cho tất cả các chàng từ 23 đến 29
Nếu chưa thì bạn nên đọc, để hiểu hơn về những cô nàng lỡ cỡ này. Tôi đã đọc và bị ám ảnh “gocsuyngam.com/2040/con-gai-tuoi-25/ - Con gái tuổi 25″ từ năm ngoái khi cái thảm họa 25 lơ lửng trên đầu. Sáng nay tỉnh dậy, lại thấy nó chễm trệ, dọc ngang diễn đàn, Facebook. Các cô nàng đang nháo nhác lên vì cái sự đúng, rất đúng của bài viết. Tôi cũng gật gù, sao mà hợp tình hợp lý thế, rồi giật mình “Tại sao lại chỉ có con gái được nói tới, khi ai cũng trải qua cái tuổi 25 diệu kì “. Vì con gái mới bị ám ảnh bởi tuổi tác, hay bởi con trai không muốn phát ngôn về cái tuổi ẩm ương của mình.
25 là số bình phương đẹp, 2 + 5 = 7 là số của thần thánh. Tính thế nào thì cũng là một con số tự thân hoàn hảo. Nhưng tuổi 25 là cái điểm giữa của 20 và 30 nên mang trong mình đầy cái chơi vơi mà bà tôi hay bảo “cái lũ ấy dở ông dở thằng”. Nhiều người chẳng thèm nhớ tới tuổi 25 như một cột mốc cuộc đời. Họ nói về những chàng trai 15 ngây ngô mới nhổ giò, vỡ tiếng. Họ ngưỡng mộ những chàng trai 18 với cái thân hình sức sống vừa tới. Họ đôi khi nhớ về tuổi 22 khi thoát khỏi sự bao bọc nhà trường và cha mẹ, tự tin trước ngưỡng cửa cuộc đời. Rồi họ tưởng tượng đến tuổi 30 thành đạt, tuổi 40 khôn ngoan, tuổi 60 bóng xế.
Bạn tôi đọc “Cư xử như đàn bà, suy nghĩ cho đàn ông” rồi tóm lại “Suy cho cùng đàn ông tuổi ẩm ương này họ chỉ cần giải quyết 3 điều: họ là ai? họ muốn gì? và họ làm được gì?”.Bạn bảo tôi nên đọc, nhưng tôi sợ phải hiểu đàn ông nên lại thôi. Tôi chỉ thắc mắc ” chàng trai tuổi 25, họ là ai? “
Họ muốn gì? Họ cuống cuồng muốn thể hiện mình.
Họ đạp đảo chiều cái tháp nhu cầu Maslow. Họ sẽ bắt đầu ở cấp độ 5 “cố nhận ra bản thân” để tự do theo đuổi mơ ước. Họ có thể bỏ việc đi phượt. Họ có thể nhảy cóc từ công ty này sang công ty khác để tìm cho bằng được nơi họ muốn gắn bó dài lâu. Cũng không lạ nếu họ chia tay cô bồ này tìm cô khác vì đã chán cái cảm xúc cũ kĩ. Họ leo lên cái cấp độ 4 của việc “cần xã hội nhận ra mình”. Ai chả thích được tán dương, nhưng tuổi 25 đặc biệt thèm muốn làm điều kì vĩ, làm kẻ khác phải ngước nhìn, ghen tị. Họ coi trọng công việc hơn vấn đề tình cảm bởi còn sợ bị vướng vào cái móc câu mang tên Gia đình. Rồi khi 27,28 chắc họ sẽ giật mình, tìm về cấp độ 3 của nhu cầu tình cảm, gocsuyngam.com/364/hanh-phuc/ - hạnh phúc. Họ bắt đầu mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ. Kẻ cô đơn sẽ nháo nhào đi tìm vợ thay vì gocsuyngam.com/472/tinh-yeu/ - tình yêu. Rồi họ hốt hoảng lo lắng cấp độ 2 của nền tảng tài chính. Bởi các chàng tuổi 25 còn bận phung phí tiền bạc cho những cuộc vui, những sở thích bản thân, hơn là bo bo giữ tiền để mai mốt xây nhà, tậu xe. Tuy nhiên, thực sự là họ rất muốn giàu, chỉ là không theo cách “buôn tàu bán bè, không bằng ăn dè hà tiện”
Vậy họ làm được gì?
Xưa cậu tôi ở tuổi 25 đã dõng dạc tuyên bố “30 tuổi không thành tỉ phú, tôi sẽ tự tử”. Bây giờ cậu vẫn chưa chạm mức triệu phú khi đầu đã hai thứ tóc. Ở tuổi 45, cậu biết không thể ngông nghênh như khi 25, không còn ngồi phán hươu phán vượn, chỉ cố lo chạy bữa ăn hàng ngày. Chú tôi ở cái tuổi 25 cũng hí hửng khoe mới mở công ty riêng cùng lũ bạn. 3 năm ra trường không kiếm nổi một việc làm ổn định, cha mẹ cho chút tiền dằn vốn, chỉ chăm chăm mở công ty với mộng nhà lầu xe hơi. Công ty dĩ nhiên sập tiệm, chú ngược xuôi đủ nghề chỉ mong có tiền cưới vợ.
Lũ bạn là con trai của tôi giờ đã 25, có kẻ sang 26 vẫn lông bông như lời tụi nó nói. Kẻ tu chí thì ắt hẳn đã có vợ. Còn kẻ làng nhàng thì vẫn chưa biết tương lai sẽ thế nào, vẫn hằng đêm đấu tranh giữa “ràng buộc” hay “tự do”. Kẻ còn đi học thì vẫn chỉ là đứa trẻ to đầu. Kẻ đi làm thì hàng ngày ngao ngán với công việc lặp đi lặp lại. Tan tầm tìm đến những quán bi-a hay ngồi đâu đó trong góc khuất ở quán bia Tạ Hiện. Họ chơ vơ không biết mình đang làm việc vì cái lẽ gì, vui chơi vì lẽ gì, và ngao ngán với cái sự ăn chơi không có gì đổi mới. Có kẻ còn đang nghiền trò chơi điện tử, thích poker, uống trà đá và bàn chuyện các em hot girls. Để mặc người yêu hò hét bên tai “Anh có lớn lên không hả?”. Kẻ không có người yêu thì dĩ nhiên mẹ sẽ là người làm vậy.
Cũng có kẻ lớn hơn chút, lại lo lắng nghĩ suy. Họ sợ yêu phải cưới, cưới phải có nhà, có nhà phải có xe, và cứ thế. Khi không có gì trong tay thì lấy gì để tạo dựng một tương lai. Bố tôi khi xưa cũng hai bàn tay trắng. Tuổi 26 lông bông, ông bà bắt cưới vợ, từ đó bố trở thành người đàn ông gia đình đúng mực. Ông lo làm ăn và xây dựng nên cả một cơ ngơi vật chất và tinh thần. Nếu xưa ông cứ nghĩ “mình nghèo, lấy vợ, sống kiểu gì” mà không dấn bước thì giờ này chắc gì ông có thể ngồi mãn nguyện nhìn lại thành quả cuộc đời. Nhiều người nói vui “Ngô Bảo Châu không lấy vợ năm 22, thì chắc gì sự nghiệp được đỉnh cao như thế”. Tôi không có ý kiến gì về vấn đề này, tôi chỉ biết các chàng trai 25 ạ, đừng nghĩ nhiều, hãy làm đi, hãy cứ đi, rồi sẽ đến.
Paris, 16/2/2012
Mai Thanh Nga