Mới đây cơ quan quản lý viễn thông Ofcom của Anh đã phát hành bản báo cáo “Thị trường viễn thông quốc tế năm 2015”, trong đó chỉ rõ số lượng TV mỗi ngày mà người dân ở các quốc gia trên thế giới xem.
Theo đó trung bình một người dân ở Mỹ dành gần 5 giờ mỗi ngày của họ để xem vô tuyến, lớn hơn gần 1 giờ con số trung bình của tất cả các nền kinh tế phát triển nhất thế giới. Cụ thể Ofcom cho hay mỗi ngày trôi đi, một người Mỹ dành 282 phút để xem truyền hình – tương đương 4 giờ 42 phút.
Trong khi đó trung bình một người Anh xem 3 tiếng 40 phút TV mỗi ngày, tức là 1 phút dưới ngưỡng trung bình của toàn thế giới. Tuy nhiên Ofcom nhấn mạnh thống kê mà họ đưa ra không bao gồm những chương trình truyền hình được chiếu trên Internet miễn phí (mảng mà họ tin rằng nước Anh đang dẫn đầu thế giới), mà chỉ bao gồm những chương trình trực tiếp hoặc phát sóng lại.
Mặc dù so với năm ngoái, nước Anh chứng kiến sự sụt giảm mạnh nhất trong số giờ xem truyền hình của người dân (giảm 4.9% so với giảm 3.8% của Mỹ và giảm 2.2% của Pháp), nhưng Ofcom lại cho rằng điều này là bởi vì nước Anh là “quốc gia có công nghệ phát triển nhất châu Âu”.
Cụ thể để chứng minh cho quan điểm của mình, Ofcom đã đưa ra một số ví dụ thực tế: 81% người dân Anh xem TV hoặc phim ảnh online trong khi 16% số họ sử dụng máy tính bảng để xem truyền hình trực tiếp trên Internet. 42% hộ gia đình tại Anh sở hữu một chiếc TV có kết nối Internet. Những con số này lớn hơn phần lớn các quốc gia châu Âu và những nền kinh tế phát triển nhất thế giới.
Dưới đây là 15 quốc gia dẫn đầu thế giới về thời gian xem TV trong báo cáo của Ofcom.
Đơn vị: Thời lượng xem TV trung bình của một người dân mỗi ngày.
1. Mỹ: 282 phút – 4.7 giờ
2. Úc: 264 phút – 4.4 giờ
3. Ý: 262 phút – 4.4 giờ
4. Ba Lan: 260 phút – 4.3 giờ
5. Tây Ban Nha: 239 phút – 4 giờ
6. Nga: 239 phút – 4 giờ
7. Brazil: 224 phút – 3.7 giờ
8. Pháp: 221 phút – 3.7 giờ
9. Đức: 221 phút – 3.7 giờ
10. Anh: 220 phút – 3.7 giờ
11. Nhật Bản: 204 phút – 3.4 giờ
12. Hà Lan: 200 phút – 3.3 giờ
13. Hàn Quốc: 196 phút – 3.3 giờ
14. Trung Quốc: 157 phút – 2.6 giờ
15. Thụy Điển: 153 phút – 2.5 giờ
(Các con số trên đã được quy đổi sang giờ và được làm tròn đến 1 chữ số thập phân)
Còn theo bản đồ 3D do nhà báo James Titcomb của trang The Telegraph công bố thì những vùng có tỷ lệ xem TV thấp nhất trên thế giới bao gồm Bắc Mỹ, châu Phi, Trung Đông và Đông Nam Á. Trong khi đó Việt Nam của chúng ta nằm trong ngưỡng màu trắng, tức là ngưỡng thấp nhất, tương đương ít hơn 157 phút TV (2.6 giờ) mỗi ngày.
Việc người dân một quốc gia xem TV nhiều hơn có thể là cả dấu hiệu tốt cũng như dấu hiệu xấu. Một mặt, nó thể hiện trình độ phát triển kinh tế và viễn thông cao hơn, từ đó cho phép người dân có đủ tài chính và điều kiện kỹ thuật để xem truyền hình. Nhưng mặt khác, các báo cáo khoa học đã chỉ rõ mối liên hệ trực tiếp giữa việc xem nhiều TV và một số bệnh nguy hiểm như béo phì, tiểu đường và tim mạch.
Ví dụ, một nghiên cứu đã từng được thực hiện trên 3 nghìn người trưởng thành bị thừa cân tại Mỹ. Kết quả cho thấy cứ với mỗi 24 giờ xem TV, thì khả năng mắc tiểu đường của bạn sẽ tăng 14%. Nghiên cứu này cũng khẳng định chỉ những thay đổi nhỏ như có một chế độ ăn uống lành mạnh hay giảm thời gian ngồi yên một chỗ sẽ là đủ để kéo bạn khỏi tay thần chết.
Nguyễn Mai Đức