án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương đông-chương 3

CHƯƠNG 3: POIROT TỪ CHỐI MỘT VIỆC

Ngày hôm sau, Hercule Poirot bước vào toa ăn uống hơi trễ. Ông dậy sớm, ăn sáng hầu như một mình, và suốt buổi sáng ngồi xem các ghi chép về vụ việc khiến ông bị gọi ngược về London. Ông chẳng thấy tăm hơi người bạn đường của mình.
Bouc đã ngồi sẵn ở đó. Ông ta vẫy tay chào, ngoắc bạn về phía chỗ ngồi trống ở ngay đối diện. Poirot ngồi xuống và nhanh chóng nhận ra mình đang ngồi ở một vị trí quang bàn được ưu tiên., nơi khách được phục vụ trước tiên và hưởng những miếng ngon lành nhất. Thức ăn cũng ngon lạ thường.
Đến khi họ dùng món bánh kem phô-mai, Bouc mới cho phép tâm trí của ông lan ra các vấn đề khác, ngoài thức ăn. Ông đang ở một giai đoạn của bữa ăn mà người ta thường hay triết lý.
“Ôi!” – Ông thở dài – “Giá như tôi được một phần tài năng của Balzac thì nhất định tôi sẽ mô tả khung cảnh này.
Ông xua tay.
“Đó cũng là một ý tưởng”. – Poirot nói.
“Ồ! Ông cũng đồng ý sao? Chưa từng có ai làm việc đó, đúng không nhỉ? Và, ông bạn ơi, nó cũng lãng mạn lắm đấy nhé. Khắp quanh ta là những người thuộc mọi tầng lớp, mọi quốc tịch, mọi lứa tuổi. Trong ba ngày trời, những con người chưa hề quen biết này được gắn kết lại với nhau. Họ ăn ngủ dưới cùng một ‘mái nhà’, họ không thể rời xa nhau, rồi đến hết ba ngày, họ lại ra đi, mỗi người một hướng, có lẽ chẳng bao giờ gặp lại nhau nữa.”
“Và giả sử như có một tai nạn...” – Poirot chợt trở nên trầm tư.
“À không, ông bạn...”
“Tử quan điểm của ông thì đó là điều đáng tiếc, tôi hiểu chớ. Nhưng dù vậy, ta cứ thử giả định một chút xem nào. Khi đó, có lẽ tất cả những người ở đây sẽ liên kết với nhau bởi cái chết.”
“Cho thêm rượu đi.” – Bouc gọi. Ông hấp tấp rót ra ly – “Mon cher (Bạn thân mến), ông bệnh rồi. Món này có thể giúp ông tiêu hóa đấy.”
“Đúng vậy.” - Poirot tán thành – “Có lẽ thức ăn của Syria không hợp với bao tử tôi.”
Ông nhấp một ngụm rượu rồi ngả người ra sau, đảo cặp mắt suy tư nhìn quanh toa ăn uống. Có mười ba người đang ngồi đó. Như Bouc đã nói, họ thuộc mọi tầng lớp và quốc tịch. Ông bắt đầu nghiên cứu họ.
Ở chiếc bàn đối diện có ba người đàn ông. Ông đoán rằng họ là những hành khách đơn độc, được bố trí ngồi đó theo sự sắp đặt chuẩn xác của nhân viên toa ăn uống. Một người Ý to lớn, da ngăm đen đang sản khoái ngồi xỉa răng. Đối diện với anh ta là một ông người Anh gầy gò, chỉnh chu có khuôn mặt vô cảm, đặc trưng cho những người giúp việc được đào tạo bài bản. Ngồi cạnh ông người Anh này là một người Mỹ to lớn trong bộ đồ hoa hòe hoa sói, có lẽ là một khách buôn.
“Ta phải làm một cú hoành tráng” – Ông ta nói bằng một giọng mũi ồn ào.
Người Ý rút que tăm ra để dễ khoa chân múa tay hơn.
“Dĩ nhiên.” – Anh ta nói bằng một thứ tiếng Anh kiểu Ý – “Thì tui đã nói vậy hoài rồi mờ.”
Người Anh nhìn ra cửa sổ, húng hắng ho vài tiếng.
Ánh mắt của Poirot lướt qua họ.
Ở chiếc bàn nhỏ, ngồi ở tư thế thẳng băng là một bà già xấu xí nhất mà ông từng thấy. Đó là một vẻ xấu xí độc đáo khiến cho người ta cuốn hút hơn là xa lánh. Bà ta ngồi rất thẳng. Quanh cổ bà là một sợi dây chuyền xỏ những hạt ngọc rất lớn, có vẻ như khó tin nhưng đó chính là ngọc thật. Hai tay bà cũng đeo đầy nhẫn. Chiếc áo lông chồn được kéo ra hai bờ vai. Chiếc mũ không vành màu đen bé tí trông lạc điệu một cách kệch cỡm so với khuôn mặt vàng vọt, giống như mặt cóc, ở bên dưới nó.
Lúc này bà ta đang nói với phụ trách toa ăn uống bằng một giọng rành rọt, lịch sự nhưng cực kỳ quyết đoán.
“Vui lòng đặt vào khoang của ta một chai nước suối và một ly nước cam lớn. Làm ơn sắp xếp để bữa chiều ta muốn có món thịt gà không sốt, và cả món cá hấp nữa.”
Người phục vụ kính cẩn trả lời rằng những mệnh lệnh này sẽ được thực thi.
Bà ta khẽ gật đầu lịch lãm rồi đứng dậy. Ánh mắt bà ta đụng phải ánh mắt Poirot rồi lia qua ông với vẻ hờ hững của một bà chúa lãnh đạm.
“Công chúa Dragomiroff đó.” – Bouc hạ thấp giọng – “Bà ta là người Nga. Chồng bà ấy gom được rất nhiều tiền trước Cách mạng rồi đem ra đầu tư ở nước ngoài. Bà ta giàu cực. Một nhân vật nổi tiếng thế giới.
Poirot gật đầu. Ông có nghe nói về công chúa Dragomiroff.
“Bà ta là một nhân vật.” – Bouc nói – “tuy xấu như ma nhưng vẫn làm cho người ta phải nể. Ông có thấy vậy không?”
Poirot đồng ý.
Ở một trong những bàn lớn khác, Mary Debenham đang ngồi với hai phụ nữ. Trong hai người này có một phụ nữ trung niên cao ráo khoác bộ áo choàng đen, mặc váy bằng vải tuýt. Bà ta có mái tóc vàng phai màu, búi thành bó lớn trong rất không hợp. Bà ta đeo kính, có khuôn mặt dài, hiền lành, dễ mến trông khá một con cừu. Bà đang lắng nghe người phụ nữ kia, một bà lớn tuổi, béo tốt, có khuôn mặt phúc hậu. Bà này đang nói bằng một giọng chậm rãi, rành rọt nhưng đều đều, không có dấuh hiệu nào là sẽ dừng lại để lấy hơi hay đi đến một hồi kết.
“...và thế là con gái tôi hỏi: ‘Tại sao?’ Nó nói ‘Các người không thể áp dụng phương pháp Mỹ ở đất nước này. Với dân ở đây thì biếng nhác là lẽ tự nhiên rồi’, nó nói thế. ‘Họ chẳng việc gì vội vã cả’. Nhưng nói thì thì nói, các em sẽ phải ngạc nhiên nếu biết các trường học của chúng ta ở đó đang làm gì. Họ đã đào tạo ra được một đội giáo viên giỏi. Tôi cho biết điều này chẳng liên quan gì đến giáo dục. Chúng ta chỉ cần phải áp dụng các ý tưởng phương Tây của chúng ta rồi dạy lại cho phương Đông để cho họ nhận ra. Con gái của tôi nói...”
Tàu đi vào một đường hầm. Cái giọng êm ả, đều đều kia bị nhận chìm.
Ở cạnh bàn đó, một bàn nhỏ, Đại tá Arbuthnot đang ngồi một mình. Ánh mắt ông như cắm vào gáy của Mary Debenham. Họ không ngồi cùng nhau mặc dù để dàn xếp chuyện này chẳng có gì là khó. Sao thế nhỉ?
Poirot nghĩ có lẽ Mary Debenham đã ngần ngại. Nghề bảo mẫu dạy cô phải thận trọng. Biểu hiện ra ngoài là quan trọng lắm. Một cô gái còn phải lo sinh kế như cô thì phải thật kín kẽ.
Ánh mắt ông ta chuyển sang mép bên kia của toa xe. Ở cuối toa, đứng dựa vào tường là một phụ nữ trung niên mặc bộ váy màu đen với khuôn mặt rộng, vô cảm. Người Đức hoặc người Bắc Âu. Có lẽ là bà người hầu Đức.
Sau bà này là một cặp đang chúi đầu vào nhau trò chuyện rất sôi nổi. Người nam mặc đồ bằng vải tuýt của Anh, nhưng không phải là người Anh. Poirot chỉ thấy được gáy của anh ta, nhưng hình chiếc gáy đó cùng với hai bời vai đã tố giác anh ta – một người đàn ông to lớn, cường tráng. Anh ta chợt quay đầu lại và Poirot đã nhìn được mặt anh ta. Một anh chàng rất điển trai, tuổi trên ba mươi với bộ ria lớn trông rất đẹp mắt.
Người nữ đối diện với anh chỉ là một cô gái khoảng chừng đôi mươi. Chiếc áo khoác đen và chiếc áo nhỏ nhắn vừa khít, chiếc áo trắng mặc bên trong bằng vải sa-tanh, chiếc nón không vành màu đen không vành xinh xắn và thanh lịch đội nghiêng nghiêng một góc trông cực kỳ thời trang. Cô ta sở hữu một khuôn mặt đẹp trông như người nước ngoài, làn da trắng tươi, chân mày rậm màu nâu, mái tóc đên tuyền. Cô ta đang hút thuốc qua một cái tẩu dài. Các móng tay của cô ta sơn màu đỏ sậm, được cắt sửa gọn gàng. Cô ta đeo một viên ngọc lục bảo lớn gá trên nền bạch kim. Có sự điệu đà trong ánh mắt lẫn giọng nói của cô.
Elle est jolie et chic (Cô ta thật đẹp và sang trọng)” – Poirot khẽ nói – “Vợ chồng ư?”
Bouc gật đầu.
“Dân sứ quán, người Hungary, tôi đoán thế”. – Ông nói – “Một cặp rất đẹp đôi.”
Chỉ còn lại hai thực khác khác: người bạn đường MacQueen của Poirot và ông chủ Ratchett của anh ta. Lão ngồi đối mặt với Poirot. Và lần thứ hai Poirot lại nghiên cứu khuôn mặt thiếu thiện cảm ấy, ghi nhận vẻ nhân từ giả hiệu từ đôi mắt nâu ti hí và tàn ác.
Bouc nhận ra sự thay đổi trong biểu hiện của bạn mình.
“Lại quan sát con thú hoang của ông nữa à?” – Ông hỏi.
Poirot gật đầu.
Khi cà-phê của Poirot được bưng đến, Bouc đứng dậy. Khởi sự trước Poirot nên ông cũng xong trước được một lúc.
“Tôi về khoang đây”..– Ông nói – “Nhớ ghé qua chỗ tôi, ta tán gẫu với nhau nhé.”
“Rất hân hạnh.”
Poirot nhấm nháp cà-phê rồi gọi một ly rượu mùi. Người phục vụ đang đi lần lượt các bàn mang theo hộp đựng tiền của anh để nhận thanh toán bằng tiền mặt. Giọng nói của bà người Mỹ lớn tuổi chợt dâng cao, đầy oán thán.
“Con gái tôi nói: ‘...lấy một phiếu ăn và sẽ không có rắc rối nào...không có rắc rối nào cả.’ Bây giờ thì không như thế nữa. Có vẻ như họ nhất định phải có cái khoản hoa hồng mười phần trăm, và sau đó mới có chai nước suối đó...cả cái thứ nước lạ lùng ấy nữa. Họ chẳng biết đầu cua tai nheo gì cả. Điều này tôi thấy mới lạ lùng.”
“Vì họ phải....nói thế nào nhỉ...cung cấp nước của quê nhà”. – Người phụ nữ có khuôn mặt cừu giải thích.
“Thế nên tôi mới thấy lạ lùng” – Bà kia có vẻ phật ý khi thấy cọc tiền xu lẻ trên bàn, trước mắt bà – “Coi cái thứ kỳ cục họ đưa cho tôi kìa. Dinar hay đồng hồ gì đó. Trông cứ như một đống rác. Con gái tôi nói...”
Mary Debenham đẩy ghế ra sau và bỏ đi sau khi khẽ nghiêng mình chào hai phụ nữ kia. Đại tá Arbuthnot cũng đứng lên theo chân cô. Gom lấy đồng tiền xu đáng ghê tởm của mình, người đàn bà Mỹ cũng bước theo, nối gót là người phụ nữ mặt cừu. Cặp Hungary đã rời đi trước đó. Toa ăn ướng trở nên trống lốc, chỉ còn có Poirot, Ratchett và MacQueen.
Ratchett nói gì đó với người đồng hành của mình, anh này đứng dậy và rời toa. Rồi bản thân lão cũng đứng dậy, nhưng thai vì đi theo MacQueen, lão bất ngờ buông mình xuống chiếc ghế đối diện Poirot.
“Ông cho tôi mồi lửa nhờ được không?” – Lão đề nghị. Giọng lão mềm mỏng, hơi mang âm mũi – “Tôi tên là Ratchett.”
Poirot khẽ nghiêng mình. Ông thò tay vào túi, mò được một hộp diêm và trao nó lại cho lão già. Lão cầm lấy nhưng không đánh lửa.
“Tôi đoán mình đang được hân hạnh tiếp chuyện với ông Hercule Poirot, đúng không ạ?”
Poirot lại nghiêng mình.
“Ông đã đoán rất đúng thưa ông.”
Viên thám tử cảm thấy đôi mắt độc địa kia đang rọi thẳng vào ông. Lão già lại lên tiếng.
“Ở nước tôi,” – Lão nói – “chúng tôi thương hay đi thẳng vào vấn đề. Ông Poirot, tôi muốn ông làm giúp tôi một việc.”
Đôi chân mày của Hercule Poirot hơi nhướn lên.
“Thưa ông, clientèle (khách hàng) hiện nay của tôi rất hạn chế. Tôi chỉ nhận rất ít vuk việc.”
“Tại sao? Thật ra thì tôi hiểu. Nhưng, ông Poirot ạ, lần này ông sẽ có rất nhiều tiền”. – Lão lặp lại lần nữa bằng một giọng mềm mỏng và khẩn khoản – “Rất nhiều tiền.”
Hercule Poirot im lặng trong giây lát rồi ông hỏi:
“Ông muốn tôi giúp việc gì, thưa ông...Ratchett?”
“Ông Poirot ạ, tôi là một người giàu có...một người rất giàu có. Những người như thế đều có kẻ thù. Tôi cũng có kẻ thù.”
“Chỉ một kẻ thù thôi sao?”
“Ông hỏi vậy là ý gì?” – Ratchett sừng sộ hỏi.
“Thưa ông, theo kinh nghiệm của tôi thì khi một người ở vào vị thế mà ông nói là có kẻ thù, thì thường là họ không chỉ có một kẻ thù duy nhất.”
Ratchett có vẻ dịu xuống sau câu trả lời của Poirot. Lão nói nhanh.
“Vâng, tôi cũng đồng ý quan điểm đó. Một hay nhiều kẻ thù, không quan trọng. Quan trọng là sự an toàn của tôi.”
“An toàn?”
“Mạng sống của tôi đang bị đe dọa, thưa ông Poirot. Hiện nay, tôi có khả năng phòng vệ rất tốt.” – từ túi áo, bàn tay lão để thò ra trong chốc lát một khẩu súng tự động nhỏ. Lão tiếp tục nói, giọng quả quyết: “Tôi cũng không phải loại người dễ bị hãm hại trong khi ngủ. Nhưng tôi thấy vẫn cần phải làm sao để nhân đôi sự an tâm. Tôi cho rằng ông là người xứng đáng với những đồng tiền của tôi, thưa ông Poirot. Và nên nhớ rằng ở đây tôi đang nói đến rất nhiều tiền.”
Poirot trầm ngâm nhìn lão. Khuôn mặt ông hoàn toàn không biểu cảm. Sẽ chẳng ai tìm được manh mối những suy nghĩ đi qua bộ óc ông.
“Tôi rất tiếc, thưa ông.” – Một hồi lâu sau mới lên tiếng – “Tôi không giúp ông được.”
Lão già cay cú nhìn Poirot.
“Nói số tiền mà ông muốn đi” – Lão gặng.
Poirot lắc đầu.
“Ông không hiểu rồi, thưa ông. Tôi rất may mắn trong nghề nghiệp của mình. Tôi kiếm ra đủ tiền để đáp ứng cả những nhu cầu lẫn thú vui đỏng đảnh của mình. Hiện giờ tôi chỉ nhận những vụ việc nào tôi quan tâm mà thôi.”
“Ông gan lì thật đấy.” – Ratchett thốt lên – “Hai mươi ngàn đô-la thì liệu có hấp dẫn được ông không?”
“Chắc là không!”
“Nếu ông muốn nhiều hơn thế thì đừng có mơ. Tôi biết giá trị của moi thứ chớ.”
“Tôi cũng thế, ông Ratchett ạ...”
“Đề nghị của tôi có gì không ổn?”
Poirot đứng dậy.
“Nếu ông bỏ lỗi cho lời nói thành thật của tôi thì xin thưa với ông rằng: tôi không ưa bộ mặt của ông, thưa ông Ratchett.”
Nói đoạn, ông rời khỏi toa ăn uống.
 
Top