Đặc sản Bạc Liêu (P2)

Nếu có dịp đặt chân đến đất Bạc Liêu các bạn sẽ có dịp thưởng thức nhiều món ăn vừa ngon vừa lạ tai lại rất lạ miệng. Ví như lẩu mắm mà ăn với các loại rau đồng như bông súng, rau dừa thì chê vào đâu được. Ăn với cơm gạo trắng, ăn mãi quên no. Rồi đến các món cá lóc kho tộ ăn với dưa bồn bồn, bún nước lèo cá lóc, cá lóc nướng trui rơm, dù không phải là dân nhậu thì sớm muộn gì cũng thành nghiền. Nhiều món như khô cá sặc trộn gỏi xoài xanh và nước mắm đường, gỏi ngó sen với tôm luộc, lẩu dưa chua, tôm khô ăn với dưa kiệu khề khà vài li rượu đế nữa thì quá tuyệt! Còn bữa ăn thường mà có thêm tô canh chua bông so đũa, khô cá khoai hay đĩa cá rô chiên xù ăn với nước mắm gừng nữa thì quá đã!

Bạc Liêu còn có các loại nghêu sò, ốc, hến bày bán rất nhiều, dường như quanh năm lúc nào cũng có, từ loại còn tươi roi rói ở bến ghe, bến chợ cho đến món nhậu còn đang bốc hơi ở hàng quán. Ngon nhất là món sò huyết, cua gạch son luộc với muối tiêu chanh, ốc lác luộc với cơm mẻ sả ớt hay với nước mắm gừng, ốc len hầm sả…

Còn nói đến trái cây thì nhãn là đặc sản nổi tiếng nhất. Nhãn Bạc Liêu thật ra được trồng ở Vĩnh Châu, Vĩnh Lợi, trái nhỏ, có màu da vàng sẫm như da bò nên thường gọi là nhãn da bò. Nhãn Bạc Liêu cơm dày, mỏng vỏ, thơm tho, vị ngọt đậm đà, thanh mát, được mô tả qua câu ca:
Nhãn Vĩnh Châu cơm dày, mỏng vỏ
Mía Trà Nho ngọt gắt đâu bằng

Nếu có dịp nào các bạn đi du lịch về phương Nam, đến vùng đất Mũi, nhớ ghé lại Bạc Liêu để thăm danh lam thắng cảnh và thưởng thức các món ngon vật lạ ở đây, chắc chắn các bạn sẽ có nhiều kỷ niệm và nhiều ấn tượng khó quên.

Cốn xại, xá bấu: Đặc sản truyền thống của người Hoa ở Bạc Liêu

datmientay_dmt_211.jpg

Không biết món cốn xại, xá bấu có tự khi nào, nhưng người Hoa ở Bạc Liêu sử dụng cốn xại (cải muối), xá bấu (củ cải muối) trong bữa ăn hàng ngày. Đây được coi là món ăn đặc sản mang đậm tính truyền thống của người Hoa.

Muốn làm cốn xại ngon, thì cải làm cốn xại (cải tùa xại dùng để làm dưa cải) phải thật tươi non. Đầu tiên, cải được cắt thành miếng nhỏ hoặc để nguyên bắp, rồi đem phơi cho đến héo, nếu không khi làm cải dễ bị hư, đây được coi là khâu quan trọng nhất. Cải sau khi phơi xong, sẽ đem trộn với muối hột, đường, rượu và nhất định không thể thiếu củ riềng để tạo mùi. Cốn xại tính từ khi muối, đến khi ăn được cũng mất hai tuần.

Đối với xá bấu thì cách làm đơn giản hơn. Xá bấu mua về chỉ cần rửa sạch, xắt từng cọng nhỏ phơi khô. Lúc muối, chuẩn bị các thứ gia vị như: đường, bột ngũ vị hương, rượu rồi trộn đều với nhau. Khi nào thấy đường tan, thấm hết vào cọng xá bấu là ăn được. Món này ăn với cháo trắng thì thật tuyệt vời. Có người nói: "Đã là người Hoa thì phải biết ăn cháo trắng với xá bấu".

Cốn xại từ khi làm đến lúc ăn được khôngdưới hai tuần, nhưng đối với cốn xại dùng để làm gỏi thì chỉ cần vài ngày. Khi làm món này, người ta lấy cốn xại trộn với củ kiệu, thịt luộc thái mỏng, tôm đồng luộc lột vỏ hoặc tôm khô và chấm nước mắm chua. Với món ăn này, người ăn sẽ cảm nhận được cái vị cay cay của cải mới, cái ngọt, béo của thịt, tôm, cộng thêm mùi thơm của lạc rang được trộn vào và cái vị hăng hăng của củ riềng, làm cho món gỏi cốn xại mang một hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu được. Rồi để góp phần làm phong phú thêm cái hương vị của mấy ngày Tết, cốn xại còn được ăn kèm với nhiều món khác như: bánh tét chiên, bánh phồng tôm, cá khô, thịt khô... Đây thật sự trở thành món ăn khoái khẩu của nhiều người.

Trải qua quá trình cộng cư lâu dài, sự kết hợp chế biến từ các món ăn của các dân tộc anh em trên vùng đất Bạc Liêu không chỉ thể hiện sự gắn bó keo sơn, nghĩa tình trong cuộc sống, mà còn góp phần bổ sung, làm phong phú thêm văn hoá ẩm thực của địa phương. Ở một góc độ khác, những món ăn tưởng chừng bình dị này, lại được nâng lên thành một thứ văn hoá, mà người ta có thể tìm thấy được qua nghệ thuật ẩm thực.

Bánh củ cải


image047.jpg

Ghé chợ Bạc Liêu để thưởng thức thêm một đặc sản nữa đó là bánh củ cải. Bánh có nguồn gốc của người Hoa. Bánh được làm bằng bột mì trắng pha với ít bột củ cải trắng nghiền nhuyễn, cán mỏng ra như bánh ướt. Trong là nhân bánh gồm tôm khô nhỏ hoặc tép bạc đất lột vỏ, đâm dập vừa phải, cùng ít thịt nạc bằm với vài hạt đậu xanh hột hấp. Tất cả được xào chín, nêm nếm vừa ăn. Bánh củ cải ăn kèm với rau thơm, diếp cá, húng lủi, húng cây, quế và ít xà lách. Không thể thiếu phần nước chấm: pha nước mắm, chanh, đường, tỏi, ớt cho vừa ăn.


Bún Bò cay

image049.jpg

Cách đây chừng chục năm, Bạc Liêu đã làm “nóng” thị trường ẩm thực Đồng bằng sông Cửu Long với loại cây hoang dã là bồn bồn khi được chế biến thành một vài món ăn lạ mà ngon miệng, đáp ứng khẩu vị của những người “sành ăn”...

Chính vì vậy mà ẩm thực Bạc Liêu có tính đặc thù riêng biệt: dân dã, mộc mạc, đã thưởng thức một lần, khó lòng quên. Nhưng có một món mà đến Bạc Liêu bạn không thể không thưởng thức đó là bún bò cay. Và đúng như tên gọi của món ăn, tô bún này được nấu với rất nhiều ớt tươi, khiến màu đỏ của nước bún là nguyên chất chứ không cần phẩm màu. Cạnh bên đó là một đĩa quế tươi xanh, cùng một đĩa muối hột đâm ớt đỏ thích mắt có kèm một lát chanh. Vắt chanh vào tô bún, nhặt rau quế (vừa phải, nhiều hoặc ít quá sẽ làm mất hương vị tô bún) cho vào, dùng đũa trộn đều. Gắp một miếng thịt chấm muối ớt cho vào miệng, hoặc nạc hoặc nạm hoặc gàu, gân, thứ nào cũng cho bạn hương vị đặc trưng ngon của thứ ấy. Ăn xong, bạn sẽ thỏa mãn trong vị cay đến chảy nước mắt, rồi đến cái giòn, dai, bùi béo của thịt bò và vị chua kích thích dịch vị của chanh. Nhưng "đã đời" nhất là sau một đêm say, ăn xong tô bún, vị cay và sức nóng của nó làm các lỗ chân lông toát đầy mồ hôi, sảng khoái cả người.

Phải nói bún bò cay là đặc sản có một không hai, chẳng những của Bạc Liêu, mà có thể là của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Dù vậy, có lẽ bún bò cay được chế biến chẳng lấy gì làm công phu, cầu kỳ. Chỉ là thịt bò nấu với sa tế mà thôi, nhưng bún bò cay ngon nhờ không dùng nhiều mỡ và đặc biệt được pha chế theo một công thức bí truyền. Vì thế, đến Bạc Liêu mà không ăn bún bò cay là xem như chưa “biết” Bạc Liêu vậy!
 
Top