Google sẽ tiếp tục thắt chặt kiểm soát những kết quả tìm kiếm tại thị trường châu Âu

1(46).jpg

Trong một động thái được đánh giá là để làm vừa lòng các nhà lập pháp tại châu Âu, Google mới đây cho hay hãng sẽ tiếp tục chặn một số kết quả nhất định khi khách hàng tại thị trường châu Âu sử dụng dịch vụ tìm kiếm của mình.

Nhiều chuyên gia cũng nhận định, thay đổi lần này của được Google đưa ra trong bối cảnh hãng muốn giữ chân khách hàng trước sự gia tăng cạnh tranh mạnh mẽ của thị trường tìm kiếm trực tuyến. Vào tháng 5/2014, Tòa án tối cao thuộc Liên minh châu Âu đã ban hành một đạo luật mang tên “Quyền được quên” (Right to be forgotten), một quy định được coi là đi ngược lại với mục đích kinh doanh của các dịch vụ tìm kiếm trên thế giới.

“Quyền được quên” sẽ cho phép tất cả các khách hàng tại khu vực châu Âu yêu cầu Google, Bing hay bất cứ dịch vụ nào khác xóa những link mà có bao gồm thông tin về họ. Tuy nhiên, những khách hàng muốn sử dụng quyền lợi này phải chứng minh được rằng thông tin trên các trang tìm kiếm là sai, không phù hợp hoặc không được công chúng quan tâm.

“Quyền được quên” được công bố trong bối cảnh càng ngày có nhiều nhà tuyển dụng tìm kiếm thông tin về các ứng viên trên Google hay Bing. Rất nhiều đơn xin việc đã bị loại chỉ vì nhà tuyển dụng tìm được những thông tin không mấy tốt đẹp trên các trang mạng xã hội về ứng viên như văng tục, chửi bậy, lời lẽ phân biệt chủng tộc,...

Hiện nay, Google cung cấp khoảng 90% kết quả tìm kiếm tại châu Âu. Tờ New York Times trích lời phát ngôn của Google trong bản báo cáo minh bạch, trong đó chỉ rõ Google luôn tôn trọng và cố gắng tuân thủ mọi quy định tại thị trường châu Âu. Tính từ tháng 5/2014, Google đã chấp thuận khoảng 154 nghìn đơn khiếu nại từ người dùng về việc đảm bảo “Quyền được quên” của họ. Mặc dù vậy, nhiều quốc gia như Pháp vẫn khẳng định Google cần làm nhiều hơn thế.

Tanguy Van Overstraeten, đại diện công ty luật Linklaters cho rằng thái độ của chính phủ châu Âu và chính phủ Mỹ - quê hương của Google về vấn đề quyền riêng tư là rất khác nhau. Ở châu Âu, các nhà lập pháp tin rằng quyền riêng tư là một quyền cơ bản mà ai cũng phải có. Tuy nhiên ở Mỹ, quyền riêng tư được nhìn nhận như là quyền của người tiêu dùng và chính phủ cần đứng lên để bảo vệ quyền lợi này.

Bước đi sắp tới

2(47).jpg

Từ trước đến nay, Google mới chỉ chấp nhận những đơn khiếu nại về “Quyền được quên” tại thị trường châu Âu. Giờ đây, Google cho hay hãng sẽ bắt đầu gỡ bỏ một số link nhất định trên toàn bộ các tên miền của hãng, bao gồm “Google.com”. Điều này có nghĩa, nếu một người dùng tại Bỉ yêu cầu Google xóa các thông tin về anh ta và được Google chấp nhận, tất cả thông tin về người này sẽ biến mất trên toàn bộ các tên miền Google tại châu Âu và các tên miền toàn cầu khác của Google mà người dùng tại Bỉ có thể nhìn thấy, như Google.com.vn.

Google cho biết thay đổi này sẽ có hiệu lực từ tháng 3 tới đây. Hãng cũng nhấn mạnh kết quả tìm kiếm của người dùng tại các thị trường khác ngoài châu Âu sẽ không bị ảnh hưởng. Trong những cuộc đối thoại với Liên minh châu Âu, Google bảo vệ quan điểm của mình khi cho rằng EU chỉ nên giới hạn “Quyền được quên” tại 28 nước thành viên, chứ không nên đơn phương áp đặt nó lên các nước khác trên thế giới.

Nhiều công ty công nghệ khác của Mỹ cũng đang vướng vào những vấn đề pháp lý tại EU. Thời gian gần đây, Liên minh châu Âu đã đẩy mạnh việc kiểm tra cách thức mà các trang mạng sử dụng thông tin cá nhân của người dùng, điều mà các nhà lập pháp tin là những trang mạng như Google hay Facebook đang rao bán cho bên thứ ba để kiếm lời. Mới đây, Mỹ và EU đã kí một biên bản hợp tác mới liên quan đến việc kiểm soát quá trình chuyền phát dữ liệu giữa 2 bờ Đại tây Dương.

Theo tờ New York Times, lý do Google luôn là mục tiêu hàng đầu của các cuộc thanh kiểm tra tại EU là vì sức ảnh hưởng của những dịch vụ mà công ty này cung cấp, như Gmail, YouTube, Android hay dịch vụ tìm kiếm. Mặc dù Google đã và đang có những bước đi mạnh mẽ như vậy, vẫn chưa rõ là các nhà lập pháp tại châu Âu đã đủ thỏa mãn hay chưa.

Elsa Trochet-Macé, đại diện Cơ quan kiểm soát quyền riêng tư của chính phủ Pháp cho hay các nhà lập pháp tại quốc gia này đã được Google thông báo về những thay đổi sắp tới trong chính sách “Quyền được quên”. Tuy nhiên bà Elsa nhấn mạnh điều này chưa có nghĩa họ công nhận Google đã tuân thủ đầy đủ luật pháp của EU.

“Chúng tôi đang tiếp tục phân tích những thông tin từ Google”, bà Elsa cho biết.

Nguyễn Mai Đức

 
  • Chủ đề
    eurozone google kiem soat liên minh châu âu tìm kiếm trực tuyến
  • Bài viết mới nhất

    Thống kê

    Chủ đề
    101,869
    Bài viết
    469,231
    Thành viên
    340,261
    Thành viên mới nhất
    thecontinental

    Bài viết được quan tâm nhiều

    Top