Nghị luận về bệnh thành tích trong giáo dục

Bài văn mẫu nghị luận xã hội về bệnh thành tích có dàn ý và bài viết tham khảo chương trình ngữ văn lớp 9 12

Xã hội ngày càng phát triển, chất lượng cuộc sống của con người cũng được nâng cao. Nhưng bên cạnh đó, con người cũng có lắm vấn đề, lắm mối lo ngại cần phải đối mặt. Cuộc sống hiện đại đã sản sinh ra vô số loại bệnh nguy hiểm mà không có thuốc chữa, đó là những căn bệnh về suy thoái đạo đức, làm ung nhọt tâm hồn con người. Nếu như bệnh vô cảm như một con virus lây lan làm cho người với người cách nhau hơn thì bệnh thành tích chính là căn bệnh mà không ít cá nhân, không ít tập thể đang mắc phải. Bệnh thành tích có thể xuất hiện ở mọi mặt, mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, gây ra không ít hậu quả, ảnh hưởng tiêu cực không chỉ đến cá nhân mà rộng hơn ra là quốc gia, xã hội. Để làm bài văn về bệnh thành tích, trước hết chúng ta cần hiểu rõ khái niệm về nó, nêu những biểu hiện và tìm hướng khắc phục căn bệnh thành tích. Dưới đây là dàn bài và bài viết định hướng.

benh-thanh-tich.jpg

Bệnh thành tích ảnh hưởng rất nhiều tới xã hội và sự phát triển của đất nước


DÀN Ý BÀI VĂN NGHỊ LUẬN VỀ BỆNH THÀNH TÍCH TRONG GIÁO DỤC
1. MỞ BÀI
Giới thiệu căn bệnh thành tích

2. THÂN BÀI

  • Giải thích: bệnh thành tích là gì?
  • Nêu biểu hiện của bệnh thành tích: học tập, nông nghiệp, công nghiệp...
  • Nguyên nhân của bệnh thành tích: xuất phát từ những cá nhân, tập thể không có thực tài, chỉ mải chạy theo thành tích, không quan tâm đến chất lượng

Phương hướng khắc phục:

  • Mỗi người cần ý thức rõ về năng lực của bản thân, không chạy theo hào nhoáng
  • Các cấp các ngành cần thường xuyên kiểm tra, kỉ luật nghiêm khắc
  • Cần tuyên truyền, giáo dục cho mọi người về tác hại của bệnh thành tích

3. KẾT BÀI
Khẳng định lại ý nghĩa tiêu cực của bệnh thành tích

BÀI VĂN NGHỊ LUẬN VỀ BỆNH THÀNH TÍCH TRONG GIÁO DỤC
Xã hội phát triển đồng nghĩa với việc những nhu cầu về vật chất của con người cũng dần được đảm bảo hơn. Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó. Vật chất được đảm bảo, nhưng đạo đức, nhân cách của con người lại bị những căn bệnh tâm hồn làm cho suy thoái. Bệnh thành tích là một trong số đó. Căn bệnh ấy đang lây lan ra từng ngày, từng giờ, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của xã hội?

Hẳn chúng ta đã không còn xa lạ với bệnh thành tích khi gần đây các phương tiện truyền thông đề cập rất nhiều đến nó. Bản thân thành tích mang một ý nghĩa tích cực. Nó có nghĩa là những thành quả do một cá nhân hay tập thể tạo ra bằng sức lực của mình, được nhiều người công nhận, đánh giá, tôn trọng. Thế nhưng chạy theo thành tích, không quan tâm tới giá trị đích thực, bất chấp thủ đoạn để đạt được mục đích thì cực kì nguy hiểm. Đó chính là gốc rễ sâu xa của bệnh thành tích.

Vậy, nguyên nhân nào dẫn tới bệnh thành tích? Bản thân chúng ta ai cũng muốn đạt được thành tích cao trong học tập, làm việc. Thế nhưng, có một bộ phận không nhỏ trong xã hội thực tài kém cỏi nhưng vẫn muốn đạt được thành tích. Họ giống như những “tiến sĩ giấy”, chỉ mang cái danh hào nhoáng bóng bẩy, bên ngoài, thực chất bên trong lại chả có gì. Họ buộc phải tìm mọi cách, bấp chấp thủ đoạn để đánh bỏng tên tuổi, có những bằng cấp chứng minh học vị để mọi người ngưỡng vọng. Một phần nữa do xã hội ngày nay đòi hỏi và yêu cầu cao. Cho nên, nhiều cá nhân, tập thể cũng phải chạy theo thành tích để cho “bằng bạn bằng bè”, để khỏi mất mặt trước người khác.

Trong cuộc sống hàng ngày, những biểu hiện của bệnh thành tích nhiều không kể xiết. Ví dụ trong ngành giáo dục, ở các trường ở những thành phố lớn, chúng ta không mấy ngạc nhiên khi thấy một lớp học mà cả lớp có đến 90% là học sinh khá, giỏi. Xót xa hơn, những trường ở vùng nông thôn hay vùng sâu vùng xa, tỉ lệ lên lớp lúc nào cũng là 100%, thế nhưng khi phóng viên về điều tra mới phát hiện ra một học sinh lớp 4 còn chưa đọc viết thành thạo. Hệ lụy từ việc đó đã ảnh hưởng đến tương lai của cả một lớp người, sâu rộng hơn là cả một quốc gia, dân tộc. Báo chí không ngừng phanh phui những biểu hiện tiêu cực của bệnh thành tích. Một xã được công nhận là chuẩn nông thôn mới vẫn có những gia đình đặc biệt nghèo khó. Cơ sở vật chất như điện, đường, trường, chạm vẫn chưa được đảm bảo, tất cả chỉ có ở trong báo cáo. Nhiều nhá máy, xí nghiệp vì chạy theo bệnh thành tích mà những sản phẩm được làm nhanh, làm ẩu, không màng tới sự an toàn của người tiêu dùng.

Bệnh thành tích tràn lan khắp mọi nơi đã làm suy thoái đạo đức, nhân cách, con người trở nên giả dối, thiếu trung thực, lừa mình, lừa người, chỉ mải miết chạy theo danh vọng hão huyền có thể dễ dàng sụp đổ bất cứ lúc nào. Bệnh thành tích lâu dài còn gây cản trở đến quá trình phát triển của đất nước trên con đường công nghiệp hóa hiện đại hóa.

Để giảm thiểu bệnh thành tích, chúng ta cần có những biện pháp tích cực nhằm ngăm ngừa, đẩy lùi và chữa trị dứt điểm căn bệnh này. Trước hết, mỗi cá nhân cần nhận thức rõ về năng lực của bản thân, không chạy theo thành tích, vinh hoa phù phiếm. Các cấp, các ngành cần thường xuyên kiểm tra, phát hiện và kỉ luật những cá nhân, tập thể thành tích chỉ ở trên báo cáo. Mặt khác, cần giáo dục, tuyên truyền để mọi người hiểu và nhận ra tác hại của bệnh thành tích.

Bệnh thành tích đang gây ra nhiều hậu quả tiêu cực khôn lường trong cuộc sống hàng ngày. Mỗi chúng ta hãy lên án, tẩy chay bệnh thành tích để làm cho cuộc sống này công bằng, tốt đẹp, văn minh hơn.
 
  • Chủ đề
    benh thanh tich nghi luan xa hoi thanh tich van lop 9
  • Top