
Thì đấy, quí vị cứ thử nghĩ mà xem, xét về “tương quan lực lượng”, phụ nữ chiếm hơn nửa dân số thế giới. Tài năng, trí tuệ cũng ngang ngửa với đàn ông. Đàn ông làm thủ tướng thì phụ nữ cũng nhiều người làm tổng thống. Chả nói đâu xa bên Tây bên Tàu làm gì, chỉ ở Việt Nam ta thôi, các cơ quan công sở mà thiếu vắng bóng dáng phụ nữ là công việc cứ phải gọi là tắc còn hơn… tắc đường.
Phụ nữ còn được ưu ái hơn đàn ông. Một năm có 365 ngày, phụ nữ có 8/3 để được tôn vinh, riêng phụ nữ Việt Nam còn có thêm ngày 20/10. Hai ngày đó, chị em được tôn vinh đặc biệt… Thậm chí phụ nữ Việt Nam còn có một Hội riêng, tờ báo riêng để chia sẻ, tâm sự, giúp đỡ, bảo vệ nhau.
Chả thế mà một chị nào bị chồng đánh, chỉ cần nói một câu đến Hội của họ là báo chí, truyền hình xúm vào bêu mặt anh chồng ra trước bàn dân thiên hạ, có khi còn bị công an đến tận nhà bắt ra trị tội trước pháp luật. Trong khi đó, tôi biết khối anh đàn ông bị vợ đánh, hỏi đến chỉ cười trừ có dám nói gì đâu! Nói ra mọi người lại bảo “đàn ông… hèn thì mới bị vợ đánh”.
Mà thời buổi này cũng nhiều chuyện lạ lắm. Nhiều việc tuy pháp luật không cấm nhưng phụ nữ làm thì được còn đàn ông thì không. Các shop thời trang, các cửa hàng vàng bạc đá quý, các mỹ viện mở ra là cho tất cả mọi người, nhưng hầu như chỉ có phụ nữ là được bước chân vào, còn đàn ông thì… cấm cửa!
Phụ nữ ăn mặc đẹp ra đường nhiều người nhìn theo, đàn ông ăn mặc đẹp ra đường chẳng ai để ý, có khi người ta còn bĩu môi “thằng cha này chảnh, khoe của” hay ác khẩu hơn thì là… đồng bóng! Phụ nữ lên sân khấu, lên truyền hình thi sắc đẹp, đàn ông xúm vào trầm trò ngưỡng mộ. Đàn ông con trai mà khoe hình, khoe dáng, người ta không xem mà còn bảo “thằng này dở hơi”…

Phụ nữ có nhiều ngày để tôn vinh (Ảnh minh họa)
Vậy đấy, làm phụ nữ chả sướng hơn đàn ông là gì? Đấy mới nói đến ngoài xã hội, còn trong gia đình thì ôi thôi. Cứ như tôi đây này, từ ngày lấy vợ, ngẫm đi ngẫm lại, thấy nhiều chuyện “dzô ný” (vô lý) quá. Hồi mới quen nàng, yêu nàng, ta phải mất bao công sức tán tỉnh, mất thời gian chầu chực đón đưa. Nào đau khổ, nào thổn thức.. thề rằng nếu không lấy được nàng thì quyết không lấy ai nữa.Mỗi khi có nàng bên cạnh, đầu óc ta luôn phải căng ra, lên gân lên cốt để chứng tỏ mình là người đàn ông tuyệt vời nhất trên đời.
Ta luôn phải đứng mũi chịu sào hứng chịu mọi việc để chứng tỏ mình là phái mạnh. Đi chơi, nếu đi một xe ta luôn luôn phải là người cầm lái, nếu đi hai xe ta luôn đi bên trái để che chắn cho nàng kiểu “Em một bên và ô tô một bên”. Cha sinh mẹ dưỡng nhiều khi thiếu quan tâm trong khi lại cứ tự nguyện săn sóc “cái người” ở tận đâu đâu. Khi “người ta” không cho săn sóc thì lại vật vã lấy làm đau khổ. Thật “dzô ný” quá!
Chạy xất bất xang bang cưới được nàng về, tưởng được làm chồng sung sướng, ai dè còn khổ hơn. Trước kia khi nào lên gân mệt quá, ta về nhà bố mẹ nghỉ xả hơi. Giờ thì thôi nhé, chả trốn đi đâu được.
Mọi công to việc lớn đối nội, đối ngoại ta đều phải gánh vác cả ngày lẫn đêm. Đến cơ quan, thủ trưởng vỗ vai. Phải làm việc nọ phải làm việc kia nhiều khi còn đánh trống lảng, đánh bài chuồn. Vậy mà về nhà vợ không vỗ vai, không sai bảo ta câu nào nhưng trong bụng lúc nào cũng nơm lớp lo không hoàn thành nghĩa vụ. Ở cơ quan, lười biếng một chút chỉ bị nhắc nhở, phê bình, quá tý nữa cúp thưởng là cùng. Chứ ở nhà, dễ dàng bị ăn “bánh ứ, kẹo lườm”, lạnh cả ruột.
Ấy là vợ chồng tôi còn son trẻ chứ như thằng bạn thân của tôi ấy à, cứ gọi là bấn xúc xích cả lên. Hồi mới lấy được vợ, hắn sung sướng hãnh diện lắm, chỉ mong có một đứa con. Khi vợ có bầu, hắn sướng âm ỉ. Con hắn để ra bé như cái kẹo, hắn chăm bẵm vợ con dữ lắm, tìm các loại sách nuôi dạy trẻ về nghiên cứu, đến khi con hắn mập mạp lên, vợ hắn mũm mĩm ra, thì người hắn tóp lại như cái kẹo kéo. Các cụ xưa có câu “trai nuôi vợ đẻ gầy mòn” là ám chỉ những thằng đàn ông như hắn đấy.

Hồi mới quen nàng, yêu nàng, ta phải mất bao công sức tán tỉnh, mất thời gian chầu chực đón đưa.(Ảnh minh họa)
- Anh chiều vợ gớm nhỉ, vợ ốm nghén mà mua cho vợ những một ký ô mai thì dùng cho cả ốm nghén đứa sau à? Làm chồng như anh hiếm đấy.
Tôi buột miệng than vãn:
- Thôi, tôi đang chán làm chồng lắm rồi cô ơi…
Cô bán hàng bỗng nghiêm mặt:
- Bộ anh tưởng “người ta” không chán làm vợ sao? Khi yêu người ta, các anh chiều chuộng, thề thốt đủ điều, nào em là người yêu, là cô tiên dịu hiền xinh đẹp, làm vợ anh em sẽ là bà hoàng, không lấy được em anh sẽ đau khổ ở vậy suốt đời…
Tôi giật mình, không biết chồng cô ta là thằng cha nào mà thề thốt dại dột… giống tôi đến thế. Giọng cô bán ô mai trở nên ngòn ngọt, chua chua lại hơi cay cay:

Nhưng khi lấy nhau vào thì cuộc sống lại hoàn toàn khác.(Ảnh minh họa)
- Hồi còn đang yêu, các anh dụ người ta trốn cha trốn mẹ đi chơi bất kể giờ giấc, thề sẽ đưa người ta đi đến mọi chân trời góc bể. Khi làm vợ rồi, các anh “nhốt” người ta ở nhà nấu cơm, rửa bát, giặt quần áo cho các anh. Đàn ông các anh còn không phải mang bầu, sanh con, thức khuya dậy sớm… Chẳng phải đến bây giờ mới có người như anh kêu chán làm chồng, chị em chúng tôi chán làm vợ từ thời bà Hồ Xuân Hương cơ.
Nói về nỗi khổ của phụ nữ, cái sự chán làm vợ mà giọng cô hàng ô mai cứ nhẹ tênh không hề có ý trách móc giận hờn. Cô ta tủm tỉm cười nhìn tôi ngâm nga:
… “Có chồng khổ lắm chị em ơi
Một bên con khóc một bên chồng
Bố cu lỏm ngỏm bò trên bụng
Thằng bé hu hơ khóc dưới hông…”
Mặt tôi nó đỏ, mắt tôi nó tròn, cổ tôi ngắc ngứ như buốt phải hạt ô mai. Tôi cầm bịch ô mai đi chạy trốn. Cô nàng đáo để thật, nhưng phải công nhận cô ta nói cũng đúng. Làm đàn ông hay phụ nữ, làm chồng hay làm vợ cũng đều có khổ sướng, bởi vậy mà từ thời thượng cổ tới giờ họ vẫn cần có nhau, gắn kết niềm vui và nỗi khổ của cả hai bên lại bằng tình yêu, thì người ta gọi đó là hạnh phúc.
Cũng may cô vợ chưa nghe thấy những lời than vãn “ghen tỵ” của tôi, vả lại đã lỡ thì thề thốt từ thời đang yêu rồi, đã lỡ sinh ra là đàn ông rồi, thôi thì đành tiếp tục làm chồng, làm đàn ông vậy…
(Theo Phụ nữ Việt Nam)