Bài viết số 7 lớp 10 đề 1: Dân tộc ta có truyền thống tôn sư trọng đạo được nối tiếp thế nào

HƯớng dẫn viết bài tập làm văn số 7 Bài viết số 7 lớp 10 đề 1 về truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta được nối tiếp như thế nào trong cuộc sống hiện nay của mọi người

Dân tộc Việt Nam ta vốn có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời. Chúng ta tự hào rằng đất nước ta có một nền văn hiến rực rỡ với nhiều truyền thống lịch sử tốt đẹp đã được giữ gìn từ đời này qua đời khác. Ông cha ta luôn căn dặn con cháu phải biết đoàn kết, yêu thương lẫn nhau, lá lành đùm lá rách, thương người như thể thương thân... Một trong những truyền thống tốt đẹp vẫn được giữ gìn và phát huy đến hôm nay đó là tôn sư trọng đạo. Đó không chỉ là tình nghĩa thầy trò mà đã trở thành một phạm trù đạo đức. Trong chương trình lớp 10, bài tập làm văn số 7 đề 1 yêu cầu chúng ta làm rõ truyền thống tôn sư trọng đạo được tiếp nối như thế nào trong thực tế cuộc sống ngày nay. Qua bài làm này, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về truyền thống ấy, ý nghĩa của nó đối với mỗi cá nhân, dân tộc, từ đó thay đổi nhận thức, hành động của bản thân để phù hợp với truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc.

ton-su-trong-dao.jpg

Tôn sư trọng đạo là truyền thống đã có từ lâu của dân tộc ta


DÀN Ý BÀI VIẾT SỐ 7 LỚP 10 ĐỀ 1: DÂN TỘC TA CÓ TRUYỀN THỐNG TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO. THEO ANH(CHỊ), TRUYỀN THỐNG ẤY ĐƯỢC TIẾP NỐI NHƯ THẾ NÀO TRONG THỰC TẾ CUỘC SỐNG NGÀY NAY
1. MỞ BÀI
Giới thiệu truyền thống tôn sư trọng đạo
2. THÂN BÀI
  • Giải thích: tôn sư trọng đạo nghĩa là gì?
  • Biểu hiện của truyền thống tôn sư trọng đạo:
  • Kính trọng, đề cao và biết ơn người làm thầy
  • Coi trọng việc học hành, ham học hỏi
  • Coi trọng đạo lí làm người
  • Truyền thống tôn sư trọng đạo trong cuộc sống ngày nay:
  • Vai trò của người làm thầy không chỉ là truyền dạy tri thức mà còn là người chỉ dẫn, người lắng nghe, khơi nguồn ước mơ, đam mê cho học sinh
  • Dù trong hoàn cảnh nào thì vai trò của người thầy vẫn không thay đổi
  • Vấn đề tôn sư trọng đạo cũng cần kế thừa và phát huy hơn nữa
  • Phê phán: những người vô tình hoặc cố ý không làm tròn bổn phận học sinh, làm cho thầy cô giáo phiền lòng
  • Phương hướng: Mỗi người học sinh cần có ý thức kế thừa và phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc như thế nào?
  • Biết ơn, kính trọng thầy cô giáo
  • Coi trọng việc học, ham học tập

3. KẾT BÀI
Khẳng định lại ý nghĩa của truyền thống tôn sư trọng đạo

BÀI VĂN MẪU BÀI VIẾT SỐ 7 LỚP 10 ĐỀ 1: TRUYỀN THỐNG TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO
“Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hãy chữ thì yêu lấy thầy”
Câu ca dao qua lời mẹ ru ấy không biết từ lúc nào đã đi sâu vào trí nhớ của những người dân Việt Nam. Ngay từ thuở còn bé, chúng ta đã được dạy về truyền thống tôn sư trọng đạo đã có từ lâu đời của dân tộc. Quả thật, vai trò của người làm thầy trong bất cứ thời kì nào cũng đáng được trân trọng. Nhất là hiện nay, các thế hệ học sinh vẫn tiếp thu truyền thống tôn sư trọng đạo của cha ông đi trước và phát triển nó ngày càng rực rỡ hơn nữa.

Trước hết, ta cần hiểu “tôn sư trọng đạo” có nghĩa là gì? Tôn sư nghĩa là kính trọng, biết ơn và đề cao vai trò của người thầy trong học tập cũng như cuộc sống. Còn trọng đạo là coi trọng đạo lí, những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người. Thầy cô giáo là người đã truyền cho ta biết bao kiến thức, dạy dỗ chúng ta nên người, họ cũng là những người lái đó thầm lặng, hi sinh tất cả để đưa ta đến bến bờ thành công. Vì vậy, tôn trọng, biết ơn thầy cô giáo không chỉ là vấn đề truyền thống mà đã trở thành một phạm trù đạo đức, phản ánh nhân cách, văn hóa của mỗi con người.

Dù ở trong bất kì hoàn cảnh nào, vai trò của người thầy cũng được xã hội tôn trọng, bởi lẽ “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Tôn sư trọng đạo không chỉ là sự kính trọng, biết ơn đối với những người làm nhiệm vụ truyền dạy kiến thức mà còn thể hiện lòng ham học hỏi, say mê đối với học tập. Truyền thống tốt đẹp ấy đã được dân tộc ta ca ngợi từ lâu đời, những nhà giáo có phẩm chất cao quý, nhân cách chính trực được lưu danh muôn đời. Chu Văn An là một thầy giáo nổi tiếng thời Trần. Những học trò được ông chỉ dạy sau này đều trở thành người có ích cho đất nước. Hàng năm, vào ngày sinh nhật ông, những người học trò cũ dù có là quyền cao chức trọng vẫn không quên về thăm và bày tỏ lòng biết ơn đối với thầy. Ngày nay, xã hội hiện đại, việc học càng đóng vai trò quan trọng hơn. Người thầy không chỉ là người truyền dạy tri thức mà còn là người chỉ dẫn, người lắng nghe, khơi nguồn ước mơ, đam mê cho học sinh. Nghề giáo vẫn là một nghề cao quý và được nhiều người ngưỡng mộ: “Dưới ánh mặt trời, không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”. Mối quan hệ thầy- trò dù có gần gũi, thân thiết đến mấy cũng không thể thiếu đi sự tôn trọng.

Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện nay, vẫn có một số học sinh, dù là vô tình hay cố ý đang đi ngược lại với truyền thống của dân tộc. Họ không làm tròn bổn phận học sinh, làm cho thầy cô giáo phiền lòng, giẫm đạp lên tình cảm thầy trò cao quý. Những học sinh ấy đáng bị lên án và phê phán gay gắt.

Học sinh chúng ta ngày nay cần tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo. Không chỉ dừng lại ở việc biết ơn, kính trọng thầy cô, chúng ta còn cần biến sự biết ơn đó thành hành động. Mỗi người học sinh cần có ý thức ham tìm tòi, hiểu biết, say mê đối với việc học, cố gắng, nỗ lực hết mình để trở thành người có ích trong xã hội và góp phần dựng xây quê hương, đất nước.

“Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Vai trò và vị trí của người làm thầy dù trong bất kì hoàn cảnh, xã hội nào cũng sẽ không thay đổi. Hiểu được sự nặng nhọc và vất vả của công việc ấy, chúng ta càng phải cố gắng hơn nữa để sao cho xứng đáng với sự kì vọng và tin tưởng của các thầy cô giáo.

Ngoài đề 1 của bài viết số 7 thì còn rất nhiều đề nữa vfo.vn đều có làm những bài văn mẫu để gợi ý các bạn cách làm và những ý văn hay vui lòng xem thêm trong mục văn mẫu lớp 10
 
  • Chủ đề
    bài viết số 7 ton su trong dao van lop 10 văn mẫu
  • Top