Kênh truyền hình giáo dục quốc gia VTV7 chính thức được ra mắt

1.jpg

Tối 8/1/2016, chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Bay lên những ước mơ” đã được Đài truyền hình Việt Nam (VTV) tổ chức. Đây là một trong những hoạt động nằm trong kế hoạch ra mắt VTV7 – kênh truyền hình quốc gia với chuyên môn về giáo dục.

Được biết, VTV7 đã được phát sóng thử nghiệm từ cuối năm ngoái và chính thức hòa sóng với mạng lưới truyền hình quốc gia từ ngày 1/1 vừa rồi. VTV7 sẽ được phát sóng 18 tiếng mỗi ngày và bao gồm nhiều chương trình đặc sắc như: Thức dậy cùng VTV7, VTV7 English, VTV7 Giải trí, Học lịch sử thật tuyệt, Ô cửa khoa học, Con đường nghề nghiệp,...

Tờ Vietnamnet hôm qua đưa tin, VTV7 là thành quả của nhiều bên tham gia hợp tác. Trong đó phải kể đến VTV, SCTV, Bộ GD&ĐT Việt Nam, Tập đoàn Tiến bộ AIC, kênh truyền hình Hàn Quốc EBS và kênh truyền hình Nhật Bản NHK.

Tại buổi lễ ra mắt VTV7 vào tối 8/1 vừa rồi có sự hiện diện của nhiều quan khách nổi tiếng như Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, Tổng Giám đốc VTV Phạm Bình Minh, Tổng giám đốc AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn, đại diện của các kênh truyền hình nước ngoài, các tổ chức về văn hóa và ngoại giao.

Ông Trần Bình Minh, Tổng Giám đốc VTV cho biết, việc ra mắt kênh truyền hình giáo dục quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển nền giáo dục. Qua đây, ông Minh cũng mong muốn, các chương trình hấp dẫn của kênh VTV7 sẽ là nguồn cảm hứng học tập cho tất cả các em học sinh.

Còn theo tờ Dân Trí, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận kỳ vọng khi VTV7 ra đời, nó sẽ giúp các em học sinh, sinh viên có thêm công cụ để khắc phục những khó khăn của bản thân và gia đình để thay đổi phương pháp học tập. Trên bình diện chung, VTV7 góp phần thực hiện bình đẳng trong thụ hưởng dịch vụ giáo dục, nhất là cho các học sinh, sinh viên ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.

6.jpg

Ông Phạm Vũ Luận - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT

Cùng với các công cụ khác ngành giáo dục đang triển khai, VTV7 sẽ góp phần từng bước xóa bỏ tình trạng học thêm tràn lan như hiện nay, từ đó góp phần xây dựng một xã hội học tập suốt đời. VTV7 là nguồn lực bổ sung quan trọng để thực hiện công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nước nhà, ông Luận khẳng định.

Ngoài các chương trình văn nghệ do các em thiếu nhi tổ chức, đêm 8/1 cũng đã ghi nhận việc ký kết nhiều văn bản hợp tác giữa VTV và các đối tác trong dự án VTV7. Ông Tadanobu Sakamamoto, giám đốc cấp cao đài truyền hình NHK chia sẻ: “ Đây là nỗ lực không ngừng nghỉ của các bạn và NHK rất tự hào được tham gia vào quá trình chuẩn bị ra đời của kênh VTV7.

Tuy nhiên, chương trình truyền hình sắp tới có hay, có hấp dẫn người xem hay không mới là quan trọng, chúng tôi cam kết sẽ gắn bó lâu dài vì sự phát triển của kênh truyền hình giáo dục Việt Nam”, ông Tadanobu nhấn mạnh.

Đại diện VTV đặt rất nhiều kỳ vọng vào thành tích mà kênh VTV7 sẽ mang lại, không chỉ cho VTV, mà còn cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà. Theo đó, sự xuất hiện của VTV7 sẽ đem đến cho học sinh ở mọi miền tổ quốc một cách thực học trực tuyến hiệu quả, chi phí thấp, giúp các em gặp gỡ nhiều giáo viên, bạn bè mới. Đồng thời, đây cũng là một cơ hội để các nhà giáo tăng cường khả năng chuyên môn của họ.

Ở giai đoạn đầu tiên lên sóng, đối tượng khán giả mà VTV7 hướng đến là các bé mầm non và tiểu học. Nhiều độc giả hy vọng rằng sự kết hợp hài hòa giữa những kiến thức khô khan, mang tính hàn lâm và một phương pháp học trực tuyến, đa màu sắc và tràn đầy sự sáng tạo sẽ tạo một cú hích cho giáo dục nước nhà.

Việc ra mắt VTV7 diễn ra không lâu khi vào ngày 6/1 vừa qua, Bộ GD&ĐT Việt Nam đã trình chính phủ đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó bao gồm giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục bậc cao; giáo dục thường xuyên - học tập suốt đời. Trong đó giáo dục mầm non gồm nhà trẻ và mẫu giáo; giáo dục phổ thông cơ bản không thay đổi, gồm: Tiểu học 5 năm; THCS 4 năm; THPT 3 năm. Giáo dục tiểu học và THCS (9 năm) chỉ có một luồng là giáo dục cơ bản.

THPT có 3 luồng, gồm: định hướng chung (có tính hàn lâm/khoa học như hiện nay); định hướng kỹ thuật/công nghệ; định hướng năng khiếu (nghệ thuật, thể thao). Giáo dục nghề nghiệp gồm đào tạo sơ cấp 1-3; Trung cấp 3 năm (để đảm bảo khối lượng kiến thức phổ thông tối thiểu tương đương THPT); Cao đẳng 2-3 năm.

Giáo dục bậc cao gồm: đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Trong đó, đại học học 3-4 năm phân thành 3 luồng: Định hướng nghiên cứu; định hướng ứng dụng; định hướng thực hành. Thạc sĩ học 1-2 năm, phân thành 2 luồng: Định hướng nghiên cứu và định hướng ứng dụng.

Nguyễn Mai Đức

 
  • Chủ đề
    giáo dục kênh truyền hình ra mat vtv7
  • Top