Bỏ phiếu chọn hoa lúa làm Quốc hoa

Trong khi phần lớn các ý kiến đều bầu chọn hoa sen làm Quốc hoa thì nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải lại bỏ phiếu đồng tình với quan điểm chọn hoa lúa. Bởi lẽ: “Cây lúa đã đồng hành với lịch sử đất nước ta trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Dù khi đất nước ta có phát triển thành một nước có nền công nghiệp cao, thì cây lúa vẫn đồng hành với chúng ta, nuôi sống dân tộc ta, và nuôi sống thế giới”.

VTC News xin đăng tải ý kiến của nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải, Trưởng bộ môn Thông tin Dự báo thuộc Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người xung quanh việc bầu chọn Quốc hoa này.

Vừa qua, nhiều báo chí lên tiếng bàn luận: “Hoa nào trở thành Quốc hoa?” của Việt Nam. Một kết quả thăm dò ý kiến lựa chọn Quốc hoa qua mạng internet được thống kê như sau: Hoa sen: 40,3%, hoa mai: 33,6%, hoa đào: 8,2%, cây tre: 9,5%, hoa lan: 0,6%, hoa gạo: 0,6%, hoa quỳnh: 0,6%, hoa ban: 1,2%, hoa cau: 1,8%, hoa súng: 0,6%... và cho đến lúc này, hoa sen vẫn là ứng viên có số phiếu cao nhất. Việc chọn Quốc hoa có cần thiết hay không ? Có nên vội vàng chọn Quốc hoa?. Cuộc thăm dò ý kiến của Bộ Văn Hóa – Thông Tin – Du Lịch trên 1.895 người được hỏi ý kiến, có đến 78% ý kiến nên có Quốc hoa, 10% cho là không cần thiết và 12% không trả lời. Bản thân tôi nghĩ, nên có thêm những “ứng cử viên khác” để lựa chọn, chứ không nên tập trung vào Hoa Sen là hoa đã được một số nước lựa chọn. Đặc biệt là cần có sự phân tích tỉ mỉ về ý nghĩa của mỗi loại hoa liên quan đến đất nước để có thể được lựa chọn làm Quốc hoa.



Hoa Sen đã có Ấn Độ, Sri Lanka chọn làm Quốc hoa

Chúng ta đều biết đến câu ca dao :
“Tháp Mười đẹp nhất Hoa Sen
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”




Đó chính là lý do vì sao năm 1984, khi sang thăm Liên Xô với tư cách là người được Giải Nhất Cuộc thi “Tìm hiểu Liên Bang Xô Viết” của báo Tin Tức Mátxơcơva, tôi đã mang Hoa Sen từ Việt Nam sang đặt ở Lăng Lênin. Báo chí Liên Xô đã đưa tin về việc này với các đầu đề “Hoa Sen từ Việt Nam”, hoặc “Một bó Hoa Sen đặt ở Lăng Lênin”.



3_3.jpg


Việc chọn Hoa Sen là tượng trưng cho Đạo Phật sẽ không có gì để bàn cãi, và nếu đã không có một số nước chọn Hoa Sen làm Quốc hoa của họ.


Hoa Sen là biểu tượng của sự thanh khiết như câu ca dao:


“Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh, bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng, bông trắng, lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”


Việc chọn Hoa Sen là tượng trưng cho Đạo Phật sẽ không có gì để bàn cãi, và nếu đã không có một số nước chọn Hoa Sen làm Quốc hoa của họ thì việc chọn Hoa Sen làm Quốc hoa của nước ta có lẽ cũng sẽ không phải thảo luận nhiều. Thế nhưng mặc dù Hoa Sen có nhiều ý nghĩa đẹp, nhưng đó có phải là hồn của dân tộc không, thì đó là vấn đề cần phải bàn tiếp. Trước hết, môi trường sinh thái của Hoa Sen chỉ gắn liền với một số đầm, hồ. Hoa Sen không thể mọc ở những vùng đồi núi, cao nguyên mà 2 phần 3 diện tích nước ta là những vùng này. Cây Sen cũng không phải là cây nuôi sống con người.

Hoa Cau đã thuộc về quá khứ


Cũng theo Bộ VH–TT–DL, hoa cau cũng là một loại hoa được đề xuất trong việc chọn làm Quốc hoa. Chúng ta đều biết cây cau là một loại cây cũng mang trong nó hồn của đất nước. Từ truyền thuyết “Trầu Cau” của thời Hùng Vương cho đến những bóng cau ở khắp làng quê Việt Nam, cây cau thực sự là mang hình ảnh của đất nước. Cây cau lại là một cây đứng thẳng tắp không cành lá, có thể làm biểu tượng cho sự ngay thẳng và độc lập. Hoa cau cũng là một loài hoa đẹp với một mùi hương rất thanh nhã. Cây cau và hoa cau đã đi vào nhiều bài hát nói về quê hương :

“Quê hương là đêm trăng tỏ,
Hoa cau rụng trắng đầu hè”.
(Quê hương
của Giáp Văn Khương
)
Hoặc :

“Bóng cau với con thuyền một dòng sông”
(Làng tôi
của Văn Cao
)
Làng quê Việt Nam mà thiếu cây cau sẽ không còn là làng quê nữa.

21.jpg


Quả cau lá trầu chỉ còn được dùng trong các hôn lễ mà người ta còn nghĩ đến những nghi thức cổ truyền nên hoa cau khó có thể trở thành Quốc hoa.
Thế nhưng hoa cau có thể là Quốc hoa? Chúng ta ai cũng thấy rõ nếu chọn một loại cây, một loại quả, kể cả một loại hoa để làm biểu tượng cho nền văn hóa cổ truyền của Việt Nam, thì chắc chắn hoa cau sẽ được xếp vào trong số những ứng cử viên hàng đầu. Nhưng cây cau là loại cây thuộc về quá khứ, quả cau lá trầu chỉ còn được dùng trong các hôn lễ mà người ta còn nghĩ đến những nghi thức cổ truyền. Do đó khó có thể đưa hoa cau làm Quốc hoa trong thời hiện đại của chúng ta.




Hoa Lúa nuôi sống dân tộc ngàn đời


Có ý kiến đã cho rằng: “Khi đề án Quốc hoa được triển khai, có ý kiến đề nghị chọn bông lúa làm Quốc hoa. Ý kiến độc đáo và ấn tượng này xuất phát từ việc Việt Nam là một quốc gia có nền văn minh lúa nước từ lâu đời, nay là quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Cây lúa được trồng ở mọi nơi trên đất nước Việt Nam, bông lúa khi sắp kết hạt cũng rất đẹp và có hương thơm ngát. Lấy bông lúa làm Quốc hoa cũng góp phần tôn vinh hoạt động sản xuất nông nghiệp. Quốc huy nước ta cũng có hình bông lúa bao quanh”.

Ông Bùi Văn Điểm, nguyên Cán bộ Ban Tổ chức Trung ương, cũng bày tỏ ý kiến nên chọn bông lúa và cho rằng bông lúa đạt nhiều tiêu chuẩn để trở thành Quốc hoa.

Tôi tán thành với những ý kiến này: chọn hoa lúa làm Quốc hoa

12_6.jpg

Cây lúa, với những cánh đồng bát ngát của nó, mới là sức sống mãnh liệt của hồn dân tộc.

Vấn đề đặt ra là “hoa lúa” hay “bông lúa”? Bông lúa thì đương nhiên đã nằm trong quốc huy rồi, còn hoa lúa thì ít người biết đến nó. Tôi muốn nhắc để nhiểu em học sinh và một số các bạn thanh niên biết rằng cây lúa (Orisa sativa) là một loại cây có hoa và quả dưới dạng bông. Ngay từ lúc hình thành, hoa lúa đã có dạng của quả lúa. Các em học sinh cần nhớ quả lúa là một loại quả dĩnh, nghĩa là cái mà chúng ta gọi là hạt lúa chính là quả lúa, còn hạt gạo mới thật là hạt của quả lúa. Hoa lúa là phần tua nhị trắng mong manh, mọc ra khi lúa phơi màu và đã đi vào một bài hát đã từng được nhắc đến một thời:

“Tình rằng cô gái đồng xanh
Mái đầu vương màu hoa lúa
Nắng hồng đẹp tô lên má
Mang ý xuân trong trời quê
…..”
Ở đây có sự thống nhất giữa hoa lúa và bông lúa. Với “tính tập thể” của nó, hoa lúa đã mang ngay trong nó hình ảnh của bông lúa tương lai. Và bản thân bông lúa cũng chỉ khi đứng trong tập thể mới trở thành đồng lúa:

“Một ngôi sao chẳng sáng đêm
Một bông lúa chín chẳng nên mùa vàng”
(Tố Hữu)

Cây lúa đã đồng hành với lịch sử của đất nước từ hàng ngàn năm trước. Cây lúa đã đi vào sự tích “Bánh dày, bánh chưng” từ thời Hùng Vương. Cây lúa đã nuôi sống dân tộc. Chính những đồng lúa bát ngát xanh mới là hồn của dân tộc Việt.

Cây lúa có nếp, có tẻ, mang biểu tượng đầy đủ khái niệm âm dương cổ truyền của văn hóa Phương Đông. Và ngay cả khi chưa trưởng thành đầy đủ, những hạt lúa nếp xanh đã tặng cho chúng ta một sản phẩm mang đầy màu sắc dân tộc: Cốm. Cốm là thứ mà bất kỳ mà người con dân đất Việt nào đi xa quê đều mang nó đi để làm quà tặng đặc trưng của đất nước. Và nói như nhà văn Thạch Lam: “Cốm là thức dâng của đồng lúa bát ngát xanh”. Cũng vậy, bài hát “Hương lúa đồng quê” của Hoàng Giác cũng nhắc đến tình cảm của những người xa xứ:
“Về đây hỡi người lênh đênh nhớ quê
Chân trời bâng khuâng mơ về,
Về với lúa vàng”.
Nếu môi trường sinh thái của hoa sen chỉ là những đầm nước, của những bóng cau chỉ là những vườn quê, thì cây lúa, với những cánh đồng bát ngát của nó, mới là sức sống mãnh liệt của hồn dân tộc:

“Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn !”
(Nguyễn Đình Thi)
Cây lúa, với sự thích nghi mạnh mẽ của nó với nhiều môi trường sinh thái khác nhau, đã có mặt ở khắp mọi nơi trên đất nước. Từ những ruộng lúa nước của miền đồng bằng đến lúa nương, lúa rẫy của các đồng bào dân tộc. Sức vươn của nó còn thể hiện ở loại lúa nổi của Đồng Tháp Mười: nước dâng đến đâu lúa mọc cao đến đấy. Có thể nói thêm rằng, hoa lúa không khoe sắc như nhiều loài hoa khác. Nó là một loại hoa có thể tự thụ phấn được nên nó không cần phải có những cánh hoa có màu sắc sặc sỡ để thu hút côn trùng. Nó nhũn nhặn, khiêm tốn như chính những người nông dân chất phác của chúng ta. Khi nói đến những đức tính cần phải có, khiêm tốn được coi là một đức tính hết sức cao quý của con người. Kinh dịch có 64 quẻ, mỗi quẻ có 6 hào. Quẻ dịch nào cũng có hào tốt và hào xấu, nhưng chỉ riêng quẻ KHIÊM thì 6 hào của nó, hào nào cũng tốt. Điều đó chứng tỏ người xưa đã hết sức chú trọng đến sự khiêm tốn, và ta có thể nói rằng hoa lúa đã mang trong nó đức tính này, và đó cũng là tính cách của người Việt.

Bông lúa, dưới dạng bó lúa, đã được chọn làm biểu tượng của khối Asean. Hoa lúa không đứng tách biệt mà ở dạng bông hoa lúa và đồng nhất với bông lúa. Việt Nam là nước xuất khẩu lúa gạo đứng vào hàng nhất, nhì thế giới. Cây lúa đã đồng hành với lịch sử đất nước ta trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Dù khi đất nước ta có phát triển thành một nước có nền công nghiệp cao, thì cây lúa vẫn đồng hành với chúng ta, nuôi sống dân tộc ta, và nuôi sống thế giới.

Chính vì những lẽ đó chúng ta nên chọn hoa lúa là Quốc hoa. Và vì sự đồng nhất của hoa lúa với bông lúa, chúng ta đã có sẵn Quốc hoa trong quốc huy, và không cần phải chọn logo riêng cho nó.

Tôi xin bỏ phiếu cho hoa lúa là Quốc hoa, và vận động tất cả mọi người cũng sẽ bỏ phiếu cho hoa lúa là Quốc hoa của Việt Nam.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
  • Chủ đề
    bài hát cách cần hay hóa kết lịch liên ngôi sao nhất phá phát quê hương thăm thành thể thông tin tin tình tốt triển văn việt nam với đẹp
  • Thống kê

    Chủ đề
    101,843
    Bài viết
    469,194
    Thành viên
    340,252
    Thành viên mới nhất
    appgiatot
    Top