Khi BLV VTV3 "bình loạn": Hãy học cách tôn trọng chính mình

Trong buổi bình luận sau trận đấu giữa MU và Basel ở Champions League cách đây 1 ngày, cặp bài trùng BLV của kênh VTV3: Tạ Biên Cương và Tuấn Anh cùng vị khách mời PV Đức Nam của Báo Bóng đá đã liên mồm nói về thất bại của đội chủ sân Old Trafford trước đối thủ, cho dù có lẽ cả thế giới (trừ bộ ba này chăng!?) đều biết ở phút 90 Ashley Young đã kịp san bằng tỉ số 3-3 cho MU…

Tất nhiên, nếu xét về khía cạnh sự kì vọng trước trận đấu, cũng như sự chênh lệch đẳng cấp giữa 2 đội thì việc chỉ kiếm được 1 điểm vào phút chót sau khi đã sớm dẫn 2-0 ngay tại Old Trafford cũng có thể coi là một “thất bại” đối với MU (theo nghĩa bóng).
Thế nhưng, vấn đề là ở chỗ, chẳng hiểu do ngủ quên trong những phút cuối hay do không biết sử dụng các phương tiện viễn thông hiện đại để cập nhật thông tin mà 3 vị “bình loạn viên” đã mặc sức “chém”, nào là đây là một thất bại lịch sử của đội bóng thành Manchester”, nào là tôi không thể tin nổi MU đã bại trận… Những lời lẽ cho thấy rõ ràng 2 BLV của VTV3 cùng anh chàng PV của Báo Bóng đá đều thực sự tự kỉ ám thị rằng MU đã thất bại, một thất bại theo nghĩa đen.
Thậm chí, ngay cả trong hình ảnh chạy kết quả chung cuộc thì tỷ số của trận MU - Basel vẫn được hiện 2-3. Sau đó, kết quả này đã ngay lập tức được sửa thành 3-3 nhưng các BLV của chúng ta cũng chẳng thèm để ý hoặc giả có để ý nhưng cho rằng… nhân viên kĩ thuật làm sai chăng?
110929_140059_814.jpg
Tạm thời, khoan không đề cập đến việc sai mười mươi về tỷ số của các BLV đáng kính. Ở đây, xin phép được phân tích một chút về ngôn từ mà họ thường sử dụng. Có một thực tế đáng buồn là các BLV của chúng ta thường lạm dụng cách nói văn vẻ, bóng bẩy, sử dụng những từ ngữ đao to búa lớn khi bình luận bóng đá. Và cách sử dụng ngôn ngữ sáo rỗng ấy (như kiểu : “Messi và các đồng đội đang làm thơ!?”) thường chẳng ăn nhập gì với trận đấu, khiến người xem thực sự chối tai và thấy khó chịu. Xin thưa với các vị chúng tôi đang xem Barca đá bóng, bằng một lối đá đẹp mắt chứ chẳng có thơ, thẩn nào ở đây cả.
Nó cũng giống như việc các BLV cường điệu hóa đây là một thất bại lịch sử của đội bóng thành Manchester ở phần bình loạn trận gặp Basel. Xin thưa ngay cả khi MU thua (theo nghĩa đen) thì cũng chẳng có gì là lịch sử ở đây cả. Đơn giản bởi đây chỉ là 1 trận đấu ở vòng bảng Champions League (và lại diễn ra ở thời điểm chưa định đoạt bất cứ điều gì) chứ không phải trận đấu có tính chất kinh thiên động địa; nó cũng chẳng phải một trận đấu có tỉ số đặc biệt (như kiểu thất bại đậm nhất của MU chẳng hạn)…mà tự gắn mác cho nó “lịch sử”. Không hiểu yếu tố “lịch sử” theo quan điểm của các BLV là gì, và liệu rằng cái “lịch sử” ấy nếu xảy ra thì 5-10 năm nữa có ai nhớ đến 1 trận đấu vô thưởng vô phạt bị nâng tầm này không.
Có thể các BLV của chúng ta đều ở một tầm kiến thức cao siêu, mà số đông những người hâm mộ đơn thuần như chúng tôi không với tới được. Nhưng cần làm rõ với các bạn (các BLV) rằng nhiệm vụ của các bạn là phục vụ khán giả! Vì vậy thay vì sử dụng những lời lẽ văn thơ lai láng… nhưng chẳng liên quan gì đến chuyên môn của trận đấu để khoe kiến thức, để dọa chúng tôi…nên chăng các bạn cứ sử dụng lối nói trực ngôn thông dụng để phục vụ những người hiểu biết hạn hẹp như chúng tôi thì hơn.
Kể “chiến tích” của các BLV đương thời trên VTV3 có lẽ cả ngày không hết chuyện và đã chuyện-ai-cũng-biết-là-cái-gì đấy. Điều bất ngờ là khi tìm hiểu xung quanh liên quan, người viết còn vô tình được mở mang tầm mắt về PV Đức Nam.
Hóa ra, vị khách mời của VTV3 này cũng sở hữu bảng vàng thành tích chẳng kém gì những tên tuổi lừng lẫy đã bình luận cùng anh ở trận MU – Basel. Thậm chí, hồi năm 2008, trên trang thông tin của Hội nhà báo Việt Nam còn có nguyên 1 bài Làm phóng viên dễ quá! để “vinh danh” tay viết của Báo Bóng đá này. Với những sai lầm ngớ ngẩn và thô thiển về chuyên môn khiến người ta phải đặt câu hỏi phải chăng làm PV thể thao dễ thế, “thất nghiệp không biết làm gì nên mới thành PV thể thao”, “Phen này ông quyết đi viết báo, thiên hạ bao nhiêu đứa mù mờ”!”…
Xét cho cùng phàm là người ai cũng có thể mắc sai lầm, nhưng với các BLV, họ đều không phải những tên tuổi chập chững vào nghề, và cũng không phải lần đầu mắc lỗi. Vậy tại sao họ không thể đứng lên. Vì năng lực hạn chế hay vì không thực sự nghiêm túc rút kinh nghiệm sửa chữa?

Đến đây, thiết nghĩ trách nhiệm là của của những cơ quan chủ quản (Đài truyền hình VN và Báo Bóng đá). Tại sao Đài truyền hình quốc gia và Tờ báo giấy vẫn được coi là báo thể thao số 1 Việt Nam lại để những cục sạn to đùng, những màn “hài kịch” ấy liên tục xảy ra? Nếu năng lực hạn chế sao không thay, chẳng nhẽ Việt Nam 90 triệu dân lại ít nhân tài đến vậy? Nếu không nghiêm túc rút kinh nghiệm, sửa chữa sao không uốn nắn rút kinh nghiệm? Hay là chính các cơ quan chủ quản cũng chẳng thèm quan tâm đến vấn đề này. Sạn hay “hài kịch” thì khán giả cứ tự mà chịu.
Đúng là ở Việt Nam quyền lợi của người tiêu dùng (ở đây là khán giả) thường chưa được bảo vệ một cách đúng mức. Nhưng ai đó đã từng nói muốn người khác tôn trọng mình thì trước hết mình phải học cách tôn trọng chính mình.
Bằng tất cả sự kính trọng một lần nữa đề nghị VTV3, Báo Bóng đá cùng các BLV danh tiếng của họ hãy học cách tôn trọng chính mình, để chúng tôi – những người hâm mộ bóng đá không còn phải tắt tiếng, đổi kênh nước ngoài khi nghe thấy giọng nói của các anh!

nguồn: bongdaso.com
 
Top