Công nghệ đang được sử dụng như thế nào trong quá trình xét tuyển đại học, cao đẳng tại Anh?

university-application-form-1024x682(1).jpg

Mình thường có cơ hội về thăm Việt Nam vào những dịp hè. Một điều mà mình nhận thấy đó là cái nắng bỏng rát ngày hè vẫn chưa thấm vào đâu so với những áp lực thi cử mà thí sinh và người nhà của họ phải trải qua. Có rất nhiều lý do cho sự bất cập này. Tuy nhiên một trong số đó chính là sự vắng bóng của công nghệ trong quá trình xét tuyển đại học, cao đẳng.

Và kì này mình xin giới thiệu đến các bạn một chủ đề hoàn toàn mới: Công nghệ đang được sử dụng như thế nào trong quá trình xét tuyển đại học, cao đẳng tại Anh? Biết đâu đây có thể sẽ là bài học kinh nghiệm đáng quý để Việt Nam áp dụng. Đừng quên bình luận phía dưới để chia sẻ suy nghĩ của bạn về chủ đề này.

Vương quốc Anh là một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới, và cũng là một quốc gia với nền giáo dục tiên tiến bậc nhất. Các trường đại học thuộc tốp cao tại Anh như Oxford, Cambridge, London School of Economics, Bristol đều là những tổ chức giáo dục được đánh giá cao trên toàn cầu. Vậy tại Anh thì quá trình xét tuyển đại học, cao đẳng diễn ra như thế nào? Và đâu là vai trò của công nghệ trong quá trình này?

Tìm hiểu thông tin về các trường đại học trên mạng Internet

Thực tế là tại Anh, số lượng học sinh quốc tế đang ngày một gia tăng mặc cho các biện pháp siết chặt nhập cư của chính phủ. Trong khi đó các trường đại học không thể có đủ chi phí để mở rộng chi nhánh của mình trên toàn thế giới. Chính vì thế họ đã lựa chọn Internet làm chìa khóa để tiếp cận học sinh của mình.

Phần lớn các trường đại học tại Anh đều có trang web riêng được thiết kế đẹp mắt với đầy đủ thông tin về học phí, khóa học, chỗ ăn ở, điều kiện cơ sở vật chất và cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Nhiều trường còn tận dụng thế mạnh của mạng xã hội để mở các trang Facebook, Twitter và Youtube. Chính nhờ những trang mạng này mà học sinh quốc tế, và cả học sinh bản địa có thể tìm hiểu thông tin về trường đại học yêu thích một cách nhanh chóng và dễ dàng.

Ở Việt Nam, điều này cần được cải thiện bởi lẽ rất nhiều trang web của các trường đại học tại nước ta được thiết kế sơ sài với ít chi tiết cụ thể. Học sinh ở các tỉnh nghèo khó, nếu muốn tìm hiểu xem trường đại học mơ ước của mình thực sự trông như thế nào, sẽ phải bỏ ra một khoản tiền khá lớn để đi lại. Ngoài ra chính phủ cần tư nhân hóa và trao quyền tự chủ cho nhiều trường đại học ở nước ta để từ đó, mục tiêu lợi nhuận sẽ làm họ tập trung nhiều hơn vào mảng đối ngoại, marketing.

Tư vấn trực tuyến

aaron-walsh-helpline-blf-direct-volunteer1.jpg

Mình đã nhiều lần gửi email đến các doanh nghiệp, công ty lớn để hỏi thêm về dịch vụ của họ. Tất nhiên, mình hiểu rằng khả năng họ hồi đáp là không cao vì mỗi ngày công ty của họ phải trả lời hàng trăm thậm chí hàng nghìn bức thư điện tử. Tuy nhiên, phần lớn các trường đại học tại Anh đều có thông tin liên hệ giúp học sinh nói chuyện trực tuyến hoặc nhanh chóng với trường, có thể là email, số điện thoại, địa chỉ thư tay,... Học sinh còn có thể chát online với bộ phận tuyển sinh của trường để hỏi bất cứ vấn đề gì liên quan đến việc nhập học.

Ở Việt Nam, mặc dù trong những năm qua đã có nhiều sự cải thiện, nhưng thực tế là nhiều thí sinh vẫn cảm thấy rất khó khăn hay ngại ngùng trong việc tiếp cận các trường đại học. Chính vì thế các trường ở nước ta cần phát triển thêm nhiều kênh thông tin như email, hỗ trợ online để cung cấp thông tin một cách thuận tiện và nhanh chóng đến thí sinh. Và tất nhiên là việc phát triển thêm nhiều địa chỉ email phải đi kèm với việc thắc mắc của thí sinh được hồi đáp nhanh hơn. Ở một số trường bên Anh, cứ mỗi lần bạn gửi thắc mắc đến địa chỉ email của họ, họ sẽ đưa ra một khoảng thời gian mà email của bạn sẽ được hồi âm, ví dụ, không quá 3 ngày làm việc.

Trước ngày hết hạn đăng ký nhập học

Các kỳ học đại học bên Anh thường bắt đầu vào tháng 10-11 hoặc đầu mùa xuân. Đối với kỳ nhập học tháng 10-11 thì hạn cuối đăng ký là tháng 11 của năm ngoái. Riêng một số ngành đặc biệt như Nha khoa, Thú y, Y Dược hay một số trường tốp đầu như Oxford, Cambridge có hạn cuối đăng ký sớm hơn, thường là ngày 15/10 hàng năm.

Ở Anh các thí sinh có thể lựa chọn tối đa 5 trường đại học. Một khi bạn đã đăng ký tài khoản hay nhận tin tức của một trường đại học, thì họ sẽ thường xuyên gửi bạn thông tin qua email về các sự kiện nổi bật, khóa học hay nhắc nhở bạn trước ngày hết hạn đăng ký nhập học. Chính những điều này đã giúp thí sinh lên kế hoạch tốt hơn cho đơn xin học của mình.

Nộp đơn xin học

ucas.jpg

Ở Anh không có kỳ thi Tuyển sinh Đại học hay Tốt nghiệp THPT như ở Việt Nam. Thay vào đó thí sinh sẽ nộp đơn xin học đến các trường mà mình mong muốn qua mạng. Các trường đại học sau đó sẽ xem xét hồ sơ, dựa vào nhiều tiêu chí như kết quả học tập, hoạt động ngoại khóa và tính cách cá nhân để đưa ra quyết định.

Ngoài đơn xin nhập học (Application Form) thì thí sinh cũng cần gửi một bản tự giới thiệu bản thân (Personal Statement) qua mạng cho các trường đại học. Về cơ bản Personal Statement giống như một bức CV khi xin việc, nó khái quát quá trình học tập, tuổi thơ hoặc những hoài bão trong tương lai của học sinh. Điều đặc biệt ở Anh đó là các trường đại học sẽ có công nghệ chống đạo văn để phòng ngừa tình trạng sao chép Personal Statement của nhau. Nó được thực hiện hoàn toàn bằng máy móc và có thể chỉ ra đâu là những điểm sao chép của hai thí sinh ngẫu nhiên, với độ chính xác cao.

Tại Việt Nam thì việc đến trực tiếp trường đại học để nộp hồ sơ vẫn còn phổ biến, mặc dù việc gửi qua đường bưu điện đã được triển khai. Điều này đồng nghĩa với việc tăng chi phí đi lại, ngủ nghỉ cho nhiều thí sinh và các bậc phụ huynh. Dẫu biết tại nước ta còn nhiều vùng nghèo khó chưa có kết nối Internet, nhưng chắc hẳn một số không nhỏ thí sinh với kết nối Internet sẽ muốn đăng ký nhập học qua mạng để đơn giản hóa thủ tục và tránh cảnh tượng xếp hàng dài như đã xảy ra rất nhiều lần.

1438661405-1438660853-thi-sinh-5.jpg

Chắc hẳn việc nộp hồ sơ qua Internet sẽ giảm sự mệt mỏi cho thí sinh, tiết kiệm thời gian và tăng độ chính xác

Kết quả tuyển sinh

Một điểm yếu trong việc xét tuyển ở Anh đó là thư mời học (vào khoảng tháng 11-12) chưa chắc đã là tấm hộ chiếu giúp thí sinh vào được trường đại học mong muốn. Bởi lẽ bài thi của nhiều thí sinh cấp 3 diễn ra vào tháng 6 và có kết quả vào giữa tháng 8. Tuy vậy, ngay khi có kết quả thì các trường đại học của Anh sẽ biết được thông tin này (qua phần mềm chung trên Internet) và đưa ra sự lựa chọn cuối cùng. Sở dĩ các trường lại biết nhanh như vậy là do bài thi của thí sinh được chấm hoàn toàn trên máy tính, sau đó kết quả sẽ được thông báo trực tiếp trên Internet.

Tại Anh, thư mời học và các giấy tờ khác phần lớn được chuyển qua Internet, số còn lại qua đường bưu điện. Việc áp dụng Internet khiến cho kết quả trở nên chính xác và hạn chế tối đa lỗi trong quá trình viết tay, in ấn.

Còn ở Việt Nam, trong năm nay đã có trường hợp một vài thí sinh tại Đại học Huế và nhiều nơi khác nhận giấy báo trúng tuyển sau đó bị báo “rớt đại học” vì lỗi trong quá trình tính điểm ưu tiên. Thiết nghĩ các trường đại học và cơ quan có liên quan cần áp dụng công nghệ tiên tiến để đẩy nhanh quá trình xét tuyển và hạn chế sai sót.

Nguyễn Mai Đức

 
  • Chủ đề
    anh quốc công nghệ trong xét tuyển xét tuyển đại học
  • VSupport

    Ngây thơ trong tối
    Hay quá, Việt Nam cần học tập nhiều, năm nay đã cài cách đáng kể rồi nhưng chưa chuẩn lắm. Năm sau hy vọng sẽ phù hợp cho học sinh và phụ huynh hơn :facebook1:
     

    Thống kê

    Chủ đề
    102,201
    Bài viết
    469,808
    Thành viên
    340,392
    Thành viên mới nhất
    huynhkhangpt
    Top