Cảm.
Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng
Hỏi:
Mấy hôm nay cả nhà tôi lây bệnh cho nhau, ai cũng bị đau họng, sổ mũi, nghẹt mũi đến nỗi tối ngủ không được vì không thở được. Người nhà và bạn bè, có người nói là bị cúm, có người nói là bị cảm, có người nói là bị dị ứng, có người nói là bị nhiễm trùng phải uống trụ sinh.
Xin cho biết gia đình tôi đang bị bệnh gì? Các bệnh này khác nhau ra sao? Và cách trị ra sao? Có cần đi khám bác sĩ hay không? Có cần uống trụ sinh hay không? Có sợ bị biến chứng gì không? Làm sao để phòng bệnh trong mùa cảm cúm này?
Ðáp:
Một số người chúng ta thường gộp chung cảm cúm với nhau. Tuy nhiên, dù có một số triệu chứng giống nhau, thật ra cảm và cúm là hai bệnh khác nhau.
Nói chung, cảm thường nhẹ hơn cúm, và thường gặp hơn cúm rất nhiều.
Cảm (tiếng Mỹ gọi là “cold” hay “common cold”), là tình trạng viêm mũi do siêu vi trùng gây ra. Có rất nhiều siêu vi trùng (còn gọi là vi rút) khác nhau gây ra tình trạng này. Ðây là một trong số các bệnh nhiễm trùng thường gặp nhất ở loài người.
Ở Hoa Kỳ, trung bình mỗi người lớn bị cảm từ một tới ba lần mỗi năm, và mỗi trẻ em tuổi nhà trẻ bị cảm từ năm đến bảy lần mỗi năm; nó là nguyên nhân của 40 phần trăm các trường hợp phải nghỉ làm vì bệnh. Cảm xảy ra quanh năm, tuy nhiên, bệnh thường nhẹ, và tự khỏi dù không điều trị.
Cảm gây ra các triệu chứng mà không cần phải là bác sĩ, hầu như ai cũng có thể nhận ra. Triệu chứng đầu tiên thường là đau họng, các triệu chứng thường đi kèm sau đó là nghẹt mũi, chảy mũi, ách xì. Khàn giọng và ho thường ít gặp hơn, nhưng nếu có, chúng lại thường kéo dài hơn, có khi kéo dài vài tuần. Tuy nhiên, cảm thường ít gây ra sốt cao và ớn lạnh. Ðôi khi, bệnh nhân có thể bị đỏ mắt do viêm kết mạc. Vì có nhiều vi rút có thể gây ra cảm, tùy theo loại vi rút gây ra bệnh mà triệu chứng có thể khác nhau.
Ở một số trường hợp, ở các bệnh nhân mà sức đề kháng của cơ thể thấp, bệnh có thể nặng hơn. Các trường hợp này có thể là do tuổi còn nhỏ, sinh non, sinh nhẹ cân, bị các bệnh mạn tính, bị suy giảm miễn dịch, suy dinh dưỡng, vân vân.
Một số bệnh cũng có một số triệu chứng gần giống cảm là viêm mũi dị ứng, viêm mũi do co giãn mạch máu ở mũi, các hội chứng do nhiễm các loại vi rút khác.
Làm sao biết mình bị cảm?
Cảm thường được chẩn đoán bằng các triệu chứng đặc hiệu như sổ mũi, nghẹt mũi, đau họng... như đã kể trên. Các bác sĩ thường chẩn đoán cảm qua các lời kể bệnh của bệnh nhân, cùng với thăm khám. Ðiều họ thường quan tâm hơn, là xem coi bệnh nhân có bị các biến chứng như viêm xoang, viêm phổi hay không. Các xét nghiệm máu và quang tuyến, ít khi cần thiết và chỉ được làm khi cần phải khám phá hoặc loại trừ các biến chứng của cảm như viêm phổi, viêm xoang như đã kể trên.
Nguyên nhân của cảm
Có tới hơn hai trăm loại vi rút khác nhau gây ra cảm. Nhóm thường gặp nhất có tên là rhinovirus (siêu vi trùng ở mũi), gây ra khoảng 40 phần trăm các trường hợp cảm, chỉ nhóm này không cũng đã có hơn một trăm chủng khác nhau.
Cảm thường kéo dài bao lâu? Có biến chứng gì không?
Các triệu chứng của cảm thường lên đến cao điểm vào ngày thứ hai đến thứ tư sau khi nhiễm bệnh, thời gian trung bình là khoảng một tuần. Có khoảng 25 phần trăm bệnh nhân có thể bị các triệu chứng kéo dài như ho đến vài tuần.
Cảm thường dễ lây nhất trong vòng 24 tiếng đầu tiên, tuy nhiên, khi nào còn triệu chứng thì khi đó bệnh nhân còn có thể lây bệnh sang người khác.
Một tỉ lệ nhỏ các bệnh nhân cảm có thể bị các biến chứng, các biến chứng thường là viêm xoang, viêm phổi, viêm tai giữa ở trẻ em.
Cách điều trị cảm
Trong việc điều trị cảm, nâng đỡ sức đề kháng của cơ thể và trị triệu chứng đều là điều rất quan trọng.
Chính sức đề kháng của cơ thể là thành phần chính chống chọi với vi rút cảm. Do đó, ta cần chú ý nâng đỡ sức đề kháng của mình bằng cách:
Uống đủ nước.
Nghỉ ngơi đầy đủ.
Ăn uống dễ tiêu và cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể bằng cách nấu thức ăn dễ tiêu hóa, bổ dưỡng, ăn mỗi lần một ít nhưng ăn nhiều lần hơn.
Ngoài ra, ta có thể trị triệu chứng bằng cách:
Súc miệng và họng bằng nước muối ấm và loãng. Cần chú ý là nên pha nước muối chỉ lạt như nước mắt của ta, nếu mặn quá sẽ làm khó chịu, kích thích niêm mạc cổ họng, có thể làm ho nhiều hơn.
Uống thuốc giảm đau, giảm sốt (nhớ tránh aspirin ở trẻ em).
Thuốc uống khô mũi, thuốc ho.
Gần đây, một nghiên cứu trên trẻ em cho thấy là mật ong, dùng ở trẻ trên một tuổi, có thể giúp giảm ho như là hoặc hơn cả thuốc ho (hiện nay đã được khuyến cáo không nên, không được dùng cho trẻ em nhỏ vì không có tác dụng rõ ràng mà lại có thể gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm). Người ta nghĩ rằng mật ong cũng có thể giúp giảm ho ở người lớn.
Xông mũi bằng nước ấm.
Cần chú ý là trái với nhiều người tin tưởng, rất nhiều nghiên cứu cho thấy thuốc trụ sinh và vitamin C không giúp làm cho cảm mau hết hơn. Ngay cả, nếu nước mũi đổi màu, đó cũng không phải là dấu hiệu cho thấy ta cần trụ sinh. Và thuốc trụ sinh là một thuốc cần được bác sĩ kê toa, sau khi thăm khám, nếu thấy cần thiết, bác sĩ sẽ kê toa trụ sinh cho bệnh nhân. Không nên để dành trụ sinh và tự uống mà không có ý kiến bác sĩ.
Ta nên đi thăm bác sĩ nếu có sốt cao, đau vùng xoang, khó thở, đau nhức mình mẩy quá nhiều để có thể được bác sĩ chẩn đoán và điều trị chính xác và đúng lúc.
Cách phòng ngừa cảm cũng gần giống như phòng ngừa cúm, sẽ được trình bày trong một kỳ tới.
(Nguồn : Báo Người Việt)