Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 – Những viễn cảnh và mối đe dọa

3GjqIY.jpg


Bắt nguồn từ chiến lược phát triển công nghệ cao của chính phủ Đức, cụm từ công nghiệp 4.0 – Industry 4.0 – trong những năm trở lại đây đã trở nên ngày càng phổ biến. Tác giả cuốn sách “Big Data in Practice” (Dữ liệu lớn trong thực tiễn), Bernard Marr, dự đoán cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ là sự kết hợp chưa từng có của máy móc và những quy trình tự động hóa.

Trong quá khứ

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất diễn ra từ thế kỉ 18 đến thế kỉ 19, khi mà những cộng đồng nông thôn ở châu Âu và Mỹ bắt đầu tận dụng máy móc và nguồn năng lượng nước để phục vụ sản xuất công nghiệp. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2, với sự hỗ trợ của các công nghệ sản xuất đại trà, phát triển đến đầu thế kỉ 20. Xe hơi, điện thoại để bàn và máy đánh chữ là 3 ví dụ cho thành tựu của Industry 2.0.

Với sự bùng nổ của Internet và nền kinh tế số trên quy mô toàn cầu, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 đã chứng kiến sự trỗi dạy và đi xuống của những công ty dot.com vào đầu thế kỉ 21. Cho đến ngày nay, chúng ta vẫn có thể cảm nhận được những dư âm của Industry 3.0 nhờ vào các thành tựu và ảnh hưởng của nó đến đời sống hàng ngày. Điện thoại thông minh hay mua sắm qua mạng là những ảnh hưởng như thế.

Industry 4.0

Giáo sư Hồ Tú Bảo (Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản) cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã xảy ra trong vài năm trở lại đây. Nó được đánh dấu bằng những công nghệ sản xuất thông minh dựa trên những đột phá về công nghệ IT, công nghệ sinh học và công nghệ nano.

Trong tác phẩm “Design Principles for Industrie 4.0 Scenarios” (Thiết kế nguyên tắc cho những viễn cảnh của công nghiệp 4.0), các tác giả miêu tả Industry 4.0 đã tạo ra một khái niệm mới, đó là “Smart Factory” (Nhà máy thông minh). Trong những nhà máy thông minh này, máy móc có thể truyền đạt thông tin với nhau và với con người. Chúng sẽ giúp con người thực hiện những công việc nguy hiểm và thậm chí có khả năng tự đưa ra quyết định. Ô tô tự lái, máy in 3D hay hệ thống trực tuyến quản lý hồ sơ bệnh nhân đều là những cảnh tượng không còn xa vời.

Trí tuệ nhân tạo (AI – Artificial Intelligence) là một đòn bẩy cho các sự tiến bộ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Về cơ bản, những máy móc có trang bị AI sẽ được lập trình để có suy nghĩ như con người. Google, Facebook, Microsoft và các công ty công nghệ lớn khác đều đang đầu tư mạnh mẽ vào phát triển công nghệ AI. Ví dụ mới nhất cho thành công của cuộc đua này là việc công nghệ AI của Google đã đánh bại nhà vô địch cờ vây thế giới Lee Sedol vào năm 2016 và mới đây là cao thủ cờ vây Ke Jie của Trung Quốc.

Những mối đe dọa

Khi mà người tiêu dùng, doanh nghiệp và các hệ thống an ninh quốc gia được kết nối bằng những công nghệ hiện đại và ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, một cuộc tấn công mạng có thể gây ra tai họa khủng khiếp. Không chỉ dừng lại ở đánh cắp thông tin cá nhân hay đòi tiền chuộc (như virus tống tiền Wanny Cry mới đây), một cuộc tấn công mạng ở thời đại Industry 4.0 có thể lấy quyền kiểm soát và làm tê liệt toàn bộ hệ thống quản trị của một doanh nghiệp hay quốc phòng của một quốc gia.

Nhà vật lý tài ba Stephen Hawking thì lo ngại rằng một ngày nào đó, máy móc sẽ đủ thông minh để trỗi dậy và chống lại loài người. Nếu cuộc cách mạng 4.0 cứ tiếp tục như hiện nay, ông cho rằng viễn cảnh này là hoàn toàn khả thi.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF – World Economic Forum) dự báo đến năm 2020, 7.1 triệu việc làm có thể bị mất tại 15 nền kinh tế phát triển nhất thế giới do máy móc và tự động hóa khiến cho việc thuê tuyển nhân viên không còn cần thiết. Những công việc lao động chân tay và quản lý sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tuy nhiên, 2.1 triệu việc làm mới sẽ được tạo ra, chủ yếu trong lĩnh vực IT, khoa học máy tính và toán học.

Mặc dù là nước đang phát triển, Việt Nam sẽ không thể tránh khỏi những tác động tiêu cực của Industry 4.0. Tuy nhiên, với nguồn lực trẻ, dồi dào và tài nguyên thiên nhiên phong phú, các start-up, doanh nghiệp tư nhân và khu vực nhà nước tại Việt Nam có thể phối hợp để đón đầu làn sóng công nghiệp 4.0. Phát triển những quy trình sản xuất nông nghiệp và cung cấp dịch vụ du lịch thông minh là những ý tưởng để Việt Nam làm điều đó.

Nguyễn Mai Đức





Nguyễn Mai Đức là cựu học sinh trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam và Abbey College Birmingham (Anh). Hiện nay anh đang theo học ngành quản trị Marketing quốc tế tại đại học IUBH (Đức).

Anh là tác giả của 4 cuốn sách về IELTS, một ứng dụng và ieltswithmrduc.com/ - website về IELTS. Ngoài viết bài cho các báo điện tử ở Việt Nam, Mai Đức còn sản xuất video trên YouTube, dạy tiếng Anh và là một diễn giả tự do.


 
  • Chủ đề
    cách mạng công nghiệp công nghiệp 4.0 industry 4.0
  • Thống kê

    Chủ đề
    101,843
    Bài viết
    469,194
    Thành viên
    340,248
    Thành viên mới nhất
    ctcpvuanem
    Top