Apple tuần trước đã phản đối quyết định của Tòa án Liên bang trong đó yêu cầu công ty này phải giúp FBI mở khóa iPhone của một kẻ khủng bố. Trong khi Tim Cook gọi yêu cầu này là nguy hiểm và chưa từng có tiền lệ, FBI lại khẳng định sự thiếu hợp tác của Apple đang làm cản trở tiến trình điều tra của họ.
Thực tế FBI không thể yêu cầu Apple phá vỡ công nghệ mã hóa đã được cài đặt trên iPhone vì Apple không có khả năng làm như vậy. Điều mà FBI muốn đó là Apple sẽ viết một phần mềm đặc biệt để giúp chiếc iPhone 5C của kẻ khủng bố có 4 chức năng đặc biệt sau đây mà những chiếc iPhone bình thường không có.
Thứ nhất, nếu mật khẩu được nhập sai 10 lần, thì dữ liệu cá nhân trong một chiếc iPhone có thể tự động bị xóa. FBI không muốn điều này xảy ra trên chiếc iPhone 5C đặc biệt đó. Thứ hai, vì bản thân Apple cũng không biết mật khẩu của chiếc iPhone 5C là gì, nên FBI muốn Apple điện tử hóa quá trình đoán mật khẩu. Điều này có nghĩa thay vì FBI kiểm tra bằng tay hàng nghìn lần, một chiếc máy tính sẽ được sử dụng để đoán mật khẩu của chiếc iPhone. Thứ ba, FBI muốn dỡ bỏ những khoảng thời gian chờ đợi mỗi lần một mật khẩu sai được nhập. Và cuối cùng, FBI đề nghị Apple phải giữ kín quá trình thay đổi tính năng iPhone của kẻ khủng bố, không được để lộ chi tiết nào ra ngoài.
Trong một bài đăng trên Twitter, CEO Apple, ông Tim Cook nhấn mạnh ông không muốn tạo ra một tiền lệ xấu, điều mà hacker có thể tận dụng để kiếm lời bất hợp pháp. Ông cho rằng những đề nghị từ phía Tòa án sẽ làm cho không chỉ chiếc iPhone của kẻ khủng bố trở nên dễ bị tổn thương, mà còn giảm chất lượng của tất cả sản phẩm iPhone trên thế giới này. “Quyết định của Tòa án đã đe dọa an toàn của những khách hàng của chúng tôi. Chúng tôi phản đối phán quyết này vì nó sẽ đem lại những hậu quả tiêu cực ngoài vụ việc pháp lý mà FBI đang điều tra”.
Trả lời phỏng vấn trang tin BBC, hầu hết chuyên gia công nghệ đều nhận định, Apple hoàn toàn có khả năng kỹ thuật để tuân thủ phán quyết của Tòa án. Chỉ cần áp dụng những quy tắc cơ bản trong thủ thuật “Phá khóa iPhone” (Jail-breaking) là cả bốn yêu cầu của FBI sẽ được đáp ứng. Thực tế, bản thân Apple chưa hề công bố rằng hãng không thể đáp ứng yêu cầu của FBI. Điều mà Apple tập trung vào là đưa ra những luận cứ tại sao những yêu cầu đó là không hợp lý.
Trong vụ việc pháp lý lần này, Apple và FBI đều có những người ủng hộ. Về phía Apple, thì đó là những người dùng trung thành của hãng, cùng với hàng loạt các tập đoàn công nghệ lớn như Google, Facebook, Microsoft, Samsung, bởi lẽ những công ty này sợ rằng mình có thể phải vướng vào vụ việc tương tự trong tương lại. Trong khi đó, về phía FBI, Nhà trắng và ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định họ ủng hộ 100% phán quyết của Tòa án. Một gia đình có con bị sát hại bởi khủng bố tại Anh thì nhận định Apple đang đánh đổi an ninh quốc gia để đảm bảo an toàn cho một kẻ sát nhân.
Apple có một vài ngày nữa để phản ứng lại quyết định của Tòa án, mà khả năng cao sẽ là một đơn kháng cáo. Như vậy, sự việc này có thể mất đến vài tháng, thậm chí là vài năm, để tìm ra người thắng, kẻ thua.
Nguyễn Mai Đức