Chỉ 1 cái chìa tay, có thể thay đổi 1 cuộc đời

Một cái chìa tay, chỉ một lần thôi, có thể sẽ thay đổi một cuộc đời. Trước kia nó nghĩ như thế, bây giờ vẫn vậy, dù thật sự nó cũng không biết là điều đó có đúng hay không?

Nhớ thời sinh viên, tất nhiên nó là một thằng sinh viên lười học, một thằng sinh viên ngủ ngày và thức đêm, với kỷ lục ngủ 22 giờ liên tục không ăn uống, mà sau này đám em út “đầy tài năng” khó phá nổi. Lười học, tất nhiên là phải ham chơi, vì thế mức trợ cấp hàng tháng của bố mẹ nó chắc chắn không đủ, mà nó vẫn tự hỏi, nếu nó không ham chơi, mức ấy có đủ không? Bởi mức trợ cấp ấy, 2 đấng sinh thành dựa vào mức trợ cấp của gia đình hàng xóm cho con của họ, chị ấy học cùng trường, trước nó một khóa, bố mẹ đã bất công khi cào bằng giá trị mà bỏ qua vấn đề giới tính, độ tuổi.

Vâng tất cả điều trên để chứng minh một điều, nó không nghèo nhưng nó phải đi làm, để sống sót.

Công việc đầu tiên là đi phát tờ rơi ở trường học. Nó cầm 1.000 tờ rơi trên tay, mỗi ngày chỉ phát 1 tờ. Lần đầu tiên, nó chọn một vị phụ huynh, ăn mặc lịch sự, gương mặt phúc hậu, để rồi nhận ngay sự từ chối, và một cái nhìn bâng quơ về phía khác, nó chẳng đáng cho người ta ngoái nhìn. Cảm giác hụt hẫng ấy, rất lạ so với người nhà quê vốn thân thiện, rất hụt hẫng, pha chút tuyệt vọng, chỉ cần một cái đưa tay thôi, nó nghĩ thế.


images2019309_chiatay.jpg
Ảnh minh họa: vi.sualize​
Đến bây giờ, 6 năm trôi qua, nó chưa bỏ qua một tờ rơi nào, có tờ đọc, có tờ nhét túi rồi quăng vào sọt rác. Ở cái thành phố dễ kiếm tiền này, phát tờ rơi đa số là sinh viên và những người khởi nghiệp, muốn tiết kiệm chi phí. Hai loại người ấy, đều đáng trân trọng cả, thế mà, bao nhiêu lần tại các ngã tư đèn xanh đèn đỏ, bao nhiêu chủ nhân sang trọng, lịch thiệp trên những chiếc tay ga láng cóng, học thức từ chối nhận tờ rơi, với một thái độ khinh thường, để những con người đáng tôn trọng ấy đưa tay ra, rồi lại rụt tay vào. Trong suy nghĩ của tầng lớp tự cho là trí thức, thượng lưu ấy, sao có thể tiếp tay cho một kiểu quảng cáo tầm thường, rẻ tiền, hoặc rác rưởi ấy. Ánh mắt nhìn khinh khỉnh thật là “sang trọng”. Họ không hiểu rằng đó là công việc, công việc chân chính bằng mồ hôi, để kiếm sống, để làm những việc cao cả khác. Không ai suốt đời phát tờ rơi, ai cũng có công việc, và không ai được khinh thường người khác.

Chỉ một cái ngó lơ, nhưng phản ánh một thực trạng của xã hội. Rồi thế giới sẽ thật nguy hiểm, không phải vì những kẻ gây ra tội ác, mà là vì những người vô cảm, chỉ nhìn mà không làm gì cả. Thời nào chả có nữ sinh đánh nhau, cướp giật, nhưng xã hội đã nhầm khi lên án những cá nhân ấy, chính cái sự vô cảm của những người đứng xem, mới đáng lên án.

Xã hội đang ngày càng ích kỷ. Chúng ta thử suy nghĩ về một mô hình hạnh phúc thời nay, một em nhỏ học tiểu học, học môn vẽ, đến kỳ thi, cô giáo ra đề về nhà vẽ một chủ đề nào đó, em ấy vẽ hoài không được, bố mẹ thấy tội nghiệp mới thuê một anh sinh viên kiến trúc ở trọ bên cạnh vẽ giúp, tất nhiên là vẽ vừa thôi, đừng đẹp quá, thế là em ấy được 10 điểm, em ấy rất hạnh phúc, bố mẹ thấy con có điểm tổng kết môn cao, rất hạnh phúc và hãnh diện, cô giáo có học sinh vẽ rất đẹp, rất tự hào và hạnh phúc, hiệu trưởng trưng bày bức tranh trong phòng họp, khách nào đến cũng khoe, rất hạnh phúc, anh sinh viên có thêm thu nhập, rất sướng, lúc nhận tiền còn dặn dò, lần khác cần nhớ gọi cháu. Thế là chúng ta có mô hình mọi người cùng hạnh phúc, mô hình của xã hội hiện đại nhưng khi đó tâm hồn, đạo đức của một đứa trẻ bị vẫn đục bởi bệnh thành tích, thế đấy.

Hãy sống thật ích kỷ, nhưng là sư ích kỷ khôn ngoan, ích kỷ để đat được những giá trị lớn lao, đó là sức khỏe, gia đình, sự nghiệp và bạn bè. Một sự ích kỷ mà làm mất 1 trong 4 thứ ấy, là sư ích kỷ rẻ tiền.

Nó viết những dòng này, để chia sẽ những điều bình thường trong cuộc sống, và chia sẻ quan điểm, rằng chìa tay ra nhận tờ rơi không làm mình hèn hạ đi, nếu mọi người cũng nghĩ như nó, thế là bài viết đã thành công lắm rồi!

Lương Khiêm
 

Thống kê

Chủ đề
102,162
Bài viết
469,752
Thành viên
340,381
Thành viên mới nhất
chanhbonguyen
Top