Những cách mở bài so sánh liên hệ Việt Bắc với Tây Tiến hay nhất

Nền văn học Việt Nam 1945-1975 có rất nhiều tác phẩm có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn làm nên vẻ đẹp lạc quan của nền văn học. Vậy, khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn là gì mà lại được nhắc đến nhiều như vậy? Như ta đã biết, cảm hứng lãng mạn là cảm hứng thể hiện cái tôi tràn đầy tình cảm, cảm xúc, nó phát huy cao độ trí tưởng tượng để lí tưởng hóa hiện thực, làm cho hiện thực đẹp hơn so với bình thường. Bằng việc sử dụng cái yếu tố phóng đại, đối lập để tô đậm cái phi thường, hùng vĩ, tuyệt mĩ của cả thiên nhiên lẫn con người. Bên cạnh đó, khuynh hướng sử thi lại là khuynh hướng thể hiện cái tôi sẵn sàng xả thân, hi sinh tất cả cho lí tưởng chung của cộng đồng, của toàn dân tộc. Trong vô vàn những vần thơ thơm thảo ấy, tiêu biểu là bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu và “Tây Tiến” của Quang Dũng đã thể hiện được cả khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn tràn đầy. Sau đây, chúng tôi sẽ đưa ra một số mở bài liên hệ giữa hai tác phẩm này để làm rõ vẻ đẹp lạc quan của những người lính trong năm tháng chiến tranh. Có những mở bài chúng tôi sử dụng đặc điểm của nền văn học 30 năm chiến tranh 1945-1975. Có những mở bài chúng tôi làm lấy hình tưởng người lính cụ Hồ để dẫn dắt. Dù là trực tiếp hay gián tiếp thì mục đích cuối cùng cũng là hỗ trợ quá trình học tập và nghiên cứu của các bạn trở nên đơn giản và dễ dàng hơn. Hi vọng với 5 mở bài dưới đây các bạn có thể đút túi một mở bài để tham khảo cho bài văn của mình.

mo-bai-tay-tien-viet-bac.jpg

MỞ BÀI SỐ 1 LIÊN HỆ TÂY TIẾN VỚI VIỆT BẮC
Người lính là một hình tượng giàu tính thẩm mĩ trong văn học. Nhà thơ Hồng Nguyên đã từng đem đến tiếng cười trong trẻo của những người lính miền Trung chân chất, dễ thương qua bài thơ “Nhớ”. Ai đó đã từng yêu tha thiết vẻ mộc mạc của những chàng trai xuất thân nơi nước mặn đồng chua trong bài thơ “Đồng Chí” của Chính Hữu. Còn tôi, đắm say hình tượng người lính trong những chặng đường hành quân “nát đá”, “muôn tàn lửa bay”, những người lính dẫu trở về phố thị sáng đèn vẫn không quên đi tình cảm ân nghĩa thủy chung gắn bó suốt 15 năm dài. Những người lính qua ngòi bút của thi gia Tố Hữu dẫu khó khăn vẫn ẩn hiện tiếng cười, thấm đẫm tinh thần bi tráng của người lính cụ Hồ “ra đi không tiếc tuổi 20” những vẫn le lói cảm hứng lãng mạn thể hiện qua ánh mắt nhớ người yêu nồng đượm. Sự hào hùng mà lãng mạn đó, ta còn bắt gặp ở những người lính Tây Tiến. Ngược dòng thời gian về hai bài thơ này, ta sẽ cùng tìm hiểu vẻ đẹp của những con người ưu tú của dân tộc.

MỞ BÀI SỐ 2 LIÊN HỆ TÂY TIẾN VỚI VIỆT BẮC
Cuộc sống chính là một hành trình dài mà trên đó, những người nghệ sĩ tìm đến và để lại những mảnh kí hiểu lưu lại tên tuổi của mình. Những mảnh kí hiệu ấy chính là phong cách nghệ thuật của mỗi người, nó là khái niệm để chỉ những nét độc đáo, riêng biệt có phẩm chất thẩm mĩ được thể hiện một cách bền vững trong sáng tác của người nghệ sĩ trên cả hai phương diện nội dung và hình thức. Hay đôi khi phong cách nghệ thuật chính là cái nhìn phát hiện của người nghệ sĩ đối với hiện thực đời sống. Cái nhìn phát hiện ấy được thể hiện bằng những hình thức nghệ thuật độc đáo. Nói về nhà thơ Tố Hữu, ta không thể không nhớ đến phong cách “trữ tình chính trị” hay khi tìm về với Quang Dũng, ta sẽ mê đắm trong phong cách thơ “hồn hậu, phóng khoáng, lãng mạn, tài hoa” của ông. Những nét riêng biệt khi cầm bút của hai nhà thơ đều khắc họa thành công hình ảnh người lính hào hùng, bi tráng, dũng cảm, lãng mạn.

MỞ BÀI SỐ 3 LIÊN HỆ TÂY TIẾN VỚI VIỆT BẮC
Nền văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975 là nền văn học hướng về đại chúng. Văn học thời kì này tập trung khắc họa những nhân vật mang đậm tính thẩm mĩ: người lính, người em liên lạc, người mẹ tổ quốc, dân quân,..nhưng đặc biệt nhất vẫn là hình tượng người lính. Bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu và Tây Tiến của Quang Dũng chính là những bài thơ như thế. Với thể thơ lục bát tâm tình ngọt ngào cất lên điệu hồn ngàn đời của người dân Việt, Tố Hữu đã khắc họa thành công nỗi nhớ của nhân dân Tây Bắc với quần chúng Cách mạng đồng thời làm nổi bật vẻ đẹp hào hùng lãng mạn của những người lính sẵn sàng xả thân cho Tổ quốc. Đó là vẻ đẹp một tâm hồn đẹp, sống và chiến đấu hết mình của những người lính trong “Việt Bắc” và cả trong “Tây Tiến”.

MỞ BÀI SỐ 4 LIÊN HỆ TÂY TIẾN VỚI VIỆT BẮC
Văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975 là nền văn học tồn tại và phát triển trong 30 năm chiến tranh. Đó là 30 năm của máu, của nước mắt, của những vết tích khốc liệt mà bom đạn dày xéo, của niềm tin và hi vọng vào một tương lại chiến thắng, của bừng bừng lửa hận và ngút ngàn thương đau. Nhưng trên những mảnh đất bị bom đạn cào xé ấy, ta vẫn thấy những khát vọng, những ước mơ không gì lay chuyển của những trái tim cùng chung nhịp đập. Hiện thực đó đã chắp cánh cho những tác phẩm văn học mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn. Nhận định về nền văn học Việt Nam thời kì này, có khẳng định cho rằng: “Khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn đã làm cho nền văn học thấm nhuần tinh thần lạc quan, đồng thời vẫn đáp ứng được nhu cầu phản ánh hiện thực trong quá trình vận động và phát triển của cách mạng.” Cùng tìm đến “Việt Bắc” của Tố Hữu và “Tây Tiến” của Quang Dũng, ta sẽ thấy được tinh thần lạc quan của những người lính được xây dựng trên sự kết hợp nhuần nhuyễn của khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn.

MỞ BÀI SỐ 5 LIÊN HỆ TÂY TIẾN VỚI VIỆT BẮC
Tố Hữu đã từng khẳng định: “Tôi viết về Đất Nước và nhân dân tôi như viết về người tôi yêu.” Cảm hứng mãnh liệt đó khiến cho các sự kiện lịch sử chính trị khi đi qua trái tim rất nhạy cảm của Tố Hữu đều trở nên rất đỗi trữ tình. Trong mỗi dòng thơ của Tố Hữu ta không chỉ thấy hơi thở của thời đại mà còn thấy được tiếng lòng thổn thức của con người, của nhân dân trước những biến động lịch sử. Nếu hội họa phản ảnh cuộc sống bằng màu sắc, điêu khắc mang đến hình khối, âm nhạc cho ta giai điệu thì chỉ có thơ ca mới đồng thời cho ta cả họa cả nhạc và tấm chân tình của người nghệ sĩ. Tố Hữu đã viết bản tình ca về đất nước Việt Nam bằng ngôn từ được chắt chiu từ mối tình vĩ đại với Tổ Quốc. Trong những vần thơ ấy, ta bắt gặp hình ảnh những người lính anh dũng kiên cường, bắt gặp cả khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ dữ dội nhưng cũng rất đỗi lãng mạn trữ tình. Việt Bắc là một bài thơ như thế, Tây Tiến lại càng thế.
 
  • Chủ đề
    liên hệ mở bài tây tiến việt bắc
  • Top