Bình luận ý kiến: "Mỗi thời đại đều có một lối kể chuyện của riêng mình"

Đề bài: Người ta nói: Thời đại nào văn học ấy. Vì thế, mỗi thời đại đều có lối kể chuyện của riêng mình. Hãy cùng làm sáng tỏ qua một số truyện ngắn đã học nhé!

Văn học ra đời sớm hơn so với các ngành khoa học cũng như các loại hình nghệ thuật khác nhưng nó vẫn đồng hành cùng con người cho đến tận ngày hôm nay, và cả mai sau? Vì sao vậy? Vì văn học chính là cuộc sống, văn học chính là con người. Nó là tấm gương phản chiếu đường đời, mà đường đời thì có nơi khô ráo, có chỗ lầy lội,... Văn học bên cạnh con người ở mọi nơi, là nơi lắng nghe và để con người kể lại về chính họ, về xung quanh và về cuộc sống bằng nhiều hình thức khác nhau. Và mỗi thời đại với mỗi hoàn cảnh khác nhau sẽ có những câu chuyện, những cách kể khác nhau. Bởi thế mới có ý kiến khẳng định: Mỗi thời đại có một lối kể chuyện của riêng mình. Qua một số tác phẩm truyện ngắn đã học, chúng ta có thể thấy rõ điều đó. Khi chọn tác phẩm để làm sáng tỏ, các bạn chú ý chọn những tác phẩm tiêu biểu và đại diện cho thời đại đó. Sau đây là bài viết mẫu các bạn có thể tham khảo. Chúc các bạn học tập tốt

moi-thoi-dai-deu-co-mot-loi-ke-chuyen-cua-rieng-minh.jpg

BÀI VIẾT CHỨNG MINH: "MỖI THỜI ĐẠI CÓ LỐI KỂ CHUYỆN CỦA RIÊNG MÌNH"
Văn học luôn là khối rubic nhiều chiều, nhiều mặt phong phú. Bởi bao giờ cũng là sản phẩm của thời đại mà "Mỗi thời đại có một lối kể chuyện của riêng mình".

Trong câu nói, thời đại được hiểu là hoàn cảnh lịch sử, một thời đại hay giai đoạn lịch sử. Cách kể chuyện hay chính là nghệ thuật kể chuyện, bao gồm: điểm nhìn trần thuật (chi phối đến giọng kể), ngôn ngữ trần thuật, cách tổ chức cốt truyện và kết cấu, cách xây dựng nhân vật. Như vậy, câu nói đã khẳng định đặc trưng của văn học mỗi thời kì và sự vận động không ngừng của nền văn học.

Bản chất của văn học đã là một tiến trình vận động không ngừng. Bởi đối tượng của văn học là đời sống, đặc biệt là con người với thế giới bên trong luôn là vũ trụ bí ẩn không bao giờ có thể khám phá đến đáy. Luôn kế thừa và cách tân cũng như yêu cầu sáng tạo khiến cho văn học không được dừng lại, và mỗi thời đại mới kéo theo nền văn học mới là một cách kể mới. Mặt khác, người đọc mỗi thời đại khác nhau lại có thị hiếu khác nhau, đòi hỏi các cách kể chuyện khác nhau. Vì thế, mỗi thời đại tất yếu và phải tìm ra những cách kể chuyện của riêng mình - đặc trưng của nền văn học đó. Và không ai là người kể chuyện của mọi thời đại.

Bằng sự trải nghiệm của cuộc đời cầm bút, Lỗ Tấn khẳng định: truyện ngắn có thể và cần phải trở thành "tòa đại lầu" để chứa đựng cả tinh thần thời đại. Toàn bộ tinh thần, tư tưởng của hệ phong kiến có thể nhìn qua "con mắt" thần sắc "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ.

"Truyện người con gái Nam Xương", trích trong "Truyền kì mạn lục" - một "thiên cổ kì bút" của văn học trung đại Việt Nam, được coi là “bông hoa kết tinh” đặc trưng truyện ngắn Trung Đại, mở đầu cho nghệ thuật truyện ngắn Việt Nam. Những câu chuyện trung đại, nếu không phải lấy gốc là lịch sử, những biến động thời đại như “Hoàng Lê nhất thống chí” thì cũng lấy cốt từ tích dân gian, truyện cũ. “Chuyện người con gái Nam Xương” xuất phát từ tích “vợ chàng Trương”, triển khai theo trình tự của câu chuyện: có giới thiệu, cao trào, giải quyết và kết truyện. Diễn biến đơn giản, xoay quanh chi tiết chiếc bóng oan khuất – nỗi ona tình của Vũ Nương. Đến Nguyễn Dữ cách xây dựng nhân vật đã có sự phát triển so với cách xây dựng nhân vật đơn giản, chức năng của văn học dân gian ssong vẫn chưa có sự khác biệt lớn: vẫn là hình tượng đại diện cho quan niệm của những lễ giáo phong kiến. Từ đầu đến cuối, hình tượng Vũ Nương vẫn thống nhất tuyệt đối bên trong và bên ngoài của một người vợ thủy chung, người mẹ hiền, người con dâu hiếu thảo. Trương Sinh là hiện thân của những lề thói quan niệm xưa cũ, độc đoán, hà khắc – vẫn xấu xa và đáng phê phán như thế. Người kể chuyện ở đây có “toàn năng”, là người biết hết câu chuyện, dùng những lời bình đề để tăng tính hấp dẫn và thuyết phục người đọc: “Than ôi! Những việc từa tựa như nhau tật khó tỏ mà dễ hoặc”… Dẫn dắt câu chuyện là ngôn ngữ trang nhã, tránh dung tục của: “mảnh trăng Tường An, liễu tàn rủ bóng, biên ải xa xôi”,… Câu văn hấp dãn bởi sự nhịp nhàng, cân đối như điệu ngâm: “Mỗi khi thấy bướm bay vườn thúy, mây ám non Tần, nỗi buồn hải giốc thiên nhai, lại không thể nào ngăn được” hay lời giãi bày: “Sum họp chưa thỏa tình chăn gối, chia phôi vì động việc lửa binh. Cách biệt ba năm, giữ gìn một tiết. Tô son điểm phấn, từng đã nguội lòng, ngõ liễu đường hoa chưa hề bén gót.”. Nhưng đến Nguyễn Dữ, ông đã có ý thức chú trọng xây dựng chi tiết. Chi tiết là cao trào cũng là nút thắt của truyện, là tình tiết cũng là tư tưởng của truyện: chi tiết chiếc bóng. Trong xã hội bất công kia, thân phận người phụ nữ cũng chỉ mong manh như chiếc bóng? Thoắt ẩn rồi hiện, có mà như hư vô, còn hay mất chẳng thể nào tự mình quyết định! Đặc biệt, không cố tạo ra một kết thúc có hậu, Nguyễn Dữ để cho người phụ nữ đức hạnh trở về để được giải oan như một sự an ủi cuối cùng trước sự thật không thể khác: nàng đã chết. Tác giả đã có ý thức đưa truyện trở về với hiện thực vốn có, với những thay đổi đáng kể so với truyện dân gian; nhưng vẫn nằm trong sự chi phối của những quy phạm văn học trung đại.

Khi xã hội phong kiến sụp đổ, sự du nhập văn hóa phương Tây thổi vào cho văn học một luồng gió mới và sự xuất hiện của những thể loại văn học mới. Sau mấy mươi thể kỉ khuôn mình trong rường cột phong kiến, thế kỉ XX đánh dấu mốc khởi đầu cho quá trình hiện đại hóa, dân tộc hóa và dân chủ hóa.

Những năm 1030 – 1945, các nhà văn đã có lối kể chuyện của riêng mình. Nhà văn không còn “kể” mà chuyển sang “tả” một câu chuyện. Có truyện như một bài thơ kiểu Thạch Lam, có truyện như kịch của Nguyễn Công Hoan, lại có truyện như những bức tranh vừa cổ kính vừa hiện đại của Nguyễn Tuân,… Cái quan trọng nhất của truyện: cốt truyện, trong thời kì này đã không còn là độc nhất. Cốt truyện ít nhiều có sự tiêu biến trong những câu chuyện gần như không có truyện mà như một bài thơ kéo dài bằng văn xuôi của Thạch Lam hay như những bức tranh đạm màu về của sống trong quá vãng ở “Vang bóng một thời”. Đôi khi, nó mang sức chứa của một tiểu thuyết “Chí Phèo”. Đặc biệt, những câu chuyện hiện đại thường khước từ trình tự thời gian để tạo cấu trúc riêng mình: theo số phận nhân vạt, theo tâm lí nhân vật hay xoay quanh một tính cách. Cách mở đầu thật ấn tượng của “Chí Phèo” khi để nhân vật chính “nhảy” vào bằng tiếng chửi chứ không phải bằng lời giới thiệu chi tiết về danh tính, quê quán, tính tình như truyện trung đại. Tiếng chửi mang theo bão táp của xã hội đương thời, bi kịch của con người vô thừa nhận, bị đẩy ra bên lề cuộc đời. Cũng vì thế mà các nhà văn hiện đại quan niệm: “Theo tôi, viết truyện ngắn quan trong nhất là mở đầu và kết thúc” (Chekhov). Kết truyện, ta cũng chẳng biết nhân vật đi về đâu: “Cứ mòn đi, rỉ ra và mốc lên” trong sự tha hóa (“Sống mòn”) hay chết trên ngưỡng cửa trở về với lương thiện (“Chí Phèo”). Và cái kết của “Chí Phèo” rốt cuộc là cái chết hay sự hồi sinh? Truyện ngắn hiện đại tạo dư vang bằng cách “quấy rầy” bạn đọc như thế. Đặc biệt, nhân vật cũng hiện lên đầy đủ hơn, không chỉ ở hành động, phẩm hanh, tính cách mà còn qua diện mạo, nội tâm bên trong. Có kiểu hành động như Huấn Cao (“Chữ người tử tù”), có kiểu nhân vật tâm tình đã được lược bỏ ranh giới tiểu sử trong “Hai đứa trẻ”, có nhân vật được khắc họa thành nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình như Chí Phèo.Nghệ thuật trần thuật giai đoàn này có sự hài hòa giữa tự sự, miêu tả và biểu cảm. Ngôn ngữ trần thuật không chỉ tập trung kể mà còn đảm nhiệm mọi chức năng: trình bày diễn biến, miêu tả đối tượng, phân tích hoàn cảnh, bình luận. Ngôn ngữ miêu tả trở nên đầy quyền năng với nhà văn giàu ngôn ngữ như Nguyễn Tuân, nhạy cảm với mọi biến thái tâm hồn như Thạch Lam, Hồ DZếch và cũng đa thanh, phức điệu như Nam Cao trong ngôn ngữ độc thoại, đối thoại và nửa trực tiếp. Cùng với đó, điểm nhìn trần thuật có sự đa dạng, dịch chuyển linh hoạt chứ không bất biến. Trong truyện Nam Cao, người đọc bắt gặp cách di chuyển điểm nhìn từ ngoài vào trong liên tục, lấy chính đốm lửa leo lét của số phận con người mà soi ra cuộc đời. Tính khách quan vẫn là lẽ sống còn của chủ nghĩa hiện thực đến Nam Cao, Thạch Lam đã thấm đẫm chất trữ tình. Chi tiết nghệ thuật cũng được coi trọng và đề cao. Người kể chuyện ý thức được “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn. Nhà văn lớn phải lớn ngay từ những chi tiết nhỏ”. Trong truyện Nam Cao, hệ thống những chi tiết trở đi trở lại như một ám ảnh: miếng ăn, cái đói, cái chết và nước mắt. Chúng là nốt nhấn thê thảm trong chuỗi văn Nam Cao, trở thành hình tượng và mô típ truyện. Bộ mặt giả nhân giả nghĩa kèm theo thái độ căm ghét với xã hội “Vô nghĩa lí” đã được Vũ Trong Phụng thể hiện rõ qua chi tiết tiếng khóc của ông Phán “Hứt…Hứt…Hứt”.

Truyên ngắn 1930- 1945 đã tìm được cho mình cách kể riêng để mở ra một kỉ nguyên mới cho văn học Việt Nam và để hội nhập với văn học thế giới.

Ba mươi năm tiếp theo 1945 - 1975, đất nước bước vào quỹ đạo của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, văn học đảm đương nhiệm vụ: hướng về đại chúng, phục vụ cách mạng, phục vụ chiến đầu. Vì thế, truyện giai đoạn này mang đậm chất sử thi. Truyện trở về với hình thức khai nguyên: kể một câu chuyện. Tác phẩm là truyện kể về thân phận con người khổ đau những giàu sức sống, cuộc đời nhân vật của mọt làng quê cũng là cả dân tộc: “Vợ chồng A Phủ”, “Cứu đất cứu mường” (Tô Hoài), “Rừng xà nu” – Nguyễn Trung Thành, … Nhân vật hành động “soán ngôi” các nhân vật khác. Nhân vật là mẫu số chung, kết tinh vẻ đẹp cộng đồng, cất tiếng nói của chân lí: “Chúng nó đã cầm sùng mình phải cầm giáo”. Kết cấu truyện, vì thế, có mô hình của một hiện thực “phải đạo” với quy luật “đi từ bóng tối ra ánh sáng”, từ đau thương đến vùng dậy, từ nô lệ đến tự do. Nhà văn trở thành người phán truyền chân lí, tạo niềm tin tuyệt đối cho người đọc. Tuy nhiên, vẫn có những tác phẩm thể hiện được những bứt phá sáng tạo của mình: “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài và “Vợ nhặt” của Kim Lân.

Khi đất nước giành được độc lập, nhiệm vụ “tồn tại” thay thế bằng nhiệm vụ “phát triển” đòi hỏi phải đổi mới trên nhiều lĩnh vực, trong đó có văn học. Một nền văn học tưởng chừng đã khuôn mình đủ lâu trong “hành lang hẹp” đã phá mình để thay đổi và bước ra thế giới. Từ kể, tác giả chuyển sang viết lại nội dung và suy nghĩ xung quanh câu chuyện nhiều hơn.

Truyện sau 1975 không lấy cốt truyện làm trung tâm, không cầu kì xây dựng, thậm chí còn tiêu biến cốt truyện để chuyển giao cho tình huống. Cái gọi là cốt truyện của “Một người Hà Nội” tan thành một tản văn luận bàn về chân dung văn hóa một con người. Đặc biệt các tác giả quay lại dân gian để khai thác cốt truyện xưa nhưng bằng một tinh thần giải thiêng, một cách cắt nghĩa mới của đôi mắt trần thế. Những Trương Tri, cô Tấm, Tiên Dung đều được đặt vào trong chuyện đời vốn đa sự. Lịch sử và con người lịch sử bỗng trở thành cách đặt vấn đề, thành sự hòa nghi trong những câu chuyện giả lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp: Nguyễn Ánh, Quang Trung, Đề Thám, … Tình huống đóng vai trò chủ yếu, đặc biệt là tình huống nhận thức, đi từ tiệm ngộ đến bừng ngộ ra chân lí. Nhân vật cùng trở nên đa dạng: từ con người khái quát thành con người cụ thể, từ anh hùng, bảo lưu nguyên bản tính chất trong kháng chiến thành con người đa đoan với tất cả những mối quan hệ phức tạp, chất chứa những đối cực như không thể,… Đó là người đàn bà hàng chài với vẻ ngoài thô kệch, lạc hậu và một tấm lòng yêu thương, cái nhìn sắc sảo trong “Chiếc thuyền ngoài xa”, là ông Bổng (“Tướng về hưu”) đã bật khóc khi được gọi là người. Không chỉ thế, con người còn được khai thác ở những tầng mức và chiều sâu đáng kinh ngạc. Đó là những Quỳ (“Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành”) cứ chập chờn giữa thực và ảo, tỉnh và mộng, trong nỗi đau quá khứ và hào quang. Đó là lão Khúng và con bò trong hình tượng người – bò, bò – người hai mà như một trong ngòi bút tài tình của Nguyễn Minh Châu. Và điểm nổi bật trong thời kì này là nghệ thuật trần thuật. Nhà văn ưa thích vai kể thứ nhất trong vai trò chứng kiến, từng trải. Điểm nhìn được thay đổi linh hoạt từ bên ngoài và trong tạo nên sự đa chiều, đa diện của đối tượng. Nguyễn Huy Thiệp đã tạo nên sự cách tân trong vai trò người kể chuyện không đáng tin cậy, không toàn năng/. Tác giả khong dẫn dắt chủ trì mà để nhân vật hiện lên như nó vốn có. Với những câu chuyện “Giả lịch sử”, ông không bắt ta phải tin nhưng làm ta phải nghĩ. Nó gây men nghi nhờ hiện thực. Không như Nam Cao, cuối hành trình, Nguyễn Huy Thiệp không đưa ra bất kì một chân lí nào cả. Cái ông đem dến cho người được là sự hoài nghi về chân lí. Kết cấu truyện đến đây cũng có sự xáo trộn, vỡ thành những mảnh ghép hoặc mở ra bằng những cái kết không còn có hậu, nhiều cái kết để người đọc lựa chọn: “Vàng lửa” – Nguyễn Huy Thiệp. Truyện cũng giảm hẳn lời kể mà thay vào đó là những lời trữ tình ngoại đề để kích thích tư duy người đọc. Tôi thích những câu thế này: “Có rất nhiều người đi săn hổ (…) Người thì muốn săn hổ để lấy trái tim làm bùa hộ mệnh, người muốn lấy trái tim làm thuốc… Trách họ thế nào được? Đời người ta, ai chẳng săn đuổi điều phù du” hay “Con don, con dim có đi bao giờ?” (“Trái tim của hổ”). Cách đặt câu hỏi, những câu văn ngắn, giàu nhịp điệu, cấu trúc abast thường chính là chất văn xuôi của thời đại. Nó tạo nên những mạch suy ngẫm sâu sắc và mở ra đối thoại ngầm với người đọc. Đặc biệt, thời kì này gia tăng sự kết hợp, hòa quyện giữa yếu tố thơ và truyện.

Như vậy, trải qua những biến thiên của lịch sử, truyện vừa thích nghi vừa tạo cho nó một cách kể chuyện riêng. Những cách kể ấy vừa làm nên bản sắc riêng thời đại vừa kết nổi để tạo nên tính liên tục trong dòng chảy văn học.

-Bỉ Ngạn-vfo.vn
 
  • Chủ đề
    nhà văn
  • Top