Cuộc chiến giành đất cho người chết ở Hong Kong

[h=1]
[/h]Tình trạng đất chật người đông, dân số tăng chóng mặt đã khiến thị trường bất động sản ở Hong Kong nóng hơn bao giờ hết. Đất dành cho người chết cũng không thoát khỏi vòng xoáy đó.
Cửa hàng tang lễ của Yu Ying Ho có tất cả những vật dụng mà người ta cần trong một lễ tang. Từ quan tài đến những loại hàng mã như điện thoại di động, biệt thự hay thậm chí là những chiếc iPad hiện đại nhất. Người phương Đông tin rằng khi chết, con người sẽ bước sang một thế giới khác, và những vật dụng như vậy sẽ rất cần thiết cho cuộc sống mới của họ.
Những vật dụng cho người cõi âm đều được làm đơn giản và nhanh chóng, nhưng phần đất để những người quá cố an nghỉ mới là điều đang làm cư dân cũng như chính quyền nơi đây đau đầu.
t713696.jpg
Người đã khuất vẫn phải sống san sát cùng nhau trong những nhà chứa cốt.
Trung Quốc là một quốc gia có những quy định rất ngặt nghèo về thủ tục tang lễ. Họ quan niệm, người chết không thể ở chung với những người còn sống, bởi việc đó sẽ gây những ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống con người. Việc chôn cất đã tồn tại hàng ngàn năm ở quốc gia này, và chắc chắn sẽ được duy trì trong một thời gian tương đối dài nữa. Tuy nhiên, sống chen chúc ở những thành phố lớn đã khiến việc chôn cất trở nên không thể.
Ủy ban điều tra và thống kê dân số Hong Kong cho biết, có 42.200 người Hong Kong qua đời trong năm ngoái, và dự báo con số này sẽ tăng từng năm, bởi dân số khu vực này đang có xu hướng già đi. Dù nhiều năm bị Anh đô hộ, nhưng hệ tư tưởng người Hong Kong vẫn giữ nguyên những đặc tính của Trung Quốc. Sự phát triển mạnh nhờ lực đẩy của phương Tây kết hợp văn hóa truyền thống khiến “nghĩa tử” trở nên nan giải ở nơi đây.
Hỏa táng là phương án đã được nhiều gia đình ở Hong Kong lựa chọn. Thế nhưng các gia đình không thể mang tro cốt thân nhân về nhà, bởi không đảm bảo nhiều mặt. Tìm nơi đặt tro cốt cho thân nhân quá cố bỗng trở thành vấn đề nan giải, không khác mấy việc mua đất để an táng. Các gia đình buộc phải tìm đến những ngôi chùa trong khu vực để gửi cốt người thân, nhưng chúng nhanh chóng quá tải. Những khu nhà đựng tro cốt được chính quyền cấp phép xây dựng, nhưng nó lại mở ra những bất cập mới.
Như một miếng bánh ngon, các nhà đầu tư tư nhân ngay lập tức lao vào đấu thầu để giành quyền mở những nhà chứa cốt. Trong tháng 9 vừa qua, các nhà chức trách Hong Kong đã cấp phép xây dựng nhà chứa tro cốt cho 57 đơn vị, và các công trình đó được xây dựng gần như ngay lập tức mà không ít trong số chúng nằm đan xen với các khu dân cư.
Sự việc gây ra một làn sóng phản ứng mới, bởi không người dân nào thấy thoải mái khi gần nhà mình là nơi yên nghỉ của hàng ngàn người chết. Ngoài ra, vấn đề vệ sinh cũng khiến không ít người quan ngại.
Người đứng đầu cơ quan y tế Hong Kong cho biết: “Chúng tôi đã khuyến cáo các gia đình nên tìm hiểu kỹ về nơi định đặt tro cốt người thân. Chính quyền cũng đang làm hết sức để đưa hoạt động của những cơ sở này vào quy chuẩn. Đồng thời, khu vực dân cư là nơi không được phép tồn tại những công trình như vậy”. Giới chức Y tế đặc khu kinh tế này cũng đã công bố danh sách những nhà đặt tro cốt không đạt tiêu chuẩn có thể bị đóng cửa và một loạt công trình tương tự cần phải sửa chữa để phù hợp với quy định.
Mỗi gia đình cần phải trả 200.000 đô-la Hong Kong (khoảng 25.704 USD) để mua một vị trí đặt tro cốt như vậy. Những hốc rộng, có vị trí đẹp sẽ đắt giá hơn rất nhiều so với mặt bằng chung. Theo tính toán của các nhà chức trách, số tiền dành cho hỏa táng chiếm 5% tổng chi phí mỗi năm. Tuy nhiên, người ta đang cân nhắc việc xây dựng những khu nhà đặt tro cốt cách xa thành phố, hay thậm chí trên một hòn đảo nào đó, bởi những quan ngại tồn tại xung quanh những công trình này.
Theo Bưu điện Việt Nam
 
Top