Dàn ‎ý Tính dân tộc trong Việt Bắc – biểu hiện của tính dân tộc trong Việt Bắc chi tiết đầy đủ

“Việt Bắc” là một bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu trong số các tác phẩm của ông. Tác phẩm này được trích đoạn đưa vào trong chương trình Ngữ văn lớp 12. Xung quanh tác phẩm có rất nhiều các vấn đề văn học, các đề nghị luận văn học mà chúng ta cần phải làm và có thể gặp trong các bài kiểm tra, các đề thi. Một trong số đó, đề yêu cầu phân tích tính dân tộc và biểu hiện của tính dân tộc trong đoạn trích là một đề đặc trưng và khá quen thuộc với các bạn học sinh. Vậy phải làm đề này thế nào? Dưới đây đã được dẫn ra một dàn ý cụ thể phân tích tính dân tộc trong đoạn trích “Việt Bắc” của nhà thơ Tố Hữu. Hi vọng rằng nó sẽ giúp ích được cho các bạn trong quá trình học tập của mình.

tinh-dan-toc-tay-bac-dan-y.jpg

DÀN Ý TÍNH DÂN TỘC VÀ BIỂU HIỆN TRONG BÀI THƠ VIỆT BẮC
I, MỞ BÀI
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề cần nghị luận: Tính dân tộc trong bài thơ “Việt Bắc”.
Ví dụ:
Mở bài số 1: Tố Hữu là một trong những nhà thơ có đóng góp to lớn với nền thơ ca Cách mạng Việt Nam. Khác với những nhà thơ khác, thơ Tố Hữu luôn đặc biệt bởi giọng điệu như thủ thỉ, như tâm tình. “Việt Bắc” cũng là một bài thơ như thế, đoạn trích tác phẩm đã dẫn ta đến gần hơn với nghĩa tình Cách mạng, ánh sáng của Đảng nhưng lại chẳng hề khô khan khó hiểu. Bởi trong thơ Tố Hữu luôn đậm đà tính dân tộc, những bản sắc, nét quen thuộc nhất của dân tộc ta.
Mở bài số 2: “Thơ hay là thơ giản dị, xúc động và ám ảnh” (Trần Đăng Khoa) Những vẫn thơ bình dị gần gũi luôn dễ dàng bước vào trong trái tim người đọc. Thơ Tố Hữu là những dòng thơ như thế, chứa chan cảm xúc, dễ hiểu dễ thấm nhuần. Có lẽ là bởi những vần thơ của ông luôn đậm đà tính dân tộc, những trang thơ luôn thân thuộc, mang những điều bình dị nhất. Đến với đoạn trích “Việt Bắc”, ta sẽ nhận ra được tính dân tộc đậm đà ấy trong từng câu chữ.

II, THÂN BÀI
1, Giải thích
- Tính dân tộc là gì? => Đây là một khái niệm thuộc phạm trù tư tưởng - thẩm mĩ, thể hiện mối quan hệ giữa văn học và tinh thần dân tộc qua những tổng thể độc đáo, tương đối. Và đồng thời cũng là yếu tố để phân biệt văn học dân tộc này với văn học dân tộc khác. Tính dân tộc thể hiện xuyên suốt cả nội dung và nghệ thuật.
- Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm: Đoạn trích được rút ra từ tập thơ “Việt Bắc” - tập thơ đỉnh cao trong nghệ thuật thơ của Tố Hữu, là thành tựu thơ ca Việt Nam. Tháng 05 năm 1954, chúng ta kết thúc thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ. Đến tháng 07 cùng năm, Hiệp định Giơ - ne - vơ được kí kết, miền Bắc giải phóng. Tháng 10 năm 1954, cơ quan của Đảng và Chính phủ rời từ Việt Bắc về Hà Nội. Nhân sự kiện lịch sử này, Tố Hữu đã viết nên bài thơ “Việt Bắc”.
2, Phân tích, chứng minh
* Tính dân tộc biểu hiện qua nội dung bài thơ
- 8 câu thơ đầu: Đoạn thơ là tâm trạng lưu luyến bịn rịn của người đi kẻ ở trong buổi phân li.
+ Tâm trạng ấy biểu hiện cho tình cảm thủy chung, gắn bó của con người Cách mạng. Tám câu thơ là lời nhắc nhở về quãng thời gian cùng nhau trải qua những gian khó hi sinh nhưng thắm tình đượm nghĩa.
+ Tình cảm chính trị, đạo lý Cách mạng trong cảm nhận của Tố Hữu trở nên gần gũi, gắn bó hòa nhập với mạch nguồn tình cảm đạo lý truyền thống của dân tộc: “Uống nước nhớ nguồn”.
- 12 câu thơ tiếp theo: Đoạn thơ là lời nhắc của người ở lại với người ra đi về những ngày đầu kháng chiến.
+ 4 câu đầu: Nhắc nhở về những khó khăn, gian khó. Bốn câu thơ gợi nhắc về những tháng ngày khó khăn bên nhau. Những gian khổ từ thiên nhiên vùng núi, nào là “mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù” đến những khó khăn trong cuộc sống chiến đấu, điều kiện thiếu thốn, nhưng vẫn luôn hướng đến nhiệm vụ, mối thù trên vai.
+ 8 câu tiếp: Nghĩa tình Cách mạng. Không chỉ con người mà thiên nhiên Tây Bắc cũng rất nghĩa tình, nghĩa lí. Mình với ta, gắn bó bền chặt, tuy hai mà cũng là một, không xa rời. Những kỉ niệm gắn bó đậm sâu cùng nhau, những địa danh ta đã đi qua sẽ luôn được khắc ghi trong tâm trí, sống mãi trong lòng.
=> 12 câu thơ, với những vần thơ giản dị gần gũi, dễ hiểu, nhà thơ đã gợi ra cả ân tình Cách mạng, tình cảm son sắt bền chặt giữa người đồng chí với đồng báo, quân dân ấm áp. Tình cảm Cách mạng được truyền đạt và thể hiện thân thiết, đầy yêu thương như những tình cảm đời thường.
- Những câu thơ còn lại là lời của người ra đi, nhớ về cuộc sống sinh hoạt với những người dân, đồng bào Tây Bắc; nhớ đến thiên nhiên và con người; nhớ đến những ngày cùng hành quân, chiến đấu; nhớ đến chiến thắng niềm vui có nhau.
+ 16 câu đầu: Nỗi nhớ đời sống sinh hoạt với đồng bào miền Bắc. Những câu thơ đã khẳng định tình gắn bó thủy chung, cuộc sống đồng bào bên những con người tần tảo, hết mình vì Cách mạng, vì kháng chiến, vì chiến sĩ. Dẫu cuộc sống khó khăn vất vả nhưng luôn ngập tràn hạnh phúc, niềm vui => Tình cảm đồng bào là thứ tình cảm thiêng liêng, đáng trân trọng.
+ 8 câu tiếp: Nỗi nhớ về thiên nhiên, con người Việt Bắc. Thiên nhiên, con người được gợi tả thật gần gũi. Chẳng phải là những tùng cúc trúc mai hay những hình ảnh mĩ lệ kiêu sa, tất cả chỉ được gợi ra bởi những gì quen thuộc nhất của núi rừng: hoa chuối, hoa mơ, tiếng ve, trăng… cùng với những con người lao động, mang vẻ đẹp gần gũi, dễ mến, thân thuộc. Tố Hữu đã đưa những người đồng bào, núi rừng Tây Bắc đến gần hơn với chúng ta.
+ Còn lại: Nỗi nhớ kỉ niệm những ngày đầu kháng chiến, chiến đấu cùng nhau và chiến thắng. Những câu thơ nhanh, dứt khoát cùng động từ mạnh đã gợi ra không gian mang tầm vóc kì vĩ, vũ trụ. Hình ảnh từng đoàn quân ngày đêm chiến đấu, ngày đêm kiên cường vì Tổ quốc quê hương, vì tự do độc lập hiện lên thật đẹp. Ẩn trong đó là cả sự hi vọng vào tương lai, sự tin tưởng vào Cách mạng, vào Đảng. Và rồi, ta làm nên chiến thắng.
=> Nhắc nhở về tình quân dân, sức mạnh toàn quân, toàn dân, tình đồng chí, nghĩa tình Cách mạng. Chính thứ tình cảm đó, sức mạnh đó đã làm nên điều kì diệu. Tình cảm ấy nhắc nhở ta nhớ đến câu ca dao quen thuộc của ông cha:
“Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”
* Tính dân tộc biểu hiện qua nghệ thuật bài thơ
- Thể thơ lục bát: Đây là thể thơ truyền thống dân gian của dân tộc. Sử dụng thể thơ này khiến vần thơ phong phú, phối âm trầm bổng dễ ngâm dễ thuộc. Câu thơ trở nên mềm mại, điệu thơ trữ tình như điệu ru ngàn đời. Chính những điệu thơ ấy đã đưa thơ Tố Hữu đến gần hơn với nhân dân.
- Kết cấu đối đáp: Đây là hình thức kết cấu quen thuộc của ca dao, đặc biệt là những câu ca dao giao duyên của những chàng trai - cô gái; mai - trúc; mận - đào; anh - nàng…
“Đố anh trăm thứ dầu dầu chi không ai thắp?
Trăm thứ bắp, bắp gì bán chẳng ai mua?
- Trăm thứ dầu, dầu thoa không ai thắp
Trăm thứ bắp, bắp chuối bán chẳng ai mua…”
=> Bài thơ sử dụng kết cấu đối đáp, là lời đáp qua lại giữa người ra đi và người ở lại, giữa người chiến sĩ với đồng bào dân tộc Tây Bắc, tạo không khí gần gũi, tâm tình. Giọng thơ như thủ thỉ tâm tình, ngọt ngào thương mến, đong đầy tình cảm của cả người ở và người đi.
- Ngôn ngữ thơ giản dị:
+ Điệp từ, xưng hô “mình - ta” => Gần gũi, quen thuộc, đi về trong những câu hát huê tình thuở xưa. Chính cách dùng xưng hô này khiến tính chất chính trị, đạo lí Cách mạng được nói bằng con đường của tình yêu lứa đôi, khiến cho câu thơ dù nói đến vấn đề chính trị mà lại không hề khô khan, khó hiểu, xa xôi.
+ Cách diễn đạt dân gian, bình dị dễ hiểu đã khiến tình cảm chính trị vốn xa vời trở nên rất gần gũi.
+ Sử dụng nhiều thành ngữ, tục ngữ dân gian trong bài thơ để gợi nhắc đến những bài học, những lời nhắc nhở giữa người đi kẻ ở, hay cũng chính là lời với toàn thế hệ, con người Việt Nam.
- Hình ảnh thơ: Quen thuộc, bình dị. Tác giả đều sử dụng những hình ảnh mà chúng ta đều đã từng bắt gặp trong ca dao dân ca hay trong những câu thành ngữ, tục ngữ.
3, Đánh giá
- Vì sao thơ Tố Hữu lại có tính dân tộc?
=> Lí giải: Tất cả là từ sự ảnh hưởng từ gia đình, từ quê hương. Gia đình ông có cha yêu thơ và hay sưu tầm ca dao, mẹ thuộc nhiều câu ca xứ Huế. Chính điều đó đã đắp bồi ở Tố Hữu tình yêu thơ ca dân tộc. Quê ông là nơi xứ Huế mộng mơ, một vùng đất nghèo - khó, gian khổ nhưng lại có khung cảnh thiên nhiên xinh đẹp, thơ mộng, với văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc.
- Ý nghĩa và tác dụng của tính dân tộc trong thơ Tố Hữu: Tính dân tộc khiến thơ ông gần gũi hơn với người dân, đem những tình cảm, đạo lí Cách mạng khô khan khó hiểu trở nên gần gũi, dễ nhớ, dễ thuộc, dễ thấm nhuần hơn với bạn đọc. Đồng thời khiến hơi thơ mềm mại, mang chất hùng ca, tình ca.

III, KẾT BÀI
- Đánh giá khái quát lại một lần nữa vấn đề và có thể nâng cao vấn đề lên để bài viết sâu sắc hơn.
Ví dụ: Một thời kháng chiến gian khó của dân tộc đã qua đi nhưng những lời thơ của Tố Hữu vẫn còn ngân vang mãi, để mỗi lần cất lên, ta lại nhớ đến những nghĩa tình Cách mạng, những câu thơ đậm đà tính dân tộc, như thủ thỉ như mến thương. Để từ đó hiểu hơn, thấm nhuần hơn tình cảm lớn lao của Tố Hữu với hồn thơ dân tộc.
 
  • Chủ đề
    dan y tính dân tộc to huu việt bắc
  • Top