Người dân thủ đô Addis Ababa, Ethiopia chào đón hệ thống đường sắt đô thị đầu tiên

151013180308-spc-future-cities-addis-ababa-metro-00010021-exlarge-169.jpg

Tại Addis Ababa, thành phố của hơn 4 triệu dân, từ trước đến nay cách di chuyển truyền thống giữa các địa điểm là những chiếc xe tải mini – sản phẩm lai tạp giữa một chiếc xe buýt và một chiếc xe taxi. Những chiếc xe tải mini này có nhiệm vụ đón khách và trả khách ở bất cứ nơi nào mà họ muốn.

Tuy nhiên giờ đây, bức tranh lộn xộn đó đã thay đổi hoàn toàn khi mà một hệ thống metro đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng ở Addis Ababa, hứa hẹn sẽ đem một làn gió mới đến thủ đô của đất nước Đông Bắc Phi này.

Dự án đường sắt đô thị trên được đặt tên là Light Rail Project, có tổng giá trị 475 triệu USD và là một dự án hợp tác đầu tư giữa Ethiopia và Trung Quốc. Đây là hệ thống metro đầu tiên được triển khai ở Ethiopia và cả lục địa Sahara (toàn bộ khu vực lãnh thổ của châu Phi mà nằm ở phía nam của hoang mạc Sahara).

Việc hoàn thành dự án metro đồng nghĩa với việc hơn 60,000 người sống ở ngoại ô Addis Ababa sẽ có cơ hội di chuyển dễ dàng hơn đến trung tâm thành phố để làm việc. Tiến sĩ Getachew Betru, Giám đốc Tập đoàn Đường sắt Ethiopia cho hay “Mặc dù đã có rất nhiều sự phát triển kinh tế trong vòng 20 năm qua, đây là một điều mà bạn không thể tưởng tượng nổi trong quá khứ tại Ethiopia”.

Được biết Light Rail Project được thiết kế với 2 tuyến chính, một tuyến kết nối phía đông và tây của Addis Ababa, tuyến còn lại kết nối phía bắc và nam của thành phố. Giá vé cao nhất chỉ đạt mức 0,27 USD hay 6 nghìn đồng. Thời gian tàu chạy sẽ là từ 6 giờ sáng đến nửa đêm.

aa-metro-5.jpg

Behailu Sintayehu, Giám đốc dự án Light Rail Project cảm thấy rất phấn khích trước sự đi vào hoạt động của hệ thống metro. Ông cho hay đội ngũ do ông quản lý đang làm việc ngày đêm để tiếp tục mở rộng thêm các tuyến mới. Đối với Behailu thì điều tuyệt vời nhất trong dự án này đó là sự đồng thuận cao giữa người dân và chính phủ.

Năng lượng được sử dụng để vận hành hệ thống đường sắt đô thị tại Addis Ababa được lấy từ các con đập, thứ có mặt ở khắp mọi nơi trên đất nước Ethiopia. Chính vì thế ông Behailu tự tin khi cho rằng hệ thống metro sẽ hoạt động liên tục mà không gặp phải một vấn đề nào về năng lượng.

Giai đoạn đầu hoạt động của hệ thống tàu trên mặt đất này sẽ được giám sát bởi công ty Trung Quốc Shenzen, một phần trong chương trình trao đổi văn hóa và kỹ năng giữa người dân hai nước Trung Quốc và Ethiopia.

Một khi hoàn thành 100%, Light Rail Project sẽ kết nối với hệ thống tàu xuyên quốc gia của Ethiopia và đến năm 2025, ước tính sẽ có đến 5,000 km đường tàu tại quốc gia châu Phi này.

Trong dài hạn, các hệ thống tàu sẽ tiếp tục được xây dựng để không chỉ kết nối các khu vực của Ethiopia lại với nhau, mà còn với các nước trong khu vực như Djibouti, Sudan và Gabon.

ethiopia01.jpg

Một vài nét về đất nước Ethiopia. Theo như Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, Ethiopia là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, chạm mốc hơn 10% từ suốt năm 2004 đến 2009. Trong thời gian gần đây các nguồn vốn đầu tư nước ngoài và thế mạnh du lịch đã một lần nữa đóng góp đáng kể vào thành công của kinh tế Ethiopia.

Mặc dù vậy, GDP bình quân đầu người của Ethiopia thuộc hàng thấp nhất trên thế giới. Đất nước Đông Bắc Phi này cũng gặp phải rất nhiều vấn đề như hạn hán, thiên tai, cơ sở hạ tầng còn chưa đồng bộ, năng suất nông nghiệp còn thấp. Theo như báo cáo của Liên hợp Quốc vào năm 2013, Chỉ số Phát triển Con người (HDI) của Ethiopia chỉ xếp thứ 173 trên 187 quốc gia được thống kê. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) khóa 2013-2014 thì cho hay Chỉ số Cạnh tranh Toàn cầu của Ethiopia chỉ xếp thứ 127 trên 148 quốc gia.

Tình hình các dự án đường sắt đô thị tại Việt Nam

vietnam.jpg

Mô hình dự kiến cho hệ thống metro tại nước ta

Tại Việt Nam, chủ trương và đề án quy hoạch các dự án đường sắt đô thị đã ra đời từ lâu, đặc biệt là ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh. Nhiều tuyến tàu đang được xây dựng và trong quá trình hoàn thiện, số khác vẫn đang trong giai đoạn dự án.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, kế hoạch tổng thể đã được ban bố vào đầu năm 2001 tuy nhiên đến tháng 3 năm 2005 thì Thành phố vẫn đang tiếp tục lập kế hoạch. Cho đến nay, thời gian dự kiến sẽ bắt đầu vận hành thương mại là năm 2020, tiêu tốn 2,9 tỷ USD, có nghĩa là gấp 6 lần dự án tại Addis Ababa. Một số tuyến chủ đạo bao gồm: Tuyến số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) với chiều dài toàn tuyến xấp xỉ 20,2 km và khoảng thời gian giữa mỗi chuyến tàu là 2 phút trong giờ cao điểm, Tuyến số 2 (Bến Thành – Tham Lương) với chiều dài toàn tuyến là khoảng 11,3 km gồm 10 nhà ga ngầm và 1 nhà ga trên cao, đi qua địa bàn các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú.

Tại thủ đô Hà Nội, có 4 tuyến chủ đạo bao gồm Nhổn – Ga Hà Nội, Cát Linh – Hà Đông, Nam Thăng Long – Tây Hà Nội và tuyến chạy qua khu phố cổ Hà Nội (đi qua các điểm như Hoàng Quốc Việt, Hoàng Hoa Thám, Thụy Khuê, Phan Đình Phùng, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Bài, Phố Huế,...). Ở cả Hà Nội và Hồ Chí Minh thì liệu rằng các dự án đường sắt đô thị có hoàn thành theo đúng tiến độ hay không vẫn còn là một câu hỏi lớn.

Vấn đề gặp phải và bài học kinh nghiệm

a11-1410755345-660x0.jpg

Điểm thi công nhà ga số 6, dự án đường sắt trên cao tại khu vực đầu đường Xuân Thủy, cạnh cầu vượt Mai Dịch, thủ đô Hà Nội

Vấn đề đầu tiên đối với các dự án metro ở nước ta là khâu quy hoạch. Việc xây dựng metro ở 2 thành phố vốn đã rất chật chội và đông đúc sẽ gây ra nhiều vấn đề liên quan như tắc đường và chặt cây xanh. Thực tế là tại nhiều điểm giao cắt ở Hà Nội như Xuân Thủy – Cầu Giấy hay Nguyễn Trãi, ùn tắc xảy ra rất thường xuyên vào giờ cao điểm do những rào chắn được dựng lên cho dự án metro, nhưng việc thi công lại nhiều khi bị bỏ ngỏ. Và nếu không chặt cây xanh thì các nhà thi công sẽ không biết lấy diện tích ở đâu để thực hiện công việc của mình.

Vấn đề thứ hai nằm ở khâu thi công. Việc không đảm bảo an toàn trong khi thi công các dự án metro đã gây ra nguy hiểm cho người tham gia giao thông và người đi bộ. Ví dụ điển hình là một loạt các vụ tai nạn đã xảy ra trên tuyến phố Nguyễn Trãi, Hà Nội do vật liệu xây dựng bị rơi rớt xuống lòng đường.

Vấn đề thứ ba nằm ở khâu tài chính. Việc xây dựng metro rất tốn kém và vì thế chúng ta phải phụ thuộc vào nguồn vốn từ nước ngoài. Ngoài ra do trình độ kỹ thuật còn hạn chế nên chúng ta còn cần sự trợ giúp từ phía các chuyên gia và công ty quốc tế. Chính vì ràng buộc vốn nên mặc dù có một số nhà thầu kém chất lượng, chúng ta vẫn không thể thay thế họ. Những lớp người trẻ chắc hẳn đang tự đặt câu hỏi, ai sẽ đứng ra trả những khoản nợ khổng lồ để phục vụ dự án metro? Có vẻ câu trả lời chính là họ.

Dù sao chúng ta vẫn hy vọng rằng các nhà thầu và chủ đầu tư sẽ có trách nhiệm hơn, thi công kịp tiến độ, an toàn và chất lượng để người dân Hà Nội và Hồ Chí Minh có thể sớm nở nụ cười trên môi như những người bạn ở Addis Ababa.

Nguyễn Mai Đức

 
  • Chủ đề
    ethiopia hệ thống metro tàu trong thành phố thủ đô addis ababa đường sắt đô thị
  • Na bong sun

    Tk đã hết hạn sử dụng
    không biết bao giờ việt nam mình như châu âu đây. dù ở nước ngoài cho thấy họ triển khai gì cũng nhanh và chuyên nghiệp, trong khi ở việt nam thì quá chậm chạp và mất an toàn. :nghiemtuc:
     

    0406

    ✩✩✩✩
    mình thì rất thích thành phố đô thị hóa không ô tô, thích kiểu thành phố đô thị xung quanh toàn là tàu điện, xanh sạch đẹp và bảo vệ môi trường,trong khi mỗi năm xuất hiện càng ngày một nhiều ô tô làm gây ổ nhiễm môi trường cũng như tại nạn ô tô. không biết ai có cùng suy nghĩ như mình không nhỉ :rage1:
     

    Thống kê

    Chủ đề
    100,746
    Bài viết
    467,576
    Thành viên
    339,851
    Thành viên mới nhất
    Đông Âu
    Top