Cảm nhận sức sống nhân vật Mị trong “Vợ chồng A Phủ” và người vợ nhặt trong “Vợ nhặt” liên hệ

“Vợ chồng A Phủ” và “Vợ nhặt” là hai truyện ngắn tiêu biểu đánh dấu tên tuổi của hai cây bút văn xuôi nổi tiếng của nền văn học hiện đại Việt Nam – Tô Hoài và Kim Lân. Với những cách nhìn và cách thể hiện khác nhau, hai nhà văn đã đem đến cho người đọc những cái nhìn thú vị về sức sống của hai nhân vật Mị và người vợ nhặt. Dưới đây là bài văn mẫu chi tiết phân tích cho đề bài yêu cần cảm nhận sức sống hai nhân vật này.

Trong dòng chảy không ngừng của nền văn học nước nhà, hình ảnh người phụ nữ, thân phận, số phận hay những nét đẹp tâm hồn họ đã khơi dậy niềm cảm hứng nơi tâm hồn biết bao người nghệ sĩ. Đại thi hào Nguyễn Du đã gửi niềm đớn đau, thương cảm với thân phận người phụ nữ vào những câu Kiều: “Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”. Người mẹ trong thơ Nguyễn Bính lại mang một nét đẹp thật hiền hậu, tảo tần: “Giết lợn, đồ xôi, lại giết gà/ Cỗ bàn xong cả từ hôm qua/ Suốt đêm giao thừa mẹ tôi thức/ Lẩm nhẩm cầu kinh Đức Chúa Bà”. Người phụ nữ trong hành trình cứu quốc gian lao lại mang dáng vẻ dung dị nhưng mạnh mẽ vô cùng: “Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát/ Dù bom đạn, xương tan thịt nát/ Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh”. Đó là trong thơ ca, còn trong văn xuôi, ta cũng bắt gặp rất nhiều nhà văn hướng ngòi bút tài hoa tái hiện chân thực hình ảnh người phụ nữ với những nét đẹp tâm hồn đáng nâng niu, trân trọng. Tiêu biểu có thể kể đến nhân vật Mị trong “Vợ chồng A Phủ” – Tô Hoài và người vợ nhặt trong “Vợ nhặt” – Kim Lân. Dưới đây là bài văn mẫu phân tích sức sống của hai nhân vật các bạn có thể tham khảo để bài viết đầy đủ và hấp dẫn hơn. Chúc các bạn thành công!

suc-song-mi-va-vo-nhat.jpg

BÀI VĂN MẪU PHÂN TÍCH SỨC SỐNG NHÂN VẬT MỊ TRONG “VỢ CHỒNG A PHỦ” – TÔ HOÀI VÀ NGƯỜI VỢ NHẶT TRONG “VỢ NHẶT” – KIM LÂN
Hình ảnh người phụ nữ luôn là một nguồn cảm hứng bất tận của văn chương. Nhà thơ Huy Cận từng viết: “Chị em tôi tỏa nắng vàng lịch sử/ Nắng cho đời nên cũng nắng cho thơ”. Trong thơ là vậy, còn trong văn xuôi, ta cũng bắt gặp rất nhiều hình ảnh người phụ nữ mang những nét đẹp tâm hồn đáng quý. Sức sống nhân vật Mị trong “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài và người vợ nhặt trong “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân là một nét đẹp tâm hồn được hai nhà văn thể hiện rất chân thực và khéo léo, để lại trong lòng người đọc nhiều cảm xúc đẹp đẽ.

Giác quan, tiềm thức , ký ức, cảm xúc, nhận thức…tất cả đang phục sinh mạnh mẽ, đem đến cho tâm hồn Mị một sức sống mới, một khát vọng bấy lâu nay bị cái khổ cực, cam chịu lấp vùi. Cuộc sống trước mắt Mị giờ mang một sắc màu tươi thắm, âm thanh tươi vui và thân xác cũng tươi tắn, rạo rực hơn hẳn. Lòng Mị thấy “phơi phới trở lại”, niềm sướng vui đang tràn ngập hân hoan trong tâm hồn Mị. Và Mị bắt đầu nhận thức về tuổi trẻ, về khát vọng của mình rằng “Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi”. Và sức sống mãnh liệt trong Mị thực sự bùng nổ trong đêm đông cởi trói cho A Phủ. Mị lấy con dao cắt lúa cắt dây thừng cho A Phủ chạy trốn. Trong thoáng chốc đứng lặng trong bóng tối, Mị đã chạy theo A Phủ nói: “A Phủ cho tôi đi. Ở đây thì chết mất”. Qua hình tượng nhân vật Mị, Tô Hoài đã gửi gắm bức chân dung đậm nét về sức sống người lao động Tây Bắc: mãnh liệt, sôi trào dẫu bị đè nén vẫn trỗi dậy mạnh mẽ.

Cùng với hình ảnh nhân vật Mị, nhân vật người vợ nhặt trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Kim Lân cũng mang trong mình sức sống mãnh liệt. Khác với Mị, người vợ nhặt lại là nạn nhân của đói khát. Thị không lai lịch, không hành trang, tên tuổi, cái đói buộc thị phải chấp nhận theo không về làm vợ một người đàn ông xa lạ mới chỉ gặp hai lần trên chợ tỉnh. Dẫu hoàn cảnh đầy tủi hờn là vậy, tuy vậy khát vọng sống mãnh liệt đã giúp người vợ nhặt vượt lên đói khát và chết chóc để theo về làm vợ Tràng. Thêm nữa, qua trang văn Kim Lân, ở thị còn sáng lên khát vọng vun đắp hạnh phúc gia đình để được sống cho ra người, hướng tới tương lai. Người vợ nhặt đã có những thay đổi rõ rệt sau khi về làm vợ Tràng. Sự chau chát, chỏng lỏn, sỗ sàng ở thị không còn nữa, mà thay vào đó là sự ý nhị, đảm đang, khéo léo của một người phụ nữ trong gia đình.

Cùng xây dựng những nhân vật mang sức sống mãnh liệt, hai nhà văn đã đem đến cho người đọc những cái nhìn thú vị về điểm chung và nét riêng của hai nhân vật. Với điểm giống, đó là qua hai nhân vật, sức sống nội sinh tiềm tàng luôn ấp ủ và trỗi dậy mãnh liệt dẫu cho có bị đè nén. Hơn nữa, cả hai nhân vật đều được nhà văn đặt vào các nghịch cảnh, tình huống éo le, bi kịch để khám phá sức sống, nét đẹp tâm hồn họ. Bên cạnh những điểm gặp gỡ, những nét riêng của nhân vật và cách thể hiện của hai nhà văn cũng để lại trong người đọc nhiều ấn tượng. Nếu như ở nhân vật Mị, từ sức sống mãnh liệt, nhà văn thể hiện khát vọng tự do, khát vọng giải phóng chính mình thì ở người vợ nhặt, đằng sau sức sống ấy là khát vọng hạnh phúc gia đình thiêng liêng, cháy bỏng. Nếu như Tô Hoài thể hiện sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị qua những diễn biến tâm lý phức tạp, tinh tế thì sức sống người vợ nhặt lại được quan sát, miêu tả qua các chi tiết sắc sảo gắn với ngôn ngữ và hành động bên ngoài.

Qua hai hình tượng Mị trong “Vợ chồng A Phủ” và người vợ nhặt trong “Vợ nhặt”, nhà văn Tô Hoài và Kim Lân đã đem đến cho người đọc cái nhìn sâu sắc về sức sống tiềm tàng, mãnh liệt của những người phụ nữ trong những hoàn cảnh khác nhau. Hình ảnh hai nhân vật này đã góp phần làm tăng sự phong phú, đa dạng của kho tàng các nhân vật văn học ấn tượng trong nền văn học hiện đại Việt Nam.

-Nem-vfo.vn
 
  • Chủ đề
    nhân vật mị vợ chồng a phủ vợ nhặt
  • Top