Người phụ nữ từ trẻ biến thành già ở Bến Tre có thể phục hồi 70%

Người phụ nữ từ trẻ biến thành già ở Bến Tre có thể phục hồi 70%


Ngày 4/10, BS Hoàng Văn Minh, chuyên gia da liễu, đã khám bệnh tại nhà cho cô gái 26 tuổi biến thành bà lão và chẩn đoán chị Nguyễn Thị Phượng mắc bệnh tế bào vón, khả năng phục hồi 50-70% gương mặt lão hóa.


Hơn 15h ngày 4/10, bác sĩ Hoàng Văn Minh, Trưởng phòng khám da liễu Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, và bác sĩ Nguyễn Thanh Sơn, phụ trách phòng khám da liễu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bến Tre - cùng các PV có mặt tại nhà chị Nguyễn Thị Phượng ở Giồng Trôm, Bến Tre.

Đó là bệnh tế bào vón
chiPhuong51011_ef2cf.jpg
BS Minh đang khám bệnh cho chị Phượng


Tại đây, bác sĩ Hoàng Văn Minh đã hỏi kỹ từng vấn đề liên quan đến bệnh tình của chị Phượng. Tiếp đó, bác sĩ Minh đã thực hiện nghiệm pháp Darrier bằng cách dùng bút bi khều hơi mạnh lên một số vùng da trên gương mặt. Ngay lập tức, vùng da bị khều đỏ lên và sưng ra, sau đó mờ dần và xuất hiện cục sưng nề trên mặt da. Điều này thể hiện dấu hiệu dương tính của bệnh Mastocytose, hay còn gọi là bệnh tế bào vón. Sau đó, chị Phượng được đưa vào buồng riêng để các bác sĩ thăm khám và xem xét kỹ các vùng da ở chân, nách, bụng, bẹn, lưng...


Qua thăm khám thực tế cho thấy khởi đầu chị Phượng có nổi mề đay với biểu hiện là những nốt đỏ, ngứa trên da. Những nốt đỏ, ngứa này xuất hiện nhiều khi ăn hải sản. Chị Phượng tự đi chữa, uống thuốc được một thời gian thì bớt rồi tái phát nhiều lần. Sau đó mới chuyển qua uống thuốc đông y thì trên mặt và một số vị trí trong cơ thể bị sưng phù lên, căng tròn và sau đó xuất hiện các đường nứt ở tay, chân, nách, bẹn. Sau một thời gian da của chị Phượng mới từ từ nhão ra và mặt bị già đi.

Theo bác sĩ Minh, khi khám ông thấy mặt chị Phượng có biểu hiện bị sưng, nếp nhăn da thấy rất rõ, nổi hẳn lên và vẫn còn ngứa. Ngoài ra, trước đây cứ khoảng một tháng chị Phượng còn có những đợt bị tiêu chảy. Mỗi khi bị tiêu chảy mặt và tay bị đỏ lên. Từ những dấu hiệu lâm sàng này, bác sĩ Minh chẩn đoán bệnh nhân có đầy đủ dấu hiệu của bệnh tế bào vón.

Về vấn đề da bị nhão, chùng, các đường nứt da ở chân, bụng, bẹn, nách..., theo bác sĩ Minh, có thể do tác dụng phụ của loại thuốc bệnh nhân uống có chứa corticoide trước đây. Những biểu hiện này thật ra chỉ là những dấu hiệu đi kèm, còn bệnh chính vẫn là tế bào vón.

Có thể phục hồi 50-70% gương mặt lão hóa


VCchiPhuong51011_dfe9f.jpg

Vợ chồng chị Phượng gặp gỡ bà con hàng xóm trước khi lên đường đi chữa bệnh

Bác sĩ Minh cho biết bệnh tế bào vón thường gặp ở trẻ em và rất hiếm gặp ở người lớn. Tế bào vón có hai dạng bệnh là: dạng da đơn thuần và dạng bệnh hệ thống. Nếu là dạng bệnh hệ thống thì bệnh thường là ác tính, có thể làm ảnh hưởng đến tủy xương và bệnh nhân có thể chết sớm. Chị Phượng thuộc bệnh dạng da đơn thuần nên có tiên lượng điều trị tốt, nếu được giải quyết sớm sẽ bớt bệnh và trong một số trường hợp còn có thể thoái bệnh tự nhiên. Theo bác sĩ Minh, với bệnh tế bào vón ở người lớn cách đây 7-8 năm ông có gặp một trường hợp ở Bệnh viện Da liễu TPHCM. Tuy nhiên, bệnh nhân này rơi vào trường hợp dạng bệnh ác tính nên sau đó tử vong.

Bệnh tế bào vón tuy hơi khó điều trị nhưng vẫn còn có thể đáp ứng được và giúp bệnh nhân dễ chịu lại. Ngay cả bệnh bao tử, bệnh đường tiêu hóa của chị Phượng cũng nằm trong bệnh cảnh tế bào vón. Vì tế bào vón tiết ra chất kháng histamine. Trong đó histamine thuộc nhóm 1 sẽ gây ra ngứa ngáy, phù nề, sẩn phù, nổi mề đay ngoài da; histamine thuộc nhóm 2 sẽ gây ra bệnh đường tiêu hóa.

Chị Phượng có biểu hiện lâm sàng đầy đủ của histamine nhóm 1 và 2, nếu sử dụng thuốc cho cả kháng histamine nhóm 1 và 2 sẽ giải quyết phần nào sự phù nề giống như lão hóa da trên gương mặt.

Trao đổi với chúng tôi về mong muốn của chị Phượng được điều trị khỏi bệnh và giúp làm trẻ lại gương mặt như độ tuổi thật, bác sĩ Minh cho biết việc đầu tiên là phải giải quyết vấn đề dị ứng vì hiện nay chị vẫn còn biểu hiện dị ứng. Dấu hiệu của bệnh tế bào vón thể hiện qua những vùng mặc đồ chật da vẫn còn bị nổi đỏ, một số nơi trên da vẫn còn những nốt sẩn phù. Ở những vùng da bị rạn nứt, chùng giãn sẽ hơi khó điều trị và chỉ làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Khả năng điều trị chỉ có thể giải quyết được 50-70% gương mặt lão hóa của chị. Trong tương lai nếu có những laser tốt có thể bắn điều trị những vết nhăn đó bớt được.

Việc phẫu thuật căng da mặt, cắt bỏ da thừa do bị sưng phù có thể giúp làm trẻ lại gương mặt của chị Phượng? Bác sĩ Minh khẳng định việc này không cần thiết vì đây là bệnh có thể chữa bằng phương pháp nội khoa. Nếu có áp dụng thì áp dụng ở những vùng da nhăn dưới chân, tay. Còn với mặt của chị Phượng thì không cần thiết vì bệnh lý vẫn còn đỏ, sưng khi khều.

Qua khám lâm sàng, bác sĩ Minh khẳng định hơn 90% chị Phượng bị bệnh tế bào vón. Tuy nhiên ông còn băn khoăn chưa biết ngoài bệnh này chị Phượng còn bị kèm thêm bệnh gì khác nữa không. Vì vậy để có chẩn đoán xác định, chị Phượng cần phải làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu và sinh thiết da tìm kiếm thêm bệnh khác có thể đi kèm để xử lý điều trị tốt hơn.

Bác sĩ Hoàng Văn Minh là bác sĩ chuyên khoa 1, có nhiều công trình nghiên cứu, báo cáo khoa học về nhiều bệnh lý khó liên quan đến bệnh da liễu được đăng tải trên các tạp chí y khoa trong và ngoài nước. Ông là thầy của nhiều bác sĩ trẻ.



“Tôi chỉ mong khỏi bệnh, sống bình thường”

Chiều 4/10, hàng trăm người dân hiếu kỳ đã tập trung trước ngôi nhà lá của chị Nguyễn Thị Phượng ở thị trấn Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre để nhìn rõ hơn khuôn mặt chị.

Chị Cẩm Hồng, hàng xóm của chị Phượng, cho biết dân ở đây nghèo, bình thường bỏ ra 3.000 đồng mua báo đã xót, nhưng hôm nay ai cũng tranh nhau mua báo đọc. Chị Hồng kể hồi trước chị Phượng đẹp nhất nhì thị trấn. Nhưng nhiều người thấy chị Phượng khác trước quá còn nghi ngờ không phải là Phượng. “Tụi tui là hàng xóm của nó mấy chục năm, giờ ai tới nó cũng gọi tên rành mạch từng người thì sao nó là Phượng giả được” - chị Hồng nói tiếp.

Mẹ mất từ khi Phượng mới 6 tuổi, ba lập gia đình riêng, Phượng ở với bà ngoại từ nhỏ trong ngôi nhà mướn ở thị trấn Giồng Trôm. Hai bà cháu làm đủ thứ nghề để kiếm sống. Cách đây ba tháng bà ngoại mất, Phượng từ Bình Phước về đưa tang bà, chị khóc ngất để rơi khẩu trang nên nhiều người mới biết bệnh tình của chị. “Chứ trước đó nó về thăm ngoại suốt nhưng toàn bịt khẩu trang nên không ai biết. Ba tháng trở lại đây tui thấy mặt Phượng có thêm nhiều nếp nhăn và có vẻ già thêm”- chị Hồng cho biết.

Chiều 4/10, một số cán bộ của Công an huyện Giồng Trôm cũng đã đến nhà chị Phượng, yêu cầu chị làm bản tường trình về tình trạng sức khỏe của mình. Trung tá Đinh Xuân Thắng - phó đội phụ trách công an xã, Công an Giồng Trôm - cho biết công an huyện muốn nắm rõ tình hình nhằm trấn an, dẹp bỏ những thông tin sai lệch hoặc những tin đồn nhảm nhí, mê tín nếu có. Vì hiện tại lượng người hiếu kỳ tập trung quanh nhà chị Phượng khá đông khi hay tin chị trở về và báo chí đăng suốt mấy ngày qua.

Hay tin có bác sĩ từ TP.HCM xuống thăm khám, vợ chồng chị Phượng rất mừng. Chị Phượng nói: “Tôi rất vui vì không ngờ mình nghèo khổ vầy mà lại được mọi người quan tâm nhiều vậy. Nhưng thú thực lúc này tinh thần tôi không được ổn định. Đông người tới nhà dòm ngó quá cứ như mình là người ngoài hành tinh làm tôi thấy hơi mặc cảm. Giờ tôi chỉ cầu mong sao chữa khỏi bệnh để sống cuộc đời bình thường như tất cả mọi người”.
Theo Lê Thanh Hà




Tuổi trẻ



Lòng chung tình của chồng cô gái hóa thành bà lão

Nghe vợ gọi "ông xã ơi vào phòng khám cùng em, một mình em sợ", người đàn ông 34 tuổi đặt vội hành lý xuống ghế chờ chạy vào trong. Nắm bàn tay Phượng, anh nhìn sâu vào gương mặt nhăn nheo của vợ rồi bảo: "Có anh đây, em cứ yên tâm".

Cử chỉ của đôi vợ chồng tại phòng khám Da liễu, Bệnh viện ĐH Y dược chiều 7/10, khiến những người chứng kiến phải xúc động. Một người không kiềm được cảm xúc đã thốt lên: "Tuyển ơi, anh đúng là người chồng tốt".Trở lại băng ghế chờ, thấy nhiều người nhìn mình, Nguyễn Thành Tuyển - chồng của cô Nguyễn Thị Phượng, 26 tuổi có gương mặt một bà lão - cười và nói: "Vợ yêu của tôi là vậy đấy, rất hay làm nũng, lúc nào cũng muốn có chồng một bên".

Câu chuyện từ những ngày đầu quen nhau đến khi Phượng mắc bệnh rồi biến dạng gương mặt đã được anh Tuyển tâm sự cùng VnExpress.net.

tuyen-phuong-lao-hoa.jpg
Anh Nguyễn Thành Tuyển, chồng Phượng, ân cần yêu thương chăm sóc vợ tại bệnh viện ở TP HCM, như ngày cô còn xinh đẹp. Ảnh: Thiên Chương





Mối lương duyên bắt đầu từ những ngày giữa tháng 4 năm 2006, khi chàng thanh niên 28 tuổi, nhân viên tiếp thị cho một hãng nước rửa chén, thi thoảng ghé qua một quán nước tại Mỏ Cày, Bến Tre, nghỉ trưa. Ở đó anh quen Phượng, cô phục vụ quán 21 tuổi, được trai làng đồn nhau là "hoa khôi của huyện".


"Lúc bấy giờ ngoài tôi, Phượng còn được rất nhiều chàng trai theo đuổi tán tỉnh, thế nhưng gần một năm tìm hiểu, cuối cùng cô ấy đã chọn tôi. Nghe em đồng ý làm vợ, tôi mừng còn hơn trúng số. Không có tiền làm đám cưới, Phượng vẫn chấp nhận về nhà tôi làm vợ hiền dâu ngoan. Nào ngờ chỉ một năm sau, cô ấy lâm bệnh", Tuyển kể.
Nghe vợ nói bị ngứa da mặt, thường nổi mề đay mỗi khi ăn đồ biển, không có còn đi Sài Gòn chữa trị, gom tiền lương còm, Tuyển chạy mọi nơi tìm thuốc. Tiền không nhiều, nghe đồn có một thầy đông y rất giỏi, anh mua thuốc về sắc cho vợ uống. Tuy nhiên bệnh tình không giảm mà còn nặng hơn.


"Thấy vợ như vậy, tôi lo và thương lắm. Nhất là mỗi sáng Phượng nhìn vào gương than da mặt mình ngày càng xấu. Còn bao nhiêu tiền, tôi dốc hết vào mua thuốc, song cũng chỉ một năm thì không thể cố gắng được nữa bởi hãng kẹo mà cô ấy làm ế hàng, bản thân tôi cũng không kiếm được bao nhiêu. Khi ấy, tôi chỉ còn biết ôm vợ và tỏ rõ lòng mình, rằng 'dù em thế nào anh cũng yêu em'", người chồng rưng rưng kể.


Từ ngày ngừng uống thuốc, da mặt Phượng già đi nhanh chóng, thấy vợ quanh năm suốt tháng trùm kín mặt, gặp ai cũng không dám nói chuyện vì ngại, Tuyển bàn với bà xã về Bình Phước sinh sống.


"Quyết định xa quê của vợ chồng Phượng khi con bé bị bệnh và lại không có tiền khiến mọi người trong nhà ai cũng lo lắng nhưng Tuyển đã thuyết phục rằng, nó muốn đi xa là vì thương vợ mặc cảm nên cuối cùng người lớn cũng phải chịu theo", một người cậu của Phượng kể chen vào.

tuyen-phuong-lao-hoa-2.jpg
Phượng tươi tắn khi nói về chồng mình. Ảnh: Thiên Chương





Cuộc sống ở Bình Phước không khá hơn về vật chất bởi chồng đi làm mộc, vợ bóc vỏ hạt điều, mỗi tháng tổng thu nhập chưa đến 2 triệu đồng lại phải ở nhà mướn, nhưng nó lại giúp hai vợ chồng nghèo thoải mái hơn về mặt tinh thần. Bởi lẽ, hàng xóm, những người chưa từng biết Phượng trước đây, không tò mò dè bỉu về gương mặt bệnh tật của cô.


"Không ít người thắc mắc tại sao tôi lại sống và yêu thương một người có gương mặt bà già. Nhưng ai nói gì thì nói, tôi vẫn yêu Phượng như lúc cô ấy còn xinh đẹp. Tình cảm này không bao giờ thay đổi. Với Phượng, tôi chỉ thấy thương vì cô ấy bệnh chứ chưa bao giờ chê chán hay nghĩ rằng mình sẽ bỏ để lấy người khác", Tuyển tâm sự.

Nói về ông xã, cô gái trẻ với gương mặt bà lão nghi do bệnh tế bào vón, bẽn lẽn thổ lộ: "Với em, anh ấy là số một. Anh ấy rất dễ thương, lúc nào cũng động viên an ủi em. Tuyển chính là niềm lạc quan của em để chống lại bệnh tật".


Phượng cho biết, ngày xưa cô có rất nhiều người đàn ông đẹp trai giàu có theo đuổi, nhưng lý do cô chọn Tuyển là vì anh trầm tính, hiền từ và nghiêm túc. Cô cho rằng lần ấy mình đã lựa chọn không sai.

"Em có tính hay ghen, khi thấy gương mặt mình ngày càng già, cái ghen lại càng nổi lên bởi mặc cảm. Em rất sợ chồng bỏ mình để quen người khác. Nhưng Tuyển đã khóc. Anh ấy lo cho em từng li từng tí. Gương mặt của em khiến người khác khó biết được cảm xúc, nhưng anh ấy biết ngay. Hễ thấy em buồn là lập tức tìm cách chọc em cười", Phượng nói.


Khi được hỏi "trong lúc này đây, khi nằm viện chờ được chữa bệnh, Phượng ước ao gì", cô gái 26 tuổi mang gương mặt bà lão trả lời ngay mà không suy nghĩ: "Em ước mặt mình trẻ không phải vì muốn mình xinh đẹp mà để bù đắp cho chồng. Dù biết anh ấy không bỏ nhưng em vẫn muốn chồng hạnh phúc hơn".

phuong_2.jpg
Nguyễn Thị Phượng xinh xắn năm 21 tuổi. Ảnh: Nguyễn Hoàng





Còn Tuyển, ngoài việc đắn đo không biết vợ chữa trị trong bao lâu, thời gian ấy lấy gì mà ăn, điều anh mong muốn lớn nhất là vợ khỏi đau nhức vì phù nề. "Nhan sắc phục hồi hay không, không quá quan trọng. Tôi chỉ muốn vợ mình bình an. Sau khi chữa lành, chúng tôi muốn làm đám cưới. Tôi muốn vợ mình cũng được một lần mặc áo cô dâu như những người vợ khác", chồng Phượng khẳng định.

Vợ chồng anh Tuyển đang chờ điều trị ở Bệnh viện 30/4, số 9, Nguyễn Chí Thanh, quận 5. Các bác sĩ đang xét nghiệm để xác định bệnh trước khi đưa ra hướng điều trị. Độc giả muốn giúp đỡ có thể gửi đến tài khoản của Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM: Ngân hàng TMCP ngoại thương VN - chi nhánh 5 - TP HCM, số tài khoản 0071000577701. Khi chuyển tiền, xin ghi rõ trong phần nội dung: "Ủng hộ bệnh nhân Nguyễn Thị Phượng".

Thiên Chương




 
Sửa lần cuối:

Jing

Deactive
Ðề: Người phụ nữ từ trẻ biến thành già ở Bến Tre có thể phục hồi 70%

híc, tội quá, nhưng mà trị đc 50% thì cũng đở đc nhiều rùi, nhìn hình ông bác sĩ khám bệnh tới chảy mồ hôi luôn o_O
 

huongbien198

Độc Thân Hội
Ðề: Người phụ nữ từ trẻ biến thành già ở Bến Tre có thể phục hồi 70%


Còn Tuyển, ngoài việc đắn đo không biết vợ chữa trị trong bao lâu, thời gian ấy lấy gì mà ăn, điều anh mong muốn lớn nhất là vợ khỏi đau nhức vì phù nề. "Nhan sắc phục hồi hay không, không quá quan trọng. Tôi chỉ muốn vợ mình bình an. Sau khi chữa lành, chúng tôi muốn làm đám cưới. Tôi muốn vợ mình cũng được một lần mặc áo cô dâu như những người vợ khác", chồng Phượng khẳng định.


Thật là một người chồng xứng đáng, yêu vợ, chung tình. Thật cao cả.
 

Thống kê

Chủ đề
102,155
Bài viết
469,742
Thành viên
340,380
Thành viên mới nhất
aecungchoidue
Top