Ngoài màn hình khủng lên tới 6,8 inch thì Zenfone 3 Ultra còn được trang bị con chip Snapdragon 652 mạnh mẽ, RAM 4 GB, camera 23 MP sử dụng cảm biến IMX318 của Sony cùng dung lượng pin lên tới 4.600 mAh. Với mức giá khoảng 12 triệu đồng sản phẩm này có thực sự đáng mua?
Ưu điểm:
- Hiệu năng mạnh mẽ
- Âm thanh tốt
- Màn hình lớn cho trái nghiệm hình ảnh đã mắt hơn
- Chế độ tối ưu dành cho game hiệu quả
Nhược điểm:
- Thời lượng pin trung bình
- Kích thước quá khổ khiến khó bỏ túi và nghe gọi hằng ngày
- Camera chưa như kỳ vọng
Sức mạnh của con chip Snapdragon 652 thì không có gì để nói vì nó quá mạnh rồi, không cần speed test thì nó thừa sức để gánh mọi game Android hiện nay với đồ họa cao nhất, đi cùng dung lượng RAM 3 GB/ 4GB chắc chắn không có gì phải phân vân với hiệu năng của Zenfone 3 Ultra.
Tuy nhiên camera lại là điều khiến mình nghi ngờ nhất khi Asus ra mắt sản phẩm này vì thuật toán xử lý chưa tốt. Chiếc Zenfone Zoom mình từng dùng qua là một ví dụ. Qua trải nghiệm thực tế ảnh chụp ra bị phủ một lớp sương nhẹ chứ không trong như nhiều sản phẩm cao cấp khác dù cảm biến Sony IMX318 rất hứa hẹn.
Dưới đây là bài đánh giá chi tiết sản phẩm này, phiên bản mình sử dụng có RAM 4 GB và bộ nhớ trong 64 GB.
Thiết kế: "To như chưa bao giờ được to"
So với một chiếc tablet thì Zenfone 3 Ultra có lẽ là hơi nhỏ bé nhưng nếu ngồi chung hàng với những chiếc smartphone thì không khác gì một người khổng lồ. Về cơ bản thì máy không nhỏ hơn một chiếc tablet 7 inch là bao, túi quần phải thuộc cỡ bự mới bỏ vào được nhưng khi ngồi thì chắc chắn sẽ bị cấn rất khó chịu.
Vì vậy, nếu có ý định mua Zenfone 3 Ultra thì cần phải xác định là luôn bỏ máy vào balo hay túi xách, tất nhiên điều đó sẽ làm việc nghe gọi liên lạc không hiệu quả. Mục đích của ra đời của sản phẩm này có lẽ cũng không phải như vậy, máy hướng đến nhu cầu giải trí nhiều hơn là chỉ để gắn SIM.
Bằng chứng là ngoài màn hình rất lớn thì âm thanh cũng được Asus rất chú trọng trên Zenfone 3 Ultra, bên dưới máy có hai loa ngoài với công nghệ Sonic Master 3.0. Mình cũng không hiểu nhiều về công nghệ này nhưng qua trải nghiệm thì thấy khi xem phim, chơi game âm thanh phát ra to, nghe rất đã tai. Ngoài ra Asus còn cho biết khi sử dụng với tai nghe máy có khả năng giả lập âm thanh vòm 7.1 nhưng mình trải nghiệm với một số dòng tai nghe khác nhau thì thấy hiệu quả không cao.
Nói về cảm giác cầm nắm sử dụng, Zenfone 3 Ultra vẫn có thể cầm bằng một tay, nhờ các viền bo cong nên không cấn nhưng do máy quá to nên cầm nhanh mỏi. Phím home cảm biến vân tay khá nhạy, dễ thao tác nhưng hai phím âm lượng phía sao không tiện cho lắm.
Màn hình: Độ nét đủ sử dụng
Tuy màn độ phân giải màn hình chỉ dừng ở mức Full HD, không quá sắc nét nhưng cũng ở mức đủ sử dụng vì mật độ điểm ảnh cũng đã vượt ngưỡng 320 ppi. Phần viền màn hình của máy cũng khá mỏng, đây là một điểm mình đánh giá cao. Về độ sáng thì Zenfone 3 Ultra đã cải thiệt được so với những thiết bị mình từng trải nghiệm trước đây, có lẽ một phần là vì máy có mức giá cao hơn rất nhiều. Màu sắc hiển thị khá trung thực, đáp ứng tốt nhu cầu giải trí của người dùng.
Camera: Lấy nét rất nhanh nhưng độ chi tiết chưa cao
Tuy sử dụng cảm biến Sony IMX318 nhưng phần hậu kỳ của Asus lại không tốt làm cho độ chi tiết ảnh chưa cao. Độ trong trẻo và tương phản mình cũng đánh giá chưa tốt lắm vì vẫn còn xuất hiện một màn sương mờ trên hầu hết các ảnh chụp phong cảnh. Tùy trường hợp xuất hiện ít hay nhiều nhưng với tầm giá 12 triệu đồng và phần cứng rất tốt như vậy thì đây là điều không đáng có.
Bù lại, máy được trang bị thêm công nghệ lấy nét laser, tốc độ lấy nét và chụp thực sự rất ấn tượng. Nếu so với Galaxy S7 thì có thể nói là tương đương nhưng chụp liên tiếp thì chưa nhanh bằng vì tốc độ lưu ảnh chậm hơn. Trong bức ảnh dưới đây, các đối tượng di chuyển khá nhanh, tốc độ khoảng 60 km/h nhưng không hề có hiện tượng out nét, và đối tượng xuất hiện đúng chỗ người chụp căn khung hình.
Phần mềm của máy cũng có khá nhiều thứ để vọc vạch nhưng mình chưa có thời gian để trải nghiệm hết, máy cũng có khả năng phơi sáng lên đến 32s. Dưới đây là một số hình ảnh chụp từ camera của Zenfone 3 Ultra:
Thử khả năng chụp HDR
Kiểm tra độ chi tiết
Phần mềm - hiệu năng
Zenfone 3 Ultra được cài sẵn Android 6.0.1 với giao diện ZenUI quen thuộc.Điểm đáng chú ý nhất là tính năng Game Genie, mình thấy khá giống với một tính năng trên Galaxy S7. Với Game Genie bạn có thể tối ưu hiệu năng để chơi game, máy sẽ tự quét các ứng dụng khác chiếm nhiều tài nguyên để tối ưu cho game bạn đang chơi. Ngoài ra tính năng này còn cho phép chụp ảnh, quay phim màn hình chia sẻ với bạn bè và đặc biệt là có thể livestream lên YouTube hoặc Twitter.
Mình thử nghiệm phát trực tiếp lên YouTube thì thấy khá ổn, tuy nhiên để tối ưu thì máy chỉ cho phép phát độ phân giải HD 720p chứ không được Full HD như độ phâng giải màn hình, độ trễ khi xem trực tiếp là khoảng 30s. Ngoài ra tính năng này còn gợi ý tìm kiếm các nhiệm vụ, cách chơi, các thắc mắc khi chơi game.
Về hiệu năng có lẽ không cần phải nói nhiều, tất cả các game nặng mình thử nghiệm như N.O.V.A 3, Asphalt 8, Modern Combat 5 đều rất mượt mà. Điểm hiệu năng khi so với các sản phẩm cao cấp, tầm giá cao hơn cũng không thua kém nhiều.
Thời gian onscreen khoảng 4,5 - 5 giờ là những gì viên pin 4.600 mAh có thể làm được. Tuy không quá ấn tượng nhưng như vậy cũng đủ cho một ngày sử dụng nếu không cày game liên tục. Máy cũng không quá nóng, khi lướt web bằng 3G hoặc chơi game liên tục vẫn không gây cảm giác khó chịu khi sử dụng.
Hiệu năng mạnh mẽ, thời lượng pin ổn, âm thanh tốt, màn hình lớn, chế độ tối ưu riêng cho game khiến cho Zenfone 3 Ultra là một cỗ máy giải trí thực thụ. Tuy nhiên nếu sử dụng như một chiếc điện thoại để nghe gọi hằng ngày thì thực sự là rất bất tiện do kích thước máy quá lớn. Ngoài ra thì chất lượng camera cũng không được như mong đợi, hi vọng Asus sẽ có những bản cập nhật để tối ưu hơn