Khi bông lúa vụ Đông Xuân (vào khoảng cuối tháng giêng, đầu tháng hai âm lịch) trổ bông là lúc me vào mùa. Năm vừa rồi nhuận một tháng nên mới đầu Tết đã thấy những mẹt me bày bán khắp các hội hè. Me đầu mùa nên chưa có trái chín, chủ yếu vẫn là me bùi, me dốt xen lẫn… me xanh.
Me xanh thì tất nhiên là chua lét, chỉ độ một hai trái đã đủ độ chua cho một nồi canh to. Me bùi đầu mùa ngon ngót vị ngọt, ba phần ngọt bảy phần chua - một sự kết hợp của tự nhiên dễ gây… chảy nước miếng mỗi người mỗi khi nghe tới. Để kiểm tra me bùi người ta cào lớp vỏ bùi bụi màu gạch hoặc màu trắng bạc bạc bên ngoài của trái me ra. Nếu là me bùi sẽ hiện ra một màu xẫm, me bùi càng lâu, màu càng tối lại. Me xanh thì lớp vỏ trong cùng cũng màu xanh và cả hột cũng xanh nốt vì từ khi me bùi, hột sẽ cứng dần và chuyển sang màu đen- dân gian ta gọi vậy chứ thật ra nó có màu nâu đậm của socola, chắc tại ông bà ta chưa biết đến màu của socola (!). Me xanh không bóc được vỏ bằng tay còn me bùi thì chuyện đó thật dễ dàng. Sau lớp vỏ nham nhám, thô thô ấy là một lớp cơm me màu trắng xanh, óng ánh lớp cát mịn bên ngoài. Còn me chín thì quá dễ nhận biết, chỉ cần bóp nhẹ trái me, nghe một tiếng “bộp” là lớp vỏ đã vỡ ra để ta có thể thấy rõ từng mắt me trong đó. Cơm me quắt lại, màu nâu thẫm.
Không biết ở nơi khác người ta có gọi không chứ ở Phù Cát quê tôi, vào quãng giữa thời gian me bùi và me chín, trái me có có một cái tên rất kêu: me mõ, chắc tại tiếng lộp bộp phát ra khi ta rung một chùm me ấy. Cơm me mõ vẫn còn màu xanh nhưng đã không còn gắn kết với lớp vỏ ngoài và đó là lí do âm thanh kia phát ra.
Khi tôi còn là một đứa trẻ con, làng tôi với hơn chục nóc nhà và cũng hơn ngần ấy cây me. Đặc điểm cây me của mỗi nhà lũ trẻ bọn tôi đều nhớ hết. Cây me nào to, cây me nào nhỏ, cách thức trèo mỗi cây bọn tôi đều biết tuốt. Me nhà nào là me trâu (me to), me nhà nào là me sẻ (me nhỏ). Nói không ngoa chứ nếu ai đó đánh dấu rồi trộn những trái me trong làng với nhau, bọn tôi đều có thể chỉ ra “xuất xứ” của từng trái một chính xác đến gần như là tuyệt đối.
Trong làng có một cây me “của chung”- đó là với bọn trẻ tụi tôi chứ nó có chủ hẳn hoi. Chủ của nó chuyển nhà đi nơi khác, thi thoảng mới ghé lại thăm vườn. Vì lâu lâu mới ghé nên ông chủ rào chắn rất kỹ, dưới gốc là cả đống tre gai còn bên trên là một vòng mây cũng lởm chởm là gai. Dù vậy, nhưng sức hấp dẫn của những quả me lủng lẳng, nên gần như trưa nào lũ trẻ cũng “thượng” được lên cây. Đó là những buổi trưa vui như hội mặc cho trời nắng nóng, mặc cho những ngọn đòn roi đang sẵn sàng của ba mẹ nếu bị phát hiện chúng tôi vẫn tụ tập quanh cây me chung. Muối ớt thật cay được chúng tôi giấu giếm giã sẵn, gói trong lá chuối khô, mỗi đứa vừa chấm vừa xuýt xoa. Trẻ con ham vui, nhiều khi chúng tôi có cảm tưởng mình có thể ăn me đến no mà không chán. Cho đến khi bữa cơm chiều dọn ra, và miếng cơm vừa đến răng đã phát hoảng vì cả hàm răng đã bị ê hết cả rồi.
Tôi rất thích nghe âm thanh lộp bộp, rào rào của từng nắm me được lũ bạn trên cây ném xuống đất: nghe rất tưng bừng, rộn rã đầy phấn khích. Khác với nhiều loại trái cây khác, trái me ngon nhất ở quãng đầu mùa, càng về sau cái vẻ ngon lành đến thèm thuồng của nó càng mất đi. Và đến khi toàn bộ trái trên cây me đều chín thì cây me đã vắng bóng lũ trẻ. Lúc này vào quãng tháng 3 âm lịch, lúa đang gặt ngoài đồng, tiếng con chim “bắt cô trói cậu” đã bắt đầu gọi nhau inh ỏi. Loài chim này xem bộ rất ham vui, hễ có con nào cất lên “cố cô cố cộ- cố cô cố cộ” thì lập tức sẽ có một tràng tiếng kêu đáp trả. Chúng tôi bắt chước tiếng chim kêu lừa đồng loại chúng, đứa nào kêu đạt sẽ được nhận lại một tràng âm thanh rền rã cả chiều quê của lũ chim.
Tôi vẫn thường nhớ về những buổi chiều muộn tháng ba, người lớn bảo trời nhá nhem tôi chứ còn với con mắt rất tinh thời nhỏ tôi vẫn có thể nhìn thấy rõ mọi thứ. Lựa lúc cả nhà không để ý tôi lỉnh luôn, thoắt cái chui qua bờ rào và đến ngay “cây me chung”. Và cứ thế tôi mê mải nhặt những trái me chín nhẹ tênh nhưng rất có sức hấp dẫn dưới gốc cây. Thích thú khi nghe những đợt gió mới thổi qua, me rơi rào rào, bộp bộp và sợ hãi khi thấy trời cứ tối dần đi. Những câu chuyện kể về ma của làng được nghe đâu đó bắt đầu ùa về và cứ lởn vởn, lởn vởn như thế cho đến khi tôi cảm thấy sống lưng mình lành lạnh, da gà nổi lên. Thưa thớt đâu đó tiếng con chim “bắt cô trói cậu” thấy yên lòng hơn nhưng cũng chẳng mở miệng đáp lại. Sợ. Đường về không chui rào nữa vì cái bụng chứa me to quá (nắm hai vạt áo buộc chặt trước bụng, me nhặt được cứ bỏ vào trong áo thế là xong). Bữa nào nhặt được nhiều, “bụng to lặt lè”, những trái me chín rỗng ruột va vào nhau sẽ phát ra những âm thanh rất vui tai. Kiểu nhà ở quê “gần nhà xa ngõ”, đi lòng vòng nửa làng mới về được đến nhà. Nhặt được nhiều me, vui thì vui thật nhưng không dám khoe, sợ bị đòn. Ấy vậy mà hôm sau, hôm sau nữa vẫn tiếp tục lỉnh việc nhà để đi nhặt me, mặc dù chẳng bữa nào ăn hết cho đến thật cuối mùa, me trên cây chẳng còn trái để mà rụng xuống nữa…
Thời hiện đại, cái gì người ta cũng bán bằng cân bằng ký. Me ở phố không bán theo xâu, theo chùm mà là theo ký, nhìn mãi nhưng chẳng thấy quen. Có lẽ nhìn chùm me xủng xoẻng dễ thấy… thèm hơn là nhìn một vốc me. Dạo trước “me cực ngọt” của Thái Lan tràn ngập, hai, ba chục ngàn đồng một ký, trái cụt ngủn, mập ú, ăn vào thì ngọt như cục đường. Thôi ta ra kia mua cục đường đen ăn có khi ngon hơn, đỡ bỏ hột. Đã là me thì phải chua, có chua có ngọt thì mới gây thèm, gây thèm không chỉ với bọn con gái chuyên ăn quà vặt. Vị chua của me là vị chua chua, ngọt ngọt tự nhiên rất đặc trưng và cũng rất khó quên...
Báo BĐ
Me xanh thì tất nhiên là chua lét, chỉ độ một hai trái đã đủ độ chua cho một nồi canh to. Me bùi đầu mùa ngon ngót vị ngọt, ba phần ngọt bảy phần chua - một sự kết hợp của tự nhiên dễ gây… chảy nước miếng mỗi người mỗi khi nghe tới. Để kiểm tra me bùi người ta cào lớp vỏ bùi bụi màu gạch hoặc màu trắng bạc bạc bên ngoài của trái me ra. Nếu là me bùi sẽ hiện ra một màu xẫm, me bùi càng lâu, màu càng tối lại. Me xanh thì lớp vỏ trong cùng cũng màu xanh và cả hột cũng xanh nốt vì từ khi me bùi, hột sẽ cứng dần và chuyển sang màu đen- dân gian ta gọi vậy chứ thật ra nó có màu nâu đậm của socola, chắc tại ông bà ta chưa biết đến màu của socola (!). Me xanh không bóc được vỏ bằng tay còn me bùi thì chuyện đó thật dễ dàng. Sau lớp vỏ nham nhám, thô thô ấy là một lớp cơm me màu trắng xanh, óng ánh lớp cát mịn bên ngoài. Còn me chín thì quá dễ nhận biết, chỉ cần bóp nhẹ trái me, nghe một tiếng “bộp” là lớp vỏ đã vỡ ra để ta có thể thấy rõ từng mắt me trong đó. Cơm me quắt lại, màu nâu thẫm.
Không biết ở nơi khác người ta có gọi không chứ ở Phù Cát quê tôi, vào quãng giữa thời gian me bùi và me chín, trái me có có một cái tên rất kêu: me mõ, chắc tại tiếng lộp bộp phát ra khi ta rung một chùm me ấy. Cơm me mõ vẫn còn màu xanh nhưng đã không còn gắn kết với lớp vỏ ngoài và đó là lí do âm thanh kia phát ra.
Khi tôi còn là một đứa trẻ con, làng tôi với hơn chục nóc nhà và cũng hơn ngần ấy cây me. Đặc điểm cây me của mỗi nhà lũ trẻ bọn tôi đều nhớ hết. Cây me nào to, cây me nào nhỏ, cách thức trèo mỗi cây bọn tôi đều biết tuốt. Me nhà nào là me trâu (me to), me nhà nào là me sẻ (me nhỏ). Nói không ngoa chứ nếu ai đó đánh dấu rồi trộn những trái me trong làng với nhau, bọn tôi đều có thể chỉ ra “xuất xứ” của từng trái một chính xác đến gần như là tuyệt đối.
Trong làng có một cây me “của chung”- đó là với bọn trẻ tụi tôi chứ nó có chủ hẳn hoi. Chủ của nó chuyển nhà đi nơi khác, thi thoảng mới ghé lại thăm vườn. Vì lâu lâu mới ghé nên ông chủ rào chắn rất kỹ, dưới gốc là cả đống tre gai còn bên trên là một vòng mây cũng lởm chởm là gai. Dù vậy, nhưng sức hấp dẫn của những quả me lủng lẳng, nên gần như trưa nào lũ trẻ cũng “thượng” được lên cây. Đó là những buổi trưa vui như hội mặc cho trời nắng nóng, mặc cho những ngọn đòn roi đang sẵn sàng của ba mẹ nếu bị phát hiện chúng tôi vẫn tụ tập quanh cây me chung. Muối ớt thật cay được chúng tôi giấu giếm giã sẵn, gói trong lá chuối khô, mỗi đứa vừa chấm vừa xuýt xoa. Trẻ con ham vui, nhiều khi chúng tôi có cảm tưởng mình có thể ăn me đến no mà không chán. Cho đến khi bữa cơm chiều dọn ra, và miếng cơm vừa đến răng đã phát hoảng vì cả hàm răng đã bị ê hết cả rồi.
Tôi rất thích nghe âm thanh lộp bộp, rào rào của từng nắm me được lũ bạn trên cây ném xuống đất: nghe rất tưng bừng, rộn rã đầy phấn khích. Khác với nhiều loại trái cây khác, trái me ngon nhất ở quãng đầu mùa, càng về sau cái vẻ ngon lành đến thèm thuồng của nó càng mất đi. Và đến khi toàn bộ trái trên cây me đều chín thì cây me đã vắng bóng lũ trẻ. Lúc này vào quãng tháng 3 âm lịch, lúa đang gặt ngoài đồng, tiếng con chim “bắt cô trói cậu” đã bắt đầu gọi nhau inh ỏi. Loài chim này xem bộ rất ham vui, hễ có con nào cất lên “cố cô cố cộ- cố cô cố cộ” thì lập tức sẽ có một tràng tiếng kêu đáp trả. Chúng tôi bắt chước tiếng chim kêu lừa đồng loại chúng, đứa nào kêu đạt sẽ được nhận lại một tràng âm thanh rền rã cả chiều quê của lũ chim.
Tôi vẫn thường nhớ về những buổi chiều muộn tháng ba, người lớn bảo trời nhá nhem tôi chứ còn với con mắt rất tinh thời nhỏ tôi vẫn có thể nhìn thấy rõ mọi thứ. Lựa lúc cả nhà không để ý tôi lỉnh luôn, thoắt cái chui qua bờ rào và đến ngay “cây me chung”. Và cứ thế tôi mê mải nhặt những trái me chín nhẹ tênh nhưng rất có sức hấp dẫn dưới gốc cây. Thích thú khi nghe những đợt gió mới thổi qua, me rơi rào rào, bộp bộp và sợ hãi khi thấy trời cứ tối dần đi. Những câu chuyện kể về ma của làng được nghe đâu đó bắt đầu ùa về và cứ lởn vởn, lởn vởn như thế cho đến khi tôi cảm thấy sống lưng mình lành lạnh, da gà nổi lên. Thưa thớt đâu đó tiếng con chim “bắt cô trói cậu” thấy yên lòng hơn nhưng cũng chẳng mở miệng đáp lại. Sợ. Đường về không chui rào nữa vì cái bụng chứa me to quá (nắm hai vạt áo buộc chặt trước bụng, me nhặt được cứ bỏ vào trong áo thế là xong). Bữa nào nhặt được nhiều, “bụng to lặt lè”, những trái me chín rỗng ruột va vào nhau sẽ phát ra những âm thanh rất vui tai. Kiểu nhà ở quê “gần nhà xa ngõ”, đi lòng vòng nửa làng mới về được đến nhà. Nhặt được nhiều me, vui thì vui thật nhưng không dám khoe, sợ bị đòn. Ấy vậy mà hôm sau, hôm sau nữa vẫn tiếp tục lỉnh việc nhà để đi nhặt me, mặc dù chẳng bữa nào ăn hết cho đến thật cuối mùa, me trên cây chẳng còn trái để mà rụng xuống nữa…
Thời hiện đại, cái gì người ta cũng bán bằng cân bằng ký. Me ở phố không bán theo xâu, theo chùm mà là theo ký, nhìn mãi nhưng chẳng thấy quen. Có lẽ nhìn chùm me xủng xoẻng dễ thấy… thèm hơn là nhìn một vốc me. Dạo trước “me cực ngọt” của Thái Lan tràn ngập, hai, ba chục ngàn đồng một ký, trái cụt ngủn, mập ú, ăn vào thì ngọt như cục đường. Thôi ta ra kia mua cục đường đen ăn có khi ngon hơn, đỡ bỏ hột. Đã là me thì phải chua, có chua có ngọt thì mới gây thèm, gây thèm không chỉ với bọn con gái chuyên ăn quà vặt. Vị chua của me là vị chua chua, ngọt ngọt tự nhiên rất đặc trưng và cũng rất khó quên...
Báo BĐ