Chìa khóa mở cửa hạnh phúc gia đình
Chồng giận thì vợ làm lành
Cơm sôi lửa nhỏ, chẳng đời nào khê!
HÃY DÀN XẾP ÔN HÒA ĐỪNG NÓNG NẢY LÌA BỎ NHAU!
Bất đồng ý kiến với người đối ngẫu không có nghĩa là đưa đến ly dị. Dàn xếp những xung đột hôm nay sẽ tránh được những chướng ngại lớn lao hơn ngày mai. Sau đây là các sự phân tích rút ra từ cuốn sách bán rất chạy năm 1989 của bà Melody Beattie, xuất bản bởi nhà Hazelden, “Beyond Codependency and Getting Better All The Time” (Hãy nán lại với nhau, rồi mọi việc sẽ tốt đẹp hơn”, bàn về việc dàn xếp êm thấm các gay cấn sóng gió trong gia đình.
“Mẹ ơi, đừng cãi vả với bố nữa, Hồng Anh bạn con bảo rằng khi ba má gây nhau thì họ sẽ ly dị nhau”. Lời nói ngây thơ của con gái tôi khiến lòng tôi đau thắt lại. Thật là tội cho con tôi và bạn nó, cứ tin rằng khi có gây gổ giữa cha mẹ thì sẽ có một người ra đi. Tuy nhiên, chúng nó cũng đúng khi suy luận như vậy. Bố mẹ của Hồng Anh cãi nhau, rồi xa nhau.
Chồng trước của tôi và tôi gây nhau xong, đưa đến ly dị. Má tôi và ba tôi xô xát, rốt cuộc cũng “đường ai nấy đi”. Ngay chính bản thân tôi, cũng có lúc nghĩ rằng sự xung đột luôn luôn đưa đến việc chấm dứt tình nghĩa phu thê.
Rất nhiều người trong chúng ta gặp khó khăn trong việc dàn xếp những xích mích hàng ngày, đặc biệt là trong cuộc sống chung đôi. Căn nguyên của sự cản trở này có thể khởi đầu từ thuở thơ ấu, khi chúng ta nhìn cha mẹ hoặc các người lớn sử xự lúc họ cãi vã với nhau. Đôi khi chúng ta lớn lên trong một gia đình mà những bất đồng ý kiến không được giải tỏa, hay được bàn luận với nhau. Điều này đưa đến hậu quả là chúng ta nghĩ đến việc xích mích không thể chấp nhận trong gia đình, và đừng nên bàn về điều đó. Chúng ta cảm thấy xấu hổ, bối rối, và không sẵn sàng để đương đầu với các trận bất hòa, gây gỗ. Nhìn từ một khía cạnh khác, nếu chúng ta trưởng thành trong một hoàn cảnh mà không khí tẻ lạnh, buồn chán, hậu quả của những cơn giận hờn, xung đột, thì sự gây gỗ sẽ đe dọa chúng ta và khiến chúng ta có thái độ tiêu cực đầu hàng, lo lắng, phủ nhận, tự trấn áp mình, không dám nói lên khi chúng ta có dị biệt về quan điểm.
Dù ở môi trường nào đi nữa, có lẽ chúng ta đã quyết định rằng đường lối duy nhất để giải quyết những bất hòa là cứ làm lơ, tránh né, phủ nhận, buông thả, hoặc đàn áp dùng bạo lực, mệnh lệnh hay bỏ chạy xa.
Tuy nhiên, rủi ro thay, tất cả các biện pháp này thường không loại trừ được sự xung đột, mà lại sinh ra những hiềm khích khác và tạo nên một nền tảng dễ đổ vỡ cho các mối liên lạc trong tương lai.
Chính bản thân tôi phải trải qua nhiều năm để nhận thức rằng phản ứng tự nhiên của tôi có sự xích mích như là: hoảng hốt, cự tuyệt, hoặc là tự trách mình, chỉ khiến tình trạng thêm tệ hại hơn. Từ đó, tôi hiểu rằng Murphy’s Laws là đúng: việc gì đang chạy song suốt thì lại đình trệ, điều gì xảy ra sai lầm thì lại xảy ra nữa, và thường thường mọi việc trên đời đều khó khăn hơn khi ta bắt tay vào việc, khôn dễ dàng như ta tưởng. Bác sĩ M.Scott, tác giả cuốn Con Đường Ít Người Đi(The Road Less Traveled), đã tóm tắt trong ba chữ: Life is difficult. Cuộc đời là gian nan. Một khi chúng ta đã biết sự thực này thì chúng ta có thể vượt qua mọi trở ngại. Lúc chúng ta chấp nhận càng sớm rằng đời là khó khăn, thì mọi sự lại trở nên dễ dàng hơn. Tôi cũng công nhận là hữu lý quan niệm của một văn sĩ Anh A.P Herbert: “Nếu có hai người sống chung với nhau 25 năm mà không cãi cọ gây gỗ trầm trọng, thì thật ra sự chung đụng ấy thiếu linh hồn, chỉ có loài cừu mới sống như vậy thôi”.
NHỮNG BIỆN PHÁP ĐỂ GIẢI QUYẾT MỐI BẤT HÒA
Trong lúc những xích mích mới với người bạn đời hình như càng ngày càng trầm trọng hơn, khó tìm cách hàn gắn so với các liên hệ tình cảm khác: cha mẹ, bạn bè, đồng nghiệp, thì thật sự các sự bất đồng ấy vẫn có thể dùng cùng một phương thuốc để chữa các mối bất hòa trong mọi địa hạt tình cảm của đời sống bạn. Tôi liệt kê sau đây những “chiến lược” bạn nên dùng, để giải hòa êm đẹp các sự sung đột.
1. Hãy nhận và tìm hiểu rõ vấn đề:
Nếu chúng ta không biết điều gì khiến hai người xích mích, điều gì sai lầm xảy ra giữa hai người, chúng ta không thể hàn gắn được mối bất bình. Nếu bạn không hiểu tại sao bạn giận lẫy người yêu, bạn sẽ không thể nào xóa đi nỗi oán hờn.
2. Hãy tạo thông cảm:
Nói ra và lắng nghe. Đó là cách tốt nhất để định rõ sự bất đồng ý kiến ấy là gì và chúng ta làm sao để giải tỏa nó. Bạn cũng có thể tìm hiểu rằng cảm nghĩ của người đối thoại khác hẳn với những điều gì bạn tưởng là họ đang có trong trí họ.
3. Nên cởi mở với những giải pháp để giảng hòa:
Sự thương lượng tốt đẹp giữa hai bên là “tẩy não” và loại bỏ những ý nghĩ đen tối đã có sẵn. Đôi khi các biện pháp giải hòa được đưa ra bàn giải.
4. Hãy tìm cách phối hợp tình cảm và lý trí:
Nếu bạn bất cần tình cảm, chỉ thuần dựa và lý trí, trong lúc người kia đang tức giận, tổn thương và bất bình hay sợ hãi, thì cả cố gắng của bạn cũng trở nên vô ích. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ dựa vào cảm xúc thôi, bạn sẽ trở nên vô hiệu lực nữa. Dù sao, bạn phải chú trọng đến cảm xúc của chính mình, không thể để nó kiểm soát hoặc sai khiến những ý nghĩ của bạn được.
5. Hãy thấu hiểu những ước muốn, nhu cầu, và mục tiêu của người trong cuộc.
Thường thường nguyên nhân chính của mối hiềm khích là sự đối chọi về ý muốn, nhu cầu hoặc mục đích. Có đôi khi chúng ta không cãi nhau về thực trạng. Vì nhiều lý do, hậu quả thực tại có thể bị hóa trang, đổi dạng, hoặc lạc lối vì sự xấu hổ, nỗi sợ hãi, thiếu tin tưởng lẫn nhau, hay không ý thức rõ ràng. Tuy nhiên, cho đến lúc chúng ta hiểu rõ mục đích của nhau, chúng ta không sẵn sàng để thương lượng. Sự giải tỏa mối bất hòa thành công, sẽ đưa cả đôi bên đến một miền trung lập, nơi ấy hai người có thể đồng ý với nhau trên vài quan điểm. Nói rõ hơn, bạn có thể đạt được những điều bạn mong muốn, nhờ sự thương lượng giữa đôi bên. Để chỉ định rõ ràng mục tiêu của mình, bạn sẽ tự hỏi:
_Tại sao người kia hành động như vậy. Họ cần gì? Mục đích của họ?
_Vì đâu tôi phản ứng như vậy? Tôi muốn gì? Ý nguyện của tôi thế nào?
_Có cách nào để cả hai cùng giải tỏa mối bất đồng và đạt được điều mình mong muốn không?
_Có thể tạo nên một “miền trung hòa” mà cả hai người đến đó được không?
6. Hãy tôn trọng chính bản thân mình, người đối thoại, và mối liên lạc giữa hai người:
Chúng ta không nên cắt đứt mối liên hệ một khi đã xảy ra sự xung đột, bạn cũng đừng coi nhẹ cảm xúc của chính bạn hay của người kia chỉ vì việc hai người xích mích.
7. Hãy tạo ra một giới hạn hợp lý
Bạn phải hiểu rõ điều gì bạn mong ước và những nhu cầu của mình. Bạn cũng cần biết đâu là ranh giới cuối cùng của mình. Điều đó có thể bàn cãi được? Điều gì không? Bạn cũng nên hiểu khi nào bạn có thể xuống nước hòa hoãn, còn lúc nào thì không.
8. Hãy nhớ rằng chịu thua không phải đã giải quyết được vấn đề:
Thường thường khi chối từ những mong ước và các nhu cầu của ta, không giải tỏa được nỗi hiềm khích mà còn tạo nên các rắc rối khác. Không những ta sẽ phải trả giá đắt khi ta đầu hàng, mà người đối ngẫu cũng sẽ đau khổ vì sự chịu thua của ta nữa. Ngược lại nếu ta tìm phương thức để tránh sự đối nghịch bằng cách buộc người ta bỏ cuộc, ta không dàn xếp được mâu thuẫn, ta chỉ “hoãn binh” mà thôi.
9. Nên để dành “tối hậu thư” cho điều gì không thương lượng được, hoặc là vào giai đoạn cuối cùng cùa cuộc “hòa đàm”.
Có nhiều lần bạn bắt đầu cuộc dàn xếp bằng cách đưa “tối hậu thư”, “Nếu anh không bỏ tật làm chủ nhân ông, sai khiến em hoài, thì em sẽ bỏ đi”. Lối này không có lợi gì cả. Tối hậu thư phải được dùng cẩn trọng. Để đạt được kết quả, nó cần hai yếu tố: Một thời gian hợp lý cho đối phương để thực hiện điều ta đòi hỏi, cho chính ta để sửa soạn thi hành phần ngược lại của tối hậu thư.
10. Đừng rút lui rồi trốn chạy, trừ phi có điều gì không thể dàn xếp được, hoặc là bạn đã thử mọi cách mà vẫn không kết quả.
Đôi lúc trong chiều sâu của mối bất hòa có hai điều thực sự tương phản nhau. Bạn đặt ra một giới hạn mà bạn lại không muốn thương thuyết (bạn chẳng cần biết điều gì sẽ xảy ra, đối phương cung hiến cho bạn những điều kiện gì, bạn thảo luận với người kia trong bao lâu, hoặc là bạn thông cảm người đối thoại đến mức nào). Trong trường hợp này, sự xung đột không thể giảng hòa được. Bạn phải bàn cãi có nên tiếp tục sự liên lạc với tình trạng hiện hữu của nó, chỉ thay đổi vài điều căn bản, hay là không thay đổi gì cả.
11. Hãy cố gắng duy trì mối liên lạc, dù tình cảm giữa hai người đã đổi thay:
Điều này sẽ giúp cho mỗi người bảo toàn được danh dự và nhân cách của mình ngay cả khi tình thương giữa đôi bên đã hết sạch rồi. Việc này cũng đòi hỏi bạn phải lịch sự với “đối thủ” giống như các cầu thủ thể thao bắt tay nhau cuối trận đấu, và tránh dùng những “mánh khóe” để bôi nhọ lẫn nhau.
ĐẠT ĐẾN MIỀN TRUNG LẬP
Một cuộc dàn xếp ổn thỏa mối bất bình, thường đưa cả hai người đến một “miền dung hòa”. Nơi đấy, cả đôi bên có thể đồng ý với nhau. Trong gia đình tôi, cách thương thuyết này được truyền xuống cho cả lũ trẻ con. Giả như khi con gái tôi xin phép đi dự tiệc sinh nhật và ngủ đêm ở nhà bạn nó vào cuối tuàn. Tôi nhắc cho cháu biết rằng cháu không được phép ngủ ở nhà ai cả. Thay vì giận lẫy, khóc lóc, cháu hỏi tôi: Mẹ à, con có thể đến đó chơi độ hai ba giờ về nhà được không? Điều thỏa thuận này là một phép lạ. Nếu không, tôi sẽ không cho cháu đi và cháu cũng chẳng đến dự tiệc. Trong dĩ vãng, chúng tôi đã đôi co nhiều lần, nhưng bây giờ cả mẹ con tôi đều biết rằng chúng tôi có thể dàn xếp sự tranh chấp ấy và cả hai không cần phải đối xử với nhau thô bạo như các người ở trong rừng nữa.
Đôi khi thay vì chẳng được gì cả vì đòi hỏi mọi điều, chúng ta có thể đạt đến “miền trung lập” và thương lượng với nhau, dàn xếp mối mâu thuẫn. Chúng ta chỉ cần đạt đến vùng dung hòa ấy lúc chúng ta chối bỏ ý muốn hoàn hảo và đúng 100% để chú trọng đến nhu cầu thực sự của mình, kể cả sự cần thiết thông cảm với người kia để làm cho mối liên lạc trở nên tốt đẹp hơn.
(Nguồn: saigontimesusa)