Lên án nạn lên mạng nói xấu đối thủ

(TBKTSG Online) - Một số doanh nghiệp đang tận dụng mạng xã hội, blog, diễn đàn… như một công cụ để bêu xấu đối thủ cạnh tranh, làm thiệt hại lớn đến doanh nghiệp bị hại, nhưng những quy định chế tài của pháp luật còn nhiều hạn chế, không đủ mạnh để răn đe.

Đây được xem là những vấn đề nóng mà các luật sư, nhà quản lý, doanh nghiệp… nêu ra tại buổi tọa đàm “Quản lý cạnh tranh bằng mạng và diễn đàn” do Tạp chí Doanh Nhân và Pháp Luật (Bộ Tư Pháp) tổ chức vào ngày 5-8 tại TPHCM.

Theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, mạng xã hội, diễn đàn, blog... đang phát triển rất nhanh ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Văn Hậu & Cộng sự thì một số doanh nghiệp đang tận dụng mạng internet vào những chiến dịch tung tin đồn nhằm hại đối thủ cạnh tranhnói xấu sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp đối thủ trên thương trường. Điều này đã gây không ít thiệt hại cho doanh nghiệp nhưng những quy định xử phạt cho những vi phạm này không mang tính răn đe.

Bị bêu xấu, doanh nghiệp thiệt nặng

Trường hợp này đã xảy ra đối với Công ty TNHH Cơ khí ô tô Phạm Gia - một công ty chuyên kinh doanh dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa và buôn bán xe hơi tại TPHCM. Bài bêu xấu “Bó toàn thân với Phạm Gia - kinh nghiệm cho các bác sửa xe” đăng trên diễn đàn otosaigon.com đã làm cho hoạt động kinh doanh của công ty Phạm Gia bị giảm sút nghiêm trọng.

Tại buổi tọa đàm, ông Phạm Trường Sơn, Phó Tổng giám đốc Công ty Phạm Gia cho biết, bài bôi xấu này đã nhanh chóng lan rộng trong giới sử dụng ô tô, ảnh hưởng nặng nề đến việc kinh doanh của công ty, doanh thu lập tức bị giảm đến 65% so với trước đó. Ông Sơn thừa nhận, gần đây đại diện diễn đàn otosaigon.com đã lên tiếng xin lỗi về việc không quản lý hết ý kiến các thành viên trên diễn đàn, làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh của Phạm Gia nhưng đến nay việc kinh doanh của Phạm Gia vẫn chưa phục hồi lại như trước. Theo ông Sơn, kết quả kinh doanh bây giờ chỉ bằng khoảng 70% so với lúc chưa xảy ra sự việc.

Trường hợp Công ty nệm Kymdan bị bêu xấu cũng được các diễn giả nêu ra. Hồi tháng 4-2011, Công ty Kymdan phát hiện trên diễn đàn của một website xuất hiện bài viết với chủ đề “Chất lượng đệm Kymdan không tốt như quảng cáo”, trong đó thành viên đăng tải chủ đề đã nhân danh khách hàng của Công ty Kymdan đưa ra những thông tin nói xấu về sản phẩm, dịch vụ hậu mãi của nệm Kymdan… Sau khi phát hiện vụ việc, Công ty Kymdan đã đề nghị chủ sở hữu website yeutretho.com gỡ bỏ nội dung đăng không đúng sự thật nói trên trong vòng 3 ngày.

Một số hãng điện tử, điện thoại di động, máy tính gần đây cũng phàn nàn rằng nhiều diễn đàn, blog của một vài tờ báo mạng sẵn sàng đả kích bất cứ sản phẩm mới nào mà chưa cần biết người đăng ý kiến đã sử dụng sản phẩm hay chưa, đánh giá và so sánh dựa trên cơ sở nào?

Thị trường sữa trong nước gần đây cũng xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh khi một hãng sữa bị đối thủ cạnh tranh lợi dụng một diễn đàn dành cho các bà mẹ có con nhỏ để nói xấu, hậu quả là trong suốt một thời gian dài, sản phẩm của hãng này mất uy tín, lượng bán và thị phần bị giảm nhiều.

Chế tài chưa đủ sức răn đe


Luật sư Nguyễn Văn Hậu (trái), bên cạnh là Luật sư Cổ Hiệp đang trao đổi tại buổi Tọa đàm -Ảnh: Quốc Hùng
Tại tọa đàm, các luật sư cho rằng hành vi bêu xấu, làm giảm uy tín của doanh nghiệp khác được quy định trong Luật Cạnh tranh là hành vi cạnh tranh không lành mạnh và bị cấm. Theo quy định tại điều 39 và điều 44 của Luật Cạnh tranh cấm doanh nghiệp gièm pha doanh nghiệp khác, đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác.

Tuy nhiên theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, những quy định về xử phạt đối với những hành vi cạnh tranh không lành mạnh chưa đủ mạnh để răn đe. Mức phạt nặng nhất về các vi phạm này chỉ vào khoảng 100 triệu đồng. Theo ông Hậu, một số doanh nghiệp sẵn sàng bỏ ra số tiền phạt đó để bôi xấu doanh nghiệp đối thủ. “Các doanh nghiệp lớn có thể trả gấp đôi hoặc nhiều hơn khi cố tình vi phạm để đánh bại đối thủ của họ”, ông Hậu nói và cho rằng “Mức phạt này còn ‘rẻ’ hơn tiền mà các doanh nghiệp chi cho quảng cáo mà lại tạo ra hiệu quả tức thì”.

Theo luật sư Hậu, ở các nước Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc…xử phạt nặng đối với doanh nghiệp có hành vi nói xấu doanh nghiệp khác trên mạng, như Hàn Quốc xử phạt hành vi này lên đến 350 triệu đô la Mỹ trong năm 2009; ở Mỹ xử phạt hành vi này lên đến 1 tỉ đô la Mỹ trong năm 2010. Còn ở Trung Quốc, với hành vi “quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh”, bên vi phạm cũng có thể bị phạt đến 1 triệu nhân dân tệ (khoảng 2,7 tỉ đồng Việt Nam).

Luật sư Cổ Hiệp cũng đồng ý rằng nếu không có biện pháp chế tài mạnh thì sẽ khó quản lý được tình trạng sử dụng mạng internet để bêu xấu doanh nghiệp cạnh tranh. Theo các luật sư, Luật Cạnh tranh cần có biện pháp phạt mạnh hơn, thậm chí rút tên miền trang web vi phạm để răn đe.

Ngại kiện ra tòa


Theo các Luật sư doanh nghiệp ngại kiện các vụ việc vi phạm ra tòa -Ảnh: Quốc Hùng
Theo các luật sư, doanh nghiệp bị hại có quyền khởi kiện những doanh nghiệp bôi xấu họ. Theo quy định của Luật Cạnh tranh thì doanh nghiệp bị gièm pha có quyền khiếu nại đến Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) theo quy định tại Điều 58 của Luật Cạnh tranh và Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) có trách nhiệm thụ lý hồ sơ, điều tra, xử lý và xử phạt hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên theo đúng quy định của pháp luật cạnh tranh.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cũng cho rằng, hành vi tung tin không đúng sự thật nhằm hạ thấp uy tín của tổ chức cũng vi phạm pháp luật dân sự. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 604 của Bộ luật Dân sự, người nào do lỗi vô ý hoặc cố ý xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Do đó, trong trường hợp những thông tin trên mạng máy tính mà gây thiệt hại thực tế thì doanh nghiệp bị gièm pha có quyền khởi kiện ra tòa án nhân dân có thẩm quyền theo trình tự, thủ tục vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án buộc người tung tin không đúng sự thật lên mạng thông tin máy tính phải bồi thường cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo luật sư Cổ Hiệp, hầu hết các doanh nghiệp bị bêu xấu lại chọn con đường hòa giải để yên thân làm ăn. Luật sư Hiệp nói rằng, nhiều doanh nghiệp có suy nghĩ khó chứng minh những thiệt hại của mình với tòa án, trong khi thương hiệu của mình thì ngày càng bị ảnh hưởng nặng. Nhiều doanh nghiệp không có thời gian theo đuổi việc kiện tụng, do đó giải pháp hòa giải luôn được doanh nghiệp chọn dù bị thiệt hại nặng.
Nguồn : thesaigontimes.vn
 

Thống kê

Chủ đề
102,172
Bài viết
469,764
Thành viên
340,382
Thành viên mới nhất
268chillstore
Top