Nhà văn không có quyền nhìn sự thật một cách giản đơn và nhà văn cần phấn đấu đào xới bản chất con người

Đề bài chi tiết: Về cách nhìn hiện thực của người nghệ sĩ, Nguyễn Minh Châu cho rằng: "Nhà văn không có quyền nhìn sự thật một cách giản đơn và nhà văn cần phấn đấu đào xới bản chất con người vào các tầng sâu lịch sử". Làm sáng tỏ ý kiến qua "Chiếc thuyền ngoài xa" (Nguyễn Minh Châu) và "Một người Hà Nội" của Nguyễn Khải

Nguyễn Minh Châu có lần từng nói: “Nhà văn không có quyền nhìn sự thật một cách giản đơn và nhà văn cần phấn đấu đào xới bản chất con người vào các tầng sâu lịch sử". Hiện thực luôn là mảnh đất màu mỡ để các nhà văn đào xới và làm nên những áng thơ, áng văn tuyệt bích. Tinh thần dân chủ sau 1975 đã góp phần tạo nên hiện thực đa chiều, nhiều chiều, thay đổi cách nghĩ của con người. “Chiếc thuyền ngoài xa” – Nguyễn Minh Châu và “Một người Hà Nội” – Nguyễn Khải đã làm nổi bật điều ấy.

Nguyễn Minh Châu có đôi lần tâm sự: "Tác phẩm lớn là gì? Bốn mươi triệu dân của đất nước Tây Ban Nha được nhân loại biết đến và kính trọng bằng một lão gàn vĩ đại vì mang trên mình tính ảo tưởng muôn đời của toàn thể nhân loại. Và gần một tỉ người của đất nước Trung Hoa được nhân loại thấu hiểu sâu sắc bằng một anh chàng nông dân A.Q. Cả Đôn Ki-hô- tê lẫn A.Q chẳng hề làm xấu Tây Ban Nha hay Trung Quốc, mà làm đẹp cho cả hai đất nước này.” Đã bao lần câu hỏi: “Tác phẩm chân chính là gì?” vang lên trong lòng nhân loại? Phải chăng đó chính là tác phẩm phản ánh hiện thực ở bề sâu, bề xa, để thấu rõ bản chất tốt đẹp ở con người, để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn? Cho nên, Nguyễn Minh Châu- nhà văn của những triết lí, những tư duy đa chiều đã có suy nghĩ: "Nhà văn không có quyền nhìn sự thật một cách giản đơn và nhà văn cần phấn đấu đào xới bản chất con người vào các tầng sâu lịch sử". Điều này càng trở nên cấp thiết hơn trong giai đoạn văn học sau 1975, thời kì tính dân chủ lên ngôi trong những sáng tác, trở thành một xu hướng mới trong văn học Việt Nam hiện đại.

nguyen-minh-chau-chiec-thuyen-ngoai-xa.jpg

BÀI VIẾT LÀM SÁNG TỎ Ý KIẾN CỦA NGUYỄN MINH CHÂU QUA "CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA" VÀ "MỘT NGƯỜI HÀ NỘI"
Ai đó đã từng ví văn học và cuộc sống như thần Ăng-tê và Đất Mẹ. Thần trở nên vô địch khi đặt chân lên Đất Mẹ cũng như văn học chỉ dũng mãnh nếu gắn liền với hiện thực. Nhưng với Nguyễn Minh Châu, hiện thực không đơn thuần chỉ là hiện thực, mà "Nhà văn không có quyền nhìn sự thật một cách giản đơn và nhà văn cần phấn đấu đào xới bản chất con người vào các tầng sâu lịch sử". Điều này được thể hiện rõ nét qua "Chiếc thuyền ngoài xa" và "Một người Hà Nội".

"Không có nghệ thuật nào không là hiện thực" (Grandi). Hiện thực xã hội là mảnh đất tự nhiên, chất sống của một tác phẩm văn học, làm nên tính đúng đắn, chính xác, chân thực cho một tác phẩm nghệ thuật. Những áng văn kinh điển bao giờ cũng chở được những tư tưởng thời đại trên đôi cánh hiện thực. Hiện thực đã hóa thân vào trong trang viết, tăng độ chính xác trong mọi câu chuyện kể và làm phông nền cho một nhà văn xuất hiện. Một tác phẩm có giá trị bao giờ cũng cho ta nhận thức về hiện thực trước nhất, nhận thức được những quy luật và chân lí đời sống. Nam Cao đã đưa ta đến với bức tranh của làng Vũ Đại ngày ấy, thấy rõ tình cảnh nghèo khổ và đớn đau của người nông dân trước cách mạng. Đôi cánh hiện thực đã mang chở triết lí, ý nghĩa mà nhà văn đã và đang gửi gắm.

Nhưng nhà văn không được phép "nhìn đời thực một cách giản đơn". Hiện thực trong văn học là thứ hiện thực được lọc qua lăng kính và góc nhìn của người nghệ sĩ, được thổi vào đó hơi ấm của thời đại và sức nặng của tư tưởng người viết. Hiện thực trong cuộc sống không nằm thẳng đơ trên trang giấy mà phải hòa tan mình vào câu chữ, trở thành linh hồn cho tác phẩm. Như Biêlinxki đã nói: "Tác phẩm sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả, nếu nó không phải tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan, nếu nó không phải là một câu hỏi hoặc một câu trả lời cho câu hỏi đó". Cái sáng tạo thể hiện ở chỗ hiện thực qua ngòi bút của tác giả không giản đơn, không một chiều, nó ẩn chứa góc nhìn đa chiều, khám phá độc đáo để làm nên sức sống của tác phẩm và chính tài năng của tác giả đã làm nên điều ấy.

Trách nhiệm của một nhà lao động sáng tạo là dựa vào hiện thực để thấu hiểu bản chất con người ở tận sâu cùng của tâm thức. Văn học sinh ra không chỉ để phản ánh đời sống, không bê nguyên si, không phải ghi chép mọi sự kiện diễn ra trong đời sống. Nó là một tấm gương soi chiếu bản chất của con người qua cái nhìn đa dạng của tác giả. Từ đó, người nghệ sĩ góp phần thể hiện nhiều bộ mặt khác nhau của nhân vật, hiểu thấu bản chất và quy luật khiến văn học tiến gần với đời sống, trở nên bao dung và vị tha. Tác phẩm nghệ thuật chân chính thực sự phải nối liền khoảng cách không gian và thời gian, kéo người lại gần với người. Đó cũng là lí do vì sao văn học luôn phải đào xới vào tầng sâu tâm hồn con người. Bởi chỉ khi đi sâu vào tìm hiểu và khám phá, ta mới thấu rõ bản chất của con người, để có cái nhìn toàn vẹn và sâu sắc hơn.

Sau khi đất nước thống nhất vào năm 1975, những áng thơ, áng văn kháng chiến đã tạm lui để nhường chỗ cho những tác phẩm mang dấu ấn của tinh thần dân chủ. Cái nhìn đa chiều để khám phá và đào xới vào tầng sâu tâm hồn con người cùng với cảm hứng giải thiêng đã khoác cho văn học một tấm áo mới, đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của nền văn học. Tư duy đa chiều đã giúp các nhà văn đi sâu khám phá những tầng vỉa tính cách và con người nhân vật, cho ta một cái nhìn toàn vẹn nhất về bản chất của con người và đời sống.

Là nhà văn có một nỗi trăn trở day dứt cho văn chương nghệ thuật, Nguyễn Minh Châu đã dùng cả đời viết văn của mình đi tìm kiếm câu trả lời cho bản chất con người. Đến với "Chiếc thuyền ngoài xa", một tác phẩm xuất sắc đó cũng khiến cho người đọc phải phản tỉnh để tìm một lối đi khác trong việc nhìn thấu bản chất con người. Tư tưởng đó được nhà văn gửi gắm qua nhân vật Phùng - một nhiếp ảnh gia đang đi tìm một bức ảnh để đưa vào bộ lịch năm mới. Là một người nghệ sĩ, Phùng nhìn cuộc đời mới sau chiến tranh bằng một cái nhìn màu hồng với cuộc sống êm ả. Trước mắt anh là một "cảnh đắt trời cho" với ánh dương hồng hồng và cuộc sống mưu sinh lương thiện của những người dân miền biển. Sau chiến tranh, hướng về cuộc sống mới, anh nghĩ rằng cuộc đời quá sức tươi đẹp cho nên anh vô cùng bàng khoàng khi chứng kiến cảnh người đàn bà hàng chài bị chồng đánh đập ngay trước cảnh đắt của thiên nhiên đất trời, càng ngỡ ngàng hơn khi chứng kiến cảnh con đánh bố để bảo vệ mẹ. Những nghịch lí diễn ra ngay trước mắt anh khiến anh không khỏi bàng hoàng và căm phẫn. Hóa ra trong cuộc đời mới, một cuộc sống màu hồng với ánh dương của bình minh đang lên, vẫn tồn tại ở đó những mảnh đời bất hạnh, tất tả ngược xuôi trong cuộc mưu sinh vất vả, vẫn còn đó cảnh tượng đánh đập, thói vũ phu như người ta thường thấy ở thời phong kiến.

Nhưng đến khi vào tòa án huyện, Phùng mới chính thức phản tỉnh và nhận ra những quy luật đời sống. Trước đây, với cương vị là một người lính đã từng vào sinh ra tử, anh cứ nghĩ bản thân mình đã trải qua một trận chiến tàn khốc nhất. Nhưng cuộc sống sau chiến tranh mới thực sự khốc liệt hơn hết thảy, anh nhận ra dù mình có là anh hùng trong trận chiến thì cũng chỉ là binh nhì trong cuộc sống. Người đàn bà hàng chài vô danh, vô học ấy đã dạy cho hai người trí thức một bài học nhớ đời về việc nhìn đời, nhìn người bằng cái nhìn đa chiều. Đối với thị, người chồng là một người mà thị mang ơn. Vốn là đứa con gái xấu xí, không ai thèm lấy, lão đã sẵn lòng lấy thị về để tránh cho thị một đời dở dang. Vợ chồng rau cháo nuôi nhau, chỉ vì thị đẻ nhiều quá mà gạo trong nhà lại cứ hết, lão mới thành ra như vậy. Đó là một người đàn ông vũ phu nhưng bản chất lại tốt đẹp. Hơn nữa, có lúc vợ chồng con cái quây quần bên nhau cũng có lúc vui. Người đàn ông ấy xét cho cùng cũng chỉ là nạn nhân của đói nghèo mà thôi. Thị kể về cuộc đời mình và nhất quyết không chịu bỏ chồng. Đàn bà trên sông nước phải hi sinh hơn nhiều người có nhà cửa trên cạn. Hai người trí thức há hốc mồm trước những lời lẽ sắc bén và chí tình của thị. Không một lời trách móc, thậm chí thị còn cầu xin quan tòa cho phép thị không bỏ chồng, một điều tưởng như cực kì nghịch lí lại xảy ra khiến hai người vô cùng sửng sốt. Người đàn bà tưởng như ngu dốt, thất học ấy lại đang dạy cho hai người trí thức cách nhìn đời và nhìn người. Phùng thấy trong cuộc sống không chỉ có chiếc thuyền ngoài xa đẹp đẽ trong ánh dương hồng của buổi bình minh đang tới, chiếc thuyền ấy còn mang lên bao số phận ngặt nghèo, những mảnh đời cơ nhỡ mà nếu không đi sâu vào tìm hiểu họ, chúng ta sẽ mãi hiểu lầm và sai sót. Do đó, đừng nhìn đời một cách giản đơn, hãy chịu khó tìm tòi và khám phá, để thấu hiểu con người và số phận họ, để cảm thông và sẻ chia, để yêu thương và gắn kết. Đó phải chăng là thông điệp mà nhà văn họ Nguyễn muốn gửi gắm?

Cùng với Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải là một nhà văn xuất sắc trong câu chuyện về con người thời kì hậu chiến. "Một người Hà Nội" kể về nhân vật cô Hiền - một người đàn bà Hà Thành chính gốc luôn bị gắn mác là "tư sản". Chính cô đã có lần tâm sự: "Tao có một bộ mặt rất tư sản, một lối sống rất tư sản, nhưng tao không bóc lột ai, thì sao gọi là tư sản được." Trong thời chiến, thiếu thốn trăm bề nhưng cô vẫn giữ cốt cách của một người Hà Nội bởi:

“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch vẫn người Tràng An"

Thế nhưng một người lính như nhân vật "tôi" lại thấy đó là một "bà tư sản" chính gốc cần phải lánh xa. Trong xã hội thời đó, những gì thuộc về "tư sản" đều sẽ bị ghẻ lạnh bởi tư sản thuộc về thực dân, tư sản thuộc hoàn toàn về phe đối lập với cách mạng. Tư tưởng một chiều đó đã đi theo nhân vật tôi suốt những tháng năm kháng chiến, để rồi chính ông cũng có cái nhìn dè dặt về người cô của mình. Nhưng phải ngồi và tâm tình với cô Hiền, nhân vật tôi mới thấu hiểu được cô là người phụ nữ trải đời, biết đời, luôn giữ được những nét đẹp truyền thống của Hà Nội. Là một người Hà Nội, bà Hiền có ý thức sâu sắc về điều đó như một giá trị, một đòi hỏi cao về nhân cách, về lối sống. Bà luôn nhắc nhở các con: “Chúng mày là người Hà Nội thì cách đi đứng, nói năng phải có chuẩn, không được sống tuỳ tiện, buông tuồng”. Ở nhà, bà chú ý dạy con cái từ những điều nhỏ nhất trong cuộc sống. Ngồi vào bàn ăn, bà chú ý sửa cho con cách cầm đũa, cách múc canh, đến việc nói chuyện trong bữa ăn. Bà quan niệm rất rõ ràng về vai trò “nội tướng” của người vợ. Bà nhắc nhở nhân vật “tôi”: “Mày bắt nạt vợ mày quá, không cho nó quyết định một thứ gì.” Suy nghĩ sâu sắc và hiện đại của người phụ nữ ấy khiến nhân vật “tôi” dần dần thay đổi suy nghĩ về bà, nhận thấy bản thân mình đang đi theo một lối đi phiến diện, một chiều.

Khi người người, nhà nhà còn đang hân hoan trước đại thắng độc lập, cô than phiền: "Vui hơi nhiều, nói cũng hơi nhiều, còn phải làm mà ăn nữa chứ". Không quá đỗi vui mừng trước thắng lợi đất nước, cô Hiền bộc lộ mình là một người phụ nữ thức thời, tỉnh táo, thậm chí còn tuyên bố: “Một đời tao chưa bị ai cám dỗ, kể cả chế độ.” Không phải là cô không vui khi nước nhà độc lập, cũng không phải cô thờ ơ hay vô tâm trước vận mệnh đất nước, cô Hiền đã có hai người con xung phong đi chiến trận, cô chỉ là hiểu rõ về đời, cô nhanh chóng thích ứng với chế độ mới trong khi nhiều người còn đang loay hoay và bỡ ngỡ, cô cũng nhận ra được những lệch lạc, ấu trĩ và sai lầm của chế độ. Người phụ nữ mang bộ mặt tư sản, lối sống tư sản nhưng thẳm sâu bên trong là vẻ đẹp trí tuệ, tỉnh táo, thức thời, cô cùng giữ lại những nét đẹp của người Tràng An, của đất Hà Thành. Những vẻ đẹp đó, nếu như nhà văn không trực tiếp, kiên trì đi vào sâu để khám phá thì khó có thể tìm ra được. Nói chung, vẻ đẹp khuất lấp trong sâu thẳm của nhân vật cô Hiền chỉ xuất lộ nếu có ai đó sẵn lòng tìm hiểu và lắng nghe, thay đổi cách nhìn để thấy được toàn diện con người. Cách nhìn đời, nhìn hiện thực đa chiều đã giúp nhà văn Nguyễn Khải nhận ra điều đó.

Trong văn học dân gian, đặc biệt là truyện cổ tích, chỉ có hai tuyến nhân vật chính diện và phản diện. Không bao giờ tồn tại trong con người rồng phượng và rắn rết, không ai lật rõ hai mặt của một vấn đề. Văn học hiện đại đã vứt bỏ quan niệm lỗi thời, lạc hậu đó, để đưa con mắt nhìn đời đa chiều, nhiều chiều để khám phá và xoay vần tình cách, để phơi bày tính cách của con người. Và đúng là hiện thực không hề giản đơn và người nghệ sĩ cần “phấn đấu đào xới bản chất con người vào các tầng sâu lịch sử" thì mới có thể khám phá ra bản chất vĩnh hằng của cuộc sống. Văn học sau 1975 với những cái tên Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Nguyễn Duy,... đã góp phần đem lại một cái nhìn đa dạng về hiện thực.

Bản thân hiện thực đi vào văn chương cũng là thứ hiện thực được lọc qua tâm hồn người nghệ sĩ. Hiện thực cuộc sống với đầy đủ cái đẹp, cái xấu cũng như sự buồn vui không dễ gì thoáng qua vả cảm nhận được ngay. Chỉ có tâm hồn nhạy cảm, tâm huyết với nghề mới nắm bắt được cái đẹp trong hiện thực để dù cho “mọi lí thuyết đều là màu xám, chỉ cây đời là mãi mãi xanh tươi.” (Gớt)

-Minh Anh-vfo.vn
 
  • Chủ đề
    chiếc thuyền ngoài xa một người hà nội nguyễn khải nguyễn minh châu
  • Top