- Phải chăng dịch vụ cầm đồ trở thành thị trường kinh doanh bất hợp pháp nhưng đã được hợp pháp hoá.
Sự biến tướng của thị trường cầm đồ, ngoài hoạt động tiêu thụ công khai những tài sản bất minh, các đối tượng hành nghề dịch vụ cầm đồ đều sẵn sàng cầm cố với đủ loại dịch vụ như cầm đồ cao cấp, cầm đồ bình dân, chỉ cầm hiện vật, cầm giấy tờ có giá (giấy đất, giấy nhà, trái phiếu…), cầm dài hạn tính lãi hàng tháng, cầm ngắn hạn tính lãi hàng ngày đã tạo cho các hoạt động cầm đồ đang phát đạt trở nên một tệ nạn xã hội mới, gây nhiều bức xúc trong xã hội.
Kinh hoàng lãi suất
Sẵn sàng trong trang phục sinh viên, dép tổ ong, quần bò hàng Sida và không quên đeo thêm cái cặp cho thêm phần trí thức, tôi cùng thằng em sinh viên trường ĐH Giao Thông ôm dàn máy tính lượn lờ vài vòng quanh khu vực đường Láng và Nguyễn Chí Thanh hỏi cầm cố chiếc vi tính. Tới hiệu cầm đồ (HCĐ) nào cũng chỉ nhận được cái lắc đầu, cùng chung một lý do: "Vòng vàng, nhẫn vàng, hay đại loại cái con xe Tàu đang đi sẽ cầm cho, còn máy vi tính phải đến đúng chỗ".
Theo chỉ dẫn, tôi tìm đến dịch vụ cầm đồ trên đường Bạch Mai (Hai Bà Trưng) và phía gần cổng trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, ngót cả trăm HCĐ có thể cầm cố tất cả mọi thứ miễn là "quy được ra thóc". Hơn chục HCĐ khác chuyên cầm cố máy vi tính, ngoài cầm trọn bộ, các chủ hiệu còn "đáp ứng" cầm cố từng linh kiện trong máy, đại loại nếu "xẻ" một "con" máy tính, các chi tiết quan trọng, giá trị như ổ cứng, chíp, ổ CD, màn hình... là đều có thể "chơi" được.
Sau vài vòng lượn lờ "mỏi chân", tôi quyết định vào một cửa hàng nhìn bề ngoài cũng "tàm tạm". Gã chủ cửa hàng nhìn bề ngoài trông rất dữ tợn nhưng khi xem từng chi tiết của chiếc máy tính thì quả thật tôi rất ngạc nhiên bởi độ hiểu biết về máy tính của hắn, sau một cái đánh mắt "nghề", nhìn vật thế chấp. Sau một hồi tháo ra, lắp vào, cắm điện thử phần mềm, ổ cứng..., mặt lạnh như "đít" bom, gã thản nhiên: "Kịch" 7 trăm ngàn, lãi suất 5%/ngày, thời hạn một tháng!". Như không tin nổi tai mình, để mua được bộ dàn máy vi tính này cho thằng em đang học trên HN, bà cô tôi phải bán nguyên con bò mới mua được, hơn nữa còn nguyên cả tem bảo hành, nay gã xem như... cục sắt vụn!
Dịch vụ cầm đồ ngày càng phát triển (Ảnh minh họa)
Vờ nài nỉ vì lý do thiếu tiền thuê nhà trọ, xin "thêm trăm". Hạ giọng, gã gật đầu đồng ý rồi "quán triệt" thủ tục cầm đồ, như phải viết giấy cầm đồ theo mẫu sẵn, thoả thuận lãi suất... và quan trọng nhất là viết cam kết, nếu sau một tuần không đến trả tiền gốc và lãi thì HCĐ hoàn toàn có quyền quyết định "số phận" chiếc máy tính. Nghe gã nói phát hoảng, nếu ngộ vì lý do gì cậu em không "quay" được tiền, đúng thời hạn không kịp trả thì cả dàn máy tính trên coi như "teo". Đây là cái bẫy ngọt ngào mà chỉ những người người sa cơ lỡ vận mắc phải, mới thấu đáo đằng sau các HCĐ là khoảng tối mịt mù với nhiều thủ đoạn khó lường.Dịch vụ cầm đồ ngày càng phát triển (Ảnh minh họa)
1001 dịch vụ cầm đồ
Trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay, dịch vụ cầm đồ cũng không nằm ngoài xu hướng hiện đại hoá. Giờ đây, có rất nhiều lời rao vặt "cầm đồ qua mạng", hình thức này tuy mới manh nha nhưng cũng nhận được sự quan tâm, bởi lẽ dịch vụ này có thể giúp người chơi cá độ ở các tỉnh lẻ thông qua mạng internet và chuyển tiền qua ngân hàng. Hình thức cầm đồ phổ biến hơn cả lại là "cầm đồ uy tín" nghĩa là không cần giấy tờ vẫn được vay tiền.
Với hình thức "cầm đồ uy tín", người có của phải chịu mức lãi suất trên trời. 1 triệu đồng được tính lãi 10.000 đồng/ngày, gần bằng cả tháng lãi của Ngân hàng. Trong khi với dịch vụ bình thường thì mức lãi chỉ bằng 1/5. Bởi không có giấy tờ thì giá trị của món hàng đó giảm đi rất nhiều và việc cầm cố là trái với luật pháp, thế nhưng lại hấp dẫn chủ cầm đồ vì mức lợi nhuận của nó và vì người đặt cũng đã "hết đường" nên đành chấp nhận. Hầu như khi cầm cố theo hình thức này thì phải có một mối quen biết với chủ cầm đồ hoặc phải nhờ người bảo lãnh, và chịu "cắt phế" (phần trăm) cho người bảo lãnh.
T.A- một "cậu ấm" hay đặt xe không giấy tờ than thở: "Đặt nhiều rồi nên nhà em giấu đăng ký, giờ con SH đã đặt "uy tín" lấy 40 triệu, 10 ngày là mất toi 4 triệu tiền lãi, làm gì cho lại, nên chỉ còn nước tính lô hay cá đá bóng tiếp, gỡ lại thôi!". Theo luật chung thì sau số ngày đã thỏa thuận, thường từ 10-15 ngày mà người cầm không tới trả lãi hay gia hạn thêm hợp đồng thì coi như món đồ đó phải "hóa vàng", phải "thanh lý". Mỗi chủ hàng sẽ có mối riêng để bán những hàng đã hết thời gian giấy biên nhận mà chủ nhân không đến rước về.
Nói tới dịch vụ cầm đồ, người ta phân ra làm nhiều loại: Cầm đồ cao cấp, cầm đồ bình dân, chỉ cầm hiện vật, cầm giấy tờ có giá (giấy CNCQ đất, giấy CNCQ nhà, trái phiếu...). Cầm dài hạn tính lãi hàng tháng, cầm ngắn hạn thì tính lãi hàng ngày. Dân cầm đồ ở Hà Nội hay kháo nhau muốn cầm đồ cao cấp mà có giá một chút cứ ra cửa hàng M. ở khu Dịch Vọng, tại đây chỉ cầm vàng bạc, xe gắn máy, đồ điện tử, kim khí điện máy... Mà đúng như vậy thật, khi tìm tới, chúng tôi cứ nghĩ ở đó là một cửa bán nữ trang và đồ điện tử, kim khí điện máy cao cấp.
Cầm đồ là một nghề làm ăn béo bở (Ảnh minh họa)
Nhìn những món hàng nằm trong tiệm cầm đồ, nhiều người vẫn có thể nhận biết đó là của trộm cắp, cướp giật, của dân thua cá độ tới "cắm" hàng, của người nghèo túng cần tiền, thậm chí có cả... học sinh. Trong những tiệm cầm đồ mà tôi ghé qua, không thiếu những chiếc máy tính cá nhân loại khá đắt tiền. Các chủ tiệm cho hay "Đó là của mấy cậu học sinh cầm để đi chơi điện tử, lên mạng internet. Không có tiền chuộc tụi nó bỏ luôn".Cầm đồ là một nghề làm ăn béo bở (Ảnh minh họa)
Nghề làm ăn béo bở
Cầm đồ bây giờ đúng là nghề dễ làm ăn, vốn bỏ ra không có bao nhiêu mà thu lại cũng không đến nỗi tệ. Nhất là vào thời điểm mùa Euro vừa rồi, mỗi ngày lượng hàng "đi" vào tiệm cầm đồ mỗi tăng lên. Lần đầu, vào tiệm T.T, chỉ thấy có 2 chiếc xe gắn máy, chỉ sau ba đêm diễn ra các trận đấu vòng bán kết Euro, trong tiệm đã có thêm 6 xe cùng với đủ thứ ti vi, đầu máy, điện thoại di động...
Trong "bản đồ" các HCĐ ở Hà Nội, một "địa danh" không thể nói tới đó là phố Đặng Dung (quận Ba Đình) hay có tên gọi khác- phố... cầm đồ. Lúc đầu, "lẹt đẹt" chỉ một, hai cửa hàng cầm cố "cò con" như xe đạp, đồng hồ... Nhưng sau do thấy đây là dịch vụ béo bở, siêu lợi nhuận, nhà nhà đua nhau mở HCĐ, nhiều chủ còn chạy giấy phép, trưng biển cả "Doanh nghiệp cầm đồ", cầm đặc những đồ có giá trị như ô tô, nhà cửa, xe máy và điện thoại di động đắt tiền.
Điều hấp dẫn nhất trong các HCĐ, khiến dân chơi cả Hà Thành thường lui tới là thủ tục- "nhanh, gọn" tới mức không cần bất cứ một loại giấy tờ gì hết, miễn là có vật thế chấp. Giờ "cao điểm" diễn ra các hoạt động cầm đồ ở đây (từ hợp pháp đến bất hợp pháp) thường khoảng từ 6-7h, trước và sau giờ kết quả xổ số. Một "doanh nhân"- chủ HCĐ ở đây cho biết: "Có ngày "ôm" cả chục con Dylan, chưa kể hàng trăm điện thoại di động và các đồ lặt vặt khác!"...
Có một thực tế là dịch vụ cầm đồ trở thành thị trường kinh doanh bất hợp pháp nhưng lại đang được hợp pháp hoá, điều đó đã gây rất nhiều bức xúc cho xã hội. Theo một cán bộ công an đang công tác tại phòng Cảnh sát Hình sự- Điều nghịch lý nhất hiện nay là hoạt động phi pháp của những đối tượng này lại được hợp pháp hoá bởi những giấy phép kinh doanh, được Nhà nước thừa nhận (!). Hơn nữa, từ một giấy phép kinh doanh, có không ít các chủ HCĐ đã photocopy thành nhiều bản và mở rất nhiều cửa hàng dịch vụ cầm đồ khác nhau.
Mặt khác, những văn bản pháp luật quy định chưa đủ chặt, đủ mạnh, để xử lý hình sự tương xứng với tội của họ. Do đó, phần lớn các HCĐ vi phạm mới chỉ xử lý hành chính, mà tiền phạt hành chính tối đa cũng chỉ 200.000 đồng. Phải chăng đã đến lúc các cơ quan chức năng cần phải coi dịch vụ cầm đồ là ngành nghề kinh doanh đặc biệt, có sự giám sát chặt chẽ của Sở Thương mại, Sở KH-ĐT từ trước, trong và sau khi cấp phép đăng ký kinh doanh.
(Theo Người đưa tin)Vtc.vn