Bài viết số 5 lớp 7 đề 3: Dân gian ta có câu tục ngữ: Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng

Hướng dẫn làm bài viết số 5 lớp 7 đề 3 về câu tục ngữ Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng theo ý kiến của em

Ca dao, tục ngữ vốn là túi khôn của nhân dân lao động từ bao đời nay. Những kinh nghiệm về đời sống mà ông cha ta đúc kết lại được gửi gắm qua những câu tục ngữ, thành ngữ, nhằm hướng con cháu tới một cuộc sống tốt đẹp, tới những giá trị chân- thiện- mĩ trong cuộc sống. Đã trải qua hàng bao thế kỉ với những thăng trầm của lịch sử, thế nhưng, đến hôm nay, những câu tục ngữ vẫn còn nguyên giá trị, sức răn dạy của nó không hề mất đi mà ngược lại càng lan tỏa mạnh mẽ theo thời gian. Những lời khuyên răn, dạy bảo của người xưa đã cùng chúng ta đi suốt chặng đường đời, là vốn liếng quý báu để ta có cách hành xử phù hợp, có những nhận thức đúng đắn về mọi hiện tượng đời sống. Từ xa xưa, ông cha ta đã có những đúc kết vô cùng quý báu về điều kiện, hoàn cảnh sống. Bài học ấy được thể hiện qua câu tục ngữ: Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng. Thế nhưng, cũng có ý kiến cho rằng: gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng. Bài làm dưới đây, mình sẽ hướng dẫn các bạn tìm hiểu hai ý kiến trên.

BÀI VIẾT SỐ 5 LỚP 7 ĐỀ 3: GẦN MỰC CHƯA CHẮC ĐÃ ĐEN, GẦN ĐÈN CHƯA CHẮC ĐÃ RẠNG
Nhân cách con người được tạo thành bởi nhiều yếu tố. Một trong số những nhân tố quan trọng đó là điều kiện sống, môi trường bên ngoài. Hiểu được điều đấy, ông cha ta đã để lại một kinh nghiệm quý báu thông qua câu tục ngữ: Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng.

“Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, quả đúng như vậy. Mực đen là loại mực ta hay dùng để viết chữ thời xưa, nếu dây vào dễ làm bẩn tay chân, quần áo. Còn đèn là nguồn sáng rực rỡ, chói lòa, nếu gần đèn, ta cũng sẽ nhận được một phần ánh sáng phát ra từ nó. Thông qua biện pháp ẩn dụ và cách nói giàu hình ảnh, ông cha ta muốn nhắn nhủ rằng: Trong cuộc sống, nếu ta tiếp xúc với cái xấu, sống trong môi trường không tốt thì sẽ dễ bị lây nhiễm cái xấu, ngược lại, nếu ở trong môi trường tốt đẹp, tiếp xúc với những điều hay lẽ phải thì cũng sẽ học được những điều tốt, điều hay.

Câu tục ngữ là một lời nhận xét vô cùng đúng đắn. Không thể phủ nhận môi trường bên ngoài có tác động vô cùng to lớn đối với cuộc sống con người, ảnh hưởng đến nhân cách của mỗi người. Giống như nước chảy đá mòn, về dài lâu, những ảnh hưởng ấy dù tốt hay xấu cũng sẽ làm thay đổi bản chất của chúng ta. Giống như Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao, từ một anh canh điền hiền lành, chăm chỉ, sau khi vào tù ra tội, Chí bỗng biến chất, tha hóa, đánh mất cả nhân tính lẫn nhân hình, trở thành con quỷ dữ làng Vũ Đại. Rõ ràng, môi trường nhà tù toàn những điều xấu xa, độc ác đã làm thay đổi bộ dạng của người nông dân chất phác, thật thà khi xưa. Chắc các bạn vẫn còn nhớ câu chuyện về Mạnh Tử. Vì muốn con học được những đức tính tốt, những điều hay lẽ phải, mẹ Mạnh Tử sau nhiều lần suy đi tính lại đã chuyển nhà đến gần trường học. Nếu sống ở gần nghĩa địa hay chợ búa thì có lẽ Mạnh Tử đã không trở thành một trong những bậc hiền tài lỗi lạc của Trung Quốc.

Nhưng cũng có lúc, gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng nếu ta đứng ở góc khuất mà đèn không chiếu tới hoặc có ý thức để không bị dính mực vào người. Hoàn cảnh của môi trường dù có tồi tệ đến đâu nhưng chỉ cần có ý chí, ta hoàn toàn có thể điều khiển nó. Đó là một người có bố là một kẻ nghiện rượu nhưng khi lớn lên, anh lại người đi đầu trong phong trào phòng chống tệ nạn xã hội. Đó là Quản Ngục trong “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân- “một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc điệu đều hỗn loạn xô bồ”. Tương tự, nếu sống trong môi trường tốt mà không có ý thức học hỏi, vươn lên thì những cái tốt đẹp ấy cũng không thể tự ngấm vào trong người chúng ta. Nhiều gia đình tưởng chừng là yên ấm, hạnh phúc thế nhưng đứa con lại hư hỏng, cãi lời cha mẹ, làm những việc phạm pháp.

Cũng giống như chọn bạn mà chơi, ta cũng cần phải chọn nơi mà học. Ở trong môi trường tốt cần có ý thức, nghị lực để cố gắng vươn lên, lấy nó làm tiền đề cho những bước tiến của mình sau này. Còn khi ở “gần mực”, nếu ta có bản lĩnh, lập trường vững vàng để không bị những cái xấu lôi kéo, dụ dỗ, ta vẫn sẽ giữ nguyên được bản tính tốt đẹp của mình, nhân cách của ta càng tỏa sáng giữa không gian tăm tối.

Bên cạnh yếu tố môi trường, lập trường, bản lĩnh của mỗi người cũng là điều kiện tiên quyết giúp chúng ta luôn giữ vững được nhân phẩm, giống như đóa hoa sen vươn lên từ bùn đen để tỏa hương thơm ngát: “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
Hải Yến - vfo.vn

gan-muc-thi-den-gan-den-thi-sang(1).jpg

Trong cuộc sống có rất nhiều ví dụ từ cả thiên nhiên lẫn con người dều chứng minh cho việc gần mực thì chưa chắc đã đen và gần đèn chưa chắc đã sáng vì nó còn rất nhiều yếu tố khác ảnh hưởng, tuy nhiên phần trăm không nhiều

BÀI VIẾT SỐ 5 LỚP 7 ĐỀ 3: DÂN GIAN TA CÓ CÂU TỤC NGỮ: GẦN MỰC THÌ ĐEN, GẦN ĐÈN THÌ RẠNG. NHƯNG CÓ BẠN LẠI BẢO; GẦN MỰC CHƯA CHẮC ĐÃ ĐEN, GẦN ĐÈN CHƯA CHẮC ĐÃ RẠNG 2
Dân gian xưa có câu: " Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng" nhưng trong thực tế và một số trường hợp khác nhau, câu nói ấy không còn tính chính xác cao nên người ta lại nói rằng: " Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng". Liệu hai câu nói có gì đối lập nhau?

Tục ngữ xưa và lời nói phản biện hiện nay tưởng chừng đối lập mà lại có tính bổ sung ngữ nghĩa cho nhau, góp phần làm sáng tỏ thái độ sống của con người trong những hoàn cảnh khác nhau. Trước hết ta cùng cắt nghĩa sâu xa về câu tục ngữ xưa: " gần mực thì đen, gần đèn thì rạng". Mực bao giờ cũng có màu đen, khi bị rơi hoặc rớt thì sẽ khó lau , rửa sạch nguyên như ban đầu, còn đèn là một vật dụng quen thuộc trong đời sống dùng để thắp sáng mỗi khi trời về đêm. Hai vật dụng quen thuộc ấy là hai hình ảnh tượng trưng cho những môi trường, sự việc khác nhau trong cuộc sống. Mực tượng trưng cho những điều xấu xa, đen tối còn đèn tượng trưng cho những thứ tốt đẹp, trong sáng và thánh thiện. Hai vật tương phản đã tạo ra ấn tượng mạnh mẽ để lại trong lòng con người một thái độ sống, một lối sống để trở thành con người tốt đẹp thay vì xấu xa. Nó giống như một quy luật tự nhiên. Khi con người sinh ra và trưởng thành trong một môi trường tốt đẹp, ắt hẳn sẽ học được nhiều điều hay, lẽ phải, những thói quen tốt và sẽ trở thành một công dân tốt. Còn một người khi ở trong môi trường xấu, giao du với những người xấu, điều đương nhiên họ sẽ bị nhiễm những thói hư, tật xấu, những điều sai trái khiến phẩm chất con người bị bào mòn và trở nên tồi tệ. Có lẽ đó là một điều mà ông cha ta đã đúc rút ra từ bao đời này, có cơ sở và lí lẽ dựa trên đời sống thực tế của con người.

Nhưng có người lại phản biện rằng: Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng. Tức có những con người dù họ sinh ra trong một môi trường tốt đẹp và lí tưởng nhưng họ vẫn có thể bị sa ngã, bị nhiễm "mực" bị bào mòn đạo đức. Còn những người tuy ở gần "mực" hàng ngày tiếp xúc với những điều xấu xa nhưng phẩm chất của họ không hề mất đi mà chúng vẫn mãi tồn tại sâu bên trong mỗi con người. Câu nói ấy cũng có tính đúng đắn, nhằm giúp chúng ta không nên đánh giá một ai đó ngay lập tức sau khi nhìn vào hoàn cảnh và cuộc sống của họ. Dường như ai ai cũng nghĩ rằng anh Chí Phèo là một con quỷ dữ chuyên đi đốt nhà, phá hoại xóm làng nhưng họ đâu biết anh cũng là một người lương thiện, cũng mong một cuộc sống hạnh phúc như bao người khác. Người xưa cũng có câu:

Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại xen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn

Các bạn biết không loài hoa sen- quốc hoa của dân tộc Việt Nam ta vừa thanh thoát, tinh khiết. Chúng sống giữa bùn lầy hôi tanh nhưng chúng vẫn có khí cốt riêng của mình. Như người Việt Nam ta vậy, hoa sen là biểu tượng rõ nhất cho những con người có phẩm chất thanh cao, không vì gần bùn mà để tâm mình lấm bùn hôi tanh. Đó là một đức tính cao đẹp của con người.

Trong cuộc sống, có những con người bị tha hóa bởi mọi thứ xấu xa xung quanh, cũng. Có những người vẫn sống một cách tốt đẹp. Như vậy, tuy môi trường là một phần tạo nên con người nhưng điều quan trọng hơn hết đó chính là cái "tâm" của mình. Chỉ cần trong lòng chúng ta một lòng hướng đến những điều tốt đẹp, không vì những thứ xấu xa mà trở nên đớn hèn quỳ gối. Hãy là một con người mạnh mẽ, vươn lên như bông sen tao nhã. Hãy là một búp sen thanh cao giữa những hôi tanh bùn lầy.

Hai câu tưởng chừng đối lập mà lại bổ sung ý nghĩa cho nhau, từ hai câu nói ấy, con người chúng ta càng học hỏi và đúc rút được thêm những kinh nghiệm sống quý báu trong cuộc đời.

Kiều Oanh - vfo.vn
 
  • Chủ đề
    bài viết số 5 lớp 7 đề 3 gần mực thì đen gần đèn thì rạng
  • Top