Hôm nay, chúng tôi quyết định đi đến thăm một trại người tâm thần tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Lúc đầu, chúng tôi chỉ thoáng mơ hồ về nơi đó qua lời kể của những người hay đi quyên góp giúp đỡ. Nếu bạn là tôi, bạn cũng sẽ ngạc nhiên khi đến một nơi như thế: “CƠ SỞ NUÔI DƯỠNG NGƯỜI TÂM THẦN TRỌNG ĐỨC”.Không mất nhiều thời gian để hỏi thăm và tìm được đến trại, ấn tượng đầu tiên của tôi là nó không cách ly hoàn toàn với khu người dân, hay chí ít là nó không giống như trong tưởng tượng của tôi. Một cô giúp ở đó đã chạy ra đón tiếp và hỏi chúng tôi: “Chị đi giúp hay gửi bệnh nhân”.Theo lời chủ nhân của Cơ sở nuôi dưỡng, chúng tôi được biết, ở đây là tư nhân, do hai vợ chồng có lòng hảo tâm xây nên, có một số người đến giúp làm, chăm sóc. Trại chia làm hai chỗ, một của nam và một của nữ. Họ thường nhận trợ cấp của những người có lòng hảo tâm: rau, củ, quả, mì tôm, chăn, chiếu, mùng, mền, đồ đạc… tất tần tật những gì có ích cho những bệnh nhân ở đây. Khi chúng tôi hỏi chị có mệt khi nuôi những người này không, chị cười - trả lời: “Tôi có nuôi gì đâu mà mệt, là Chúa nuôi cả thôi.”Một thanh niên, chạc tuổi khoảng 30 -35, đến giúp chúng tôi khiêng cà chua, rau và mì vào nhà. Chắc bạn hẳn sẽ ngạc nhiên, nhìn anh ta rất bảnh trai, tri thức, nhưng quan sát kỹ thì trong ánh mắt anh ấy có gì đó thẫn thờ, vô hồn. Anh ấy là một người tâm thần. Một số người chạy đến hỏi han chúng tôi, “Lát má đi xe này về luôn hả, má cho con đi với.” Nhìn họ, bên ngoài rất bình thường, chẳng ai nghĩ rằng họ đang bị bệnh cả.
Thăm quan 1 vòng, bạn sẽ thấy có những phòng như nhà tù, vì có những lúc họ không kiểm soát được bản thân mình. Ngay cả chuyện tắm rửa cũng không được bình thường, nhìn rất xót xa và đau lòng. Nhiều người chảy nước mắt khi đến thăm và tiếp xúc với cuộc sống nơi đây.Chúng tôi đến thăm cơ sở vào chủ nhật, ở đây có một lệ là cứ thứ bảy, chủ nhật sẽ có Thầy (bên dòng tu) đến cho họ sinh hoạt với nhau. Bạn hãy thử tưởng tượng xem, họ sẽ sinh hoạt gì nào? Họ ở trong một đại sảnh lớn, xếp hàng và ngồi rất nghiêm túc; cứ ngồi như thế, và nhìn lên phía trước (có thể xem là một sân khấu), một người tuổi trung niên đứng cầm mic và hát. Khoảng hai bài thì một người sẽ đẩy xuống, nhường người khác lên, họ giới thiệu đàng hoàng và hát. Những lời ca họ hát lên toàn là về tình yêu, về kỷ niệm, nào là hẹn hò, đợi chờ nơi sân trường,… bài cuối cùng tôi nghe từ họ trước khi ra đi là: “Nha Trang ngày về, mình tôi trên bãi khuya. Tôi đi vào thương nhớ, tôi xây lại mộng mơ năm nào…”. Được biết, họ vào đây vì nhiều lí do, áp lực xã hội, áp lực gia đình, chuyện tình cảm, và rất nhiều nhiều chuyện khác nữa; đa số gia đình họ không chấp nhận họ nên gửi họ vào đấy. Có người khóc từ đầu đến cuối khi kể về cuộc sống của họ; nhiều khi tưởng rằng họ điên, nhưng lúc đó họ lại rất tỉnh.Chắc chắn rằng bạn sẽ rất ngạc nhiên nếu nhìn thấy họ ngồi thẳng hàng, nghiêm túc; có điều ánh mắt họ mơ màng hoặc suy nghĩ về một điều gì đó chắc xa xăm lắm. Họ cũng từng như bạn và tôi, cũng có gia đình, cuộc sống, ước mơ và hy vọng; khác là họ rơi vào một hoàn cảnh đặc biệt, bất hạnh hơn. Tôi thiết nghĩ, nơi này không giống như bệnh viện Tâm Thần khác, vì bệnh viện thì sẽ điều trị, thuốc thang, và sẽ có cơ hội hết bệnh, trở về với hiện tại. Còn họ, tại cơ sở nuôi dưỡng Trọng Đức này, họ chỉ được nuôi từ lòng hảo tâm của những người khác, trong họ vẫn tồn tại một khái niệm được về, nhưng cứ thế thì khi nào họ sẽ hết bệnh: “Có về bến Hồng không, cho đi ké xe với!” Giá như họ có được cơ sở tốt để điều trị bệnh, một điều kiện tốt hơn để thoát khỏi cảnh này.
Ảnh minh họaHọ có người thân không, có ai đó chờ đợi, mong mỏi họ khỏi bệnh hay không? Chỉ ước gì những người như họ cũng được bình thường, được đam mê và sống hết mình như bạn và tôi lúc này.Nghỉ trưa tại một quán cơm, tôi hỏi một bà đã già bán vé số: “Con cái bà đâu mà đi bán vé số cho khổ thế này”. Bà trả lời: “Có một đứa con, mà nó bị tâm thần, ở nhà!”. “Thế bà không gửi vào trại gì à?” “Thôi gửi vào ấy tội nghiệp nó lắm, ở nhà nó cũng giặt đồ đạc hay làm việc được mà.” Nhìn bà đi mà tôi lại xót xa biết bao. Đúng là cuộc sống, không ai giống ai. Còn tham vọng của con người thì quá lớn mà đôi khi không nhận ra là mình đang sở hữu những điều gì quý giá, điều mà hàng vạn kẻ khác ao ước mà không có; và con người vô cùng ích kỷ khi chỉ giữ những điều ấy cho riêng mình mà không giúp những kẻ khác cũng có cơ hội được những điều nhỏ bé nhất của cuộc sống này.Cứ gieo đi, vì không yêu thương nào là vô nghĩa trong đời. Bạn cũng vậy nhé, đừng vì bất cứ vấp ngã nào mà buông xuôi cuộc sống, cứ ngẩng đầu nhìn lên bầu trời, chỉ cần còn sống, dù phải lết từng bước, bạn cũng phải tiếp tục đi hết con đường của mình…Dưới đây là những hình ảnh do chính tác giả cung cấp về chuyến đi của mình. Mời bạn cùng chia sẻ:
Họ cũng như anh, họ cũng như tôi
Họ ngồi thẳng hàng, nghiêm túc; có điều ánh mắt họ mơ màng hoặc suy nghĩ về một điều gì đó
Cứ gieo đi, vì không yêu thương nào là vô nghĩa trong đời
Cỏ may
Cỏ may