Đã tìm được thuốc chữa bệnh HIV?

Đã tìm được thuốc chữa bệnh HIV? tin thuoc chua benh hiv, thuoc dieu tri benh hiv do nga vua tim ra , thuốc chữa bệnh hiv, ural nga hiv, nga phat hien thuoc dieu tri hiv, Nuoc Nga co thuoc chua benh hiv,-duoc-thuoc-chua-benh-HIV-​


(PL&XH) - Theo nhiều nguồn thông tin được công bố, mới đây các nhà khoa học Ural (Liên bang Nga) đã có một phát minh quan trọng. Họ đã tìm ra được thuốc chữa đại dịch của thế kỷ, bệnh AIDS.
Nhưng tính chân thực của nguồn thông tin này như thế nào, và thực sự loài người đã tìm ra được "thần dược" quý trị đại bệnh đã theo đuổi toàn nhân loại từ vài chục năm nay hay chưa thì vẫn là một câu hỏi lớn cần giải đáp...



hiv1.gif

Sẽ sản xuất hàng loạt loại thuốc chữa khỏi AIDS​




Theo dự kiến của các nhà khoa học Nga, thì vào năm 2012 họ sẽ tiến hành sản xuất quy mô lớn thuốc trị khỏi HIV. Hiện nay, loại thuốc được cả loài người chờ đợi này, mang tên "Profital" đang ở giai đoạn cuối cùng là thử nghiệm lâm sàng trên người và tỏ ra rất công hiệu. Các nhà khoa học "khiêm tốn" cho rằng, thuốc có khả năng giúp con người phòng tránh được nhiễm HIV kéo dài hàng tháng (theo thông báo trên trang Sbio của Nga) (!?).

Trong quá trình thử nghiệm ban đầu, người ta đã xác định rằng khi dùng thuốc bệnh nhân sẽ tránh được nhiễm virus hàng tháng trời. Để kiểm nghiệm lại những dự đoán của mình, các nhà khoa học đã chọn một nhóm người đã bị nhiễm virus làm suy giảm khả năng miễn dịch và tiến hành điều trị. Dự doán của họ hoàn toàn được khẳng định. Người ta không phát hiện thấy bất cứ một dấu hiệu nào về sự có mặt của virus sau khi điều trị. Giáo sư Serguei Rodionov, đứng đầu nhóm nghiên cứu tuyên bố: Nhóm của ông đã sẵn sàng triển khai việc sản xuất trên quy mô công nghiệp và bán ra trên thị trường dược phẩm quốc tế. Chất chủ đạo của thuốc là "Protein anpha" mà các nhà khoa học đã biết từ lâu. Đó là protein do bào thai sản sinh ra. Nhờ tính chất của mình, nó phong tỏa các phản ứng tự miễn dịch của cơ thể, và tiêu diệt các virus nằm ở bên trong tế bào.

Từ những thành công trong nghiên cứu, các nhà khoa học hy vọng hơn 42 triệu bệnh nhân AIDS trên thế giới sẽ thoát khỏi án tử hình của căn bệnh nan y số 1 của hành tinh, trở lại với cuộc sống bình thường. Như vậy là, việc sản xuất dược phẩm mới này sẽ được tiến hành trong tháng tới tại Novouralsk. Phòng kiểm nghiệm thuốc đã khởi công xây dựng. Hiện nay, có tới 40 chuyên gia nước ngoài đã đến làm việc tại khu vực giới hạn để triển khai việc lắp ráp thiết bị, tổ chức dây chuyền sản xuất. Ngoài ra, giáo sư Rodionov cho biết sẽ tuyển lựa hàng chục sinh viên xuất sắc để đào tạo làm việc trong nhà máy. Quỹ tư nhân Skolkovo sẽ cấp học bổng để họ thực tập ở nước ngoài. Cơ sở sản xuất có diện tích 5.000 mét vuông, áp dụng công nghệ vi mô hiện đại. Mỗi mẻ sản xuất chỉ là 10kg "Profital". Mỗi gam thuốc sẽ bào chế thành 30.000 liều, nếu tính thành tiền là hơn 8 triệu đôla...



07fHinh-anh-phan-tich-cua-mot-virut-HIV.jpg


WHO chưa lên tiếng


Sau khi thông tin này được đăng tải trên mạng vào chiều ngày 2-12/-2011, ngay lập tức nguồn tin này sau đó được nhiều forum, website đăng tải, được lan truyền trên các mạng xã hội. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến đã đặt nghi vấn về độ chính xác của nguồn tin và kết luận rằng thông tin này cần phải kiểm chứng. Anh Hoàng Bình hiện đang làm việc cho dự án của một tổ chức phi chính phủ về can thiệp sức khỏe nam giới nói rằng: "Chỉ những thông tin được công bố chính thức từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới có giá trị, còn tất cả các công bố kiểu này chỉ mang tính tham khảo". Bạn Tuyết Anh trên diễn đàn xã hội dân sự phòng chống AIDS khu vực phía nam cũng nói rằng chưa thấy WHO lên tiếng thì chưa chính xác, thông tin đó chỉ nên dùng để tham khảo. Dù rằng cá nhân bạn sẽ rất vui nếu thuốc chữa bệnh AIDS dành cho số đông thực sự được tìm ra. Bởi vì cách đây 20 năm khi HIV/AIDS vừa được phát hiện, người ta có quan niệm rằng đó là "bệnh tử thần", nhưng sau 20 năm thì người ta phát hiện ra rằng "đây chỉ là bệnh mãn tính mà thôi". Đã có những lúc mà các báo rầm rộ đưa tin trường hợp người đầu tiên chữa khỏi HIV/AIDS, đó là thông tin chính xác. Nhưng WHO không công bố rằng đó là hướng điều trị nên theo, bởi vì đó là một trong những trường hợp rất đặc biệt. Hơn nữa, phác đồ điều trị của họ không áp dụng cho "người bình thường" được. Đó là một cách chữa bệnh rất đắt tiền, đau đớn và tỷ lệ thành công không cao.

Một điều đáng ngại hơn, là sau khi thông tin trên được công bố, ở nhiều diễn đàn đã rải rác có những bạn trẻ kêu gọi hãy thoải mái hơn trong "quan hệ" (ám chỉ việc quan hệ tình dục không cần các biện pháp bảo vệ) vì "không sợ HIV nữa". Phản đối quan điểm đó, bạn Tuyết Anh cho rằng quan hệ tình dục không biện pháp bảo vệ không chỉ đối mặt với nguy cơ nhiễm HIV/AIDS mà còn có thể mắc các bệnh lây qua đường tình dục như viêm gan B, C… "Cho nên là nếu chữa được (HIV) thì đó rất là tốt. Nhưng đối với người có nguy cơ cao hoặc có hành vi tình dục đặc biệt như mại dâm, quan hệ tình dục đồng giới thì tốt nhất vẫn nên sử dụng các biện pháp bảo vệ", bạn Tuyết Anh chia sẻ.

Cả anh Hoàng Bình và chị Tuyết Anh đều cho rằng những thông tin lạc quan về HIV/AIDS khi được đưa kịp thời đến công chúng đều rất tốt và mang lại niềm lạc quan hy vọng cho những người có HIV nhưng phải rất cẩn trọng. Bản thân đang hoạt động trong lĩnh vực tuyên truyền phòng chống HIV, nên anh Vũ Thịnh, hiện đang công tác tại một dự án lớn về HIV cho biết: "Là người trong ngành thì bọn anh biết nhiều thông tin về các nhà khoa học nghiên cứu về thuốc phòng chống, thuốc chữa, điều trị HIV/AIDS và có nhiều đề tài nghiên cứu thành công với một số nhóm nhỏ người tình nguyện. Nhưng không thể mang ra công bố cho số đông được. Kể cả trong trường hợp đã tìm được thuốc chữa thực sự thì phải hiểu rằng nếu thành công ở nước ngoài thì cũng cần thời gian dài mới mang về Việt Nam được. Không phải cứ nước ngoài chữa được là Việt Nam sẽ chữa được ngay". Không chỉ nghi ngờ về nguồn thông tin, nhiều người còn phản đối gay gắt việc cho rằng việc công bố thông tin "vội vàng" sẽ giúp các bệnh nhân HIV/AIDS "lạc quan hơn" mà bỏ bê chữa trị theo những phác đồ hiện tại. Theo họ việc đưa tin khi chưa được kiểm chứng rõ ràng, chưa được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận có thể gây ra những ngộ nhận và hậu quả không đáng có, làm tổn thương sâu sắc đến những người có HIV và ảnh hưởng lớn đến việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng.


Mới chỉ tìm được "chìa khóa" chữa căn bệnh thế kỷ

Cho đến nay nguồn thông tin được công bố chính thức trên trang web của WHO mới chỉ dừng lại ở nỗ lực của một nhóm các nhà khoa học Australia khi họ đã phát hiện ra "chìa khóa" trong việc điều trị "căn bệnh thế kỷ" HIV/AIDS cũng như các chứng bệnh liên quan đến miễn dịch khác, đó là tăng cường khả năng phản hồi của hệ miễn dịch trên cơ thể người. Nhóm các nhà khoa học trên do giáo sư Marc Pellegrini, hiện đang phụ trách Trung tâm Truyền nhiễm và Miễn dịch thuộc Viện nghiên cứu Walter & Eliza Hall ở Melbourne, dẫn đầu đã thành công trong việc chữa trị một hội chứng lây nhiễm giống HIV trên cơ thể chuột với việc tăng cường chức năng của các tế bào sống và hệ miễn dịch. Giáo sư Pellegrini cho rằng kết quả nghiên cứu trên sẽ mang lại một giải pháp tốt hơn dựa vào khả năng phản hồi lâu dài của hệ thống miễn dịch. Ông chỉ rõ các loại virus như HIV và viêm gan B, C lấn át hệ miễn dịch, dẫn đến hình thành bệnh lây nhiễm mạn tính tồn tại lâu và không thể chữa khỏi.

Dù đã có nhiều nỗ lực chữa trị, song virus vẫn không bị tác động nhiều bởi khả năng phản hồi lâu dài của hệ miễn dịch do cơ thể đã bị virus tàn phá và hệ miễn dịch nói chung, tế bào T nói riêng đã không còn khả năng "chiến đấu" chống lại virus. Một số người đã nghĩ ra thuật ngữ "miễn dịch mỏi" để giải thích hiện tượng này. Nghiên cứu trên đã phát hiện cơ chế gây nên tình trạng "miễn dịch mỏi" và cho phép việc kiểm soát các gen gốc để xác định liệu có thể tăng cường khả năng phản hồi của hệ miễn dịch nhằm chống chọi với căn bệnh hay không. Được biết, nhóm nghiên cứu đã tập trung vào Interleukin-7 (IL-7), một kích thích tố tự nhiên đối với hệ miễn dịch. Giáo sư Pellegrini cho biết: "Chúng tôi nhận thấy rằng IL-7 đã tăng cường khả năng phản hồi của hệ miễn dịch một cách rất hoàn hảo. Động vật mắc bệnh có thể tự tiêu diệt virus mà không bị tổn thương quá nhiều về mô". Các cuộc điều tra tiếp theo cho thấy ở mức độ phân tử, IL-7 đã "tắt" một gen được gọi là SOCS-3 và với việc vô hiệu hóa SOCS-3, con chuột có thể duy trì kích thích phản hồi miễn dịch để chống chọi với virus. Thành viên của nhóm nghiên cứu, tiến sỹ Simon Preston cho biết chìa khóa thành công là việc xác định được rằng gen SOCS-3 chỉ có thể bị "tắt" đi khi nó nằm bên trong tế bào T. Nó cho phép các phản ứng miễn dịch gia tăng số lượng tế bào T kháng virus và kích thích miễn dịch vừa đủ để tiêu diệt virus mà không cần kích hoạt cả một bộ máy miễn dịch đồ sộ. Nghiên cứu trên của các nhà khoa học Australia hứa hẹn tìm ra một liệu pháp chữa trị hiệu quả các bệnh lây nhiễm mạn tính như viêm gan B, C, bệnh lao và đặc biệt là "căn bệnh thế kỷ" HIV/AIDS.

Nhiều khả năng những khám phá của các nhà khoa học Ural mới đây cũng chỉ dừng lại ở mức độ "kiềm chế" virut chứ chưa thực sự "kiểm soát" được nó, việc thông tin xác nhận rằng loại thuốc này hoàn toàn có thể chữa được HIV thì vẫn chưa được cộng đồng khoa học trên thế giới kiểm chứng. Nếu cứ căn cứ theo những nguồn tin mà mặc định cho rằng HIV không còn nguy hiểm đối với loài người nữa là một quan điểm rất chủ quan duy ý chí, và điều đó sẽ làm cho mọi người tự hại chính mình. Lịch sử đã chứng minh rằng trải qua nhiều giai đoạn, virut HIV đã có nhiều biến đổi để kháng lại thuốc của con người, vậy nên nếu có tìm được thuốc trị cũng không có nghĩa sẽ loại bỏ hoàn toàn HIV ra khỏi cuộc sống. Quan điểm phòng bệnh hơn chữa bệnh vẫn luôn phải đặt lên hàng đầu nếu loài người không muốn bị HIV "trấn áp".

Hà Phú
 
Sửa lần cuối:
  • Chủ đề
    benh hiv da chua duoc da tim ra thuoc chua hiv nga da san xuat thuoc hiv chua nga phat hien thuoc diet hiv nga thu nghiem thuoc chua hiv thuoc chua benh hiv thuoc chua benh hiv nam 2012
  • Top