Chứng minh phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân qua 2 đoạn văn Người lái đò sông Đà

Đề bài: Một trong những nét phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân là luôn tiếp cận sự vật ở phương diện văn hóa thẩm mĩ. Phân tích hai đoạn văn sau để làm sáng tỏ nét phong cách đó. "Còn xa lắm mới đến thác dưới...đàn trâu da cháy bùng bùng" và "Con sông Đà tuôn dài tuôn dài...mỗi độ thu về"

Nhắc đến Nguyễn Tuân dưới vai trò một nhà viết truyện, chúng ta có tập “Một thời vang bóng”, dưới vai trò một người viết bút kí, ta có “Người lái đò sông Đà”. Ở đó đã thể hiện rõ: “Một trong những nét phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân là luôn tiếp cận sự vật ở phương diện văn hóa thẩm mĩ”. Chúng ta có thể thấy rõ qua hai đoạn văn: "Còn xa lắm mới đến thác dưới...đàn trâu da cháy bùng bùng" và "Con sông Đà tuôn dài tuôn dài...mỗi độ thu về".

Nguyễn Tuân được coi như là định nghĩ đích thực về người nghệ sĩ, về cái độc đáo. Từ “Cái răng, cái tóc ông chẳng giống ai” đến những gì ông nhìn, ông cảm nhận và khám phá, tất cả phải đẹp, phải độc đáo, khác biệt và đánh dấu “triện” riêng của ông. Và có lẽ vì thế, Nguyễn Tuân sinh ra để viết tùy bút và tùy bút cũng sinh ra để dành cho ông. Với tùy bút, ông như cá gặp nước, thỏa sức vẫy vùng, thoải mái được bộc lộ cái tôi nghệ sĩ đầy bản lĩnh và giàu cá tính của mình. Đọc văn Nguyễn Tuân, ta thường xuyên có cảm giác rợn ngợp. Đó là sự ngợp mình trước cái đẹp có một không hai: chưa gặp thì xiết bao ao ước, càng nghe nói lại càng bồn chồn và khi gặp chỉ còn biết thán phục, chỉ e sợ có giây nào nghễnh ngãng không thu nhận hết, đã để trôi qua những khoảnh khắc hiếm hoi của cuộc đời. Lạ thế, văn Nguyễn vẫn còn đó, trên trang giấy nhưng nỗi e sợ kia vẫn cứ gợn lên. Ngay cả những hình tượng nghệ thuật của ông cũng không bao giờ là hình tượng nằm thẳng đơ trên trang giấy. Bởi nhãn quan của ông luôn nhìn con người dưới góc độ tài hoa, nghệ sĩ và luôn tiếp cận sự vật ở phương diện văn hóa thẩm mĩ. Có thể thấy rõ điều đó qua tác phẩm “Người lái đò sông Đà”, đặc biệt là trong hai đoạn văn: “Còn xa lắm mới đến thác dưới...đàn trâu da cháy bùng bùng" và "Con sông Đà tuôn dài tuôn dài...mỗi độ thu về". Sau đây là bài văn phân tích hoàn chỉnh, các bạn có thể tham khảo. Chúc mọi ngươi học tập tốt!
phong-cach-nghe-thuat-nguyen-tuan.jpg
BÀI VĂN MẪU CHỨNG MINH PHONG CÁCH NGUYỄN TUÂN QUA ĐOẠN VĂN “CÒN XA LẮM…. ĐÀN TRÂU DA CHÁY BÙNG BÙNG” VÀ “CON SÔNG ĐÀ TUÔN DÀI… MỖI ĐỘ THU VỀ”
Với Pautovsky, “Nhà văn là người dẫn đường đến xứ sở cái đẹp”, cần là người giúp ta cảm nhận và bất ngờ bởi vẻ đẹp của sự sống âm thầm đang hiện hữu xung quanh chúng ta. Bằng cách định nghĩa ấy, Nguyễn Tuân đích thực là một người nghệ sĩ. Bởi ông “luôn tiếp cận sự vật ở phương diện văn hóa thẩm mĩ.” Có thể thấy rõ điều đó qua hai đoạn văn miêu tả sông Đà trong “Người lái đò sông Đà”:

“Còn xa lắm mới đến thác dưới...đàn trâu da cháy bùng bùng" và "Con sông Đà tuôn dài tuôn dài...mỗi độ thu về".

Tùy bút “Người lái đò Sông Đà” là kết quả viên mãn của chuyến đi thực tế ở vùng Tây Bắc để tìm “chất vàng mười” của thiên nhiên và con người. Trong sáng tác của Nguyễn Tuân, không ít lần người ta thấy đồ vật được tôn lên thành một “nhân vật” trung tâm, thu hút sự chú ý của nhà văn. “Người lái đò Sông Đà” cũng là một trường hợp như vậy. Sông Đà đã thực sự được nhà văn xem như một con người, có tính cách riêng mà hai nét nổi bật nhất là hung bạo và trữ tình. Hoàn toàn không ngẫu nhiên việc tác giả viết hoa cả chữ sông – một danh từ chung. Sông Đà – đó là tên của một nhân vật đích thực trong cái nhìn hồn nhiên, trẻ trung của tác giả. Một sự độc đáo đi tìm cái độc đáo. Nguyễn Tuân đã đến với sông Đà như đến với một người bạn tương đắc. Sự dữ dội, mãnh liệt và thơ mộng tuyệt vời của nó đã thu hút ông mạnh mẽ.

Ngòi bút ông như nở hoa, ông được tung hoành trong môi trường của chính mình:

“Còn xa lắm mới đến cái thác dưới. Nhưng đã thấy tiếng nước réo gần mãi lại, réo to mãi lên. Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu, rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng.”

Cảm thức ngôn ngữ Nguyễn Tuân cực kì nhạy bén khi sử dụng liên tiếp những từ chỉ thời gian: “còn xa, đã thấy, rồi lại, thế rồi,…” cùng những so sánh tuyệt đối chính xác để truyền tới tâm trạng chờ đợi phấn khích, căng thẳng và cảm giác mạnh mẽ trước một không gian đột ngột mở òa ra rất mực hùng tráng. Sóng nước sông Đà không chỉ là vật đá vô tri mà như có linh hồn, là một lũ “thủy quân” với đầy đủ những sắc thái: “réo gần mãi, réo to, oán trách, van xin, khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạc”. Chúng luôn thay đổi và biến hóa khôn nguôi. Đặc biệt là biện pháp so sánh: “nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu, rừng tre nứa nổ lửa…” Phép so sánh đúng chất Nguyễn Tuân và chỉ có ở Nguyễn Tuân. Người ta hay đem nước so sánh với mây trời, so về hình thái nhưng chưa ai dùng “lửa” để miêu tả “nước” cả. Như thế, càng cho hình ảnh thêm mới lạ, sự dữ dội và ác liệt nơi thạch trận đá nước này. Sông Đà không chỉ hiện lên là một thực thể sống động – đó chưa phải văn Nguyễn Tuân. Nó phải thực sự đang chuyển động trên trang giấy, khiến người đọc phải ngạc nhiên và sợ hãi nhưng cũng thán phục, ngưỡng mộ - đó mới là chữ của Nguyễn. Với độc giả, khi chưa đọc hết đoạn văn, khi chưa “thấy” hế những gì sẽ tuần tự hiện lên với những con chữ, họ đã được nhà văn tạo trước cho một cảm giác toàn khối hết sức gần gũi hiện thực. Điều cốt lõ của tính tạo hình trong văn Nguyễn Tuân có lẽ là ở đó.

Nguyễn Tuân không chỉ tâm dắc với đặc tính “gây sự” của sông Đà mà còn hết sức mặn mà với phẩm chất trữ tình của nó:

“Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân. Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên Sông Đà, tôi đã xuyên qua đám mây mùa thu mà nhìn xuống dòng nước Sông Đà. Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước Sông Đà không xanh màu xanh canh hến của Sông Gâm, Sông Lô. Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về”

Tất cả đều là những cực khác nhau của cái đẹp, ngòi bút Nguyễn Tuân phô khoe hết vẻ đa dạng của mình. Nếu ở trên, khi mô tả cuộc giao tranh hào hùng giữa người và thác khiến câu văn lúc nào cũng mang tiết tấu gắt, mạnh, dồn dập thì ở đây hình ảnh sông Đà trữ tình khiến câu văn được kéo ra, duỗi ra rất mực êm ả. Thật khó mà phân định được nét trữ tình kia là do tự sông Đà có hay nhờ ngòi bút Nguyễn Tuân mới ngân lên thành một câu thơ: “con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đất nương xuân”. Từ khi “câu thơ” trên được viết ra, một “mạch thơ hoài cựu” được khơi lên và bắt đầu tuôn chảy. Lại một hình ảnh so sánh rất Nguyễn Tuân: “tuôn dài như một áng tóc trữ tình”. Người ta thường nói là áng thơ, ánh văn nhưng “áng tóc” thì chỉ có thể ở văn Nguyễn. Phép so sánh đã mang lại linh hồn cho con sông, nó chứa trong mình cái dịu dàng, mềm mại của làn tóc người thiếu nữ, hơn nữa còn mang cả tất thảy những gì thơ mộng, nghệ thuật rất thơ. Khi miêu tả nước sông Đà, ông dùng các từ chỉ màu sắc rất riêng: “xanh ngọc bích, lừ lừ chín đỏ”. Đó chính là Nguyễn Tuân ấy: không ưa những thứ lưng chừng, lỡ cỡ như “xanh màu xanh canh hến của Sông Gâm, Sông Lô”. Với ông, sự vật phải được nhìn dưới góc độ thẩm mĩ, và cái đẹp ấy phải là cái đẹp tuyệt đỉnh, tuyệt đích, không có thứ hai. Bởi thế, ông rất yêu thích thủy tinh: đã trong là trong đến đáy, mà khi vỡ cũng vẫn giữ nguyên cái tinh khiết ban đầu của nó.

Hình ảnh con Sông Đà qua trang viết Nguyễn Tuân, dù là hung bạo hay trữ tình đều là vẻ đẹp lên đến tuyệt mĩ, phi thường. Bởi Nguyễn Tuân là thế, luôn nhìn sự vật dưới góc độ văn hóa thẩm mĩ, và cái đẹp với ông phải là cái đẹp tuyệt bích. Ông không ưa những cái gì lưng chừng, lỡ cỡ. Đó là quan niệm, là sự ý thức cao độ đối với cây bút, với nghề viết của một người nghệ sĩ. “Người lái đò Sông Đà” còn là sự tự do của một tài năng, của một đấng hóa công thực sự trong nghệ thuật ngôn từ. Khi gân guốc, khi mềm mại, khi nghiêm nghị như một nhà bác học, khi hồn nhiên tựa một đứa trẻ thơ, mỗi trang viết mỗi câu văn của Nguyễn Tuân đều mang hơi thở của cuộc đời và tâm huyết của một người nghệ sĩ thực thụ. Nhưng tài năng mới chỉ là một mặt của vấn đề. Qua tác phẩm, ta còn thấy ở Nguyễn Tuân một tấm lòng nặng nghĩa với cuộc đời, với non sông, đất nước, với tất cả những gì ông thấy là đẹp.

Những người nghệ sĩ tự ý thức được cá tính và sự xuất hiện của mình, luôn có ý thức làm cho sự tồn tại của mình trở nên có nghĩa. Nguyễn Tuân chính là như thế.

-Bỉ Ngạn-vfo.vn
 
  • Chủ đề
    người lái đò sông đà phong cách nghệ thuật
  • Thống kê

    Chủ đề
    100,755
    Bài viết
    467,590
    Thành viên
    339,851
    Thành viên mới nhất
    Đông Âu
    Top