Cảm nhận về hình tượng Lorca trong “Đàn ghi – ta của Lorca” – Thanh Thảo - 2 bài văn hay

“Đàn ghi – ta của Lorca” là một bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Thanh Thảo. Khi cảm nhận bài thơ này, mỗi người lại có những suy nghĩ, cảm xúc riêng và dành những tình cảm, sẻ chia cho những khía cạnh riêng của bài thơ. Có rất nhiều người đọc ấn tượng và dành nhiều thời gian suy nghĩ về hình tượng Lorca mà nhà thơ xây dựng. Dưới đây là bài văn mẫu cảm nhận về hình tượng Lorca trong “Đàn ghi – ta của Lorca” các bạn có thể tham khảo để bài văn của mình đầy đủ và giàu cảm xúc hơn.

Thanh Thảo là một nhà thơ được công chúng biết đến và yêu mến qua những tập thơ, những trường ca độc đáo, ấn tượng viết về chiến tranh và thời hậu chiến như: “Dấu chân qua trảng cỏ”, “Những ngọn sóng mặt trời”, “Từ một đến một trăm”…Thanh Thảo có những quan niệm về thơ vô cùng sâu sắc, ý nghĩa. Nói về cá tính sáng tạo nghệ thuật, ông cho rằng: “Thơ không mong giống ai, không có lối đi chung nào cho hai nhà thơ”. Còn bàn về chức năng thơ, ông lại nghĩ: “Thơ có ích không phải vì thơ giáo huấn hay cải tạo ai mà thơ thức tỉnh con người…”. Tập thơ “Khối vuông rubic” ra mắt năm 1985 được rất nhiều người đón nhận, bài thơ “Đàn ghi – ta của Lorca” trong tập thơ được nhiều người đặc biệt quan tâm và dành nhiều tình cảm. Thanh Thảo đã từng chia sẻ rằng: “Với tôi, Lorca là một nhà thơ mà tôi hết sức ngưỡng mộ, cả về thi ca lẫn cuộc đời và cái chết của ông gây cho tôi nhiều xúc cảm và ấn tượng. Chính những hình ảnh và nhạc điệu trong nhiều bài thơ Lorca đã dẫn dắt tôi khi viết bài thơ “Đàn ghi – ta của Lorca” mà tôi coi như một khúc tưởng niệm ông”. Có lẽ chính bởi những tình cảm, cảm xúc đó mà Thanh Thảo đã sáng tạo nên một bài thơ mang nhiều dấu ấn, từ hình ảnh đến ngôn từ, nhịp điệu và đặc biệt là hình tượng nhân vật Lorca.


lorca-guitar.jpg


BÀI VĂN MẪU SỐ 1 CẢM NHẬN VỀ HÌNH TƯỢNG LORCA TRONG “ĐÀN GHI – TA CỦA LORCA” – THANH THẢO
Ngẫm về thơ, Thanh Thảo từng chia sẻ rằng: “Thơ là chữ nghĩa cũng không là chữ nghĩa, là ý thức mà không phải ý thức, là vô thức mà không hẳn vô thức. Thơ đúng nghĩa là sự bộc lộ tận cùng của nhà thơ”. Đọc thơ Thanh Thảo, nhiều lúc chiêm nghiệm lâu ta mới cảm được sự “bộc lộ tận cùng” của cảm xúc, hình tượng hay ý niệm nhà thơ. Một cách đầy ấn tượng, Thanh Thảo đã xây dựng thành công hình tượng Lorca trong “Đàn ghi – ta của Lorca” để lại nhiều dấu ấn trong lòng bạn đọc.

Nhà thơ Thanh Thảo tên khai sinh là Hồ Thành Công, quê ở Mộ Đức, Quảng Ngãi. Trước năm 1975, có một thời gian nhà thơ tham gia chiến đấu chiến đấu trên chiến trường và trở thành một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ những nhà thơ trẻ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Từ năm 1975 trở về sau này, phần lớn thời gian ông dành để làm thơ, viết báo, viết tiểu luận phê bình…Nói đến Thanh Thảo, người ta sẽ nghĩ đến một trí thức luôn trăn trở, suy tư về những vấn đề của thời cuộc và đồng thời cũng là một cây bút có nhiều đóng góp tích cực trong sự cách tân của thơ ca Việt Nam. “Đàn ghi – ta của Lorca” nằm trong tập “Khối vuông rubic” xuất bản năm 1985. Nhan đề bài thơ đã đề cập đến hình tượng Lorca và hình ảnh cây đàn ghi – ta.

Lorca là một người nghệ sĩ tài hoa, một người chiến sĩ quả cảm. Ông là nghệ sĩ đa tài của đất nước Tây Ban Nha, người ta gọi ông bằng cái tên vô cùng đẹp “con chim họa mi của xứ Adalonsia”. Được xem như một người mở đường đầy tài ba trên con đường cách tân nghệ thuật Tây Ban Nha. Với nét đẹp tâm hồn mình, Lorca còn được coi là biểu tượng của sự tự do, dân chủ của nhân dân Tây Ban Nha. Nhà thơ từng tham gia liên đoàn liên minh chống phát xít và có ảnh hưởng lớn tới xã hội Tây Ban Nha lúc bấy giờ. Chất người lấp lánh tỏa ra từ cuộc đời Lorca, khát vọng sáng tạo, khát vọng tự do ngời lên từ sự nghiệp, tất cả đã gây cho Thanh Thảo một ấn tượng mạnh mẽ, thôi thúc ông viết “Đàn ghi – ta của Lorca” như một khúc hát tri âm trước hết của một độc giả với người nghệ sĩ lớn, sau đó là một tâm hồn nghệ sĩ đối với một tâm hồn nghệ sĩ khác.

Với cảm xúc chân thành, dạt dào nhất cùng tài năng sử dụng ngôn từ, hình ảnh, Thanh Thảo đã phác họa nên một hình tượng Lorca mang nhiều ý nghĩa. Lorca trước hết hiện ra với chân dung một người nghệ sĩ trên hành trình cách tân, sáng tạo. Hình ảnh “tiếng đàn bọt nước”, “chuỗi âm li la li la” đưa dẫn người đọc vào một không gian đậm chất Tây Ban Nha. Ở đó, tiếng đàn ghi – ta như một dòng suối âm thanh bập bùng tuôn chảy, hiện rồi tan, tan rồi hiện trong một hành trình tái sinh không ngừng. Ở đó, còn có những bông hoa tử đinh hương, loài hoa đặc trưng của miền xứ sở này. Hình ảnh tiếng đàn, chuỗi âm li la li la khi kết hợp cùng một loạt các từ láy gợi hình gợi cảm: “chếnh choáng”, “mỏi mòn”, “lang thang”, “đơn độc”…đã giúp Lorca hiện ra với bóng vẻ một người nghệ sĩ đang kiếm tìm một giai điệu mới cho cây đàn xứ sở mình, tìm kiếm và lưu giữ trọn vẹn hương thơm cho bông hoa nghệ thuật quê hương mình. Đâu chỉ mang chân dung một người nghệ sĩ trên hành trình cách tân, Thanh Thảo còn phác họa ra hình ảnh Lorca với chân dung người chiến sĩ trên hành trình kiếm tìm lý tưởng. Hình ảnh “áo choàng đỏ gắt” gợi liên tưởng hình dung đến lễ hội đấu bò tót sôi động với những đấu trường mang nét đặc trưng của đời sống Tây Ban Nha, với những đấu sĩ kiêu dũng, khỏe khoắn. Nơi đây, cái đẹp và sức mạnh trong một thoáng đã hòa vào nhau thăng hoa mãnh liệt. “Đỏ gắt”, gam độ màu sắc ấy ngầm ám chỉ xã hội Tây Ban Nha trong thời đại Lorca chẳng khác nào một đấu trường nơi khát vọng dân chủ đang quyết đấu với chế độ độc tài, cái đẹp cái thiện đang chiến đấu chống lại những điều mù quáng. Chân dung Lorca đã được nhà thơ dựng lên trên hành trình theo đuổi giấc mơ, những giấc mơ cao cả và thiêng liêng.

Khi xây dựng hình tượng Lorca, bên cạnh việc khắc họa chân dung nhân vật, Thanh Thảo còn đề cập đến cái chết và số phận bi kịch của người nghệ sĩ tài hoa này. Lorca, con người tài năng, quả cảm ấy, đã phải chịu một cái chết vô cùng đau thương. Đó là một cái chết bất ngờ khi tác giả viết “bỗng kinh hoàng”. Đó là một cái chết bi thảm, đẫm máu khi “áo choàng bê bết đỏ”. Đó còn là một cái chết đầy phi lí trong hình ảnh đối lập “Tây Ban Nha hát nghêu ngao/ Lorca bị điệu về bãi bắn”. Những câu thơ, ngôn từ, hình ảnh còn thể hiện rõ số phận bi kịch của Lorca. Người nghệ sĩ ấy tha thiết với tình yêu, với sự sống muôn màu, nhưng buồn thay, chính cuộc đời lại ngắn ngủi, sự sống lại mong manh. Người nghệ sĩ ấy đã nhiệt thành cống hiến, đã nhiệt huyết đấu tranh nhưng rồi cuộc đời kết thúc đầy bi thương. Âm thanh tiếng đàn ghi – ta cả cuộc đời Lorca gắn bó được hình ảnh hóa và sinh mệnh hóa. Hình ảnh thơ láy lại âm điệu của tiếng ghi - ta trong khúc dạo đầu phần nào biểu lộ sự mong manh của nghệ thuật, của cái đẹp trong cuộc đời. Hình ảnh tiếng ghi – ta “ròng ròng máu chảy” nhà thơ nhắc đến là nhiều người đọc phải trăn trở. Liệu đó có phải hình ảnh những giọt âm thanh nuối tiếc, nức nở của cây đàn trước sự bạo tàn? Hay liệu chăng trái tim Lorca đang bị thương trước súng đạn kẻ thù, trái tim người dân Tây Ban Nha rỉ máu trước cái chết Lorca? Hoặc cũng có thể, đó là trái tim Thanh Thảo, trái tim những con người yêu cái đẹp nghệ thuật cũng đang quặn thắt đớn đau. Cơ hồ, số phận của Lorca chính là số phận của cái đẹp trước bạo tàn, số phận của người nghệ sĩ trước cường quyền bạo lực.

Thanh Thảo đã gửi gắm khéo léo cảm xúc, suy nghĩ của mình qua chân dung, số phận bi kịch và sự bất tử của Lorca. Nghệ thuật khắc họa hình tượng nhân vật ông sử dụng trong bài thơ cũng là nét dấu ấn nhiều người đọc chú ý. Nhà thơ đã tinh tế sử dụng chính những chất liệu nghệ thuật trong thơ ca Lorca, những hình ảnh, chi tiết đậm dấu ấn Tây Ban Nha để khắc tạo chân dung nhân vật của mình. Song song với đó, hình tượng Lorca còn được phác họa bằng bút pháp tượng trưng siêu thực với hình ảnh và ngôn ngữ được tạo dựng bằng phép tương giao; với cấu tứ và nhạc điệu được tạo dựng bằng lối viết tự động tâm linh, đi sâu vào tiềm thức con người.

Người ta nói “hình tượng nghệ thuật là khách thể đời sống được nghệ sĩ tái hiện bằng tưởng tượng sáng tạo trong những tác phẩm nghệ thuật”. Thanh Thảo đã tạo dựng thành công hình tượng Lorca như một sự tri âm dành cho người nghệ sĩ lớn người Tây Ban Nha này, nhưng qua đó, người đọc cũng chia sẻ và trân trọng hơn vẻ đẹp tâm hồn, tài năng của cả hai người nghệ sĩ, Lorca và Thanh Thảo.

-Nem-vfo.vn

lorca-guitar-hinh-tuong.jpg

Đề bài: Cảm nhận của về hình tượng Lorca trong "Đàn ghi ta của Lorca" (Thanh Thảo)

BÀI VĂN MẪU SỐ 2 CẢM NHẬN VỀ HÌNH TƯỢNG LORCA TRONG “ĐÀN GHI – TA CỦA LORCA” – THANH THẢO
Thời đại nào rồi cũng phải thay đổi, văn học nào cũng cần những nhà cách tân. Văn học Việt Nam cũng trải qua những bước chuyển mình mà Thanh Thảo là cây bút đóng góp tích cực với công cuộc cách tân và hiện đại hóa thơ ca Việt Nam. Thơ Thanh Thảo đậm chất tượng trưng siêu thực-một trường phái thơ khởi điểm ở phương Tây mà trong đó, Lorca là một trong người tiên phong mở đầu. Có lẽ vì thế mà Lorca đã truyền cho Thanh Thảo nhiều cảm xúc để ông viết nên bài thơ “Đàn ghita của Lorca”. Hình tượng nhân vật Lorca là hình tượng trung tâm được nhà thơ tập trung bút lực thể hiện trên trang giấy.

Thanh Thảo là cây bút thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Là một người mang nhiều trăn trở với thời đại nên các tác phẩm của ông chứa chất nhiều suy tư. Điều đặc sắc nhất của thơ Thanh Thảo là bút pháp tượng trưng siêu thực được thấm nhuần, ông đã đưa một trường phái thơ hiện đại để làm mới dòng văn học Việt Nam. Tác phẩm “Đàn ghita của Lorca” được trích từ tập “Khối vuông rubik” là một trong những sáng tác ghi dấu đậm nét tư duy thơ của người nghệ sĩ. Lorca là nguồn cảm hứng và cũng là hình tượng chính của tác phẩm.

Garxia Lorca vừa là người nghệ sĩ vừa là người chiến sĩ. Được tiếp nhận những tư tưởng mới mẻ của thời đại nên Lorca trở thành cánh chim đầu đàn cho công cuộc cách tân thơ ca và được tôn vình là “con họa mi” của thơ ca Tây Ban Nha. Ông còn tham gia vào liên đoàn trí thức chống phát xít và chế độ độc tài ở Tây Ban Nha lấy bấy giờ. Vì thế, Lorca là biểu tượng cho khát vọng tự do và đổi mới của nhân dân Tây Ban Nha. Bài thơ “Đàn ghita của Lorca” là một ca khúc viết về người “anh hùng” phương Tây xa xôi ấy.

Lorca hiện lên trong bài thơ thông qua những nét vẽ chân dung:

  • “những tiếng đàn bọt nước
  • Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt
  • li-la li-la li-la”
Đoạn thơ dẫn người đọc vào không gian đậm chất Tây Ban Nha. Những tiếng đàn thông qua phép ẩn dụ chuyển đổi cảm giác được thị giác hóa thành “bọt nước”, tựa như một dòng suối tuôn chảy hiện rồi tan, tan rồi hiện trong một hành trình tái sinh không ngừng. Những âm thanh được hình ảnh hóa, rồi những hình ảnh lại được chuyển hóa thành thanh âm trong câu thơ: “li-la li-la li-la”. Chữ “li-la” lặp lại ba lần tựa như âm thanh, nhưng li-la là tên một loài hoa: hoa tử đinh hương. Câu thơ gợi về những bông hoa ấy, gợi về một nét đặc trưng của xứ sở Tây Ban Nha. Trên nền không gian ấy, hình ảnh Lorca thấp thoáng hiện diện với tư cách là người nghệ sĩ trên hành trình cách tân nghệ thuật. Người nghệ sĩ đang tái sinh những giai điệu cho cây đàn của xứ sở, đang lưu giữ hương thơm và sắc đẹp cho bông hoa nghệ thuật của quê hương. Chất Tây Ban Nha một lần nữa in dấu trong câu thơ: “Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt”, dẫn người đọc đến với những đấu trường bò tót của đời sống văn hóa Tây Ban Nha. Nơi đó có những người dũng sĩ mang trên mình sắc áo choàng đỏ để cảm xúc thăng hoa trong sự hòa quyện của sức mạnh và cái đẹp. Lorca hiện lên với tư cách là một dũng sĩ trên “đấu trường” Tây Ban Nha, chiến đấu với chế độ độc tài để thực hiện khát vọng dân chủ. Cái đẹp đang chiến đấu với cái bạo tàn, mù quáng. Lorca hiện diện với tư cách là người chiến sĩ trên hành trình đấu tranh đòi tự do dân chủ cho dân tộc và cũng là tư thế của một người nghệ sĩ kiếm tìm, mở đường cho cái đẹp:

  • “đi lang thang về miền đơn độc
  • với vầng trăng chếnh choáng
  • trên yên ngựa mỏi mòn”
Các từ láy “lang thang”, “chếnh choáng” làm hiện lên nét phiêu lãng, sự đắm say cảu người nghệ sĩ trên hành trình đi tìm và lưu giữ cái đẹp. Từ “mỏi mòn” khắc họa dự bền bỉ, mải miết trên chặng đường đòi lại công lý. Hiện lên trên cái nền của nền văn hóa Tây Ban Nha, chân dung Lorca cũng mang đậm chất dân tộc ấy. Hình ảnh người kị sĩ trên yên ngựa, lang thang trên những miền sa mạc ngập ánh trăng kiểm tìm lí tưởng là hình ảnh quen thuộc trong các tác phẩm văn học Tây Ban Nha nói chung và chính trong các sáng tác của Lorca nói riêng. Chân dung của người anh hùng ấy không được miêu tả chi tiết mà được hiện lên theo lối kí họa bằng ngôn ngữ thơ hàm súc, giàu sức gợi.

Tựa như những dòng khắc họa ngắn ngủi, cuộc đời của Lorca cũng rất nhanh mà đến điểm kết. Hình tượng Lorca hiện lên trong cái chết đầy xót xa:

  • “Tây Ban Nha
  • hát nghêu ngao
  • bỗng kinh hoàng
  • áo choàng bê bết đỏ
  • Lorca bị điệu về bãi bắn
  • chàng đi như người mộng du”
Cái chết đến đầy bất ngờ. Cụm từ “bỗng kinh hoàng” đã diễn tả nỗi bàng hoàng, sửng sốt trước cái chết của Lorca. Phía sau nỗi kinh hoàng ấy là nỗi xót xa bơi người nghệ sĩ, cái đẹp và chân lý sống cao đẹp không thể tự bảo vệ trước cường quyền bạo lực. Đau xót hơn, cái chết của Lorca thật bi thảm: ‘áo choàng bê bết đỏ”. Một cái chết đẫm máu dưới họng súng của sự tàn bạo, dã man. Màu “đỏ gắt” của tinh thần chiến đấu đã trở thành màu đỏ máu của hi sinh. Theo đuổi những giá trị nghệ thuật và giá trị sống đích thực nhưng lại phải hi sinh, cái chết của Lorca rõ ràng là một điều phi lý. Sự tương phản của tiếng hát “nghêu ngao” với tiếng súng, của bước chân phiêu lãng với bước chân tàn bạo của chế độ độc tài là những minh chứng cho sự phi lí của cái chết.

Lorca đã chết nhưng những tiếng vọng tâm hồn của ông vẫn vang mãi trong âm thanh tiếng đàn:

  • “tiếng ghi-ta nâu
  • bầu trời cô gái ấy
  • tiếng ghi-ta lá xanh biết mấy
  • tiếng ghi-ta tròn bọt nước vỡ tan
  • tiếng ghi-ta ròng ròng
  • máu chảy”
Sắc nâu gợi về sắc của đất, sắc màu trầm ấm tựa như những nốt trầm dịu dàng của tiếng đàn, biểu tượng cho tình yêu thắm thiết của Lorca dành cho nghệ thuật của xứ sở. Sắc xanh gợi về những tươi vui của hi vọng. Đó là sắc của những giai điệu trong sáng, say thắm của một người nghệ sĩ thiết tha với sự sống. Ở đoạn thơ, hình ảnh bọt nước gắn với tiếng đàn một lần nữa được mở ra như láy lại ý của đoạn thơ trên: “tiếng ghi-ta tròn bọt nước vỡ tan”. Những tiếng đàn được hình ảnh hóa, màu sắc hóa đã trở thành tiếng nói của thân phận và tâm hồn, thể hiện sự mong manh tựa như đám bọt nước tan rồi hiện của nghệ thuật và cái đẹp trong cuộc đời. Nhưng, nhà thơ không chỉ nói cái bi thương mà còn nói nhiều hơn về niềm tin tưởng. Tan rồi hiện không chỉ ám chỉ sự mong manh mà còn là sự hiện diện của sự tái sinh mãi mãi. Tiếng đàn sẽ mãi ngân vang dù Lorca có ngã xuống, cái đẹp và nghệ thuật chân chính sẽ mãi trường tồn dù bị chà đạp dưới cái tàn bạo. Âm thanh tiếng đàn trong đoạn thơ còn được sức mạnh hóa:

  • “tiếng ghi-ta ròng ròng
  • máu chảy”
Giọt âm thanh thành giọt máu. Một bản đàn thành dòng máu chảy của nuối tiếc, nức nở, nghẹn ngào của cây đàn ghita trước sự bạo tàn. Hình ảnh “ròng ròng máu chảy” gợi cho ta một chùm phức các lớp liên tưởng. Đó là dòng máu của Lorca trước họng súng kẻ thù. Đó là dòng máu của trái tim Tây Ban Nha trước sự ra đi của Lorca. Đó cũng có thể là đau thương đến kiệt cùng của trái tim Thanh Thảo, một trái tim của nghệ thuật và cái đẹp khi phải chứng kiến sự ra đi của một lý tưởng, một tín ngưỡng của bản thân. Số phận của Lorca không chỉ là số phận của một cá nhân mà còn là số phận của bao người nghệ sĩ khác, của cái đẹp và nghệ thuật chân chính khi đối diện với sự truy quét của các thế lực bạo tàn.

Lorca đã ra đi, nhưng tiếng đàn vẫn còn ngân vang đồng nghĩa với sự bất tử của con người ấy:

  • “không ai chôn cất tiếng đàn
  • tiếng đàn như cỏ mọc hoang
  • giọt nước mắt vầng trăng
  • long lanh trong đáy giếng”
Không ai có thể chôn cất tiếng đàn, tiếng đàn “như cỏ mọc hoang”. Hai câu thơ đã khẳng đinh sự thiêng liêng của tiếng đàn, biến tiếng đàn thành một sinh thể trường tồn, bền bỉ với thời gian. Đó là sự bất diệt của Lorca và cùng là cái bất tử của người nghệ sĩ, cái đẹp và nghệ thuật. câu thơ “tiếng đàn như cỏ mọc hoang” còn ẩn giấu một nỗi niềm xót xa của nhà thơ với hành trình vĩ đại còn đang dang dở. Thiếu vắng Lorca, nghệ thuật Tây Ban Nha đang thiếu vắng người dẫn đường. Hình ảnh thơ mang chất siêu thực, gợi cho người đọc những liên tưởng đa chiều. “Nước mắt” gắn liền với nỗi đau và niềm xúc động. “Vầng trăng” là hiện thân của cái đẹp. Chúng cùng tồn tại, tan vào nhau trong đáy giếng sâu. Phải chăng cả nỗi đau và nghệ thuật của Lorca đã lắng sâu vào trong lòng đất mẹ như một vết thương không bao giờ lành, như một vầng sáng không bao giờ tắt. Chính nghệ thuật-“chiếc ghita màu bạc” đã đưa Lorca vượt qua cái hữu hạn của đời sống con người, vượt qua cái chết để sang thế giới của cõi vô cùng. “Lá bùa”, “trái tim”-sự tha thiết với sự sống và nghệ thuật cũng không cứu nổi Lorca khỏi cái chết. Tất cả đã rơi vào “lặng yên”, chỉ có tiếng đàn ghita là ngân vang mãi. Điều đó có nghĩa là chỉ có nghệ thuật mới có thể nối dài sự sống, sự tồn tại của người nghệ sĩ, chỉ nghệ thuật mới có sức mạnh giúp con người vượt qua cái hữu hạn để đến với cõi bất tử vô cùng. Chuỗi âm thanh “li-la li-la li-la...” là khúc vĩ thanh bất tận của cái đẹp, là tiếng đàn nghệ thuật mãi ngân vang như dư ảnh không tan của Lorca, của cái đẹp và nghệ thuật.

Với lối viết, sử dụng hình ảnh và ngôn từ theo hướng tượng trưng iêu thực, Thanh Thảo đã xây dựng thành công hình tượng Lorca cũng là bày tỏ tấm lòng của mình với tấm lòng, tài năng của Lorca. Những nét gợi rất nhẹ nhưng bằng nét bút đậm sắc đã để lại ấn tượng sâu sắc cho người đọc, gợi cho ta những liên tưởng phong phú. Bài thơ cùng với hình tượng Lorca tựa như một khối vuông rubik mà sau mỗi lần xoay, ta lại thấy nó tỏa ra thứ ánh sáng diệu kì và phong phú.

-QP-vfo.vn
 
  • Chủ đề
    hình tượng lorca lorca thanh thao đàn ghi ta của lorca
  • Top