Bài viết số 3 lớp 11 đề 1: So sánh tài sắc của Thúy Vân và Thúy Kiều

Hướng dẫn làm bài viết, bài tập làm văn số 3 đề 1 lớp 11 So sánh tài sắc của Thúy Vân và Thúy Kiều trong đoạn trích: “Đầu lòng ...đi về mặc ai” hay nhất. Đối với người trung đại, nhất là với người con gái xưa, dung mạo vô cùng quan trọng. Không chỉ là quan niệm: “trông mặt mà bắt hình dong” mà từ dung mạo, người ta có thể nhìn ra được tính cách và dung mạo, người ta có thể nhìn ra được tình cảm và số phận của thân chủ. Ở chương trình ngữ văn lớp 9, chúng ta đã được học đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” trích Truyện Kiều của Nguyễn Du là đoạn trích giới thiệu đồng thời miêu tả chân dung của hai chị em Thúy Kiều và Thúy Vân. Đoạn trích không chỉ làm nổi bật nên vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành của hai chị em mà từng đường nét được miêu tả là một sự dự đoán về tích cách và tương lai của họ. Đọc đoạn trích ta cũng nhận thấy tuy Thúy Kiều và Thúy Vân đều đẹp tuyệt trần nhưng là hai vẻ đẹp hoàn toàn khác nhau. Trong chương trình ngữ văn lớp 11, chúng ta sẽ bắt gặp một đề bài ở Bài viết số 3 đề 1 lớp 11: So sánh tài sắc của Thúy Vân và Thúy Kiều trong đoạn trích: “Đầu lòng ...đi về mặc ai”. Dưới đây là dàn ý và bài làm cụ thể của đề bài này. Để làm bài tập này, chúng ta sẽ giới thiệu về đoạn trích, miêu tả vẻ đẹp của hai chị em Thúy Vân, Thúy Kiều và so sánh sự giống và khác nhau đồng thời đưa ra dự đoán về số phận và tính cách của nhân vật

DÀN Ý BÀI VIẾT SỐ 3 ĐỀ 1 LỚP 11 SO SÁNH TÀI SẮC CỦA THÚY VÂN VÀ THÚY KIỀU
1. MỞ BÀI
Giới thiệu về đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” và nhân vật Thúy Vân, Thúy Kiều
2. THÂN BÀI
  • Giới thiệu hai chị em Thúy Kiều: thân phận
  • Miêu tả vẻ đẹp của Thúy Vân: miêu tả chân dung rõ ràng
  • Giải thích việc Nguyễn Du miêu tả Thúy Vân trước Thúy Kiều
  • Miêu tả vẻ đẹp của Thúy Kiều: đường nét, có so sánh với Thúy Vân.
  • Phân tích tài năng của Thúy Kiều, dự đoán số phận
  • Nêu sự khác biệt ở hai chị em và dự đoán tính cách, số phận tương lai.

3. KẾT BÀI
Tài năng bậc thầy trong nghệ thuật miêu tả chân dung của Nguyễn Du

BÀI VĂN MẪU BÀI VIẾT SỐ 3 ĐỀ 1 LỚP 11 SO SÁNH TÀI SẮC CỦA THÚY VÂN VÀ THÚY KIỀU
“Truyện Kiều” của Nguyễn Du hơn hai trăm năm qua đã chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Việt. Đặc biệt, những nhân vật trong Truyện Kiều còn đi vào đời sống một cách rất tự nhiên, tự bao giờ đã trở nên quen thuộc hiếm thấy. Chắc hẳn chẳng ai có thể quên được hình ảnh của hai chị em Thúy Kiều, Thúy Vân tài sắc mà ngay những câu thơ đầu của kiệt tác đã thể hiện rất rõ. Là hai chị em nhưng Thúy Vân và Thúy Kiều có số phận hoàn toàn khác nhau và Nguyễn Du đã ngầm dự báo điều này trong cách miêu tả tài sắc nơi hai chị em. Nếu so sánh tài sắc ở hai nàng, ta sẽ nhận ra những dự đoán hết sức tinh tế này.

Hai chị em Thúy Kiều, Thúy Vân được giới thiệu rất ngắn gọn nhưng đầy đủ:
“Đầu lòng hai ả tố nga,
Thuý Kiều là chị, em là Thuý Vân.
Mai cốt cách, tuyết tinh thần.
Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười.”
Những dòng đầu ngắn gọn đã gói trọn những thông tin cơ bản về hai nhân vật. Họ là hai chị em, được giới thiệu theo vai vế: “Thuý Kiều là chị, em là Thuý Vân”. Đồng thời, gợi mở về vẻ đẹp và cốt cách của họ. Người xưa coi cái nết là trọng, vì vậy, thông tin về vẻ đẹp tâm hồn của hai chị em được khái quát trước: một cốt cách thanh tao như mai, một tinh thần trong sạch như tuyết, không chỉ thể hiện tâm tư trong sáng của người thiếu nữ mà còn gợi lên vẻ đẹp quý phái. Còn về hương sắc thì “Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười”. Hai chị em ai cũng xinh đẹp nết na, tuy mỗi người có vẻ đẹp khác nhau nhưng ai cũng là viên ngọc quý không tì vết.
Để làm rõ hơn những điều đã gợi mở về nhân vật như trên, Nguyễn Du đi vào miêu tả chân dung từng nhân vật một:
“Vân xem trang trọng khác vời,
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.
Hoa cười, ngọc thốt, đoan trang,
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.”
Đối với Thúy Vân, ông dùng từ “trang trọng”, chỉ một từ thôi mà làm cho người đọc thấy quý trọng vẻ đẹp quý phái, mang một hình dáng đường bệ mà không quá uy nghi. Từ này đi cùng từ “khác vời” càng làm tăng thêm vẻ trang nhã đài các của một tiểu thư cao quý. Ở Vân, những nét đẹp đều rất hài hòa, quả xứng danh “trang trọng”. Khuôn mặt đầy đặn sáng trăng tròn sáng lên vẻ đẹp phúc hậu, làn lông mày đậm, rõ nét đi kèm với từ “nở” như là một sự chuyển động linh hoạt của nét ngài, thật sống động. Nụ cười của nàng tươi như hoa, khi cười để lộ những hàm răng trắng muốt như ngọc như ngà, thật thùy mị đoan trang. Đặc biệt nàng có một mái tóc dài mượt mà, bồng bềnh đến mây cũng phải thua, một làn da trắng nõn nà đến tuyết cũng phải nhường. Vẻ đẹp của Thúy Vân được miêu tả vô cùng kĩ càng, mỗi đường nét hiện lên là thấy rõ sự hài hòa phúc hậu của khuôn mặt đầy đặn như trăng rằm, đó là một vẻ đẹp khiến cho thiên nhiên phải cúi mình nhún nhường. Dùng những biện pháp nhân hóa mây, tuyết, Nguyễn Du đã cho thấy rõ thái độ nâng niu, trân trọng, quý mến của thiên nhiên đối với nàng, cuộc đời nàng nhất định cũng được hưởng sự êm đềm quý trọng như chính nhan sắc của nàng!

Trong khi ấy, miêu tả Kiều, Nguyễn Du không đi vào miêu tả chân dung như là miêu tả Thúy Vân mà dường như chỉ là một vài đường gợi, nhưng hình dáng tuyệt sắc của người thiếu nữ vẫn hiện lên giữa thiên nhiên:
Kiều càng sắc sảo mặn mà,
So bề tài sắc vẫn là phần hơn.
Từ “càng” gợi mức độ tăng tiến đã cho thấy rõ dụng ý nghệ thuật của đại thi hào. Khi giới thiệu gia thế, giới thiệu chị trước em sau đúng như trật tự nhưng đi vào miêu tả lại miêu tả cô em trước. Vốn dĩ, Nguyễn Du miêu tả Thúy Vân chỉ là nền cho Thúy Kiều xuất hiện “càng sắc sảo mặn mà”. Vẻ đẹp của Vân chỉ dừng lại ở vẻ đẹp phúc hậu nên có ở một người thiếu nữ tuổi trăng tròn, vẻ đẹp trong sáng, thanh thoát, nhưng với Thúy Kiều, vẻ đẹp của nàng là một vẻ đẹp mặn mà, vô cùng sắc sảo, khôn ngoan, chữ dùng của đại thi hào đã gợi mở không chỉ một vẻ đẹp khiến cho người ta nghiêng mình mà còn có cả bóng dáng của tài năng sắc sảo, về tài về sắc hơn hẳn Vân
Làn thu thuỷ, nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.
Một hai nghiêng nước nghiêng thành,
Sắc đành đòi một, tài đành hoạ hai.
Trong bức tranh chân dung người thiếu nữ, chỉ là “làn”, là “nét” nhưng làm cho cả thiên nhiên xáo động. Đó là vẻ đẹp thanh thoát tươi mát của nước mùa thu nhưng lại tràn trề nhựa sống thanh tân của núi mùa xuân. Đó là một vẻ đẹp khiến cho thiên nhiên hùng vĩ cũng phải chịu thua thậm chí giận hờn vì không sánh bằng. Đã không còn là “nhường”, là “thua” như ở Thúy Vân, thiên nhiên thật dữ dội và mang đầy thách thức với “ghen”, với “hờn”. Và đây cũng chính là lời dự báo cho số phận sóng gió phía trước mà Kiều phải đối mặt bởi dung mạo xuất chúng vượt ra khỏi thiên nhiên vũ trụ của Kiều ắt phải chịu đọa đầy trong một xã hội mà lề thói cổ tục nặng nề.
Ở những câu thơ tiếp, hoàn toàn dành về tài của Thúy Kiều mà ở Thúy Vân không hề có;
Thông minh vốn sẵn tính trời,
Pha nghề thi hoạ đủ mùi ca ngâm.
Cung, thương làu bậc ngũ âm,
Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương.
Khúc nhà tay lựa nên chương,
Một thiên "Bạc mệnh" lại càng não nhân.
Trong các tài năng của Kiều, Nguyễn Du chọn một tài năng xuất chúng đó là “cầm”. Với xã hội phong kiến, tài đàn của người con gái chỉ đáng được coi là thứ bổ trợ cho đức hạnh chứ không được công nhận là tài năng thậm chí, con gái không nên có nhiều bi lụy mà đàn cầm thì hay bi lụy. Thế nhưng ở đây, Thúy Kiều không chỉ đàn giỏi, cái điều chỉ được coi là “nghề riêng” ấy lại “ăn đứt Hồ cầm một trương” lại có thể tự mình sáng tác như một nghệ sĩ thực thụ, tiếng đàn của nàng làm cho ai nấy đều phải rơi lệ, não lòng. Và đây cũng y như một dự đoán về số phận của người con gái đa sầu đa cảm này, cuộc đời nàng khó tránh kiếp “bạc mệnh”.
Những câu cuối chỉ là cuộc sống êm đềm của hai chị em hiện nay
Phong lưu rất mực hồng quần,
Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê
Êm đềm trướng rủ màn che,
Tường đông ong bướm đi về mặc ai.
Êm đềm là thế nhưng liệu rồi điều gì đang chờ các nàng ở phía trước?

Đoạn trích: “Chị em Thúy Kiều” đã cho ta thấy rõ tài năng bậc thầy trong nghệ thuật miêu tả chân dung nhân vật của Nguyễn Du. Không chỉ miêu tả vẻ đẹp của hai chị em mà qua đó còn bộc lộ cả tính cách, tài năng, số phận của hai nàng. Tuy là hai chị em đều xinh đẹp tuyệt trần nhưng là vẻ đẹp khác nhau và mang trong mình những báo trước về tính cách, số phận khác nhau.
 
  • Chủ đề
    bai viet so 3 tap lam van thuy kieu truyen kieu văn lớp 11
  • Thống kê

    Chủ đề
    100,657
    Bài viết
    467,427
    Thành viên
    339,833
    Thành viên mới nhất
    duythinh2222
    Top