Học ngoại ngữ và nghiên cứu khoa học

Ngoại ngữ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc học tập ở bậc Cao học và nghiên cứu khoa học. Có thực trạng đáng buồn của ngành giáo dục Việt Nam hiện nay là trình độ ngoại ngữ của sinh viên, cán bộ nghiên cứu rất kém. Ở một hội nghị về việc dạy và học tiếng Anh tại Tp HCM một diễn giả nói rằng "Có đến 60% sinh viên chuyên ngành tiếng Anh câm hoặc điếc ..." . Đó là với sinh viên chuyên ngành ngữ văn, chứ còn đối với sinh viên, học sinh hiện nay ở các trường trung học và đại học thì chắc ít nhất 90-95% người học tiếng Anh “câm hoặc điếc”, và người học ít nhất có lẽ phải mất năm mười năm may ra mới có thể theo học được các lớp học đại học online bằng tiếng Anh! Ngay người Hàn, người Nhật, người Trung Quốc, người Đài Loan... họ học tiếng Anh trầy trật cả mấy thập kỷ nay mà cũng chưa đâu vào đâu thì người Việt Nam mình không biết phải đến bao giờ, chúng ta cần phải nhìn nhận thực tế này thay vì cứ theo đuổi cái lý tưởng nhưng viễn vông.

Mình xin chia sẻ đoạn trích sau từ bài phỏng vấn rất hay của nhà triết học Bùi Văn Nam Sơn:
"Thực ra tôi già rồi, thời gian của tôi không còn nhiều nữa, tôi chỉ cố gắng làm cái gì trong khả năng của tôi thôi. Tôi tự đặt ra cho mình nhiệm vụ chính bây giờ là dịch một số các tác phẩm kinh điển sang tiếng Việt. Vì lẽ, thứ nhất, những quyển sách dạng này khô khan chẳng ai thèm dịch; thứ hai, nếu không dịch những quyển này thì không biết bao giờ người ta mới dịch… trong khi đó là những nền tảng cho các anh em trong chuyên ngành. Nhìn vào thư viện của Việt Nam mình, chưa thấy có mấy sách kinh điển của nhân loại, tôi thấy buồn lắm. Thành thực mà nói, không thể đòi một bạn sinh viên đọc tiếng Anh hay các ngoại ngữ khác vèo vèo như đọc tiếng Việt được. Vả lại, quả là không công bằng! Một người cùng trang lứa với các bạn sinh viên của ta, như những sinh viên ở Pháp, Mỹ, Đức, Nhật… thì họ dùng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ, họ đỡ vất vả hơn nhiều lắm. Bây giờ đòi hỏi những bạn cử nhân mới 23 tuổi ngồi đọc một cuốn sách kinh điển dày cộp bằng tiếng Anh, thậm chí bằng tiếng Đức… làm sao mà đọc nổi! Đâu phải sinh viên Mỹ nào cũng đọc được tiếng Đức, hay sinh viên Pháp nào cũng đọc được tiếng Anh thông thạo… Thế mà họ vẫn thành công, vì họ sử dụng các bản dịch có chất lượng, và các công trình nghiên cứu của họ vẫn đạt được trình độ quốc tế."
Hiện nay nhóm "Kiến Học" (kienhoc.vn) đang cung cấp một số khóa học song ngữ, với mục đích giúp người học tranh thủ học tiếng Anh và đặc biệt là tiếng Anh chuyên ngành. Mình nghĩ đây chính là cách vượt qua rào cản ngôn ngữ tốt nhất, thích hợp nhất ?
 
Top