Chuông báo động từ Nga
Dưới đầu đề “Báo chí xôn xao về mất cân bằng giới tính ở Trung quốc”(1) báo của ngành nhân khẩu học ở Nga năm 2005 giới thiệu một tổng quan về tình trạng này ở Trung Quốc, với những cảnh báo mà hôm nay nhìn lại, tỏ ra chính xác(2).
Nhiều học giả Nga (và phương Tây) đổ lỗi cho quốc sách “mỗi gia đình chỉ sinh một con” mà chính quyền Trung Quốc đã ban hành năm 1979 là nguyên nhân gây ra tình trạng này. Chính sách ấy khá cứng rắn: nếu sinh con thứ hai, gia đình sẽ bị phạt nặng. Bắc Kinh dự kiến rằng tới năm 2000, dân số Trung quốc sẽ chỉ lên tới 1,2 tỉ người. (Tuy nhiên, vào khoảng giao thừa thiên nhiên kỷ mới, dân Đại lục đã lên tới 1,3 tỷ nhân khẩu).
Dương thịnh song hành với tội phạm
Tạp chí Trung Quốc Beijing Luntan năm 1997(3) cho biết, tình trạng thừa đàn ông đã trở thành đường dẫn cho các tội phạm như “cưỡng hôn, bắt cóc cô dâu, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng, mua bán dâm, cưỡng hiếp …”. Mua bán, bắt cóc phụ nữ đã trở thành chuyện thường ngày ở nông thôn trong khi nạn mãi dâm hoành hành ở các đô thị.
Tỷ lệ phạm tội đã tăng gấp ba lần trong 20 năm tính đến đầu năm 2004, với số tội phạm nghiêm trọng tiến gần đến con số một triệu được ghi nhận chỉ trong ba tháng đầu năm 2004. Đa số thủ phạm của các vụ trọng án là thanh niên độc thân và bất mãn về địa vị này của mình trong cộng đồng (4).
Guang gun - mối đe dọa an ninh thế giới
Năm 2002, Hãng thông tấn Lenta của Nga từng cảnh báo rằng, tình trạng thiếu đàn bà có thể khiến “Trung Quốc gây xung đột”, để “giải quyết nạn thừa đàn ông”(5).
Các nhà Trung Quốc học phương Tây cũng đã nghiên cứu vấn đề này khá công phu. Năm 2004, NXB MIT Press xuất bản cuốn sách Nạn Guang gun: nguy cơ từ châu Á (‘Bare Branches’ and Danger in Asia (2004)(6) của Valerie Hudson và Andrea den Boer. Sách được giải Otis Dudley Duncan Award của Hiệp hội Xã hội học Hoa Kỳ (ASA).
Trong từ điển, Guang gun là đàn ông độc thân, cô đơn, ế vợ. Gun (côn) là cây gậy dùng để đánh nhau, guang (quang) là trần trụi. Tiếng Anh dịch thành Bare Branches, cành không lá, không đâm chồi nảy lộc, không hoa. Guang gun hay Bare branches hôm nay trở thành một thuật ngữ quốc tế chỉ tình trạng thừa đàn ông không đính hôn ở Trung Quốc đang ngày một gây lo âu cho an ninh toàn cầu(7).
Chuyện gì sẽ xảy ra với một xã hội có quá nhiều đàn ông? Hudson và Boer biện luận rằng, về phương diện lịch sử, một tỷ lệ chênh lệch quá cao giữa đàn ông và đàn bà sẽ thành cò súng làm nổ bùng bạo lực. Phần lớn tội phạm có yếu tố bạo lực là do nam thanh niên không được ràng buộc ổn định về địa vị xã hội gây ra.
Dù đây không phải là một quan hệ nhân - quả trực tiếp, nhưng xưa nay, sự dư thừa đàn ông thường có vai trò quyết định trong cách hành xử thiên về vũ lực trong cộng đồng. Các chính quyền thường xử lý tình trạng này bằng cách động viên số nam giới dư thừa vào các chiến dịch quân sự và các đại công trình có độ rủi ro cao.
Sách Nạn Guang gun: nguy cơ từ châu Á phản ánh nỗi khổ, sự bế tắc của những Guang gun - những chàng trai nghèo không lập được gia đình. Nạn Guang gun có xuất phát điểm từ một truyền thống phân biệt đối xử do giới tính - một thực tại đã tước đoạt quyền sống của vô vàn bé gái ở Trung Quốc và một số các quốc gia châu Á khác.
Các tác giả cho rằng nạn Guang gun đe doạ ổn định khu vực và an ninh thế giới trong thế kỷ 21. Sách của Hudson và Boer được xem là một công trình khoa học công phu, nghiêm túc, được sách báo về an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương trích dẫn thường xuyên.
Các tác giả phương Tây khác cho rằng vẫn khá phổ biến tình trạng các em gái bị giết(8) trước khi chào đời (phá thai sau khi nhận biết được giới tính), hoặc thậm chí bị giết sau khi lọt lòng(9).
Trận hồng thuỷ Guang gun
Bài “Quá thừa đàn ông, thiếu đàn bà” trên báo Times(10) cho biết sách báo cũng đánh giá đội ngũ Guang gun ở châu Á là khoảng 110 triệu ở thời điểm giao thời giữa hai thiên niên kỷ.
Trong bài “Thừa đàn ông - thiếu hoà bình” tác giả J. Power dẫn Thống kê dân số Trung Quốc năm 2009, cho hay đang có một sự thiếu cân bằng rất nghiêm trọng về tỷ lệ sinh đẻ: 117 bé trai so với 100 bé gái. Ở tỉnh Hải Nam tỷ lệ này là 135/100. Hiện nay, có tới 97% người chưa lập gia đình trong độ tuổi từ 28 – 49 là đàn ông(11).
Các học giả cho hay các khu vực có màu đỏ rất sậm (tỉ lệ sinh đẻ là trên 150 bé trai/100 bé gái), đỏ sậm (tỷ lệ này là 140 - 150/100), đỏ (130 – 140), cũng như bức trang toàn cảnh về lệch cân bằng giới tính (skewed sex ratio) ở Trung Quốc vẫn ngày một xấu đi.
Các bài viết đều cho rằng, tựa như trong lịch sử, các băng nhóm đi ăn cướp do thiếu đàn bà (womanless bandits) vẫn đang giăng một màn đêm u ám trên đất nước Trung Hoa hôm nay. Các cách giải quyết của Bắc Kinh vẫn khá “quẩn quanh”, cho những Guang gun này phục vụ trong các lực lượng cảnh sát để trị những Guang gun khác, hoặc đưa đi các vùng xa Bắc Kinh, Thượng Hải… để khỏi gây mất an ninh cho các đô thị; hoặc ngược lại đưa đi làm công một cách đại trà ở các nước khác, trong một quá trình về thực chất là di dân. Ngày càng có quan ngại về bất ổn do hàng vạn đàn ông “không gia đình” từ Trung Quốc trôi dạt khắp nơi.
Nhưng như tác giả Paul Wiseman dự báo trên tờ USA Today(12) ngay từ đầu thế kỷ, là nếu Bắc Kinh vẫn không tìm được lối thoát cho tình trạng thừa đàn ông, sẽ vẫn phải đi vào chốn đoạn trường, là tìm kiếm xung đột với các nước láng giềng. Paul Wiseman và các tác giả khác đều cho rằng các biện pháp độc đoán buộc phải áp dụng nhằm khắc phục nạn Guang gun sẽ gây khó khăn cho Trung Hoa trong việc tiến tới nấc thang phát triển cao hơn(13).
Nơi Guang gun nổi dậy nay lại đỏ sậm
Nhìn vào bản đồ mất cân bằng giới tính ở Trung Quốc, ta như nghe thấy tiếng vọng của bài giảng thời còn học phổ thông về các cuộc nổi dậy lớn ở Trung Hoa nửa cuối thế kỷ 19. Thời đó có khoảng 25% đàn ông Trung Quốc không lấy được vợ . Để so sánh, các số liệu cho thấy đang dẫn tới cứ 5 người đàn ông Trung quốc thì một người không/chưa lập gia đình.
Tại các tỉnh nằm phía tây bắc bán đảo Hoa Đông (hiện chứa nhiều vệt màu đỏ sậm trên bản đồ mất cân bằng giới tính ở Trung Quốc) vào thời khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc từng đạt tới tỷ lệ khoảng 130 đàn ông trên 100 đàn bà. Các nhà Trung Quốc học như Hudson và Boer khẳng định rằng sự lệch cân bằng giới này đã bùng phát cuộc nổi loạn Niệm mà báo chí bằng nhiều thứ tiếng về chủ đề Guang gun đều nhắc đến.
Trong suốt ba mươi năm từ giữa thế kỷ 19, khoảng 10 vạn Guang gun thuộc Niệm quân đã chiếm vùng chứa 6 triệu dân ở Hoài Bắc. Dù cuộc nổi dậy này bị dập tắt, sử gia cho rằng nó là một trong những yếu tố dẫn đến sự sụp đổ của triều đình Mãn Thanh về sau.