Dàn ‎ý màu sắc Tây Bắc trong Vợ chồng A Phủ chi tiết đầy đủ nhất

“Vợ chồng A Phủ” là truyện ngắn viết về con người vùng núi Tây Bắc của Tô Hoài. Bởi vậy truyện mang đậm dấu ấn đặc trưng, màu sắc riêng biệt của vùng đất Tây Bắc. Đây là một đặc điểm độc đáo trong tác phẩm của Tô Hoài - nhà văn của phong tục. Chính vì thế, đề văn phân tích màu sắc Tây Bắc trong “Vợ chồng A Phủ” cũng là một trong số những đề văn trọng tâm cần được chú ý. Vậy phải làm như thế nào với đề văn này? Dưới đây chúng tôi đã dẫn ra một dàn ý chi tiết từ mở bài đến các ý trong thân bài, kết bài hướng dẫn cụ thể cho đề bài phân tích màu sắc Tây Bắc. Hi vọng rằng với dàn ý này, từ đó các bạn có thể viết bài văn thật hay, có màu sắc, dấu ấn cá nhân riêng, đạt điểm cao.

mau-sac-tay-bac.jpg

DÀN Ý MÀU SẮC TÂY BẮC TRONG VỢ CHỒNG A PHỦ
I, MỞ BÀI
- Dẫn dắt giới thiệu đến tác giả, tác phẩm và vấn đề mà đề bài yêu cầu: Màu sắc Tây Bắc trong “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài.
Ví dụ:
Mở bài số 1: Tây Bắc là vùng đất đã sản sinh ra vô số những tác phẩm văn học. Nơi đây đã để lại trong lòng người nghệ sĩ những cảm xúc khác nhau, và chính vùng đất này đã “để thương để nhớ” trong lòng Tô Hoài nhiều quá, khiến ông không thể nào không cầm bút lên mà viết được. “Vợ chồng A Phủ” là một trong số những tác phẩm của ông mang đậm dấu ấn đặc trưng của vùng đất nơi đây, những trang văn đậm chất Tây Bắc, đậm màu sắc Tây Bắc đã để lại trong lòng ta những rung động rất riêng, rất đặc biệt.
Mở bài số 2: “Niềm vui của nhà văn chân chính là được làm người dẫn đường đến xứ sở của cái đẹp” (M.Gorki) Người nghệ sĩ mang trên mình sứ mệnh văn chương cao cả, thông qua ngôn từ và ngòi bút của mình, dẫn dắt bạn đọc đến gần hơn với những cái đẹp của đời sống trong tác phẩm. Tô Hoài đã làm được điều đó. Đến với “Vợ chồng A Phủ”, ông đã đưa ta đến với một vùng núi Tây Bắc với thiên nhiên thơ mộng, với những con người tốt đẹp, cuộc sống vùng núi cùng những phong tục khác lạ. Đó là màu sắc Tây Bắc độc đáo mà ông đã thành công đưa vào trong tác phẩm của mình.

II, THÂN BÀI
1, Giải thích
- Màu sắc Tây Bắc là gì? => Đây là nét đặc trưng của một vùng đất, có thể là thiên nhiên, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa… tất cả làm nên một nét riêng biệt khiến ta không thể nào lẫn được vùng đất ấy với những nơi khác được.
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm: Tác phẩm là kết quả của chuyến đi thực tế dài ngày tại Tây Bắc của Tô Hoài cùng bộ đội. Ở đây, nhận được sự đón tiếp, tình cảm ấm nồng từ những người dân, sau khi trở lại đồng bằng, tình thương nhớ vùng đất ấy khiến ông phải ngay lập tức cầm bút, viết nên tác phẩm về những con người nơi đây, về một cô gái xinh đẹp người Mèo, một chàng trai khỏe khoắn yêu đời...
2, Phân tích chứng minh
a, Cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp thơ mộng rất đặc trưng của vùng núi Tây Bắc
Bức tranh thiên nhiên mùa xuân Tây Bắc hiện lên thông qua những khung cảnh quen thuộc, đậm chất vùng núi thơ mộng, trữ tình:
+ Cỏ gianh vàng ửng
+ Váy hoa được phơi ra mỏm đá, “xòe như con bướm sặc sỡ”
+ Hoa thuốc phiện nở “trắng lại nở màu đỏ au, đỏ thẫm rồi nở màu tím man mát”
=> Chỉ bằng vài nét vẽ giản đơn qua những chi tiết đặc trưng, Tô Hoài đã gợi ra trước mắt bạn đọc một khung cảnh thiên nhiên Tây Bắc thơ mộng, trữ tình mà cũng không kém phần hoang sơ, tươi đẹp.
b, Hương vị Tây Bắc còn thể hiện qua những phong tục tập quán lâu đời
=> Đây là dấu ấn riêng khiến Tô Hoài không bị lẫn vào với những nhà văn khác. Ông được mệnh danh là nhà văn của phong tục, mà phong tục chính là đặc trưng văn hóa của một vùng miền, dân tộc, là niềm tự hào của một cộng động người đã gắn bó trường kì lịch sử. Chính bởi vậy, qua đó ta sẽ hiểu hơn về con người nơi ấy, người đọc sẽ có thêm nhiều thông tin hơn, khiến câu chuyện càng thêm sống động chân thực. Nhờ những năm tháng thâm nhập cuộc sống vùng cao, nhà văn đã biến “Vợ chồng A Phủ” thành một bức tranh toàn cảnh toàn diện về phong tục Tây Bắc.
* Tục cho vay nặng lãi: Người dân miền núi có tục lệ mời làng, như bố mẹ Mị, muốn lấy nhau phải làm cơm mời cả làng thì mới được phép lấy nhau. Nhưng nghèo thì làm gì có tiền. Bởi vậy, họ phải vay người giàu trong làng, ở đây là thống lí Pá Tra. Món tiền ấy, qua năm tháng đẻ lãi, lãi mẹ đẻ lãi con, trở thành món nợ khổng lồ. Ngay cả khi mẹ Mị chết đi, bố Mị già rồi, món nợ ấy vẫn chưa trả hết được lãi. Lãi mỗi năm là một nương ngô, một khoản tiền lãi khổng lồ ấy biết trả bao nhiêu cho hết? Cả A Phủ cũng vậy, khi đánh A Sử, sau vụ xử kiện, A Phủ bị phạt vạ làng, không có tiền, nên phải vay 100 đồng bạc trắng từ chỗ thống lí Pá Tra.
* Tục cưới vợ trình ma: Đây là một tục lệ của người dân miền núi. Khi lấy vợ về, cúng trình ma thì nghĩa là đã công nhận người đó trở thành một thành viên trong gia đình, cho đến lúc chết vẫn là người của căn nhà ấy. Nhưng chính tục cưới trình ma cũng đã đọa đày không biết bao nhiêu người phụ nữ, trong đó có Mị. Mị và A Sử vốn chẳng có lòng với nhau, cúng trình ma rồi nên Mị chẳng thể chạy đi đâu được nữa.
* Tục xử kiện, phạt vạ, trình ma người vay nợ: Việc cho vay nặng lãi, cúng trình ma người vay nợ khiến người vay chẳng thể trốn được, họ cứ thế phải chịu món nợ với số lãi khổng lồ, ngày càng nhân lên lớn dần. Đó là bố mẹ Mị, là A Phủ. Họ cả đời, cho đến lúc mẹ Mị mất rồi, bố Mị già yếu, phần lãi vẫn chưa được trả xong. Chính cái lệ làng mời ăn khiến họ khốn đốn, cưới cũng phải mời, sai cũng phải mời.
* Đêm tình mùa xuân ngày Tết: Đây là những ngày vui nhất trong năm của người dân miền núi.
- Các nương ngô, nương lúa đã gặt xong chất đầy kho. “Trẻ em đi hái bí đỏ, tinh nghịch, đốt những lều quanh nương để sưởi lửa”; những chiếc váy được phơi lên mỏm đá, đám trẻ chơi quay, cười ầm cả lên, không khí rộn ràng vui tươi.
- Đêm tình mùa xuân, người ta ăn cơm, uống rượu bên bếp lửa. Chiêng đánh ầm ĩ, người nhảy xung quanh. Trai gái rủ nhau đi chợ tình, chơi ném pao, thổi sáo. Những cặp tình nhân tìm đến với nhau…
c, Vẻ đẹp con người
* Vẻ đẹp của người lao động chăm chỉ: Mỗi năm nhà Mị đều phải trả cho nhà thống lí một nương ngô. Con số ấy không phải là ít, vậy mà Mị từng có ý định kiên quyết xin cha muốn làm việc trả nợ cho gia đình.Công việc liên tục ập đến với Mị, khiến Mị làm không ngơi tay. Ấy vậy nhưng chưa một lần chậm trễ. Vòng thời gian cứ quay, Mị vẫn cứ liên tục làm việc, hết ngày ngày qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác. A Phủ cũng vậy, có sức khỏe, làm việc không ngơi nghỉ, nhà ai cũng phải khen.
* Vẻ xinh đẹp, giỏi giang, tài năng: Một cô gái có nhan sắc, có tài năng. Có tài thổi lá hay như thổi sáo. “Có biết bao nhiêu người mê, cứ ngày đêm thổi sáo đi theo Mị hết núi này sang núi khác.” Người con gái dân tộc Mèo ấy xinh đẹp và tài năng đến mức “trai đứng nhẵn cả chân vách đầu buồng”.
* Ngay thẳng, chính trực: A Phủ đã trực tiếp đánh A Sử bị thương nặng vì hắn chơi xấu trong đêm hội. Chẳng hề ngần ngại hay sợ hãi khi đó là con quan, ngay cả khi bị bắt lại, A Phủ cũng không hề tỏ ra sự sợ hãi van xin nào cả.
* Sức sống mãnh liệt, yêu tự do:
- Nhân vật Mị:
+ Khi biết tin mình sẽ thành con dâu gạt nợ, Mị đã xin cha đừng bán mình đi.
+ Những ngày đầu làm dâu, phải mấy tháng liền, đêm nào Mị cũng khóc. Thậm chí Mị còn từng nghĩ đến cái chết để giải thoát cho mình.
+ Đêm tình mùa xuân: Xuân về Tết đến, khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, người người rộn ràng niềm vui, tiếng sáo gọi bạn bên ngoài du dương khiến hồn Mị phiêu du theo từng điệu hát. Mị thấy bồi hồi nơi lồng ngực, đôi môi nhẩm thầm theo lời bài hát, những kí ức tươi đẹp ngày xưa ùa về. Mị nhận ra, mình còn trẻ, mình muốn đi chơi. Và chính tiếng sáo, mong muốn đưa Mị đến gần hơn với hành động. Thúc giục Mị đứng lên lấy váy, quấn tóc. Ngay cả khi bị A Sử trói đứng, Mị cũng chẳng hề hay biết. Sức sống mãnh liệt bùng lên mạnh mẽ, dẫu rằng sau đó bị hiện thực đau đớn dập tắt nhưng rồi đến đêm đông khi cởi trói cho A Phủ, nó lại một lần nữa xuất hiện, khiến Mị thực sự bỏ chạy, trốn thoát khỏi cái chốn đã làm Mị khổ bấy lâu nay.
- Nhân vật A Phủ: Ngày còn bé, bị bán đi, cậu bé A Phủ đã tìm cách bỏ trốn. Lớn lên, đánh A Sử bị thương nặng, bị phạt vạ phải vay tiền nhà thống lí, bị bọn chúng đày đọa, trong đêm đông lạnh giá, A Phủ đã khóc. Giọt nước mắt ấy không phải là sự yếu mềm mà là sự bất lực, sự mong muốn được giải thoát để được đến gần hơn với tự do. Ngay khi vừa được Mị cắt dây trói, A Phủ đã không hề chần chờ mà vụt chạy đi ngay. Lòng khao khát sống đã thôi thúc đôi chân của chàng trai ấy bước thật nhanh, thật gấp gáp.
3, Đánh giá khái quát
- Đây là nét đặc sắc riêng của nhà văn Tô Hoài, tô đậm thêm dấu ấn phong cách của nhà văn.
- Màu sắc Tây Bắc khiến câu chuyện thêm phần hấp dẫn, tạo được vị trí vững vàng của tác phẩm trong vườn hoa văn học.
- Đây chính là cái tài của nhà văn Tô Hoài khi có thể miêu tả và gợi ra không khí Tây Bắc chỉ qua những chi tiết trong tác phẩm của mình.

III, KẾT BÀI
- Khẳng định lại giá trị tác phẩm, tài năng tác giả và nâng vấn đề lên.
Ví dụ: Chính sắc màu Tây Bắc ấy đã để lại cho những trang văn của Tô Hoài một dấu ấn riêng đậm nét, chẳng thể lẫn vào đâu được. Để rồi mỗi lần nhắc đến tiếng sáo gọi bạn, nhắc đến 4 chữ “Vợ chồng A Phủ” là trong đầu ta lại bất chợt hiện lên hình ảnh một Tây Bắc thơ mộng nhưng cũng lắm điều đớn đau.
 
  • Chủ đề
    dan y màu sắc tây bắc vợ chồng a phủ
  • Top