Đừng nói cho con bạn biết rằng chúng thông minh. Hơn ba thập kỷ nghiên cứu chỉ ra, một sự tập trung vào "quá trình" - không phải tập trung vào trí thông minh hoặc tài năng—là chìa khoá cho sự thành công trong học tập và cuộc sống.
Jonathan, một học sinh xuất sắc vượt qua những năm học phổ thông. Cậu hoàn thành bài tập một cách dễ dàng và thường đạt điểm A. Jonathan thắc mắc tại sao một số bạn cùng lớp của cậu lại cố gắng, và bố mẹ cậu nói rằng cậu là một thiên tài đặc biệt. Tuy nhiên, đến lớp bảy, Jonathan đột nhiên mất hứng thú học tập, từ chối làm bài tập về nhà hoặc học bài để kiểm tra. Hậu quả là, điểm số của cậu rơi thẳng xuống. Bố mẹ cậu cố gắng nâng cao sự tự tin của con trai họ bằng cách trấn an cậu rằng cậu rất thông minh. Nhưng nỗ lực của họ không thúc đẩy được Jonathan. Bài học ở trường là nhàm chán và vô nghĩa.
Xã hội chúng ta tôn thờ tài năng, và nhiều người giả định rằng sở hữu trí tuệ hoặc năng lực phi thường - cùng với sự tự tin vào năng lực đó - là một công thức cho sự thành công. Tuy nhiên, trong thực tế, hơn 35 năm nghiên cứu khoa học cho thấy sự quá nhấn mạnh vào trí tuệ hoặc tài năng khiến con người dễ bị tổn thương trước thất bại, sợ những thách thức và không sẵn sàng sửa chữa những khuyết điểm của họ.
Kết quả ở những trẻ như Jonathan, có quan điểm nguy hiểm rằng thành tích học tập không cần-sự nỗ lực định nghĩa về họ là thông minh hoặc thiên tài. Những đứa trẻ đó có một niềm tin ngầm rằng trí thông minh là bẩm sinh và không thay đổi, khiến cho việc nỗ lực học tập dường như kém quan trọng hơn trí thông minh (hoặc trông thông minh). Niềm tin này cũng làm họ xem những thách thức, lỗi lầm và thậm chí nhu cầu cố gắng là đe doạ đến cái tôi của họ hơn là như những cơ hội để tiến bộ. Và nó làm họ mất tự tin và động cơ khi công việc không còn dễ dàng đối với họ.
Khen ngợi những tài năng bẩm sinh của trẻ, giống như bố mẹ của Jonathan đã làm, củng cố niềm tin này, cũng có thể ngăn những vận động viên trẻ hoặc những nhân viên ở nơi làm việc và thậm chí những cuộc hôn nhân không đạt được tiềm năng của họ. Mặt khác, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy việc dạy cho con người có một "tư duy phát triển", khuyến khích một sự tập trung vào "quá trình" (bao gồm sự nỗ lực cá nhân và những chiến lược hiệu quả) hơn là trí thông minh hoặc tài năng, giúp họ trở thành những người đạt thành tích cao trong học tập và trong cuộc sống.
Cơ hội của người thất bại
Tôi lần đầu tiên bắt đầu nghiên cứu về những trụ cột của động cơ con người—và làm sao con người kiên trì sau những thất bại—là một sinh viên tốt nghiệp ngành tâm lý học ở đại học Yale vào những năm 1960. Các thực nghiệm với động vật bởi các nhà tâm lý Martin Seligman, Steven Maier và Richard Solomon, đều ở đại học University of Pennsylvania, chỉ ra sau những thất bại lặp đi lặp lại, đa số các con vật kết luận rằng một tình huống là vô vọng và nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng. Sau một kinh nghiệm như vậy, các nhà nghiên cứu phát hiện thấy, một con vật thường duy trì sự thụ động ngay cả khi nó có thể tác động đến sự thay đổi- một tình trạng mà họ gọi là sự tuyệt vọng do học được (learned helplessness.)
Con người cũng có thể học để trở nên tuyệt vọng, nhưng không phải tất cả mọi người đều phản ứng trước những thất bại theo cách này. Tôi tự hỏi: Tại sao một số sinh viên từ bỏ khi họ gặp khó khăn, trong khi những người khác không có nhiều kỹ năng hơn họ thì vẫn tiếp tục nỗ lực và học hỏi? Tôi sớm phát hiện ra, một câu trả lời nằm ở những niềm tin của con người về lý do tại sao họ từng thất bại.
Đặc biệt, quy thành tích kém cho sự thiếu năng lực làm suy yếu động cơ nhiều hơn niềm tin đổ lỗi cho sự thiếu nỗ lực. Năm 1972, khi tôi dạy một nhóm trẻ tiểu học và trung học bộc lộ hành vi bất lực trong trường học vì thiếu nỗ lực (hơn là thiếu năng lực) dẫn đến những lỗi lầm của chúng trong môn toán, các trẻ học được cách tiếp tục cố gắng khi vấn đề trở nên khó hơn. Chúng cũng xử lý được nhiều vấn đề ngay cả khi đối mặt với khó khăn. Nhóm trẻ bất lực khác được khen vì thành công trong những vấn đề dễ đã không cải thiện được năng lực của chúng để giải những bài toán khó. Những thực nghiệm đó là một chỉ báo ban đầu rằng một sự tập trung vào sự nỗ lực có thể giúp xử lý sự bất lực và đem lại thành công.
Những nghiên cứu sau đó tiết lộ rằng những học sinh kiên trì nhất không nghiền ngẫm về thất bại của chúng nhiều mà thay vào đó nghĩ về những lỗi lầm như những vấn đề để xử lý. Tại đại học University of Illinois vào những năm 1970 Tôi cùng với sinh viên đã tốt nghiệp của tôi Carol Diener, yêu cầu 60 học sinh lớp năm nói ra suy nghĩ của chúng trong lúc chúng đang xử lý những vấn đề rất khó. Một số học sinh phản ứng một cách phòng thủ trước những sai lầm, chê bai các kỹ năng của chúng với những bình luận như "Tôi chưa bao giờ có một trí nhớ tốt,” và những chiến lược xử lý vấn đề của chúng bị kém đi.
Những học sinh khác thì tập trung vào việc sửa lỗi và mài dũa các kỹ năng của chúng. Một em tự khuyên bản thân: "Tôi nên chậm lại và thử xác định vấn đề này." Có hai trẻ đặc biệt truyền cảm hứng. Một trẻ, khi đối mặt khó khăn, xoa tay, chép môi và nói, “Tôi thích một thách thức!" Trẻ khác, cũng đối mặt với các vấn đề khó, nhìn thực nghiệm viên và nói, “Em hy vọng điều này sẽ có tác dụng nâng cao kiến thức!” Có thể đoán được, những học sinh với thái độ này đã làm tốt hơn bạn bè của chúng trong các nghiên cứu đó.
Hai quan điểm về trí thông minh
Nhiều năm sau đó, tôi phát triển một lý thuyết rộng hơn về điều gì phân biệt hai nhóm người học nói chung- Hướng đến sự bất lực vs. Hướng đến sự tinh thông. Tôi nhận ra rằng những kiểu học sinh khác biệt đó không chỉ lý giải về các thất bại của chúng một cách khác nhau mà chúng còn có những "quan điểm" khác nhau về trí thông minh. Những học sinh bất lực tin rằng trí thông minh là một đặc điểm cố định, không thay đổi: bạn chỉ có một lượng nhất định, và chỉ chừng đó. Tôi gọi đây là một "tư duy cố định". Những sai lầm bẻ gãy sự tự tin của họ vì họ quy những lỗi lầm cho sự thiếu năng lực, khiến họ cảm thấy bất lực để thay đổi. Họ né tránh những thách thức vì những thách thức làm họ có nhiều khả năng mắc sai lầm và trông kém thông minh. Giống như Jonathan, những đứa trẻ đó tránh nỗ lực trong niềm tin rằng phải làm việc chăm chỉ có nghĩa rằng chúng ngu ngốc.
Ngược lại, những trẻ hướng đến sự tinh thông nghĩ rằng trí thông minh có thể uốn được và có thể phát triển thông qua giáo dục và nỗ lực. Chúng muốn học tập hơn tất cả những thứ khác. Sau tất cả, nếu bạn tin rằng bạn có thể mở rộng những kỹ năng trí tuệ của bạn, thì bạn chỉ muốn làm điều đó. Vì những sai lầm bắt nguồn từ sự thiếu nỗ lực hoặc những kỹ năng có thể đạt được, không phải năng lực cố định, chúng có thể được sửa chữa bằng sự kiên nhẫn. Những thách thức làm con người mạnh mẽ hơn là gây đe doạ; chúng đem đến những cơ hội để học hỏi. Những học sinh với một niềm tin phát triển, theo chúng tôi dự đoán, có thành công trong học tập lớn hơn và có khả năng làm tốt hơn bạn bè của chúng.
Chúng tôi xác minh những kỳ vọng đó trong một nghiên cứu được xuất bản đầu năm 2007. Các nhà tâm lý Lisa Blackwell, ở đại học Columbia, và Kali H. Trzesniewski, ở đại học Stanford, và tôi giám sát 373 học sinh trong hai năm chuyển tiếp sang bậc trung học, khi việc học trở nên khó hơn và điểm số được chấm nghiêm ngặt hơn, để xác định tư duy của chúng có thể ảnh hưởng đến điểm số môn toán của chúng như thế nào. Vào đầu năm học lớp bảy, chúng tôi đánh giá những niềm tin của các học sinh bằng cách hỏi chúng đồng ý hay không đồng ý với những câu như "Trí thông minh của bạn là một thứ gì đó rất cơ bản về bạn mà bạn không thể thay đổi được.” Sau đó chúng tôi đánh giá những tư duy của chúng về những khía cạnh khác của việc học tập và xem điều gì xảy ra với điểm số của chúng.
Như chúng tôi đã dự đoán, những học sinh với một tư duy phát triển cảm thấy học tập là một mục tiêu quan trọng trong trường học hơn là đạt được điểm cao. Thêm nữa, chúng đánh giá cao sự nỗ lực, chăm chỉ, tin rằng bạn càng nỗ lực trong một việc gì đó thì bạn sẽ càng giỏi trong lĩnh vực đó. Chúng hiểu rằng ngay cả thiên tài cũng phải làm việc chăm chỉ để có được những thành tựu vĩ đại. Đối mặt với một thất bại như một điểm kiểm tra gây thất vọng, thì những học sinh với một tư duy phát triển nói rằng chúng sẽ học chăm chỉ hơn hoặc thử một chiến lược khác để nắm vững tài liệu.
Tuy nhiên, những học sinh có một tư duy cố định thì quan tâm đến việc trông thông minh với ít lưu tâm đến chuyện học. Họ có những quan điểm tiêu cực về sự nỗ lực, tin rằng phải làm việc chăm chỉ trong một việc gì đó là một dấu hiệu của năng lực kém. Chúng nghĩ rằng một người thông minh hoặc tài năng không cần chăm chỉ để làm tốt. Quy một điểm kém cho sự thiếu năng lực của họ, những người có tư duy cố định nói rằng họ sẽ học ít đi trong tương lai, họ không bao giờ chọn môn học đó lại lần nữa và tính đến chuyện gian lận trong những bài kiểm tra trong tương lai.
Những quan điểm khác biệt đó có một tác động sâu sắc lên thành tích. Lúc bắt đầu trung học, điểm kiểm tra môn toán của các học sinh có một tư duy phát triển được so sánh với những học sinh có tư duy cố định. Nhưng khi việc học trở nên khó hơn, thì những học sinh có một tư duy phát triển bộc lộ sự kiên trì lớn hơn. Kết quả là, điểm số môn toán của chúng vượt điểm toán của những học sinh khác vào cuối học kỳ đầu tiên—và khoảng cách giữa hai nhóm tiếp tục được mở rộng trong suốt hai năm chúng tôi theo dõi chúng.
Cùng với nhà tâm lý Heidi Grant Halvorson, ở Columbia, tôi phát hiện thấy một mối liên quan tương tự giữa tư duy và thành tích trong một nghiên cứu năm 2003 với 128 sinh viên năm nhất Columbia phải học một khoá hoá học đầy thách thức. Dù tất cả các sinh viên đều quan tâm đến điểm số, thì những sinh viên đạt được những điểm cao nhất là những người đánh giá cao việc học tập hơn là chứng tỏ rằng họ thông minh về hoá học. Việc tập trung vào những chiến lược học tập, sự nỗ lực và kiên trì đã mang lại kết quả cho các sinh viên đó.
Đương đầu với những khuyết điểm
Một niềm tin vào trí thông minh cố định cũng làm con người ít sẵn sàng thú nhận những lỗi lầm hoặc đối mặt và sửa chữa những khuyết điểm của họ trong học tập, làm việc và trong các mối quan hệ xã hội của họ. Trong một nghiên cứu được xuất bản năm 1999 với 168 sinh viên năm nhất bước vào đại học University of Hong Kong, nơi mà mọi chỉ dẫn và khoá học đều bằng tiếng Anh, ba đồng nghiệp người Hong Kong và tôi phát hiện thấy những sinh viên với một tư duy phát triển đạt điểm kém trong bài kiểm tra sự thành thạo tiếng Anh của họ có xu hướng tham gia một khoá học cải thiện tiếng Anh hơn những sinh viên có tư duy cố định có điểm thấp. Những sinh viên với một quan điểm trì trệ về trí thông minh có lẽ không sẵn sàng thừa nhận khuyết điểm của họ và do đó bỏ qua cơ hội để sửa nó.
Một tư duy cố định có thể gây cản trở cho việc truyền đạt và sự tiến bộ tại nơi làm việc bằng cách khiến các nhà quản lý và nhân viên nhụt chí hoặc phớt lờ những lời khuyên và lời chỉ trích có tính xây dựng. Nghiên cứu bởi các nhà tâm lý Peter Heslin, ở đại học University of New South Wales ở Úc, Don VandeWalle ở đại học Southern Methodist University và Gary Latham ở đại học University of Toronto chỉ ra những nhà quản lý có một tư duy cố định thì ít có khả năng tìn kiếm hoặc đón nhận phản hồi từ những nhân viên của họ so với những nhà quản lý có một tư duy phát triển. Có lẽ, các nhà quản lý có tư duy phát triển xem bản thân đang làm việc -trong- quá trình và hiểu rằng họ cần sự phản hồi để cải thiện, trong khi đó những ông sếp với tư duy cố định thì có nhiều khả năng xem sự chỉ trích như sự phản ánh mức độ năng lực bên dưới của họ. Nhưng sau khi Heslin, VandeWalle và Latham giảng giải cho các nhà quản lý về giá trị và các nguyên tắc của tư duy phát triển, thì các nhà quản lý trở nên sẵn sàng hơn để huấn luyện các nhân viên của họ và đưa ra nhiều lời khuyên có ích.
Tư duy có thể ảnh hưởng đến chất lượng và sự bền lâu của những mối quan hệ cá nhân, thông qua sự sẵn sàng hoặc không sẵn sàng của con người để xử lý những khó khăn. Những người có một tư duy cố định thì ít có khả năng hơn so với những người có một tư duy phát triển để đề cập các vấn đề trong những mối quan hệ của họ và cố gắng giải quyết chúng, theo một nghiên cứu năm 2006 do tôi thực hiện cùng với nhà tâm lý Lara Kammrath, bây giờ ở đại học Wake Forest. Sau tất cả, nếu bạn nghĩ rằng các nét tính cách con người là ít nhiều cố định, không thay đổi, thì việc sửa chữa mối quan hệ dường như vô ích. Những người tin rằng con người có thể thay đổi và phát triển thì tự tin nhiều hơn rằng việc đương đầu với những mối bận tâm trong mối quan hệ của họ sẽ đưa đến các giải pháp.
Khen đúng
Làm thế nào chúng ta truyền một tư duy phát triển cho con chúng ta? Một cách đó là kể những câu chuyện về những thành tựu là kết quả của sự nỗ lực. Ví dụ, kể về những thiên tài toán học ít nhiều sinh ra đã là thiên tài sẽ làm cho học sinh có một tư duy cố định, nhưng kể chuyện về các nhà toán học vĩ đại yêu thích môn toán và phát triển những kỹ năng tuyệt vời sẽ làm sinh ra một tư duy phát triển, theo các nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra. Con người cũng nói về các kiểu tư duy thông qua lời khen. Dù nhiều, nếu không phải là đa số các bậc cha mẹ tin rằng họ nên đề cao trẻ bằng cách nói với chúng rằng chúng thông minh và tài năng như thế nào, thì nghiên cứu của chúng tôi cho rằng điều này là sai lầm.
Ví dụ, trong các nghiên cứu gồm hàng trăm học sinh lớp năm được đăng vào năm 1998, nhà tâm lý Claudia M. Mueller, hiện tại ở trường Stanford, và tôi giao cho các trẻ những câu hỏi từ một bài test IQ không lời. Sau 10 vấn đề đầu tiên, mà đa số trẻ đã làm khá tốt, chúng tôi khen các em. Chúng tôi khen một số em về trí thông minh của chúng: “Wow … đó là một số điểm tốt. Em chắc là thông minh về môn này.” Chúng tôi khen những em khác vì quá trình của chúng: “Wow … đó là một số điểm tốt. Em chắc là đã rất cố gắng.”
Chúng tôi phát hiện thấy việc khen ngợi trí thông minh khuyến khích một tư duy cố định nhiều hơn là những lời khen về sự nỗ lực. Ví dụ, Những người được khen về trí tuệ của họ tránh né một nhiệm vụ mang tính thách thức—thay vào đó, họ muốn một nhiệm vụ dễ dàng—thường xuyên hơn những đứa trẻ được khen về quá trình của chúng. (Phần lớn những trẻ được khen vì sự nỗ lực của chúng muốn giải quyết vấn đề khó khăn mà chúng sẽ học hỏi được.) Khi chúng ta giao cho mọi người những vấn đề khó, thì những người được khen vì thông minh trở nên nhụt chí, nghi ngờ khả năng của họ. Và điểm số của họ, ngay cả ở loạt vấn đề dễ hơn mà chúng tôi đưa cho họ sau đó, suy giảm so với các kết quả mà họ đạt được trước đó ở những vấn đề tương đương. Ngược lại, những học sinh được khen vì sự nỗ lực của họ đã không đánh mất sự tự tin khi đối mặt với những câu hỏi khó hơn, và thành tích của họ được cải thiện rõ rệt ở những vấn đề dễ hơn sau đó.
Tạo ra tư duy của bạn
Để khuyến khích một tư duy phát triển thông qua việc khen ngợi nỗ lực, bố mẹ và các giáo viên có thể giúp trẻ bằng cách cung cấp chỉ dẫn xem đầu óc như một cái máy học tập. Blackwell, Trzesniewski và tôi đã thiết kế một hội thảo dài tám buổi cho 91 học sinh có điểm toán giảm trong năm học trung học đầu tiên. 48 học sinh chỉ nhận được chỉ dẫn trong các kỹ năng học, trong khi đó những học sinh khác được tham dự những khoá học về kỹ năng học tập kết hợp với những lớp mà họ được học về tư duy phát triển và làm sao áp dụng nó vào việc học.
Trong các lớp dạy tư duy phát triển, các học sinh đọc và thảo luận về một bài báo với nhan đề "Bạn có thể phát triển bộ não của bạn." Họ được dạy rằng bộ não giống như một cơ bắp, trở nên mạnh hơn khi sử dụng và học tập thúc đẩy các nơ ron trong não phát triển những mối liên kết mới. Từ những chỉ dẫn đó, nhiều học sinh bắt đầu xem bản thân như những tác nhân của sự phát triển bộ não của họ. Những học sinh từng phá phách hoặc buồn chán thì ngồi yên và ghi chép. Một cậu bé đặc biệt ngỗ ngược ngước nhìn trong suốt buổi thảo luận và nói, “thầy nói rằng em không hẳn là ngu ngốc?"
Khi học kỳ tiến triển, điểm số môn toán của những trẻ chỉ được học về các kỹ năng học tập tiếp tục giảm, trong khi đó những học sinh được huấn luyện tư duy phát triển thì dừng sụt giảm và bắt đầu bật lên các mức trước của họ. Các giáo viên thông báo nhận thấy những thay đổi quan trọng về động cơ ở 27% số trẻ ở hội thảo tư duy phát triển so với chỉ 9% số học sinh trong nhóm kiểm soát. Một giáo viên viết: “hội thảo của các bạn đã có một tác động. L [tên một nam học sinh của chúng tôi], chưa bao giờ cố gắng hơn và thường không nộp bài tập đúng hạn, đữ thức khuya để hoàn thành sớm mọt bài tập để tôi có thể đánh giá nó và cho cậu ấy một cơ hội sửa lại nó. Cậu ấy đạt được một điểm B+. (Cậu ấy từng nhận nhiều điểm C và những điểm thấp hơn.)”
Những nhà nghiên cứu khác đã lặp lại các kết quả của chúng tôi. Các nhà tâm lý Catherine Good, ở đại học Baruch College, Joshua Aronson ở đại học New York University và Michael Inzlicht, ở đại học University of Toronto, thông báo trong năm 2003 rằng một hội thảo về tư duy phát triển làm tămg điểm bài thi môn toán và tiếng Anh của học sinh lớp bảy. Trong một nghiên cứu năm 2002 Aronson, Good và các đồng nghiệp của họ phát hiện thấy các sinh viên đại học bắt đầu thích việc học nhiều hơn, đánh giá nó cao hơn và đạt những số điểm tốt hơn như một kết quả của việc huấn luyện nuôi dưỡng tư duy phát triển.
Hiện tại chúng tôi đã gói gọn những chỉ dẫn đó trong một chương trình máy tính được gọi là Brainology. 5 module của nó dạy các học sinh về não bộ—nó là gì và làm thế nào để nó hoạt động tốt hơn
Dạy trẻ những thông tin đó không chỉ là một mẹo để làm chúng học tập. Mọi người có thể khác nhau nhiều về trí tuệ, tài năng và năng lực. Và nghiên cứu đưa đến kết luận rằng thành tựu vĩ đại, và ngay cả cái mà chúng ta gọi là thiên tài, thường là kết quả của nhiều năm đam mê và miệt mài cống hiến và không phải là một điều gì đó đến một cách tự nhiên từ một năng khiếu. Mozart, Edison, Curie, Darwin và Cézanne không phải đơn giản được sinh ra với tài năng; họ trau dồi nó thông qua nỗ lực to lớn và duy trì liên tục. Tương tự như thế, sự nỗ lực và kỷ luật góp phần vào thành tích trong học tập nhiều hơn IQ.
Những bài học đó áp dụng cho hầu hết sự cố gắng của con người. Ví dụ, nhiều vận động viên trẻ đánh giá cao tài năng nhiều hơn nỗ lực và hậu quả là họ trở nên không thể dạy được. Tương tự thế, nhiều người hoàn thành được ít việc khi không có lời khen và động viên liên tục để duy trì động lực của họ. Nếu chúng ta nuôi dưỡng một tư duy phát triển trong gia đình và trường học của chúng ta, chúng ta sẽ trao cho con cái chúng ta những công cụ để thành công trong những cuộc theo đuổi của chúng và trở thành những công dân và người lao động có năng suất.
Theo một khảo sát chúng tôi thực hiện vào giữa những năm 1990, 85% các bậc cha mẹ tin rằng khen ngợi tài năng hoặc trí thông minh của trẻ khi chúng làm tốt là quan trọng để làm chúng cảm thấy thông minh. Nhưng nghiên cứu của chúng tôi cho thấy việc khen ngợi trí thông minh của một đứa trẻ làm trẻ dễ tổn thương và phòng thủ. Lời khen có thể rất quý giá, tuy nhiên, chỉ khi nào nó được đưa ra một cách cẩn thận. Khen ngợi quá trình cụ thể mà một đứa trẻ dùng để hoàn thành việc gì đó thì nuôi dưỡng động lực và sự tự tin bằng cách làm trẻ tập trung vào những hành động dẫn đến thành công. Khen ngợi quá trình có thể gồm việc tuyên dương sự nỗ lực, những chiến lược, sự tập trung, kiên trì khi đối mặt với khó khăn và sự sẵn sàng chấp nhận những thử thách.
Rubi dịch
Nguồn: tamlyhoc