Người tiêu dùng: thà "đau" còn hơn "phiền toái"

Nhiều năm nay, người tiêu dùng bức xúc vì bị “chặt chém” dọc đường, bị lừa dùng hàng rởm, bị ăn bớt, bán gian...

... Thế nhưng, đa số nạn nhân vẫn giữ thói quen “thà chịu thiệt chứ không… phiền toái”. NTD Việt Nam đang bị xâm hại quyền lợi hàng ngày song vẫn chưa được can thiệp, giải quyết thỏa đáng.
40 km, 3 cái săm, 5 lần vá!
Chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Thu Hương (Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội), “nạn nhân” ngồi cùng ở hiệu sửa xe tại thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng - khi chị còn chưa hết “nóng”. Chị Hương bức xúc kể lại sự việc vừa trải qua: “Chưa bao giờ trong một buổi sáng đi chưa được 40km đường phải thay 3 cái săm xe máy. Khổ nhất là dắt xe đến kiệt sức. Đã hao của còn nhỡ việc!”. Số là, chị từ Hà Nội đi công tác về xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, vừa đi qua cầu Phùng thì xe thủng lốp. Giữa đoạn đường hai bên chỉ có đồng với ruộng, phải đẩy xe hàng cây số mới thấy hiệu sửa xe. Mừng như vớ được của chị vội gọi thợ ra sửa, ngay lập tức bị “phán” xe của chị phải thay săm mới. Đồng ý giá 90.000 đồng, chị biết chính xác đắt gấp đôi so với những hàng sửa xe trong khu dân cư nhưng cũng đành chấp nhận cho được việc.
Thế nhưng chưa hết chuyện, từ Phúc Thọ đến Thạch Thất chỉ còn 10km nhưng chị Hương phải dừng lại thêm 2 lần nữa để vá săm. Mỗi lần đưa xe vào hiệu chị lại nhờ thợ và tự tay rà kỹ trong lốp, ngoài lốp cũng không thấy vật gì có thể làm thủng săm xe. “Thế mà từ 9h30 sáng đến gần 2h chiều chúng tôi thay 3 chiếc săm, vá 5 lần mới về được đến Hà Nội”, chị Hương nói. Lần cuối thay săm xe tại cửa hàng bảo dưỡng xe máy rất lớn, chị để ý nhìn kỹ và so sánh hai chiếc xăm thì phát hiện loại săm ông thợ trước thay cho không có nhãn mác, thương hiệu gì in trên đó và rất dễ mủn, miếng vá dễ bị bong. Chị kết luận: “Hai cái thay dọc đường chắc là săm giả cô ạ! Vì tôi tìm rất kỹ trên săm không có lấy một chữ, hay con số nào trong khi săm chính hiệu có in rõ thương hiệu, số má. Giờ nghĩ lại sự cố đó tôi vẫn thấy sợ quá, hỏng xe đường xa vừa bị “chém đẹp” vừa dính hàng giả. Thiệt hại kinh tế không đáng bao nhiêu nhưng nghĩ lại cảnh thót bụng đẩy xe cả ngày hôm nay thì nhớ cả đời”.
1310547184-nguoitieudung-gctt-eva.jpg

Nhiều sản phẩm ăn theo thương hiệu, tại nhãn mác giả. (Ảnh minh họa)
Kính giả “nghìn đô”, kem ngoại... tẩy da
Một trường hợp khác cũng bị lừa mua hàng giả là chị Thanh Hà ở đường Nguyễn Sơn, Gia Lâm (Hà Nội). Móc lọ kem dưỡng da Hàn Quốc từ trong túi, chị đưa chúng tôi xem. Chúng tôi tìm mỏi mắt không có một chữ tiếng Việt nào của nhà nhập khẩu ngoài tiếng Hàn, cũng không có hạn sử dụng. Tất cả chỉ là chị Hà tin tưởng vào lời quảng cáo êm tai của nhân viên cửa hàng nên mua về dùng. Thoa được 2 - 3 lần thì mặt nổi mụn đỏ, tìm gặp bác sĩ da liễu, chị được kết luận bị viêm da. “Dù có đến cửa hàng đòi hỏi quyền lợi cũng không giải quyết được gì vì tôi chẳng có bằng chứng. Im lặng và tránh xa nó ra thôi!”, chị Thanh Hà buồn rầu nói.
Không phải hàng mua dọc đường mà ngay tại các cửa hàng lớn có uy tín ngay giữa trung tâm Thủ đô cũng có rất nhiều hàng giả, hàng nhái. Anh Mạnh ở khu đô thị Linh Đàm, Hoàng Mai kể lại: “Tôi mua chiếc kính mát hiệu Raybon tại một cửa hàng tên tuổi trên phố Bà Triệu với giá hơn 800 USD. Thế nhưng mới dùng một thời gian ngắn, gọng kính hoen gỉ loang màu, tròng lóa gây nhức mắt. Đến cửa hàng đề nghị thay mắt kính khác thì đại diện cửa hàng từ chối với lý do, không chắc tôi có mua tại đây vì tôi không xuất trình được hóa đơn mua hàng”. Khốn khổ, cũng như anh Mạnh, chị Hà... có mấy khách hàng mua kính mát, kem dưỡng da lại đi lấy hóa đơn bao giờ? Thế nên khi xảy việc, nhiều NTD lớ ngớ không biết đường nào mà kêu. Nhiều người biết kêu thì lại rơi vào cảnh “con kiến kiện củ khoai” vì... không có chứng cứ.
Siêu thị cũng bày hàng “lởm”

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội tiêu chuẩn và bảo vệ NTD VN:
Tình trạng xâm phạm trong quá trình mua bán hàng hóa, sử dụng dịch vụ quá rõ ràng và vẫn đang diễn ra phổ biến. Điều đó cho thấy những giải pháp bảo vệ NTD thời gian qua không khả thi, thậm chí còn có sự buông lỏng. Vì vậy rất cần sự quan tâm, phối hợp của các ngành chức năng”.
Tình trạng khách hàng “tố” mua phải hàng kém chất lượng tại một số siêu thị hay chưa hài lòng với chính sách chăm sóc khách hàng đang được các siêu thị áp dụng cũng đã xuất hiện. Đặc biệt, hoạt động khuyến mại, quảng cáo tại các siêu thị diễn ra rầm rộ nhưng việc quản lý các hoạt động này lại là một vấn đề còn nhiều bất cập.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng đối với một siêu thị lớn ở Hà Nội đã phát hiện hàng loạt sản phẩm trái cây tươi rói, đủ màu sắc, chủng loại được đóng gói đều vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Lại còn có người tiêu dùng gọi đến Văn phòng Tư vấn khiếu nại (Trung ương Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam) khiếu nại mua laptop tại một siêu thị điện máy, sau 7 ngày đã phải bảo hành. Sau khi bảo hành quá nhiều lần nhưng vẫn hỏng, khách hàng đề nghị đổi thì bị từ chối. Nhiều phụ nữ mua mỹ phẩm tại các siêu thị cũng phản ánh là mình bị “dính hàng lởm” khi phát hiện được thì đã lãnh hậu quả...
Gần đây nhất, anh Hùng ở Hà Đông đến một siêu thị điện máy có tiếng trên địa bàn để mua một chiếc máy giặt. Nhân viên siêu thị vừa lắp đặt xong, anh thử khởi động, máy nước bắn tung tóe, xem xét kỹ bên trong thì phát hiện cái lồng giặt bị vỡ. Anh Hùng cho biết: “Tôi đã gọi điện đến siêu thị, siêu thị đưa nhân viên đến bảo dưỡng. Nhưng tôi vẫn không yên tâm và muốn yêu cầu họ đổi cho tôi cái khác, tôi vẫn đang chờ họ hồi âm”. Nhiều người khẳng định những trường hợp nêu trên không phải là cá biệt trong các siêu thị.
Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa là 1 trong 8 quyền của người tiêu dùng. Nhãn hàng hóa là nơi cung cấp những thông tin cần thiết cho người tiêu dùng mà pháp luật đã quy định rất cụ thể. Vậy nhưng, ở nhiều siêu thị và trên thị trường, vi phạm này còn tồn tại phổ biến. Thực tế, có nhiều loại hàng hóa khiến NTD mập mờ về thông tin, trong khi đó lại không kiểm định được chất lượng qua trực quan mà chỉ phát hiện khi đã sử dụng nên NTD không dễ dàng gì trong việc tìm bằng chứng khiếu nại hay “làm khó” nhà sản xuất, kinh doanh. Đa số NTD Việt Nam khi bị lừa đau cũng đều... “ngậm bồ hòn làm ngọt”.


Theo Lê Hường – Thu Thảo (Gia đình)
 
  • Chủ đề
    2011 anh hung bảo cần chất lượng của hay hóa kết màu mua bán hàng hóa nhất phạm phát phố sử dụng thể thông tin tiếng việt tin tình tung văn việt nam với
  • Top