Lòng người là giấy!

'Lòng người ta là giấy, chứ không phải vàng đá'.


Khoanhkhacxuongrong
(Vivian sưu tầm)

Là giấy nhưng sao người ta cứ nghĩ là vàng để đem đi thử lửa? Đến lúc cháy mất rồi lại thất vọng lòng dạ bạc đen? Sao ta không hiểu rằng, bởi là giấy, nên cái cần và nên làm là chúng ta phải nâng niu, giữ gìn cho nhau để tránh khỏi nắng mưa của cuộc đời?

Tôi muốn được kể một câu chuyện:

Chuyện xưa kể rằng, có một đạo sĩ nổi tiếng thần thông, trong một lần ngao du sơn thuỷ, thấy một phụ nữ đang quỳ bên một ngôi mộ mới, vừa khóc vừa quạt. Lấy làm lạ, đạo sĩ đến hỏi sự tình. Mới hay rằng, người dưới mộ là người chồng vừa khuất của thiếu phụ.

Ngán thay, trước khi chết có trăn trối lại rằng đến khi mộ khô thì người vợ trẻ hãy tái giá. Người thiếu phụ vì thế mới ở đây, quạt cho mộ nhanh khô. Người đạo sĩ động lòng, mới hoá phép giúp cho thiếu phụ, ngôi mộ thoắt cái đã khô như những ngôi mộ cũ. Người thiếu phụ vui vẻ cảm ơn đạo sĩ để về nhà, nơi người tình mới của mình mong đợi.

42-22839346.jpg

Người đạo sĩ về nhà, đem chuyện kể với vợ của mình. Vợ của đạo sĩ chê cười người đàn bà kia thật bạc tình. Được một thời gian, bỗng dưng người đạo sĩ mắc phải bạo bệnh, liệt giường và tạ thế. Trước khi nhắm mắt mới trăng trối lại rằng hãy giữ quan tài đủ bảy bảy bốn chín ngày rồi hãy an táng. Người vợ khóc vâng lời.

Một ngày kia, có một người xưng là học trò đến xin ở lại chịu tang người đạo sĩ. Dung mạo người học trò thật khôi ngô tuấn tú. Thế rồi, chỉ ba ngày sau, người vợ đạo sĩ đã ăn nằm với người học trò.
Được bảy ngày sau, người học trò lăn ra ốm. Bệnh ngày một nặng. Mới nói với người vợ đạo sĩ rằng, ta mắc phải bạo bệnh, chỉ có ăn óc người mới khỏi được. Người vợ liền lấy vồ, bật nắp quan tài định đập vỡ đầu xác chết để lấy óc cho nhân tình ăn.

Nào ngờ, vừa bật nắp quan tài thì vị đạo sĩ tỉnh lại. Người thiếu phụ quay lại thì chàng trai trẻ đã biến mất tự khi nào. Mới hay, đó là do phép thuật phân thân của người đạo sĩ cao tay. Người vợ xấu hổ quá, mới tự tử mà chết.

Người đạo sĩ đó là Trang Chu (còn gọi là Trang Tử), cũng là một hiền triết của phương Đông chúng ta. Câu chuyện đó, câu chuyện "vợ thầy Trang Chu" lưu truyền gần hai nghìn năm để chê cười cái gọi là "lòng dạ đàn bà".

Ngày nay, lại có chuyện anh đảng viên nọ sau khi "hoàn thành kế hoạch" (hai con), mới giấu vợ đi đình sản. Người vợ thì lại muốn sinh thêm con cho vui cửa vui nhà nên "tích cực cố gắng" mà mãi không thấy "kết quả". Người chồng vẫn giấu vợ, thậm chí bởi vì cái khoản đình sản kia không ảnh hưởng đến khả năng đàn ông của anh, nên anh lại còn làm ra vẻ hăng hái "phụ giúp" vợ mình.

Thế rồi, một hôm người vợ vui vẻ thông báo những "nỗ lực cố gắng" của hai vợ chồng đã có "kết quả tốt đẹp", cô đã có thai ba tháng. Choáng váng, nhưng người chồng giấu đi để đi "kiểm định lại". Kết quả biểu đồ của anh là 0%. Cuộc tiểu phẫu đình sản đã thành công tốt đẹp.

Ấy, cái câu chuyện thời nay cũng đang nói đến cái lòng dạ con người...

Lại có người lấy email giả, để chính mình chat và "thử lòng" người chồng mà mình hết mực thương yêu. Để đến khi anh ta trở nên lạnh nhạt tình cảm vì cho rằng người vợ thiếu tin tưởng tình yêu của mình. Rồi lấy bạn gái của mình để thử chồng, và rước đau khổ vào mình khi người chồng chẳng "trước sau như một".

Còn bao nhiêu câu chuyện trớ trêu nữa mới đủ để chúng ta hiểu rằng, lòng người ta là giấy, chứ nào đâu phải vàng đá... Vì là giấy, nên sao ta cứ nghĩ là vàng để đem đi thử lửa? Đến lúc cháy mất rồi lại thất vọng lòng dạ bạc đen? Sao ta không hiểu rằng, bởi là giấy, nên cái cần và nên làm là chúng ta phải nâng niu, giữ gìn cho nhau để tránh khỏi nắng mưa của cuộc đời?

Sao ta không hiểu rằng, bởi là giấy nên đẹp xấu là do ta vẽ nên, tốt lành là do ta viết nên mà thù hận cũng là ta đặt bút. Sao ta không viết lời hay, vẽ lấy bức tranh yên bình để xây dựng, gìn giữ cái hạnh phúc mong manh của gia đình?

Tôi chẳng cho cách làm của thầy Trang Chu là hay, tôi chẳng cho người đảng viên kia là không có lỗi. Tôi cũng chẳng ủng hộ việc thử lòng của các chị thời nay với email và các phương tiện khác. Thời gian thì trôi đi, nhưng lòng người thì vẫn vậy thôi, vẫn là giấy. Mà đá cũng mòn, vàng cũng phai, huống hồ là giấy...
Người ta, cùng là một người, sao có lúc nhân từ đáng yêu, lại có lúc cay nghiệt thế? Ấy bởi ai cũng có hai mặt tốt xấu trắng đen lẫn lộn.

Là những người thề non hẹn biển với nhau, cam kết gắn bó với nhau để xây dựng tổ ấm của mình, tôi thiết nghĩ việc nên làm là mang cái mặt tốt ra để đối đãi với nhau. Lấy mặt trắng mà đối đãi với nhau (phu phụ tương kính như tân - vợ chồng kính nhau như khi còn mới). Đó mới là cái kế vạn toàn. Chứ nếu cứ mang cái mặt trái để đối đãi với nhau, mang cái xấu để dành cho nhau, như thế thì đồng sàng mà dị mộng, người hiền lành mà đối xử với nhau như trộm cướp. Cái đó gần với sự tan vỡ lắm.

Ai ơi, nếu còn thương nhau, chớ có thử lòng nhau. Và hãy hiểu, lòng con người là giấy. Ai không động lòng trước một cử chỉ ân cần? Ai vô cảm bởi một lời khen? Ai vắng nhau lâu ngày mà không hề ham muốn? Chẳng phải lòng mình cũng vậy ư?


Vậy nên, nâng niu bao nhiêu vẫn chưa đủ. Một chút nghi kỵ đã là thừa.
 

ATM

✩✩✩✩
Ðề: Lòng người là giấy!

Sóng gió cuối đời
Tôi nghỉ hưu đã gần hai năm, chồng tôi thì phải hết năm tới mới được vui thú điền viên. Chúng tôi có hai con, một trai, một gái, đều đang du học ở Mỹ. Bạn bè, người thân khen gia đình tôi có phúc, vợ chồng đẹp đôi, con cái học giỏi, ngoan hiền.

040412songgio_630d0.jpg


Sóng gió bắt đầu từ chuyến du lịch sang Mỹ thăm con của tôi vào năm ngoái. Thời gian đầu, vợ chồng vẫn liên lạc đều đặn mỗi ngày. Sau anh bảo bận bịu công việc nên cuối tuần mới gọi điện thăm tôi. Vợ chồng mấy chục năm, lại ở tuổi về chiều nên tôi không nghi ngờ hay thắc mắc gì. Tôi chỉ lo cho sức khỏe của chồng. Dạo trước bốn giờ rưỡi sáng anh đã thức dậy uống trà, giờ thì bảy giờ anh mới mở điện thoại. Tôi nghĩ anh ngủ nhiều như thế chắc do không có vợ cạnh bên pha trà mỗi sớm. Vì thế, hết mùa hè là tôi lấy vé máy bay trở về ngay.

Về nhà, mọi thứ lại vào nếp cũ nhưng tôi phát hiện chồng tôi thức khuya hơn trước. Khoảng bốn tháng sau, vào ngày cuối tuần, anh đi câu cá với đồng nghiệp, nhà cúp điện không xài máy vi tính để bàn được nên tôi mở laptop của chồng. Trời xui đất khiến thế nào tôi lại mò vào nhật ký Yahoo Messenger của anh. Hóa ra chẳng biết từ bao giờ, chồng tôi đã có quan hệ thân mật và vô cùng lãng mạn với một cô gái 34 tuổi ở Huế. Khoảng thời gian tôi vắng nhà, cô ấy lo cho anh từng thực đơn, loại thuốc, dặn ngủ đủ giờ, lên lịch nhắc nhở công việc trong tuần… Mỗi ngày cô viết tặng chồng tôi một bài thơ, gửi cả quần áo vào Sài Gòn cho anh. Chồng tôi cũng viết lại cho cô những lời mật ngọt, mỗi tuần đều gửi quà ra Huế, khi thì cái kẹp tóc (khen nàng có mái tóc dài mượt), lúc là đôi giày hiệu (bảo anh biết loại giày này ở Huế không có bán, em mang vào chụp ảnh gửi anh xem có đẹp không…).

Tôi thẫn thờ, nước mắt trào ra. Vợ chồng mấy chục năm, sao chỉ xa nhau mới mấy tháng mà anh đã lạc lòng như thế? Tôi lướt nhanh xuống đoạn sau cùng… “Chúng mình sẽ cùng viết câu chuyện dài này đến khi nào hả anh?”. “Anh chưa biết, anh nhớ em lắm”! "Nhớ thì ra đây một chuyến thăm mẹ con em đi”. Không thấy anh trả lời, cô ta tiếp: “Em siêu âm rồi, con trai anh à. Em vừa vui vừa lo. Nhưng em không muốn làm xáo trộn gia đình anh đâu. Mẹ con em không đòi hỏi gì”. “Ừ, anh biết. Em thật tốt với anh, còn anh chẳng ra gì. Anh làm khổ gia đình, khổ cả em”.

Tôi không thể đọc tiếp, đất trời như sụp đổ. Về phòng, tôi nằm lơ mơ suốt buổi. Lúc tỉnh dậy, tôi không dám động đậy, không dám bước xuống giường. Tôi cố dối lòng rằng mình đang trong giấc mộng dài...

Tôi đổ bệnh. Anh cuống cuồng lo nấu cháo, mua thuốc, gọi mấy ông bạn bác sĩ hỏi han. Tôi biết tình nghĩa vợ chồng mấy chục năm không dễ đứt, nhưng sao anh nỡ buông mình theo chút ham muốn, chút lãng mạn mới mẻ để giờ gia đình ra nông nỗi này. Tôi chưa biết phải làm sao, ly hôn hay âm thầm chấp nhận sau khi cho anh hiểu rằng tôi đã biết hết? Các con tôi ra sao khi bỗng nhiên có thêm đứa em nhỏ sắp chào đời? Bạn bè, dòng họ sẽ nhìn gia đình tôi ra sao? Mấy chục năm thác ghềnh sóng gió đều cùng nhau vượt qua, vậy mà đến cuối đời vợ chồng tôi lại ra nông nỗi này...

Theo PNO
 

ATM

✩✩✩✩
Ðề: Lòng người là giấy!

Đêm qua anh đã làm gì?
“Sao bữa nay về trễ vậy anh?”. Thỉnh thoảng, tôi vẫn hỏi Thắng như thế khi anh về muộn. Chồng tôi cười: “Anh ghé qua nhà má thằng cu”. Biết anh đùa, tôi trêu: “Sao ghé thăm gì mà nhanh vậy?”. Anh lại nói: “Thì ghé thăm thằng cu chớ có thăm má nó đâu mà lâu?”.

Chỉ là chuyện nói đùa nhưng gần đây thấy bạn bè anh nhiều người vướng vào chuyện tình ái lăng nhăng, tôi đâm lo. Có lần, tôi đã nói rất nghiêm túc: “Từ nay đừng giỡn như vậy nữa. Em không thích đâu”. Nghe vậy, anh cau mặt: “Nói đùa thôi, em làm gì dữ vậy?”. “Em sợ cứ nói riết, nó lại hóa ra có thật thì nguy”.

Tôi lo lắng là có lý do. Chuyện ba anh có vợ bé làm khổ mẹ anh, cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, bà vẫn không tha thứ với lời trăn trối: “Tụi con để mẹ nằm riêng một mình...”. Tôi sợ “con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh”, nhất là khi tôi chỉ sinh được 2 cô con gái. Biết được điều đó, anh bảo tôi: “Anh đã chứng kiến những đau khổ mà ba gây ra cho mẹ nên không bao giờ lặp lại điều đó với vợ con mình”.

Sau ngày mẹ mất, các em lần lượt đi lấy chồng, ngôi nhà ở quê không ai ở phải thuê người chăm sóc. Trước đây, thỉnh thoảng anh mới về. Cũng có khi, do bận việc làm ăn anh không về được thì tôi lại thay anh về thăm nom, thắp nhang cho ông bà. Mấy năm qua, chuyện vẫn bình thường như vậy.

Thế nhưng khoảng 1 năm trở lại đây, anh bỗng về quê thường xuyên hơn, hầu như tháng nào cũng về. Tôi thấy lạ nên hỏi thì anh nói: “Lớn tuổi rồi, tự dưng muốn quay về quê cho yên tĩnh. Với lại, anh cũng muốn về coi sóc nhà cửa, mồ mả”.

Nghe anh nói cũng có lý nên tôi không dò xét nữa. Cho đến lần gần đây nhất, anh vội vã về quê sau khi nghe một cuộc điện thoại. Tôi thắc mắc: “Anh mới về tuần trước mà? Có chuyện gì vậy?”. “À... ừ... Cái bờ kè bị sụp, anh phải về mướn xáng cạp đổ lại cho đầy...”.

Nhìn điệu bộ luýnh quýnh của anh tôi cảm thấy có điều gì đó không bình thường. Xế trưa hôm đó, tôi bảo con: “Má về nội có chút việc, dì út sẽ qua ngủ với tụi con. Mai má lên”. Con bé ngạc nhiên: “Sao hồi sáng má không đi cùng ba cho vui?”. “Má bận giải quyết mấy việc ở công ty”. Tôi trả lời cho con yên tâm.

Tôi về mà không báo cho anh. Đến nơi, thấy nhà cửa vắng hoe, mới 7 giờ tối mà con Tím, đứa bé chúng tôi thuê trông nhà đã đóng cửa đi ngủ. Thấy tôi, nó nói ngay: “Chú về tới tắm rửa xong là đi liền, không kịp ăn cơm”. “Chú đi đâu con biết không? Cái bờ kè bị sụp chỗ nào mà thím không thấy?”. Con bé trố mắt: “Ai nói cái bờ kè bị sụp? Cái bờ kè nhà mình làm chắc chắn như vậy, sao mà sụp được?”. Rồi không đợi tôi hỏi thêm, con bé nói luôn: “Chắc chú ra cái quán đờn ca tài tử ở ngoài Cầu Lầu. Ở đó có mấy con nhỏ hát hay lắm...”.

Cái quán mà con Tím nói là một quán nhậu. Ra đến nơi, thấy không khí xô bồ, tôi tần ngần không dám vào nên gọi điện cho anh: “Có chuyện này gấp lắm, em muốn hỏi ý kiến anh...”. Giọng Thắng tiếng được, tiếng mất: “Anh đang ở trong quán với mấy thằng bạn, ồn quá nghe không được. Để lát anh gọi lại”. Thắng dập máy. Chờ mãi không thấy anh gọi, tôi gọi lại và nói ngay: “Có một suất đi đào tạo ở Nhật, công ty cử em đi... ”. Giọng Thắng vẫn hụt hửi: “Chờ chút, để anh ra ngoài”.

Tôi cứ ngỡ sắp thấy chồng từ trong quán nhậu bước ra. Nào ngờ, tôi dán mắt mãi vào cửa quán mà chẳng thấy. Thế nhưng anh vẫn nói: “Rồi, anh ra ngoài rồi, em nói đi”. Tôi lặp lại vụ đi Nhật. Vừa nghe vậy, anh đã kêu lên: “Trời, em được chọn đi Nhật đào tạo à? Sướng quá rồi. Tội gì không đi...”.

Điều này hoàn toàn khác với Thắng trước đây. Hồi trước, mỗi khi tôi đi công tác, anh lại rầu rĩ, kêu than; thậm chí gọi điện cho giám đốc công ty đề nghị phân công người khác...

Tối đó, tôi chờ mãi trước cổng cái quán nhậu có đờn ca tài tử cho đến lúc quán đóng cửa mà vẫn không thấy chồng mình. Tôi về đến nhà đã 2 giờ sáng mà Thắng vẫn chưa về. Cả đêm tôi gần như không ngủ. Sáng sớm, tôi gọi điện, nghe giọng anh còn ngái ngủ: “Em gọi làm gì sớm quá vậy? Để anh ngủ chút nữa, tối qua nhậu về khuya...”.

Rồi anh vội vã cúp máy. Tôi không biết phải làm gì. Trong khi con Tím vừa quét sân vừa líu lo: “Mấy lần trước về, chú cũng đâu có ngủ nhà...”.

Tôi không chờ anh mà trở lên Sài Gòn với tâm trạng thật nặng nề. Đêm qua và những đêm trước đây, anh đã đi đâu, làm gì? Tại sao phải nói dối vợ con? Tôi đặt ra nhiều tình huống và thử giải quyết. Thế nhưng tất cả các tình huống đều làm cho tôi thấy bị tổn thương và đau lòng.

Có lẽ anh đã nghe con Tím nói lại chuyện tôi lặn lội về quê nên sau đó đã gọi điện cho tôi: “Anh xin lỗi… Chờ anh lên, anh sẽ nói tất cả rồi tùy em quyết định”. Tôi nghẹn lời: “Em không muốn nghe”.

Nhưng dù không muốn thì tôi cũng phải nghe. Thằng bé đã gần thôi nôi. Má nó vốn là ca sĩ ở quán đờn ca tài tử. Tôi lặng người trước lời thú tội này. Hóa ra anh cũng tầm thường như những người đàn ông đã lén lút ngoại tình, lừa dối vợ con.

Bất giác tôi muốn gào thét, cấu xé để giải tỏa sự đau đớn, tuyệt vọng, chán chường. Nhưng rồi, tôi chẳng làm gì cả, chỉ chua chát thốt lên: “Đồ dối trá!”.

Từ hôm đó đến nay đã gần 3 tháng. Tôi không thấy anh về quê nữa. Tôi tự hỏi, chẳng biết “thằng cu” như thế nào rồi? Nếu nó đúng là con của anh thì mọi chuyện đâu đơn giản chỉ là “nhắm mắt uống một chén rượu cay” như lời anh nói…

Nhưng điều quan trọng nhất là tôi không biết phải làm sao để tiếp tục cuộc hôn nhân của mình một cách bình thường. Trong hai chúng tôi, không ai đòi ly hôn nhưng tôi biết mình sẽ còn đau rất lâu trước sự thật này…
Phương Linh
(báo NLĐ)
 
Top