỉ.” – Bouc nói.
“Tôi có một công chuyện nhỏ ở Syria.”
“À! Và bây giờ ông đang trở về? Khi nào vậy?”
“Tối nay.”
“Tuyệt quá! Tôi cũng vậy. Tôi đã phải đi đến tít tận Lausane để giải quyết công việc. Ông đi chuyến Simplon – Phương Đông, đúng không ạ?”
“Vâng, tôi vừa mới đặt giường. Thật ra tôi định ở lại đây vài ngày, nhưng lại vừa nhận được điện tín triệu hồi về Anh có công việc quan trọng.”
“À!” – Bouc gật gù – “Les Affaires – les affaires (công việc – công việc)! Nhưng bây giờ thì, mon vieux ( bạn thân mến), ông đã ở đỉnh vinh quang rồi còn gì.”
“Chỉ là một chút thành công thôi mà”. – Hercule Poirot cố tỏ ra khiêm tốn nhưng có vẻ không mấy đạt.
Bouc cười phá lên.
“Ta gặp nhau sau nhé”. – Ông nói.
Hercule Poirot lo tập trung vào việc giữ cho bộ ria của ông không bị dính vào súp.
Hoàn tất công việc khó khăn này, ông đảo mắt nhìn quanh trong lúc chờ món kế tiếp. Trong nhà hàng chỉ có khoảng chục người và trong số chục người này chỉ có hai người khiến Hercule Poirot quan tâm.
Họ ngồi ở một bàn cách đó không xa. Người trẻ hơn là một anh chàng dễ mến, tuổi trạc ba mươi, có thế thấy ngay là người Mỹ. Nhưng không phải anh chàng này mà chính là người ngồi cùng anh ta mới lôi cuốn sự chú ý nơi nhà thám tử nhỏ bé.
Đó là người đàn ông tưởi trạc từ sáu mươi đến bảy mươi. Thoạt trông, người này có cái vẻ ông hòa của một người đức độ. Cái đầu hơi hói, vầng trán tròn trịa, chiếc miệng tươi cười để lộ bộ răng giả rất trắng, tất cả nói lên một nhân cách hiền hòa. Chỉ riêng đôi mắt là phủ định giả định này. Chúng nhỏ, sâu và quỷ quyệt. Mà không chỉ có thế. Trong lúc trao đổi với người trẻ tuổi, người đàn ông đảo mắt nhìn quanh phòng. Trong khoảnh khắc, ánh mắt lão dừng lại ở Poirot, và chỉ trong một giây đó thôi đôi mắt ấy đã toát ra một tia hiểm ác kỳ lạ đi kèm với một sự căng thẳng bất thường.
Rồi lão đứng dậy.
“Trả tiền đi, Hector.” – Lão giục.
Giọng lão hơi khàn khàn. Nó mang một âm điệu khó chịu, nhỏ nhẹ nhưng ấm hiểm.
Khi Poirot gặp người bạn của ông tại phòng chờ, hai người đàn ông kia cũng đang rời khách sạn. Hành lý của họ đã được đưa xuống. Người trẻ đang giám sát hoạt động này. Giờ thì anh ta đang mở cánh cửa kính và nói:
“Ông Ratchett, tất cả đã sẵn sàng rồi.”
Ông già ầm ừ xác nhận rồi bước ra.
Eh bien (Thế nào)? Ông nghĩ gì về hai người này?”
“Họ là người Mỹ.” – Bouc đáp.
“Hẳn là người Mỹ rồi. Ý tôi hỏi ông nghĩ họ là người như thế nào?”
“Người trẻ có vẻ khá dễ chịu.”
“Còn người kia?”
“Ông bạn ạ, nói thật với ông, tôi chẳng quan tâm đến ông ta. Ông ta chỉ gây cho tôi cảm giác khó chịu. Còn ông thấy sao?”
Hercule Poirot suy nghĩ một hồi
“Khi ông ta đi ngang qua tôi trong toa ăn uống.” – Cuối cùng ông đáp – “tôi có một cảm giác kỳ lạ. Giống như một con thú hoang...một con thú hoang dã và man dại, ông hiểu ý tôi chứ...vừa đi ngang qua.”
“Nhưng chung quy lại thì ông ta trông cũng đáng kính đấy chứ!”
Précisément (Chính xác)! Thân thể...cái lồng...thì đúng là đáng kính, nhưng qua các chấn song, một con thú hoang vẫn đang nhìn ra ngoài.”
Mon vieux (Bạn thân mến), ông giàu ốc tưởng tượng quá đấy.” – Bouc nói.
“Có lẽ vậy nhưng tôi không thể rũ bỏ cái cảm giác một con quỷ vừa đi ngang qua tôi, rất gần.”
“Quý ông người Mỹ đáng kính đó ấy à?”
“Chính là quý ông người Mỹ đáng kính đó.”
“Thôi được”. – Bouc vui vẻ nói – “Có thể là như thế. Thế giới này còn vô khối ác quỷ.”
Đúng lúc đó, cánh cửa bật mở, người tiếp tân tiến về phía họ. Anh ta trông có vẻ bối rối và biết lỗi.
“Thật kỳ lạ, thưa ông”, - Anh ta nói với Poirot – “trên tàu không còn một giường nằm hạng nhất nào cả.”
Comment (Sao cơ)?” – Bouc bật thốt lên – “Vào mùa này ấy à? À, chắc là cánh báo chí, cánh chính trị gia có hẹn hò gì đây chăng?”
“Tôi không, biết thưa ông”. – Người tiếp tân quay sang ông ta lễ phép nói – “Nhưng sự thực là như vậy đấy ạ.”
“Thôi được.” – Bouc quay sang Poirot – “Đừng lo, ông bạn. Để đó tôi thu xếp. Luôn luôn có một khoang – khoang số 16 – được dự trữ. Ông phụ trách toa sẽ lo việc này”. Ông mỉm cười rồi liếc nhìn đồng hồ - “Nào”, - Ông nói – “Đã đến lúc lên đường rồi đó!”
Tại nhà ga, Bouc được người phụ trách toa trong bộ đồng phục mày nâu đón tiếp một cách niềm nở và trọng vọng.
“Chào ông. Khoang của ông là khoang số 1 đấy ạ.”
Ông ta gọi khuân vác đến. Họ đẩy hành lý bằng xe lăn đi đến khoảng giữa đoàn tài, nơi có tấm bảng thiếc ghi đích đến.

ISTANBUL TRIESTE CALAIS
“Nghe nói tối nay toa của ông đầy khách, đúng không vậy?”
Thật không thể tin nổi, thưa ông. Cả thế giới như chọn đi du lịch vào ban đêm!”
“Dù gì thì ông cũng phải tìm ra chỗ cho quý ông đây nhé. Ông ấy là bạn của tôi đấy. Ông ta lấy khoang 16 cũng được.”
“Khoang đó cũng có người rồi ạ.”
“Sao? Cả khoang 16 ư?”
Những ánh mắt thông đồng được trao đổi qua lại, rồi ông phụ trách toa mỉm cười. Đó là một người đàn ông trung niên, cao ráo với nước da men mét.
“Dĩ nhiên rồi, thưa ông. Tôi đã nói với ông là tàu đầy mà, đầy ấp, không còn chỗ nào trống.”
“Chuyện gì xảy ra vậy?” – Bouc giận dữ hỏi – “Có hội nghị đâu đó chăng? Hay có tiệc tùng gì?”
“Không, thưa ông, chỉ là tình cờ thôi ạ. Chỉ là nhiều người cùng chọn đi du lịch tối nay.
Bouc bật ra một tiếng tặc lưỡi bực dọc.
“Đến Belgrade sẽ có một toa từ Athen thả lại” – Ông cho biết – “Ngoài ra còn có toa Bucharesr – Paris, nhưng phải đến tối mai mới có tàu đi Belgrade. Vấn đề là tối nay. Có giường hạng hai nào còn trống không vậy?”
“Có một giường hạng hai đấy ạ.”
“Tốt, vậy thì...”
“Nhưng nó lại ở trong khoang dành cho nữ. Có một bà người Đức ở trong khoang này rồi, một bà người hầu.
“Chà, chà, tệ hại thật.” – Bouc thốt lên.
“Ông bạn, xin đừng bận lòng.” – Poirot nói – “Tôi đi toa thường cũng được mà.”
“Không thể được. Không thể được đâu.” – Ông lại quay sang phụ trách toa – “Mọi người đã đến cả chưa?”
“Quả có một hành khách chưa tới.” – Phụ trách toa cho hay.
Ông ta nói chậm, vẻ ngập ngừng.
“Ông cứ nói đi!”
“Giường số 7 khoang hạng hai có một vị khách chưa tới, và bây giờ là chín giờ kém bốn phút rồi.”
“Ai vậy?”
“Một người Anh.” – Phụ trách toa xem danh sách – “ông A. M. Harris.”
“Một cái tên mang lại điềm lành.” – Poirpt nói – “Tôi dám cá là cái ông Harris đó không tới đâu.”
“Đưa hành lý của ông đây đến số 7.” – Bouc nói – “Nếu ông Harris đến, ta sẽ giải thích rằng ông ấy đến quá muộn, giường nằm không thể giữ chỗ quá lâu, ta sẽ dùng cách này hay cách khác để dàn xếp với ông ta. Mắc gì phải lo cho cái ông Harris đó?”
“Tùy ông thôi ạ.” Phụ trách toa nói.
Ông ta quay sang người khuân vác của Poirot chỉ cho anh này nơi phải đi.
Rồi ông tránh bậc thang để nhường chỗ cho Poirot bước lên tàu – “Tout à fait au bout, Monsieur (Ở tận cuối, thư ông)” – Ông nói – “Khoang cuối cùng.”
Poirot đi dọc hành lang. Một hành trình có vẻ như rất dài bởi hầu hết hành khách đều đang đứng ở ngoài khoang của họ.
Những tiếng “Pardons (Xin lỗi)” lịch sự được phát ra đều đặn như nhịp chạy của chiếc đồng hồ. Cuối cùng, ông cũng đến được khoang được chỉ dẫn. Bên trong, một người đang với tay lấy chiếc va-li. Đó là anh chàng người Mỹ ở khách sạn Tokatlian.
Anh ta cau mày nhìn Poirot bước vào.
“Xin lỗi”. – Anh nói – “Tôi nghĩ ông lộn chỗ rồi”. Rồi anh cố nặn ra bằng tiếng Pháp – “Je crois que vous avez un erreur (Tôi nghĩ là ông đã lầm lẫn).
Poirot đáp lại bằng tiếng Anh.
“Ông là ông Harris?”
“Không, tên tôi là MacQueen. Tôi...”
Nhưng ngay lúc đó, giọng nói của phụ trách toa đã cất lên từ sau lưng Poirot. Một giọng nói mềm mỏng mang âm điệu biết lỗi.
“Thưa ông, không còn giường nào khác trên tàu. Quý ông đây phải ở khoang này.”
Ông kéo cửa sổ ở hành lang lên trong lúc nói, tay nhấc hành lý của Poirot vào.
Poirot thích thú nhận ra âm điệu cáo lỗi trong giọng của phụ trách toa. Chắc chắn ông này đã được hứa cho tiền boa nếu giữ được khoang cho một mình ah chàng MacQueen đó sử dụng. Tuy nhiên, món hoa hồng bé bở nhất cũng chẳng có tác dụng gì khi mà ông giám đốc công ty đang lù lù trên tàu và phát ra những mệnh lệnh của mình.
Phụ trách toa bước ra khỏi khoang sau khi đưa các va-li lên giá.
Voilà Monsieur (Xong xuoi rồi, thưa ông).” – Ông nói – “Mọi việc đã đâu vào đó. Giường của ông ở phía trên, số 7. Tàu sẽ khởi hành trong vòng một phút nữa.”
Ông ta vội vã bỏ đi. Poirot trở vào khoang.
“Một hiện tượng hiếm thấy” – Ông vui vẻ nói – “Phụ trách toa đích thân đưa va-li lên giá! Chuyện chưa từng nghe!”
Người bạn đường của ông mỉm cười. Có vẻ như anh ta đã qua cơn bực tức. Có lẽ anh ta hiểu ra rằng cần phải tiếp nhận sự việc một cách bình thản.
“Tàu đông ghê nhỉ.” – Anh nhận xét.
Một tiếng huýt vang lên, một âm thanh kéo dài, u uất phát ra từ đầu máy. Hai người đàn ông bước ra ngoài hành lang.
Bên ngoài, một giọng nói cất lên. “En voiture (Lên đường)!
“Ta xuất phát rồi.” – MacQueen nói.
Nhưng họ chưa hề xuất phát. Tiếng huýt lại vang lên.
“Ta nói thế này nhé, thưa ông.” – Chàng trai đột ngột nói – “Nếu ông muốn lấy giường dưới, tiện hơn cho ông, thì với tôi không có vấn đề gì đâu.”
“Không, không”. – Poirot phản đối – “Lẽ nào tôi lại lấy chỗ của ông...”
“Không sao đâu mà...”
“Ông thật dễ mến...”
Những lời lịch sự phát ra từ cả hai phía.
“Chỉ một đêm thôi mà”. – Poirot giải thích – “Tới Belgrade thì...”
“Ồ, thế ra ông xuống tàu ở Belgrade...”
“Không hẳn vậy. Ông biết đấy...”
Một cú giật đột ngột. Hai người đàn ông ngã dúi về phía cánh cửa sổ lúc đó mở ra một sân ga dài, sáng đèn, đang từ từ trượt qua họ.
Chuyến tàu tốc hành Phương Đông đã khởi đầu cuộc hành trình ba ngày xuyên Châu Âu.
 
Top