Cần đưa thêm 4 mẫu tự F, J, W, Z vào bảng chữ cái tiếng Việt ?

Vietnam_Alphabet.jpg

Bảng chữ cái trong một lớp mẫu giáo ở Sapa NeilHinchley/flickr.com

Vào thượng tuần tháng 8/2011, một quan chức Bộ Giáo dục - Đào tạo Việt Nam đã tiết lộ đề nghị đưa thêm 4 mẫu tự F, J, W, Z vào bảng chữ cái tiếng Việt. Đề xuất này đã lập tức làm dấy lên một làn sóng phản ứng, người bênh vực thì ít, nhưng ý kiến phản đối thì nhiều, buộc Bộ Giáo dục - Đào tạo Việt Nam phải chùng bước.

Theo các thông tin được báo chí trong nước loan tải, thoạt đầu, đề nghị có thể gọi là cải tiến hệ thống chữ cái của tiếng Việt đã được trình bày như một phần trong bản dự thảo thông tư hướng dẫn về tiếng Việt trong môi trường sách giáo khoa và máy tính của Bộ Giáo dục - Đào tạo.

Báo Tuổi Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết là chính ông Quách Tuấn Ngọc - Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin của Bộ Giáo dục - Đào tạo, đã tiết lộ kế hoạch này hôm 08/08, đồng thời cho biết là bản dự thảo sẽ được công bố trong tháng 8 để xin ý kiến giới ngôn ngữ học, tiếp tục hoàn chỉnh để có thể chính thức ban hành ngay trong tháng 10. Ông Ngọc là người trực tiếp soạn thảo thông tư trên.

Lập luận của quan chức cao cấp này của Bộ Giáo dục Việt Nam, được tờ Tuổi Trẻ ngày 09/08 trích dẫn gồm một số điểm chính sau đây :
« Chữ viết của Việt Nam hiện nay được sáng tạo trên việc sử dụng mẫu tự La Tinh để ghi âm tiếng Việt nhưng đã phức tạp hóa bằng các chữ kép thay thế cho nhóm mẫu tự F, J, W, Z, khiến cho tiếng Việt khó hòa nhập quốc tế.
Trong cộng đồng người sử dụng máy tính thì các ký tự trên đã trở nên quen thuộc, chủ yếu phục vụ việc gõ các mẫu tự riêng của tiếng Việt là ă, â, ê, ơ, ư. Vì vậy, việc thừa nhận nhóm mẫu tự trên trong bảng chữ cái tiếng Việt là điều cần thiết để thống nhất sử dụng về chuẩn chính tả tiếng Việt trên môi trường máy tính và sách giáo khoa ».


Cũng theo ông Ngọc, nếu thông tư của Bộ Giáo dục - Đào tạo được ban hành, bảng chữ cái tiếng Việt sẽ bao gồm 33 mẫu tự - thay vì 29 chữ như hiện nay.
Đề xuất của ông Quách Tuấn Ngọc vừa xuất hiện trên mặt báo lập tức gây ra phản ứng nơi độc giả các tờ báo, với rất nhiều ý kiến đả kích, chen lẫn một số tiếng nói ủng hộ. Trên tờ Tuổi Trẻ ngày 10/08, ông Ngọc tiếp tục biện hộ cho đề nghị của mình. Theo ông, việc đưa thêm 4 mẫu tự F, J, W, Z vào bảng chữ cái tiếng Việt không phải là « để sửa cách phát âm, chữ viết tiếng Việt » mà chỉ là « sự thừa nhận những cái đã được sử dụng trên thực tế ».

Ông giải thích thêm : « Trên thực tế, ở một số môn học trong nhà trường, nhóm mẫu tự trên cũng được sử dụng, nhất là môn toán. Trong nhiều văn bản, sách báo đều có sử dụng các mẫu tự trên. Ví dụ chữ viết tắt của từ “trung ương” (TW). Như vậy, không thể để nhóm ký tự đó nằm ngoài bảng chữ cái tiếng Việt và học sinh không biết gì về chúng. Trong các nhà trường hiện nay đều dạy công nghệ thông tin, công nghệ thông tin được xem là kiến thức cần phải phổ cập trong thời đại hiện nay. Như vậy việc biết đến và chính thức công nhận nhóm mẫu tự trên trong bảng chữ cái càng cần thiết »

Tuy nhiên, có lẽ vì có quá nhiều phản ứng không thuận lợi đối với chủ trương « cải tiến chữ Quốc ngữ » kể trên, ngay trong ngày 10/08, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã chính thức ra công văn xác định rằng ý kiến gây tranh cãi chỉ là « ý kiến cá nhân một số cán bộ nghiên cứu của Cục Công nghệ Thông tin. Các ý kiến này chưa được đưa ra thảo luận trong ban soạn thảo, càng không phải là chủ trương, ý kiến của Bộ Giáo dục - Đào tạo ».

Điểm qua các ý kiến về việc thêm 4 mẫu tự F, J, W, Z vào hệ thống chữ cái tiếng Việt, nhìn chung, dư luận bênh vực đều nhấn mạnh đến tính chất thiết yếu của các tự mẫu này trong địa hạt thuật ngữ khoa học, từ các bộ môn toán, lý, hóa, cho đến sinh học, địa chất hay tin học.
Xu hướng càng lúc càng phổ cập trong ngôn ngữ bình thường của một số từ ngoại nhập sử dụng các mẫu tự kể trên cũng được nhiều người nêu bật, chẳng hạn như fax, festival dùng chữ F, jean, jazz dùng chữ J, web, watt dùng chữ W, hoặc zero, zulu dùng chữ Z…
Tuy nhiên, một số chuyên gia ngôn ngữ cảnh báo là dù nên đưa các mẫu tự kể trên vào bảng chữ cái Tiếng Việt, thế nhưng phải tránh việc ghép vần bằng các chữ cái đó. Giáo sư ngôn ngữ học Nguyễn Đức Dân tại Thành phố Hồ Chí Minh, trả lời báo Tuổi Trẻ, ông ghi nhận :

« Bảng chữ cái tiếng Việt là chữ cái Latin nên có thể thêm các chữ cái Latin F, J, W, Z vốn đã rất quen thuộc với học sinh phổ thông. Có điều, không nên coi đó là những phụ âm đầu để ghép vần, như fụ nữ, zải fóng, zân chủ... Đó chỉ là những chữ cái đặc biệt được quy ước để ghi một số chữ Latin thông dụng và cần thiết mà chữ Việt còn thiếu ».

Chính nguy cơ các mẫu tự ngoại nhập kể trên được dùng để ghép vần là một trong những lý do giải thích vì sao có nhiều dư luận phản đối việc chính thức đưa 4 mẫu tự này vào bảng chữ cái tiếng Việt. Một ý kiến ngắn của ông Trần Chút, nguyên chủ tịch Hội Ngôn ngữ Thành phố Hồ Chí Minh trên báo Tuổi Trẻ ngày 12/08/2011đã nêu lên mối quan ngại đó :

« Quan điểm của tôi là chấp nhận F, J, W, Z như một yếu tố ngoại biên của hệ thống chữ cái tiếng Việt, nhưng không thể đưa bốn chữ này vào bảng chữ cái chính thức. Vì nó sẽ làm cho việc dạy và học trong trường phổ thông khó khăn thêm, tình trạng viết và sử dụng tiếng Việt rối rắm hơn, chưa kể sẽ phá vỡ hệ thống tiếng Việt hiện nay. Tôi lấy ví dụ như giới trẻ ngày nay hay viết chữ “ph” thành “f”: “phải” thành “fải”; bây giờ đưa “f” vào bảng chữ cái coi như công nhận viết như vậy là đúng hay sao? »

Nhiều người rất lo ngại trước nguy cơ là khi các mẫu tự trên được chính thức đưa vào bảng chữ cái, rồi chính thức đưa vào bậc phổ thông, điều đó có thể làm rối loạn chính tả tiếng Việt, một hiện tượng đang xuất hiện nơi tầng lớp thanh thiếu niên ưa chuộng ngôn ngữ "chat" hay tin nhắn ngắn gởi qua điện thoại di động. Báo chí Việt Nam từng nói về các cách viết như "hôm wa" thay vì "hôm qua", "fòng học" hơn là "phòng học", cái j thế" là "cái gì thế"...

Vấn đề tốn kém của kế hoạch cải tổ, nếu được thông qua, cũng được nêu lên, vì phải điều chỉnh lại sách giáo khoa, một công việc lãng phí, khi hệ thống 29 mẫu tự vốn có đã chứng tỏ đầy đủ hiệu năng của mình.

(Nguồn RFI)
 
Top