Đối với những người dùng smartphone, việc truyền tải dữ liệu cho nhau là điều không hiếm gặp, chúng có thể là một bức hình bạn vừa chụp, một bài hát bạn vừa nghe muốn chia sẻ cho những người ngồi xung quanh… Với sự phát triển của công nghệ, việc truyền tải dữ liệu trở nên đơn giản hơn với ngày càng nhiều những giao thức xuất hiện, nhưng bên cạnh đó, chúng vẫn còn gặp một số bất cập nhất định về sự hỗ trợ của từng nền tảng, và một số những thiết bị riêng biệt được trang bị những giao thức khác nhau chẳng hạn.
Bài viết này sẽ giới thiệu một số cách để truyền tải dữ liệu giữa các thiết bị smartphone ở gần nhau trên 3 hệ điều hành thông dụng hiện nay là Android, iOS và Windows Phone, cũng như sự hạn chế của chúng.
Bluetooth
Ra mắt lần đầu tiên vào năm 1997, Bluetooth dần dần thay thế cho cổng giao tiếp bằng hồng ngoại bởi những tính năng ưu việt của nó: cho khoảng cách kết nối xa hơn, băng thông rộng, tốc độ truyền tải dữ liệu nhanh hơn, có khả năng truyền tải dữ liệu đồng thời đến nhiều thiết bị trong cùng một thời điểm… và chúng đã trở nên thông dụng hơn bao giờ hết, đến mức gần như tất cả các thiết bị hiện nay đều có Bluetooth trên các nền tảng Android, Windows Phone và BlackBerry OS, tuy nhiên thì rất lấy làm tiếc khi iPhone lại không có giao thức kết nối này.
Mặc dù vậy, Bluetooth không phải là không có những hạn chế. Nguyên nhân chính ở đây xuất phát từ nền tảng di động được cài đặt trên từng thiết bị cụ thể. Bên cạnh âm thanh, hình ảnh có những chuẩn định dạng chung mà bạn dễ dàng trao đổi giữa các thiết bị với nhau, thì mỗi nền tảng, có những file sử dụng các loại định dạng riêng biệt mà chỉ có hệ điều hành đó có thể đọc, và điều này khiến cho đôi lúc chúng ta không thể gửi được, hoặc nếu có được đi nữa thì chúng chả khác gì một tập tin được hiển thị trong máy mà chỉ có lựa chọn là xóa hay lưu lại mà thôi.
Near Field Communication (NFC) – Giao tiếp khoảng cách gần
Bên cạnh Bluetooth, trên vài thiết bị cao cấp sử dụng Android, Windows Phone và BlackBerry OS, chúng ta còn có lựa chọn khác để giao tiếp và truyền tải dữ liệu là NFC, và cũng giống như Bluetooth, những chiếc iPhone không hỗ trợ chuẩn giao tiếp này, và hình như Apple thích làm điều gì đó khác người thì phải.
NFC cho tốc độ truyền tải file lớn hơn so với Bluetooth, không những thế, chúng ta còn có nhiều tính năng khác sử dụng công nghệ NFC mà thường thấy nhất là các NFC Tag (gọi nôm na thà thẻ NFC), cho phép chúng ta mã hóa một vài thông tin quan trọng lên đó và chỉ có thể mở chúng ra bằng các thiết bị smartphone có NFC để đọc, hay bên cạnh đó, người ta thường dùng NFC để mở máy… rất tiện lợi.
Tuy nhiên thì NFC cũng có đặc điểm khá giống với việc kết nối hồng ngoại ngày xưa ở điểm việc phải ốp sát 2 cổng NFC của 2 thiết bị vào với nhau thì mới có khả năng truyền dữ liệu, và bất cứ thao tác nào tách hai thiết bị này ra cũng đều làm cho đường truyền bị ngắt ngay lập tức. Mặt khác, số lượng kết nối tại cùng một thời điểm cũng bị hạn chế khi chỉ có thể kết nối 1 thiết bị này với chỉ 1 thiết bị khác.
Bên cạnh đó, như đã nói ở phần Bluetooth thì việc hỗ trợ định dạng của tập tin đã tạo nên bức rào cản rất lớn không chỉ riêng nó mà còn ảnh hưởng tới cả giao thức NFC của chúng ta.
AirDrop
Mặc dù trên những thiết bị iPhone không có Bluetooth hay NFC nhưng bù vào đó, Apple lại trang bị một tính năng khác tương đương với tên gọi AirDrop.
AirDrop thực chất cũng chỉ là một chuẩn kết nối không dây tương tự như Bluetooth hay NFC để phục vụ việc truyền tải dữ liệu thông qua việc sử dụng phần cứng, nhưng điều đặc biệt ở đây lại do Apple tạo nên. Bằng việc từ chối sử dụng 2 chuẩn giao tiếp cơ bản và thông dụng trên iOS để tạo nên AirDrop, một dịch vụ riêng biệt của Apple thì hãng cũng có những động thái để không cho những hệ điều hành khác như Android, Windows Phone hay BlackBerry OS có thể sử dụng chúng, và biến AirDrop thành một dich vụ riêng biệt chỉ dành cho iOS. Đôi lúc cũng có nhiều người chê trách Apple về tính “tự kỉ” và khác người, nhưng cũng có thể dễ dàng hiểu được nguyên nhân đằng sau vấn đề này lại về mã nguồn cũng như về phần cứng được sử dụng trên các thiết bị chạy hệ điều hành iOS.
Thông qua Dropbox và những dịch vụ lưu trữ dữ liệu khác
Khi phần cứng là vấn đề gây trở ngại cho việc truyền tải dữ liệu thì các nhà phát triển lại tìm ra những cách khác để khắc phục chúng, mà đơn giản nhất là thông qua phần mềm, cụ thể ở đây là các dịch vụ lưu trữ trực tuyến như Dropbox, OneDrive…
Với việc sở hữu một tài khoản cá nhân, cộng thêm việc kết nối Internet thông qua Wifi/3G/4G LTE, chúng ta có thể dễ dàng đẩy một hoặc nhiều tập tin cần chia sẻ như ảnh, video, nhạc… lên các dịch vụ lưu trữ trên mạng hiện hành hiện nay và sau đó, có thể gửi đường link để download nó xuống cho bất kì ai mà bạn muốn, dĩ nhiên thì người nhận cũng cần phải có kết nối Internet đến hệ thống máy chủ và đôi khi là một tài khoản, nhưng điều này dễ thực hiện hơn, hiệu quả và đạt được độ tương thích cao hơn so với những phương thức Bluetooth, NFC, hay AirDrop kể trên. Mặt khác, bạn có thể sử dụng nó là nơi lưu trữ dữ liệu hữu dụng, phòng khi trường hợp máy bạn bị mất, hay bị lỗi cần phải cài lại hệ điều hành khiến cho toàn bộ dữ liệu bị mất…
Gửi tập tin thông qua Email
Bên cạnh việc chia sẻ thông qua các dịch vụ lưu trữ trực tuyến đã kể trên, chúng ta còn một cách đơn giản hơn để làm việc đó, bằng việc gửi thư điện tử - email.
Thông thường, việc chia sẻ thông qua Dropbox, OneDrive hay các dịch vụ tương tự thường dùng cho những tập tin lớn, ít quan trọng bởi vấn đề về bảo mật sẽ gặp rắc rối khi bạn vô tình quên mật khẩu đăng nhập hay để nó rơi vào tay một người khác và họ lợi dụng nó để ăn cắp dữ liệu chẳng hạn. Đối với những tập tin kích thước nhỏ liên quan đến công việc cần tốc độ xử lí nhanh gọn thì email là sự lựa chọn hợp lí hơn rất nhiều
Bên cạnh những phương thức vừa kể ở trên, chúng ta còn có nhiều những cách khác để truyền tải dữ liệu giữa các thiết bị smartphone ở gần nhau thông qua việc sử dụng các ứng dụng khác từ bên thứ 3, nhưng đôi khi có một vài phần mềm gặp một trục trặc về lỗi, hay tệ hơn là chúng chứa mã độc cũng như virus để ăn cắp dữ liệu của bạn. Ngoài ra, sự tương thích của chúng chỉ có ở từng hệ điều hành nhất định nên không được đưa vào bài viết này, mà thay vào đó, có thể là một bài khác giới thiệu một cách cụ thể về chúng sẽ được giới thiệu sau khi tìm hiểu kĩ càng hơn
Theo HowToGeek