Dàn ‎ý chi tiết tiếng sáo trong Vợ chồng A Phủ chi tiết đầy đủ lớp 12

Chi tiết là một yếu tố quan trọng trong tác phẩm văn học. Bởi vậy, khi đến với các đề nghị luận văn học về tác phẩm, ta không chỉ gặp các đề văn yêu cầu phân tích tác phẩm, các giá trị trong văn bản, nhân vật… mà còn có phân tích và cảm nhận về chi tiết trong bài. Vậy phân tích chi tiết có gì khó và khác so với các đề văn khác không? Câu trả lời là có. Mỗi tác phẩm đều sẽ có những chi tiết đắt giá làm nên cái hồn của tác phẩm, chúng mang nặng giá trị tư tưởng và nghệ thuật. Bởi vậy, để có thể phân tích tốt, ta không chỉ cần nắm chắc nội dung tác phẩm mà còn phải biết đặt chi tiết vào trong mối tương quan tổng thể với tác phẩm. Dưới đây là phần dàn ý chi tiết phân tích tiếng sáo trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài - một chi tiết quan trọng mà ta không thể nào bỏ qua khi đến với văn bản này. Hi vọng rằng phần dàn ý dưới đây sẽ giúp ích cho các bạn khi gặp đề văn yêu cầu phân tích chi tiết tiếng sáo trong “Vợ chồng A Phủ”, đồng thời cũng giúp các bạn có cái nhìn khái quát, tổng thể về cách làm bài văn phân tích chi tiết văn học.

tieng-sao-trong-vo-chong-a-phu(1).jpg

DÀN Ý PHÂN TÍCH CHI TIẾT TIẾNG SÁO TRONG VỢ CHỒNG A PHỦ
I, MỞ BÀI
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm và chi tiết tiếng sáo đề bài yêu cầu.
Ví dụ
Mở bài số 1: “Chi tiết làm nên bụi vàng của tác phẩm”, Pauxtopxki đã từng nói thế. Quả thực vậy, một chi tiết có thể làm sáng lên tác phẩm của người nghệ sĩ. Nếu nói kết tinh nghệ thuật của tác giả là con đường đưa ta đến chân trời thiện mỹ thì chi tiết trong tác phẩm lại chính là những ngọn đèn soi sáng, là mũi tên chỉ đường. Những chi tiết ấy góp phần làm sâu sắc hơn bức thông điệp mà nhà văn muốn gửi gắm tới bạn đọc. Đến với tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài, ta sẽ bắt gặp chi tiết tiếng sáo trở đi trở lại trong cuộc đời nhân vật Mị, đem đến những tác động mạnh đến tâm hồn và suy nghĩ của nhân vật.
Mở bài số 2: “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài là một tác phẩm xuất sắc viết về người lao động miền núi. Trong truyện có rất nhiều những chi tiết đặc sắc và độc đáo góp phần làm bật lên được cuộc đời của nhân vật Mị, tô đậm thêm cho bức tranh miền núi Tây Bắc với bạn đọc. Ở đó, chi tiết tiếng sáo có lẽ là mang nặng giá trị nhất, bởi nó không chỉ đơn giản thể hiện một nét truyền thống của người dân tộc mà còn góp phần quan trọng trong việc thể hiện vẻ đẹp, con người nhân vật.

II, THÂN BÀI
1, Giải thích
- Chi tiết là gì? => Chi tiết có thể là một hành động, một sự kiện, một hành động trong truyện. Nó không chỉ đơn giản là yếu tố cấu thành nên một tác phẩm mà còn mang sức chứa lớn về nội dung và tư tưởng. Ta từng bắt gặp hương cháo hành đã làm Chí dậy sóng, ánh sáng của đoàn tàu rực sáng khi lướt qua phố huyện ảm đạm nơi chị em Liên sống, mang kí ức của một Hà Nội phồn hoa của hai chị em… Có đôi khi, chỉ một chi tiết nhỏ cũng đủ để tôn thêm sâu sắc hơn cái hồn của tác phẩm văn học.
- Giới thiệu khái quát về tác phẩm và chi tiết:
+ “Vợ chồng A Phủ” là thành quả của chuyến đi dài ngày của Tô Hoài cùng với bộ đội lên vùng cao Tây Bắc. Tại đây, trải qua những năm tháng cùng người dân miền núi, vùng đất ấy đã “để thương để nhớ” trong lòng người nghệ sĩ nhiều quá, chính niềm thương nhớ khôn nguôi ấy đã thôi thúc ông viết nên tác phẩm.
+ Câu chuyện kể về Mị - một cô gái người Mèo xinh đẹp và trẻ trung. Những tưởng cô sẽ có một cuộc sống hạnh phúc, một cuộc đời tươi đẹp, ấy nhưng không. Gia đình Mị mang trên vai món nợ khổng lồ từ thời bố mẹ Mị còn trẻ, vì để cưới được nhau mà phải vay thống lí Pá Tra. Món nợ ấy qua từng năm lại lớn thêm, lãi mẹ đẻ lãi con, đến đời Mị, thống lí nói sẽ trừ hết nợ nếu để Mị gả cho A Sử - con trai thống lí. Nghe thì có vẻ tốt, ấy nhưng đây là một cuộc hôn nhân ép buộc, một cuộc hôn nhân không tình yêu.
+ Trờ thành con dâu gạt nợ, bị công việc quấn thân, vội vã với những đày ải của nhà thống lí. Mang tiếng là con dâu ấy nhưng cuộc sống của Mị không khác gì con ở, bị đối xử bất công. Dần dần, chính bản thân Mị cũng bị cuộc sống ấy làm cho tê liệt cảm xúc. Những tưởng Mị sẽ cứ mãi như thế mà ở đến hết cuộc đời, nhưng vào đêm tình mùa xuân, sức sống của người con gái ấy thức tỉnh, tất cả chính là nhờ có âm thanh tiếng sáo ngoài kia.
2, Phân tích chứng minh
- Tiếng sáo không phải đến tận đêm tình mùa xuân mới xuất hiện. Nó trở đi trở lại trong những trang đời của Mị, từ khi Mị còn là một cô gái tự do, cho đến khi trở thành con dâu gạt nợ. Âm thanh tiếng sáo cứ văng vẳng bên tai như một lời mời gọi, dần dắt Mị tìm đến với tự do của riêng mình. Nhưng chỉ đến đêm tình mùa xuân, âm thanh tiếng sáo ấy mới thực sự khiến sức sống trong Mị bùng lên một cách mạnh mẽ.
* Tiếng sáo đánh thức cảm xúc
- “Ngoài đầu núi, đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi. Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bồi hồi.”: Âm thanh tiếng sáo hiện hữu trong tâm trí Mị, khiến người con gái ấy thấy thiết tha, thấy bồi hồi, đôi môi mấp máy nhẩm thầm theo lời bài hát. Âm thanh quen thuộc của quá khứ khiến Mị tự nhiên mà cất lên tiếng nói. => Tiếng sáo ấy là tiếng gọi của mùa xuân, đã đánh thức cảm xúc thẳm sâu trong tâm hồn Mị đang sống kiếp con dâu gạt nợ.
- “Lòng Mị đang sống về ngày trước, tai văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng”: Tiếng sáo gọi bạn đầu làng đưa Mị trở về với những kí ức của mình, quay trở lại làm một cô gái người Mèo nơi vùng núi Tây Bắc, xinh đẹp, tài hoa, “thổi sáo giỏi”. Kỉ niệm những đêm mùa xuân ngồi bên bếp uống rượu và thổi sáo, “Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo.” Và người con gái toàn sắc toàn tài ấy thổi hay đến mức “có biết bao nhiêu người mê, cứ ngày đêm thổi sáo đi theo hết núi này sang núi khác” => Lúc này đây, tiếng sáo trở thành tiếng vang kí ức đánh thức những kỉ niệm thẳm sâu trong lòng Mị.
- “Tiếng sáo lửng lơ ngoài đường” đưa Mị trở lại hiện tại, nơi căn phòng với ô cửa sổ lỗ vuông nhỏ bằng bàn tay mờ mờ trăng trắng. Lúc này đây, Mị “thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui như những đêm Tết ngày trước”, cảm thấy rằng mình còn trẻ và muốn đi chơi. Rằng bao nhiêu người có chồng rồi vẫn đi chơi đấy, trong khi Mị và A Sử nào có lòng với nhau đâu => Giờ đây, tiếng sáo là tiếng gọi của tình yêu, của giai điệu bản tình ca mùa xuân, đưa Mị trở lại là chính mình.
=> Âm thanh tiếng sáo được miêu tả từ xa đến gần, là thanh âm của ngoại cảnh, mở ra khung cảnh mùa xuân Tây Bắc bàng bạc chất thơ, chính là điểm tựa để Tô Hoài khơi gợi những dòng cảm xúc, tâm lí của Mị.
* Tiếng sáo thúc giục hành động
- Tiếng sáo vẫn cứ văng vẳng bên tai, “rập rờn trong đầu Mị”, dẫn đến hành động nổi loạn của người con gái trẻ ấy: đến góc nhà, “lấy ống mỡ, xắn một miếng, bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng”. Lúc này, Mị đã có ý thức và hành động xua đi bóng tối, hướng tới thắp lên ánh sáng. Hành động ấy không chỉ là có ý định xua đi cái tối trong phòng mà còn là xua đi cái tối đang bủa vây lấy cuộc đời Mị, lấy tâm hồn Mị bao lâu nay.
- Rồi Mị sửa soạn đi chơi, quấn lại tóc, với tay lấy cái váy hoa ở phía trong vách, trở thành một cô gái xinh đẹp ngày nào. Tiếng sáo đã dẫn dắt bước chân Mị, đưa Mị bước ra khỏi căn phòng chật hẹp, đưa Mị đến gần hơn với ánh sáng, với hạnh phúc.
* Tiếng sáo giải thoát tâm hồn Mị
- Đúng lúc Mị chuẩn bị đi chơi thì bị A Sử nhìn thấy là lấy dây trói lại vào cột nhà, quấn luôn cả tóc lên cột, khiến đầu Mị không quay không nghiêng được. Ấy nhưng Mị không biết mình đang bị trói, vẫn thả hồn theo tiếng sáo ngoài kia, đi theo những cuộc chơi, phiêu du theo âm thanh của những bản tình ca tha thiết. Nhờ tiếng sáo, Mị thoát khỏi nghịch cảnh của hiện tại, thậm chí không ý thức được rằng mình đang bị trói.
=> Chính tiếng sáo trở thành tiếng gọi của tự do, giải phóng tâm hồn của Mị.
- Khi tiếng sáo lịm tắt, ô cửa gắn tâm hồn Mị với mùa xuân, với tình yêu cũng đóng lại. Mị cảm nhận được cái siết chặt của những vòng dây trói trên người mình. Nhưng đó không chỉ là sợi dây trói thân thể Mị mà còn là sợi dây giam giữ tâm hồn Mị.
3, Đánh giá
- Tiếng sáo đã trở thành điểm tựa nâng đỡ tâm hồn Mị, giải thoát sức sống mãnh liệt đã bị kìm hãm bấy lâu nay trong Mị, để rồi đến đêm đông cởi trói cho A Phủ, sức sống ấy bùng lên thật mạnh mẽ.
- Chi tiết nghệ thuật độc đáo ấy không chỉ nêu bật được nét văn hóa đặc trưng của vùng núi Tây Bắc, nét truyền thống đẹp của người dân tộc Mèo mà còn giúp nhà văn từ đó dễ dàng miêu tả được tâm lí nhân vật một cách logic, sống động và hấp dẫn.
- Đồng thời giúp nhà văn dễ dàng thể hiện được tình cảm của mình với nhân vật, góp phần tô đậm thêm giá trị nhân đạo cũng như giá trị hiện thực của tác phẩm.

III, KẾT BÀI
- Khái quát lại giá trị chi tiết với tác phẩm và tác giả, có thể đưa thêm lí luận để bài viết sâu sắc hơn.
Ví dụ: Tác phẩm khép lại nhưng âm thanh tiếng sáo ấy vẫn cứ vang vẳng mãi trong tâm trí ta. Để rồi mỗi lần lắng nghe và nhớ lại, bất giác trong ta hiện lên hình ảnh một người con gái xinh đẹp với cuộc đời gian truân mà cũng thật kiên cường, hiện lên một bức tranh Tây Bắc thơ mộng đầy chất thơ.
 
  • Chủ đề
    dan y tiếng sáo vợ chồng a phủ
  • Top