Bài văn Tả trống đồng Đông Sơn lớp 5

Hướng dẫn làm bài văn tả trống đồng đông sơn trong viện bảo tàng tiếng Việt lớp 5. Quả thực đúng như lời Nguyễn Trãi đã viết trong “Bình Ngô đại cáo”, mỗi đất nước đều có một nền văn hiến riêng không thể bị nhầm lẫn nước này với nước khác được. Nền văn hiến ấy là minh chứng cho cả một lịch sử hình thành và phát triển của đất nước qua mỗi thời kì, mỗi triều đại. Và, những cổ vật chính là những hiện vật có giá trị chứng minh cao nhất cho nền văn hiến ấy. Đất nước ta được thành lập đầu tiên chính là nhà nước Văn Lang với 18 đời vua Hùng, dân ấm no, cuộc sống thái bình yên vui. Và chiếc trống đồng Đông Sơn là cổ vật chứng minh cho một triều đại như thế tồn tại. Tôi vẫn còn nhớ, trong cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt của các em học sinh Tiểu học có một bài nói về chiếc trống đồng này. Và, một đề văn miêu tả chiếc trống chính là bài tập về nhà không chỉ giúp các em nhớ bài mà còn có thể rèn luyện kỹ năng viết văn miêu tả. Nhưng không phải bạn nào cũng có thể viết được tốt với dạng đề văn này. Trống đồng Đông Sơn, không phải ai cũng đã từng được nhìn thấy, bởi vậy chúng tôi đã đưa ra một bài văn để các em tham khảo và biết được cách vận dụng bài học của mình như thế nào. Mong rằng qua bài văn này, các em có thể tự mình viết tốt hơn.

trong-dong-dong-son.jpg

Trồng đồng Đông Sơn là biểu tượng của nền văn hóa Việt Nam

BÀI VĂN TẢ TRỐNG ĐỒNG ĐÔNG SƠN
Mỗi kì nghỉ hè, em đều được đi du lịch tham quan rất nhiều nơi. Hè năm vừa rồi, em đã được bố mẹ đưa đi tham quan Viện bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Trong số các hiện vật, đồ cổ trong bảo tang, em ấn tượng nhất là chiếc trống đồng Đông Sơn. Cho đến bây giờ, em vẫn còn nhớ nguyên được hình dáng của nó.

Trong một căn phòng lớn với rất nhiều những hiện vật cổ khác nhau, chiếc trống đồng Đông Sơn nằm nổi bật giữa căn phòng, đường bệ và uy nghi. Em vẫn còn nhớ y nguyên cảm giác ngạc nhiên của mình khi thấy nó. Trước vẻ đẹp của chiếc trống, em đã rút tay mình khỏi tay bố mà chạy đến gần khu vực đặt trống. Lúc này, hình ảnh chiếc trống càng hiện rõ hơn trước mắt em. Chiếc trống cao, có hình khối trụ tròn và có màu vàng đỏ đã sớm phai nhạt đi theo thời gian. Theo như lời cô hướng dẫn viên nói thì chiếc trống đồng Đông Sơn này được làm từ đồng và có chiều cao khoảng 60 xăng – ti – mét, có những chiếc trống khác sẽ cao hơn.

Chiếc trống có hình dáng khá phức tạp: phần trên phình ra hình nón cụt, ở giữa thắt lại hình trụ tròn, phần thân loe ra hình phễu. Ba phần ấy tách ra thì có vẻ buồn cười nhưng khi hợp lại với nhau tạo thành chiếc trống đồng thì lại vô cùng hài hòa và đẹp mắt. Mặt trống hình tròn, khi em kiễng chân lên để nhìn thì có thấy rất nhiều vòng tròn đồng tâm có hình khắc chìm trên mặt trống. Giữa mặt trống là một hình ngôi sao lớn. Vòng tròn ngoài ngôi sao cũng khắc chìm các hình ngôi sao nhỏ hơn. Một điều đặc biệt ở những ngôi sao này chính là chúng có mười hai cánh chứ không phải là 5 cánh như ngôi sao trong lá cờ Tổ quốc đỏ chói. Em vẫn còn nhớ ngày ấy mình chăm chú đếm xem có bao nhiêu ngôi sao nhỏ xung quanh ngôi sao lớn ấy. Bố em nói mười tám ngôi sao xung quanh xen lẫn mười tám con chim tượng trưng cho mười tám đời vua Hùng Vương.

Xung quanh các ngôi sao có hoạ tiết lông công, hình con người múa, người giã gạo, người đánh trống hoặc bơi thuyền. Đó là biểu tượng cho cuộc sống lao động của người dân, một cuộc sống yên bình và hạnh phúc ấm no. Mặt trống còn có rất nhiều những họa tiết khác nhau nhưng chúng đều khá nhỏ nên em không thể nhìn thấy rõ ràng, chỉ có thể nhớ những họa tiết đặc trưng nổi bật mà thôi. Tất cả các hình ảnh, họa tiết được sắp xếp rất cân đối.

Bên cạnh hai bên thân trống chính là quai trống được đúc theo hình dây thừng bện. Thân trống trơn láng, không có hoa văn. Chân trống là phần loe hình phễu của khối trụ tròn. Em vẫn còn nhớ lời cô giáo dạy rằng trống đồng Đông Sơn là cổ vật thể hiện đời sống của nhân dân và văn hoá của người Việt cổ. Các hình khắc trên trống đồng cho ta phần nào biết được nền văn minh nông nghiệp của nước ta thời kì trước Công nguyên. Các họa tiết trên trống đã thể hiện lại được những hoạt động chính trong cuộc sống của người dân thời kỳ đó.

Chuyến tham quan rất nhanh đã kết thúc, em ra về mà lòng trào dâng một niềm xúc động khôn nguôi bởi qua chuyến đi này, em không chỉ được hiểu thêm về lịch sử nước nhà mà còn biết được thêm về văn hóa đất nước. Em sẽ cố gắng học thật giỏi để xứng đáng là con cháu Lạc Việt, cống hiến hết sức mình cho Tổ quốc đúng như lời Bác Hồ dạy năm xưa: “Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
 
  • Chủ đề
    trống đồng đông sơn van lop 5
  • Thống kê

    Chủ đề
    101,748
    Bài viết
    469,063
    Thành viên
    340,212
    Thành viên mới nhất
    abc123321 dàgh
    Top