LG G5 và LG G4 - Sự đột phá thực sự có được tạo nên?

0-lg-g5(2).jpg


Cuối cùng thì sau một thời gian dài chờ đợi, LG G5, phiên bản kế nhiệm tiếp theo trong dòng sản phẩm LG G đình đám của hãng công nghệ đến từ Hàn Quốc cũng chính thức đổ bộ lên sân khấu Mobile World Congress 2016 một cách không thể nào mong đợi hơn được với những tính năng ưu việt. Tuy nhiên, nếu so với người tiền nhiệm LG G4 được ra mắt gần 1 năm trước đây, liệu LG G5 có những sự đột phá nào mang tính ưu việt hơn hẳn hay không?

LG G5 và LG G4 – Thiết kế

Nhìn chung, trong những cái nhìn đầu tiên về LG G5, chúng ta thấy nó với người tiền nhiệm của mình có khá nhiều nét tương đồng vẫn được LG giữ nguyên có thể kể đến như các góc cạnh được bo tròn vơi kiểu dáng gần như tương đương, cùng với đó là viền benzel mỏng và nút nguồn đặc trưng được đặt ngay mặt lưng của thiết bị.

Tuy nhiên, tương đồng nhưng không hoàn toàn có nghĩa là sự lặp lại các chi tiết đến mức nhàm chán khi chúng ta vẫn thấy một bộ mặt hoàn toàn khác trong phong cách thiết kế trên LG G5. Cũng vẫn nút nguồn được đặt ở phía mặt sau của thiết bị, nhưng giờ đây, nếu để ý kĩ, không khó để nhận ra nó được tích hợp thêm công nghệ cảm biến vân tay đang là một trào lưu phổ biến trong hàng loạt những thiết bị cao cấp hay tầm trung được ra mắt trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, là sự di chuyển của các nút chức năng điều chỉnh âm lượng khi không đi kèm với nút nguồn nữa, mà chuyển sang cạnh bên để người dùng có thể dễ dàng tương tác hơn, cũng như tránh việc bị bấm nhầm trong khi sử dụng.

1-lg-g5(1).jpg

Mặc dù, thiết kế với chất liệu bằng da khiến cho LG G4 năm ngoái trông thật đặc biệt khi không có quá nhiều, hay thậm chí là không có một cái tên OEM nào trên thị trường nghĩ đến việc sử dụng chúng. Nhưng đi kèm với những ưu điểm trong khâu thiết kế, cũng phải kể đến những nhược điểm đến từ chính chất liệu này khi lớp da khó có thể giữ được độ bền như ban đầu dưới những tác động của môi trường, và qua một thời gian dài, LG G4 trông có vẻ xuống cấp một cách nghiêm trọng về ngoại hình ngay cả khi thiết bị chưa có tuổi thọ quá lâu.

Cũng chính vì thế, một lớp vỏ kim loại gần như là lựa chọn thích hợp trên LG G5 thay vì tìm kiếm một chất liệu da khác tốt hơn. Thứ nhất, nó tạo cho người dùng những cảm nhận một cách rõ rệt hơn về một thiết bị thuộc phân khúc cao cấp hoàn toàn. Thứ hai, có một điều phải công nhận rằng độ bền theo thời gian của lớp vỏ kim loại này được tốt hơn so với da, khi có thể có chút trầy xước, nhưng nó không mấy ảnh hưởng gì đến tổng thể về mặt ngoại hình của nó. Và một điều nữa, liệu việc tìm ra một chất liệu da tốt hơn có đảm bảo mức giá thành của LG G5 có dễ dàng được chấp nhận hơn hay không là điều rất khó để đoán biết và mất một thời gian dài thử nghiệm, trong khi với khung nhôm, LG ít nhiều cũng sẽ có kinh nghiệm hơn trong việc sử dụng những ưu điểm do nó cung cấp.

Bên cạnh việc ra mắt của LG G5, thì trong buổi giới thiệu sản phẩm được tổ chức vừa qua, LG cũng hé lộ thêm không ít những chi tiết về phần ốp lưng chuyên dụng dành cho thiết bị mới của mình với một phiên bản Quick Cover mang phong cách tương tự đã từng xuất hiện trên LG K10. Theo đó, Quick Cover dành cho LG G5 sẽ mang đến cho người dùng khả năng tắt báo thức hay nhận cuộc gọi mà không cần mở máy, cũng như tương tác một cách đầy đủ với màn hình Always On để hiển thị một cách đầy đủ các thông tin theo ý muốn của từng người.

Ngoài những phụ kiện thông dụng, LG G5 cũng sẽ đi kèm thêm một phần vỏ rời dành cho cạnh dưới, cho phép người dùng gắn pin, thẻ nhớ microSD và sử dụng công nghệ kết nối Magic Slot trên đó.

LG G5 và LG G4 – Màn hình hiển thị

Trong những dự đoán ban đầu về một sản phẩm sẽ được LG giới thiệu MWC trước thềm sự kiên này chính thức diễn ra, nhiều ý kiến cho rằng phiên bản LG G5 sẽ có kích thước trong khoảng 5.6-inch, nhưng trên thực tế thì không hẳn như vậy khi bị giảm đi 0.3-inch, tức là chỉ còn 5.3-inch với công nghệ Always On cho phép hiển thị một số thông tin ngay cả khi tắt máy. Về công nghệ Always On của LG, người dùng sẽ không cảm thấy quá xa lạ khi nó có nét tương đồng với màn hình Ambient Display trong các phiên bản Google Nexus, nhất là khi LG V10, thiết bị được ra mắt vào cuối năm ngoái của LG cũng được tích hợp công nghệ này lên màn hình phụ thứ 2 của nó.

2-lg-g5(1).jpg

Với người tiền nhiệm LG G4, màn hình là một bộ phận không thể nào chê được với một kích thước không quá lớn với 5.5-inch, nhưng mang đến một độ sắc nét cao khi được trang bị độ phân giải tiêu chuẩn Quad HD 2560 x 1440 pixels, cùng với đó là độ sáng được cân chỉnh ở mức vừa phải, và một góc nhìn rộng. Trên LG G5, những tính năng ưu việt từ người tiền nhiệm vẫn được giữ nguyên, ngoại trừ việc kích thước có phần nhỏ hơn, đồng nghĩa với việc thiết bị mới được ra mắt này sẽ có mật độ điểm ảnh ở mức cao hơn, cho khả năng hiển thị sắc nét hơn khi phóng lớn so với người đàn anh đi trước của mình.

LG G5 và LG G4 – Cấu hình sản phẩm

Khi mà việc ứng dụng vi xử lí Snapdragon 810 không được thành công cho lắm trên phiên bản LG G Flex 2 được ra mắt vào đầu năm 2015 với những lỗi phát sinh liên quan đến vấn đề nhiệt lượng tỏa ra trong quá trình sử dụng, thì LG G4 đón nhận một sự thay thế trong mảng này với bộ vi xử lí 6 lõi Snapdragon 808, đi kèm RAM 3GB, bộ nhớ trong 32GB cùng thẻ nhớ microSD mở rộng. Nhìn chung, về đánh giá, Snapdragon 808 không thể so sánh với phiên bản Snapdragon 810 nguyên mấu được, nhưng nó vẫn có thể đảm bảo một hiệu năng tốt ở một thiết bị trong phân khúc cao cấp như LG G4 ở hàng loạt các tác vụ, và ít nhiều hạn chế được các vấn đề do Snapdragon 810 phát sinh ở thời điểm đó.

Còn với LG G5, thì với việc Snapdragon 820, thế hệ tiếp theo của dòng vi xử lí dành cho di động của Qualcomm có màn ra mắt thành công cả về hiệu năng, tính năng, và độ ổn định được khẳng định trên nhiều dòng thiết bị ra mắt trước đó, thì chẳng có lí do nào mà nó không đổ bộ lên thiết bị mới nhất của LG cả. Về hiệu năng, không có gì phải nói quá nhiều khi những gì mà Snapdragon 820 với sự giúp sức của 4GB RAM đã được thể hiện một cách rõ ràng trong nhiều bài viết trước đây liên quan đến nó, hứa hẹn một con quái vật thực sự trong khả năng xử lí sẽ xuất hiện và sánh vai cùng những ông lớn khác tại các cửa hàng bán lẻ trong thời gian sắp tới.

LG G5 và LG G4 – Camera

Với cụm camera 16MP trên LG G4 đã khiến cho thiết bị này một thời làm mưa làm gió trên thị trường bởi chất lượng của các bức ảnh chụp khiến nhiều người không thể chê vào đâu được, thậm chí, nó còn giúp cho LG G4 trong một thời gian dài trở thành một trong những thiết bị có khả năng chụp ảnh tốt nhất sử dụng nền tảng Android, và truyền thống này được liên tục kế thừa trên những phiên bản kế nhiệm có thể kể đến như LG V10 và mới đây nhất là LG G5. Tuy nhiên, điểm nhấn nổi trội của LG G5 so với LG G4 là việc thay vì chỉ có một, mà nó được tích hợp thêm một camera khác với độ phân giải ở mức 8MP nhưng cho góc nhìn rộng hơn lên đến 135 độ để phục vụ người dùng trong một số trường hợp chụp ảnh selfie nhóm hay chụp phong cảnh…

3-lg-g5(1).jpg

Đây thực sự là một đột phá, cũng như là bất ngờ mà LG mang đến cho những người dùng của họ khi nhiều người nghĩ cụm camera kép này sẽ nằm ở mặt trước tương tự như LG V10, nhưng không, với việc nhận ra những ưu việt mà nó mang lại lớn hơn, LG đã không ngần ngại chuyển nó đặt bên cạnh cụm camera mạnh mẽ mặc định, và chất lượng tuyệt hảo sẽ được nêu một cách rõ ràng hơn trong những bài đánh giá riêng về các bức ảnh chụp từ chính LG G5 trong thời gian tới khi mà nó chính thức được phân phối trên toàn cầu.

LG G5 và LG G4 – Tính năng

So với LG G4, thì LG G5 ra mắt với việc đi kèm không ít những tính năng hấp dẫn mà có thể kể đến như sự tích hợp của công nghệ sinh trắc học bằng cảm biến vân tay ngay trên nút nguồn của thiết bị, cũng như thay thế chuẩn sạc microUSB truyền thống để mang đến một USB Type-C cho một nguồn điện mạnh hơn để rút ngắn thời gian sạc, cũng như khả năng truyền tải dữ liệu giữa nó với PC nhanh chóng và hiệu quả hơn dựa trên tốc độ mà USB Type-C có thể đáp ứng.

Nhưng, quan trọng nhất, thì chúng ta không thể nào bỏ quên công nghệ Magic Slot được LG ẩn đi một cách khôn khéo trong phần vỏ ở cạnh đáy có thể tháo rời và thay thế. Với Magic Slot, việc LG có thể kết nối với một công cụ công nghệ nào ngoài PC hay smartphone trở nên hoàn toàn dễ dàng và tiện lợi. Giờ đây, kính thực tế ảo VR, cụm camera mới, khối âm thanh công nghệ Hi-Fi+ cao cấp có thể tích hợp để mang đến những tính năng hấp dẫn cho người dùng mà không cần mất quá nhiều những bước thiết lập về phần cứng, hay các bộ chuyển đổi cồng kềnh và rườm rà như trước đây nữa.

LG G5 và LG G4 – Hệ điều hành

Sử dụng nền tảng Android thông dụng đến từ Google, nhưng không phải là LG mang đến đúng một cái nhìn như trên phiên bản gốc, mà thay vào đó là tích hợp không ít những sự thay đổi thông qua giao diện người dùng UX do chính hãng phát triển. Với một LG G4 ra mắt vào thời điểm đầu năm ngoái, Android 5.1 Lollipop là một sự lựa chọn về nền tảng tốt nhất khi nó mang đến những tính năng ưu việt, cũng như là mới nhất trong giới Android thời bấy giờ, nhưng đi kèm với nó là phiên bản UX4.0 tối ưu hóa về hiệu năng cũng như là đơn giản hóa việc thao tác khiến người dùng dễ dàng làm quen với thiết bị hơn so với sự rườm rà của một Android.

4-lg-g5.jpg

Tuy nhiên, cũng giống như nhiều những giao diện người dùng mặc định do các hãng phát triển cho thiết bị của họ, thì nó có thể khiến nhiều người cảm thấy thích thú và mới lạ, nhưng bên cạnh đó, không ít người nghĩ ngược lại. Đương nhiên, thì việc tìm kiếm một giao diện thay thế là điều không thể nào cấm đoán, nhưng không thể phủ nhận rằng những tính năng đi kèm UX4.0 rất hữu ích để phục vụ người dùng

Và với LG G5, một lần nữa, chúng ta thấy sự nhanh nhẹn của LG trong vấn đề hệ điều hành khi họ kịp thời mang đến một Android 6.0 Marshmallow đầy cách mạng trong hệ thống Android trước khi đem sản phẩm này chính thức được công bố với những người tham dự bữa tiệc MWC 2016. Và bên cạnh đó, không thể nào bỏ qua phiên bản UX5.0, một giao diện người dùng hoàn toàn mới với những kế thừa và đi kèm là thay đổi rõ rệt so với người tiền nhiệm UX4.0 trên LG G4.

Đầu tiên, chính là sự biến mất của App Drawer, đồng nghĩa giờ đây, tất cả các biểu tượng của ứng dụng cài đặt sẽ nằm ngay trên màn hình chính, thay vì người dùng sử dụng App Drawer để hiển thị nó và chỉ chọn những ứng dụng nào thường sử dụng đưa ra ngoài màn hình Home như trước đây. Ban đầu, nhiều người sẽ cảm thấy bất tiện với việc loại bỏ này, nhất là đối với những ai sử dụng không ít các ứng dụng trên nền tảng Android. Thế nhưng, việc mà LG làm vậy là hoàn toàn có cơ sở khi mà chính Google cũng đang ngấm ngầm loại bỏ App Drawer có phần không mấy cần thiết này trên phiên bản Android N sắp tới

LG G5 và LG G4 – Thời lượng pin

Trên LG G4, mặc dù tích hợp một dung lượng pin lên đến 3000mAh, nhưng những trải nghiệm thực tế về nó không thực sự tốt khi cho thời lượng sử dụng không như những gì mong đợi bởi việc ngốn năng lượng quá nhanh từ phần cứng, ngay cả khi LG có những sự tinh chỉnh trong các bản nâng cấp sau này nhưng có vẻ không được khả thi khi tình trạng này không hề tìm được cách khắc phục đúng đắn.

5-lg-g5.jpg

Trong khi những nghi ngờ về việc LG có quyết định như thế nào đối với vấn đề này trong những phiên bản LG G tiếp theo, thì LG G5 ở thời điểm ra mắt khiến cho nhiều người cảm thấy khá thất vọng trong những thông số kĩ thuật của nó khi thay vì giữ nguyên 3000mAh thì giờ đây, con số này chỉ còn khoảng 2800mAh. Nhưng dù vậy, trên thực tế, với một màn hình nhỏ hơn, cùng với việc tích hợp thêm nhiều những tính năng tiết kiệm pin bên cạnh Doze trên Marshmallow, và một vi xử lí thân thiện về năng lượng hơn khiến con số 2800mAh này mang lại một thời gian sử dụng tương đương LG G4, thậm chí là hơn hẳn, nhưng vượt trội hơn bao nhiêu thì còn phải chờ những bài kiểm tra thực tế thay vì chỉ đánh giá nó một chút thông qua thời gian sử dụng trải nghiệm ngắn ngủi tại sự kiện MWC.

Điểm đặc biệt trên LG G5 là người dùng có thể thay thế viên pin trong máy sắp cạn kiệt nhưng không thể nào tìm được nguồn điện thích hợp bằng một viên pin khác được nạp đầy sẵn thông qua việc tháo gỡ phần đáy của thiết bị một cách dễ dàng, và đương nhiên, mọi công việc của bạn sẽ nhanh chóng được tiếp tục mà không cần phải ngồi chờ thiết bị sạc, nhất là trong những lúc quan trọng.

LG G5 và LG G4 – Tổng kết

Nhìn chung, so với LG G4 thì LG đã khá thành công trong việc mang những đột phá của mình áp dụng lên LG G5 khi tích hợp cụm camera kép mạnh mẽ cùng một góc nhìn rộng, một màn hình công nghệ Always On giúp chúng ta nhanh chóng nắm được những thông tin quan trọng cần thiết mà không cần phải bật thiết bị lên rồi tắt chúng đi với khá nhiều thao tác, hay một giao diện UX thân thiện với người dùng và đảm bảo mang đến không ít những tính năng bên cạnh những gì mà Android 6.0 Marshmallow có sẵn, cũng như phần cứng mạnh mẽ, hiệu năng cao hơn từ Snapdragon 820 nhưng lại duy trì thời lượng sử dụng hứa hẹn tốt hơn hẳn người tiền nhiệm… tất cả những điều mà chúng ta từng mong đợi, ao ước trong một thời gian dài trước đây đều có mặt trên LG G5, và LG thật sự là một trong những OEM tiếp thu và biến ước mơ người dùng thành hiện thực một cách hiệu quả ngoài mong đợi

Nhưng sẽ tốt hơn nếu như LG G5 vẫn có thể mang đến một phong cách thiết kế đột phá từ kiểu dáng đến chất liệu như LG G4 đã làm. Có thể ở thời điểm này, việc tạo ra một sản phẩm như thế còn khó khăn trong việc cân bằng các yếu tố của sản phẩm, nhưng biết đâu được, một LG G6 với lớp vỏ bọc da cao cấp và bền bỉ sẽ xuất hiện, hay một màn hình cong như G Flex cùng công nghệ Always On xuất hiện thì sao? Tất cả đều mong đợi ở một LG G mới hơn, cũng như chúc mừng cho LG khi họ gần như đạt được thành công với LG G5, cũng như sự quay lại của một thương hiệu LG thống trị trên thị trường như nhiều năm trước đây.

Theo Android Pit
 
  • Chủ đề
    lg g4 lg g5 mwc 2016 so sanh vượt trội đánh giá
  • Top