Hẻm Sài Gòn

Nó nhớ như in cái ngày nó đặt chân đến Sài Gòn, ông chú già chở nó trên chiếc xe máy tòng tọc èo ẹo lượn một vòng Sài Gòn. Đứa con gái lần đầu ra phố đã sợ hãi trước những núi nhà mà nó tưởng tượng có thể đột ngột đổ sập xuống tấm thân gầy khẳng như cây cau góc vườn ở quê của nó bất cứ lúc nào. Nó nghĩ nếu phải ở bên những ngọn núi chênh vênh ngất nga ngất ngưởng như gã say rượu ở chợ Neo quê nó chắc chắn nó sẽ xin trở về với cánh đồng làng cùng những ngôi nhà chỉ cao hơn đống rơm sớm, nhưng rồi ông chú già đi dọc một con sông bên một cây cầu với tên gọi cầu Tân Thuận mà những bè bèo vừa trôi vừa nở những chùm hoa tím nhạt. Nó đánh lưỡi… thích!

Chưa hết, ông chú già đi vào một con hẻm chiều rộng hơn một sải tay, chiều dài thì ôi thôi ngoằn với ngoèo, đón nó - một cư dân mới của con hẻm này là tiếng rao mua ve chai của bà già mà sau này nó mới biết bà có biệt danh là “Chín nhẳng” với chiếc xe đẩy cút kít, bên trên chiếc xe đẩy ấy là một tiểu đội mèo và chó, những chú mèo hoang bà nhặt nuôi hay những chú chó mà trong lúc đi mua ve chai, chủ nhà không nuôi hết nên cho bà. Một lần nữa nó lại đánh lưỡi thích. Thích thì… ở, và đến lúc này nó không thể ngờ rằng cái con hẻm vớ vẩn vô danh ở một vùng ngoại ô Sài Gòn ấy lại trở thành ngồn ngộn kỷ niệm mỗi lúc nó đi xa.

Sau này đi nhiều con hẻm Sài Gòn dù là ở sát nách những tòa núi chọc trời giữa trung tâm, hay ở ven đô đều thấy nét đặc thù đó là đầu hẻm có quán cà phê cóc mấy ông già ngồi tụ tập đánh cờ, những nhà đầu hẻm đều mở toang hoang cửa, nhà thì bán tạp hóa, nhà thì bán hủ tíu, bún riêu, và chen vào đó thường có tiệm gội tóc bình dân. Nếu sải bước vào bên trong lõi hẻm sẽ không khó để bắt gặp những ông bà già bế cháu, phe phẩy chiếc quạt, tuổi xế chiều hoang hoải trong hốc mắt già nua nhưng lại óng ánh sự bình yên chờ khoảnh khắc xum vầy những chiều cuối ngày bên con cháu.

Và điều dễ dàng thấy ở những hẻm Sài Gòn là những tiếng rao. Có lẽ âm thanh vọng nhất trong ký ức nó và cũng mênh mang nhất trong ký ức nó đó là những tiếng rao, hoang hoải và buồn, lanh lảnh và mê muội, nhí nhảnh và tươi rói đủ âm sắc của đủ giọng ba miền Bắc –Trung –Nam cùng tiếng rao lơ lớ của người Khơ-mer hay người Hoa nữa. Có lẽ tiếng rao muôn miền này tạo ra sự khác biệt duy nhất của các con hẻm Sài Gòn với các con hẻm ở các tỉnh thành khác của Việt Nam, so với các con hẻm trên thế giới khác. Có lẽ mỗi lần đi đâu xa, nó nhớ và thương nhất ở là những tiếng rao trong những con hẻm nhỏ vấn vương những kiếp đời tha hương trôi dạt về mảnh đất Sài Gòn kiếm sống.

Có thể nhắm mắt lại trong những đêm Sài Gòn rả rích mưa rơi là tiếng rao của thằng nhóc gõ hủ tíu, nó luôn hình dung trong ngọn đèn đường nê-on trắng nhợt ở con hẻm hun hút của nó ấy là thân hình gầy gò khẳng khiu của thằng nhóc, đôi chân với những đế dép đã mòn vẹt… là tiếng rao của ông già bán bánh bao miền Trung “ai bao… đơiiii”, tiếng “đơi” ngân dài vì lạnh, là tiếng rao đậu hũ, tiếng rao bánh mì nóng hổi đặc ruột thơm bơ hoặc bánh mì nóng hổi vừa thổi vừa ăn, hay đơn giản tiếng rao mua ve chai của bà Chín nhẳng với chiếc xe đẩy cút kít khô dầu cùng giàn đồng ca ăng ẳng, meo meo của tiểu đội chó mèo.

Đô thị ngày càng lên đời, các con hẻm cũng bị cuốn theo cái vòng lên đời ấy những ngôi nhà được nâng cấp, xây thêm tầng lầu, nâng nền để chống ngập vào mùa mưa, mùa thủy triều. Nhưng dù có thay đổi về hình dạng thì những hẻm nhỏ Sài Gòn vẫn đọng, vẫn đong đầy thế giới tiếng rao di động mà như một nhà nghiên cứu nào đó đã nói rằng “tiếng rao trong hẻm là cái phần hồn vía của thành phố này”.

Theo Thatmah
 

Thống kê

Chủ đề
102,172
Bài viết
469,764
Thành viên
340,383
Thành viên mới nhất
Jason Argo
Top